Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả xã hội hóa dịch vụ công ở Việt Nam

ĐỖ ANH ĐỨC (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) - NCS. LÊ HÙNG SƠN (Tỉnh đoàn Quảng Ninh)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, một trong những thách thức lớn đối với Chính phủ ở nhiều nước là nền hành chính công phải giải quyết nhiều hơn những vấn đề phức tạp của đời sống, kinh tế - xã hội. Để vượt qua những thách thức này, đòi hỏi hành chính công ở các nước phải thay đổi mạnh mẽ và tích cực hơn.

Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và cải cách hành chính nhà nước. Việc nâng cao hiệu quả của xã hội hóa dịch vụ công là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Bài viết phân tích thực trạng đồng thời đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả của xã hội hóa dịch vụ công trong thời gian tới.

Từ khóa: Dịch vụ công, xã hội hóa dịch vụ công, cải cách hành chính nhà nước, Việt Nam.

1. Thực trạng xã hội hóa dịch vụ công ở Việt Nam

1.1. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công

Tư tưởng về xã hội hoá dịch vụ công được hình thành từ Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khoá VII) - “Đa dạng hóa các hình thức tổ chức chăm sóc sức khỏe (nhà nước, tập thể, nhân dân) trong đó y tế nhà nước là chủ đạo”, và được chính thức đưa vào trong văn kiện Đại hội Đảng VIII - “Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội”.

Nghị quyết Đại hội Đảng IX đã khẳng định: “Các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hoá, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội”. Văn kiện Đại hội Đảng X tiếp tục cụ thể hóa: “Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo” và “Xúc tiến xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin với bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã khẳng định: “Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, đặc biệt là cho những vùng nghèo, người nghèo, bảo đảm những dịch vụ cơ bản cho nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, vận dụng hợp lý những mặt tích cực của cơ chế thị trường”.

Thể chế hoá chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 21/8/1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế và văn hóa; Nghị định số 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 của Chính phủ, vấn đề dịch vụ công được đề cập rất cụ thể: “Xây dựng quan niệm đúng đắn về dịch vụ công. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, nhưng không phải vì thế mà mọi công việc về dịch vụ công đều do cơ quan nhà nước trực tiếp đảm nhiệm. Trong từng lĩnh vực cần định rõ những công việc mà Nhà nước phải đầu tư và trực tiếp thực hiện, những công việc cần chuyển giao cho các tổ chức xã hội đảm nhiệm”.

Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao khẳng định: Xã hội hoá nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao. Các nhiệm vụ đẩy mạnh xã hội hóa chủ yếu gồm:

1) Nhà nước đổi mới cơ chế chính sách, đổi mới phương thức cơ cấu đầu tư;

2) Chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ;

3) Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình dân lập và tư nhân;

4) Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Như vậy, theo tinh thần các văn kiện của Đảng và Nhà nước, xã hội hoá chính là huy động nguồn lực từ trong nhân dân và sự tham gia của người dân vào việc giải quyết các vấn đề thuộc chính sách xã hội của Nhà nước, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo các dịch vụ công cơ bản cho người dân.

1.2. Những kết quả đạt được và hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ công

1.2.1. Kết quả đạt được

Thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành quả từ việc xã hội hóa dịch vụ công trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Có thể thấy nó đã đem lại những lợi ích không thể phủ nhận. Bắt đầu từ thay đổi nhận thức về vai trò của Nhà nước đối với các dịch vụ công liên quan đến thủ tục hành chính - lĩnh vực mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách - thì hiện nay đã chuyển giao một phần cho các tổ chức ngoài nhà nước.

Các chính sách, quy định làm cơ sở cho việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đã được Chính phủ nghiên cứu, ban hành nhằm thu hút các nguồn lực tham gia vào hoạt động phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết quả cho thấy, hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ công ngoài công lập ngày càng phát triển, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu của xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao… tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn người.

Mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo, dạy nghề ngoài công lập đã được mở rộng ở các cấp học. Trình độ đào tạo; tỷ lệ học sinh, sinh viên ở các trường ngoài công lập ngày càng tăng. Nhiều cơ sở y tế ngoài công lập được thành lập ở các địa phương, thực hiện cấp cứu, khám chữa bệnh cho hàng triệu lượt người, góp phần giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Các cơ sở cung ứng dịch vụ văn hóa và thể dục thể thao ngoài công lập tăng nhanh, thu hút được nhiều nguồn lực, nhiều thành phần kinh tế trong xã hội tham gia.

Có thể thấy, Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động được nhiều nguồn lực xã hội để cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho các lĩnh vực dịch vụ công, tạo điều kiện cho ngân sách nhà nước tập trung đầu tư phát triển các cơ sở công lập phục vụ những vùng nghèo, người nghèo và đảm bảo những dịch vụ cơ bản như: Giáo dục phổ cập; Các chương trình mục tiêu quốc gia; Y tế dự phòng, y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ cơ bản cho các đối tượng chính sách, người nghèo...

Đẩy mạnh xã hội hóa bằng việc khuyến khích thành lập các cơ sở ngoài công lập, mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở này; thúc đẩy việc hình thành cơ chế cạnh tranh giữa các loại hình tổ chức cung ứng dịch vụ công lập và ngoài công lập nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm và mở rộng sự tham gia của toàn dân vào sự nghiệp phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… của đất nước.

1.2.2. Hạn chế

Thực tế hiện nay, việc tăng nhanh số lượng các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải có những biện pháp quản lý mới, nội dung và phương thức quản lý cần phải thay đổi do có nhiều vấn đề nảy sinh trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân thường chú trọng đến lợi nhuận nhiều hơn nên có xu hướng đẩy cao giá dịch vụ, các loại phí dịch vụ bị điều chỉnh tùy tiện, chất lượng dịch vụ không tương xứng, cơ chế tài chính không minh bạch, nhiều cơ sở tư nhân được thành lập tự phát khó kiểm soát được chất lượng. Ví dụ như, hàng loạt trường mầm non tư thục thành lập nhưng không đáp ứng đủ về không gian cho trẻ, thực phẩm và các điều kiện chăm sóc trẻ cũng không được đảm bảo, thiếu giáo viên cơ hữu; các cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng được yêu cầu, nâng tùy tiện giá thuốc; các hãng phim chạy theo xu hướng giải trí rẻ tiền, thiếu định hướng...

Tất cả đang đặt ra vấn đề về kiểm soát chất lượng đối với các dịch vụ được khối tư nhân cung ứng cho xã hội. Tất nhiên, tình trạng kém chất lượng trong cung ứng dịch vụ không bắt nguồn từ việc xã hội hóa, tuy nhiên, mức độ xã hội hóa ồ ạt, thiếu kiểm soát rõ ràng đã tác động tiêu cực đến quyền lợi của người thụ hưởng dịch vụ. 

1.2.3. Nguyên nhân của những hạn chế còn tồn tại:

Thứ nhất, các cấp, các ngành quan niệm về xã hội hóa chưa toàn diện và đầy đủ, chỉ mới xem xã hội hóa là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân tạm thời trong điều kiện Nhà nước đang khó khăn về tài chính và ngân sách; và chưa thực sự quyết tâm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dịch vụ công.

Thứ hai, một bộ phận cán bộ, công chức và người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự cung cấp của Nhà nước, trong khi đó, việc quán triệt, tuyên truyền về mục tiêu, sự cần thiết của xã hội hóa chưa được quan tâm đúng mức.

Thứ ba, những chính sách, quy định, cơ chế để thu hút đầu tư của các nguồn lực xã hội nhằm phát triển các dịch vụ công ngoài công lập chưa đủ thu hút, chưa đủ mạnh. Các chính sách đòn bẩy kinh tế như thuế, tín dụng, đất đai, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội chưa được triển khai thực hiện đồng bộ và nhất quán để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các cơ sở dịch vụ ngoài công lập. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của Nhà nước còn chưa quyết liệt.

Thứ tư, thói quen bao cấp, cửa quyền của cơ quan nhà nước chưa xóa bỏ hết, đồng thời chưa hình thành được thói quen về yêu cầu xã hội hóa dịch vụ công trong xã hội. Trong khi đó, tính tự phát của thị trường và người dân phát sinh khá phổ biến gây ra nhiều khó khăn cho những người muốn sống đúng pháp luật hay cạnh tranh lành mạnh. Nạn hối lộ, tham những lớn nhỏ diễn ra khắp nơi mà chưa được xử lý triệt để. Đó là khó khăn cho xã hội hóa dịch vụ công.

2. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của xã hội hóa dịch vụ công thời gian tới

Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và cải cách hành chính nhà nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta phải đối diện với nhiều thách thức hơn bởi các yếu tố môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội luôn luôn biến đổi, yêu cầu một nền hành chính năng động, đổi mới và sáng tạo. Nâng cao hiệu quả của xã hội hóa dịch vụ công là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. 

Trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, công tác xã hội hóa mới chỉ được thực hiện, triển khai nhen nhóm, chưa đủ mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có cơ chế quản lý hiệu quả, khu vực tư nhân chưa đủ lớn mạnh để tiếp nhận việc cung ứng dịch vụ một cách tốt nhất. Do đó, Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ công. Vấn đề đặt ra cho Nhà nước và các cơ sở công lập ở đây chính là muốn thúc đẩy xã hội hóa thì cần phải tự nâng cao chất lượng phục vụ, đặt chức năng phục vụ lên hàng đầu. Nhà nước cần đảm bảo những dịch vụ cần thiết và chất lượng cho người dân, xã hội.

Để giải quyết các vấn đề đó, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, có cái nhìn đúng về bản chất và mục tiêu xã hội hóa dịch vụ công, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm khuyến khích phát triển xã hội hóa dịch vụ công. Hơn hết, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để huy động các nguồn lực và năng lực của xã hội một cách mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với sự phát triển đất nước. Phát huy mọi tiềm năng, mọi sức lực trong xã hội nhằm phát triển dịch vụ công. Tạo điều kiện cho mọi thực thể kinh tế tham gia vào dịch vụ công để làm giàu cho mình và cho toàn xã hội.

Các cấp chính quyền cần hiểu rõ trách nhiệm quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công trên mọi mặt như ban hành các cơ chế, chính sách và quy định những tiêu chuẩn, định mức, chất lượng, giá cả và dịch vụ… sao cho hợp lý và đảm bảo cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, bước đầu đáp ứng nhu cầu của xã hội; giao kế hoạch/đặt hàng và thanh toán dịch vụ theo đơn đặt hàng với đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ công; thực hiện trợ giúp người nghèo, đối tượng chính sách được thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công; thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện dịch vụ công. Đảm bảo việc các chủ thể kinh tế dịch vụ công cạnh tranh và hợp tác một cách văn minh và kinh doanh có văn hóa.

Hai là, những quan niệm về quyền sở hữu trong các loại hình xã hội hóa dịch vụ công như trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ sở văn hoá, thể dục thể thao, vui chơi giải trí ngoài công lập... cần được làm rõ để người dân và xã hội hiểu đúng, hiểu đủ; đồng thời hình thành các quan niệm đúng đắn, phù hợp, liên quan đến các vấn đề về dịch vụ ngoài công lập.

Ba là, Nhà nước cần phải có cơ chế thích hợp để đảm bảo được chất lượng dịch vụ công cung ứng đến người dân, đồng thời mở rộng chuyển giao việc cung ứng dịch vụ cho tư nhân một cách mạnh mẽ. Muốn làm được việc này, Nhà nước cần hoàn thiện pháp luật một cách đồng bộ về bộ máy nhà nước, trao thẩm quyền cụ thể cho từng loại cơ quan thực hiện quản lý và cung ứng dịch vụ công; đặt ra chế tài xử lý vi phạm cùng với cơ chế bảo đảm thực hiện các chế tài đó khi có hành vi vi phạm. Đồng thời, nâng cao vai trò của Tòa Hành chính trong việc xét xử các quyết định hành chính, hành vi công vụ. Nhà nước cũng cần phải xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý với những cơ chế, chính sách ưu đãi hiệu quả và khả thi nhằm khuyến khích việc chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp bán công và công lập sang hình thức tư thục cũng như cho việc thành lập các cơ sở ngoài công lập, cổ phần hóa...

Khuyến khích các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế cùng tham gia bằng cách từng bước chuyển cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ. Xây dựng các chế độ học phí, viện phí và phí, lệ phí trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... được tính toán đầy đủ, bao gồm các chi phí cơ bản, đảm bảo phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội và phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương, từng loại đối tượng. Cần có những quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi tự chịu trách nhiệm đối với những cơ sở công lập chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp - tự chủ, tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm.

Cơ chế tài chính cần được làm rõ và mức độ vượt quá để Nhà nước có thể can thiệp kịp thời, tránh để tình trạng không kiểm soát được. Những vấn đề này chủ yếu liên quan đến học phí, viện phí, trợ giá, trợ cước và các loại phí dịch vụ khác. Quy định rõ Nhà nước sẽ can thiệp khi có những thay đổi khách quan như thay đổi mức phí khi giá dịch vụ cao hơn mặt bằng chung hoặc khi thực hiện chính sách xã hội…

Bốn là, việc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập cần được rà soát, kiểm tra, đặc biệt chú ý đến quy hoạch phát triển các dịch vụ ngoài công lập nhằm đáp ứng quy mô định hướng phát triển, phù hợp với yêu cầu của xã hội; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư của nước ngoài. Các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển các đơn vị dịch vụ công lập và dịch vụ ngoài công lập được tăng cường và đa dạng hóa.

Năm là, Nhà nước cần ban hành những chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu, khuyến khích các cơ sở ngoài công lập cùng với các chính sách đầu tư có hiệu quả cho các loại hình dịch vụ công lập, đa dạng các hình thức, như: Tư nhân góp vốn, liên doanh, vốn đầu tư nước ngoài; BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao), BT, BTO; Đầu tư xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng cho các cơ sở ngoài công lập thuê dài hạn với giá ưu đãi, khuyến khích các cơ sở ngoài công lập có điều kiện phát triển. Các địa phương có quy hoạch về đất, dành quỹ đất để xây dựng và phát triển các cơ sở ngoài công lập phù hợp với định hướng phát triển xã hội hóa.

Sáu là, đẩy mạnh truyền thông, thông tin liên tục trong xã hội về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có các nội dung xã hội hoá dịch vụ công một cách thường xuyên, sinh động, đa dạng và hiệu quả trên các phương tiện truyền thông.

Bảy là, để đảm bảo chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ sở ngoài công lập, cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát hợp lý, quan trọng là phải ban hành được các chuẩn về chất lượng dịch vụ công. Các dịch vụ công hiện nay mới chỉ được cung ứng tới người dân và xã hội một cách thụ động, mức độ cung ứng cơ bản, thiết yếu so với nhu cầu và chưa có một hệ thống chuẩn mực nào để so sánh, đánh giá và hướng tới. Phương thức cung ứng vẫn còn hạn chế, dập khuôn, kém năng động và chưa phù hợp với các vùng miền có đặc điểm kinh tế - xã hội đặc biệt (như việc phân biệt giữa thành thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng).

Cụ thể, cần phải xây dựng và ban hành tiêu chuẩn hóa về cán bộ, cơ sở vật chất và các yêu cầu khác đối với các cơ sở ngoài công lập; quy định chế độ thông tin, báo cáo và trách nhiệm giải trình của các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công. Hình thành các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ độc lập theo ngành, lĩnh vực; xây dựng cơ chế giám sát và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời xử lý những hiện tượng tiêu cực, tùy tiện. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong quản lý và tổ chức cung ứng dịch vụ công. Chế độ chịu trách nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong cung ứng dịch vụ song song với việc đặt ra hệ thống tiêu chuẩn chất lượng; đề cao trách nhiệm của cá nhân và đặt ra cơ chế giải trình hợp lý, như vậy, công tác kiểm tra, giám sát sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi nguồn viện trợ nhằm đẩy mạnh cho giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ; có chính sách động viên, thu hút đội ngũ trí thức Việt kiều về nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khám - chữa bệnh, hoạt động văn hóa, thi đấu thể thao.

3. Kết luận

Như vậy, thông qua nhiều cơ chế, chính sách khác, Nhà nước cần có các biện pháp hữu hiệu để giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bình đẳng xã hội trong việc đáp ứng nhu cầu dịch vụ công. Tức là, Nhà nước tạo ra những điều kiện cần thiết để mọi người đều có cơ hội tham gia, giành thắng lợi và được lựa chọn ngang nhau trên thị trường dịch vụ công. Vai trò của Nhà nước là sáng tạo và vận dụng phương tiện lập pháp để tạo điều kiện cho tự do cạnh tranh một cách hoàn hảo trên lĩnh vực này. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, để đảm bảo việc đa dạng hóa thành phần kinh tế trong việc tham gia dịch vụ hành chính công, không dẫn tới chệch hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc căn bản của việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xã hội hóa dịch vụ công một phần xuất phát từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, nhưng cũng chính dịch vụ công lại bị ảnh hưởng trở lại bởi kinh tế thị trường với những tác động hai mặt của nó. Bởi vậy, để tránh được tình trạng biến tướng từ “xã hội hóa” dịch vụ công thành “tư nhân hóa”, không chỉ cần đến những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn, mà còn yêu cầu phải có cách nhìn thấu đáo hơn trong việc xác định trọng tâm của công cuộc đổi mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đỗ Anh Đức (2016), “Để chính sách phát triển nhà ở xã hội đi vào cuộc sống”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 08/2016.

2. Bùi Huy Khiên (2012), “Nghiên cứu mô hình quản lý công mới góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiệu lực, hiệu quả”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Số 10/2012.

3. Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao.

Current situation and solutions to improve the socialization

of public services in Vietnam

Ph.D Do Anh Duc

National University of Economics

Ph.D’s student Le Hung Son

Ho Chi Minh Communist Youth Union of Quang Ninh Province

ABSTRACT:

In the context of globalization, one of the major challenges for governments is that public administration have to solve more complex socio-economic issues. To tackle these issues, the public administration needs to reform itself drastically and positively. Vietnam is building its socialist-oriented market economy and carrying out the state administrative reform. Improving the efficiency of socialization of public services is an indispensable requirement in the new development stage of Vietnam. This paper analyzes the current situation of the socialization of public services and proposes some solutions to improve the efficiency of the socialization of public services in the coming time.

Keywords: Public services, socialization of public services, public administration reform, Vietnam.