Thực trạng và giải pháp phát triển thành phần kinh tế tư nhân

ThS. TRẦN THỊ HOA (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ đóng góp lớn vào GDP của cả nước mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn lao động. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay thì khu vực kinh tế tư nhân cũng bộc lộ một số tồn tại. Đó là tình trạng lạc hậu về công nghệ, chất lượng nhân lực thấp và không đồng đều, hạn chế về năng lực quản trị. Đáng lưu ý, sức lực của doanh nghiệp bị bào mòn do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp suốt 2 năm qua. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trước những khó khăn của dịch bệnh Covid-19.

Từ khóa: kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, GDP, vốn, lao động.

1. Những đóng góp của kinh tế tư nhân vào nền kinh tế đất nước

Báo cáo Nghiên cứu đánh giá khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (CPSD), do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện. Nghiên cứu cho thấy, thời gian qua khu vực kinh tế tư nhân đã đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam nói chung . Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 34,1% cao hơn mức đóng góp 27,7% của 17 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Hiện, doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 98% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đạt tầm cỡ quốc tế như Vingroup, T&T Group, Thaco, Vietjet, FLC, Vinamilk,… và có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 29 doanh nghiệp tư nhân có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD, có 6 tỷ phú tham gia vào câu lạc bộ tỷ phú thế giới năm 2021. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân còn cùng với Nhà nước góp sức phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, cứu trợ nhân dân bị nạn, tài trợ cho các giải thể thao, câu lạc bộ bóng đá, những sự kiện kinh tế - xã hội lớn của đất nước.

Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân đã có thể làm được những việc mà trước đây chỉ Nhà nước mới được làm như: xây dựng sân bay, cảng biển quốc tế trị giá hàng nghìn tỷ đồng; sản xuất ô tô, tham gia vào lĩnh vực hàng không... Đặc biệt phải nói đến lĩnh vực sản xuất ô tô, suốt mấy chục năm qua, lực lượng kinh tế nhà nước đã không thể thực hiện được khát vọng ô tô “made in Vietnam” thì đến nay, các tập đoàn kinh tế tư nhân là Thaco, VinFast đang biến khát vọng đó thành hiện thực. Doanh nghiệp Việt đã có thể tự sản xuất ô tô, thậm chí, ô tô Vinfast còn xác lập 3 kỷ lục thế giới, gồm: chỉ cần 21 tháng để hoàn tất việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất để đi vào sản xuất hàng loạt; cho ra xe mẫu chỉ sau 11 tháng từ khi khởi công nhà máy; cho ra xe thương mại sau chưa đầy 2 năm. Các công trình quan trọng trong vận tải như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và đang đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái của Tập đoàn Sun Group. Trong đó, sân bay Vân Đồn được xây dựng chưa tới 2 năm, là công trình có thời gian xây dựng nhanh nhất Việt Nam, góp phần đưa cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được vinh danh là “Sân bay mới hàng đầu châu Á 2019”.

Kinh tế tư nhân đã và đang lớn mạnh từng ngày và có những đóng góp lớn nền kinh tế. Cùng với đó là sự phấn đấu, sáng tạo không ngừng trong những lĩch vực tưởng chừng Việt Nam không thể làm được. Điều này góp phần đưa tên tuổi của Việt Nam vươn ra trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

2. Những hạn chế của thành phần kinh tế tư nhân

Thứ nhất, khu vực kinh tế tư nhân thiếu sự liên kết, khó tạo ra tiếng nói chung để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia một số chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài,

Thứ hai, trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp còn thấp. Các chủ doanh nghiệp tư nhân trưởng thành qua học hỏi, qua bạn hàng, ước tính khoảng trên 80% trưởng thành từ kinh nghiệm thực tiễn chỉ có một số được đào tạo qua trường lớp chính quy về quản trị doanh nghiệp hay quản lý về kinh tế chung. Chính vì quản lý và điều hành dựa vào kinh nghiệm được tích lũy, chưa qua đào tạo và không có bằng cấp chuyên môn nên các chủ doanh nghiệp tư nhân khó khăn trong việc cạnh tranh. Hơn nữa trong điều kiện hội nhập như hiện nay, với kiểu kinh doanh như trên sẽ không còn phù hợp do hiện nay nó là rào cản sự phát triển của doanh nghiệp, chẳng hạn là làm ăn theo lối chộp giật, khó có khả năng tiếp thu những cái mới. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp “ma” tiến hành đăng ký, nhận giấy đăng ký, mã số thuế nhận hóa đơn, không tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, biến mất khỏi địa bàn.

Thứ ba, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp còn lạc hậu, đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%),… Công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất lao động không cao, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thấp, kể cả thị trường trong và ngoài nước, trong khi cạnh tranh là yếu tố cơ bản để đảm bảo tồn tại và phát triển, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Do quy mô nhỏ nên rất nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. 

Thứ năm, trình độ lao động của các doanh nghiệp chủ yếu còn thấp, thiếu nhân lực giỏi, thường thì lao động không được đào tạo bài bản, kỹ năng thấp. Do đó, doanh nghiệp khó tiếp thu được những tiến bộ khoa học,  năng suất lao động không cao. Còn đối với những nhân lực giỏi thì học lại không mặn mà với những loại hình này do không đáp ứng được những tham vọng của họ. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân thiếu ổn định, tỷ lệ lao động học việc chiếm tỷ lệ cao, vi phạm chế độ lao động trong việc trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, ngày giờ làm việc,…

Thứ sáu, doanh nghiệp tư nhân luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; 44% doanh nghiệp được hỏi không tiếp cận được gói hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và gần 40% doanh nghiệp cho biết chưa đến được với chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế gia trị gia tăng,... Trong khi nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước ngặt nghèo thì việc tự lực để tiếp cận nguồn tài chính ngân hàng cũng không thuận lợi và dễ dàng.

Những điểm tồn tại, hạn chế này của khu vực kinh tế tư nhân trên có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch.

3. Một số giải pháp

Một là, Việt Nam cần tiếp tục cải cách cơ cấu và pháp luật mạnh mẽ hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc hơn cho cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của khu vực tư nhân trong lộ trình chuyển dịch sang một mô trình tăng trưởng kinh tế cac-bon thấp do khu vực kinh tế tư nhân dẫn dắt để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và dẫn dắt nền kinh tế dịch chuyển sang lộ trình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, chất lượng cao, bền vững. Chương trình cải cách cần tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp, thúc đẩy cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng nguồn vốn dài hạn, tăng cường và xanh hóa dịch vụ hạ tầng và bảo đảm lực lượng lao động có kỹ năng để đạt được mô hình tăng trưởng giá trị cao, đổi mới sáng tạo, và có năng suất cao.

Hai là, phát triển kinh tế tư nhân cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Ba là, thực hiện phân bổ nguồn lực phát triển hiệu quả, đảm bảo cho kinh tế tư nhân được tiếp cận bình đẳng đến các nguồn lực phát triển; phát triển các thị trường nhân tố sản xuất; thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không cần duy trì vốn nhà nước nhằm tạo nhiều hơn nữa cơ hội kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân.

Bốn là, đẩy mạnh hỗ trợ việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, cụ thể cần tập trung hỗ trợ có hiệu quả cho hai nhóm doanh nghiệp là: doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có các quy định, chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, quản trị,… và các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng được thành lập về mặt hành chính, gia nhập thị trường trong cạnh tranh, phát triển và tiêu thụ các sản phẩm mới. 

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng chiếm số lượng đông đảo nhất, năng động nhất, với những đóng góp không thể phủ nhận cho kinh tế - xã hội, nhưng cũng là khu vực dễ bị tổn thương, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể được luật định rõ ràng, xóa bỏ mọi gánh nặng không chính thức, dễ dàng tiếp cận và được phép khai thác hiệu quả các nguồn lực quốc gia. 

Năm là, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sáu là, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các bộ/ngành và địa phương phải thực hiện các biên pháp đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Nguyệt Nga (2021), Phát triển kinh tế tư nhân nhìn tức góc độ cải cách hành chính, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-nhin-tu-goc-do-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-309320.html
  2. Phan The Cong & Pham Thi Minh Uyen. (2020). Study of factors affecting micro-barriers that hinder the development of private enterprises: Mediating role of intention to use of renewable energy. International Journal of Energy Economics and Policy, 10(3), pp. 594-601. ISSN: 2146-4553.
  3. Phan Thế Công & Lý Thị Huệ. (2020). Nhà nước kiến tạo thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân - Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 291, tr.19-24. ISSN: 2354-0761.
  4. Trần Kim Chung (2017). Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong mô hình phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2035, Tạp chí Quản lý kinh tế, số 80, trang 4-13.

Current situation and solutions to support the growth

of the private sector

Master. Tran Thi Hoa

Faculty of Finance and Banking

University of Economics – Technology for Industries

Abstract:

The private sector not only contributes greatly to the GDP of the country but also creates jobs for a large number of workers. In Vietnam’s current international economic integration process, the private sector also reveals some shortcomings including technological backwardness, low and uneven quality of human resources and limited management capacity. Notably, many enterprises have been exhausted after two years of the COVID-19 pandemic. This paper analyzes the current development of the private sector in Vietnam and proposes some solutions to help the private sector to overcome difficulties caused by the COVID-19 pandemic.

Keywords: private economy, private enterprise, GDP, capital, labor.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]