Thực trạng và giải pháp phát triển thương mại điện tử ở Hà Nội trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Lệ (Trường Đại học Thương mại)

Tóm tắt:

Thương mại điện tử đã trở thành xu hướng phát triển ở hầu hết các quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong nội dung bài viết, tác giả thực hiện đánh giá sự phát triển thương mại điện tử ở thành phố Hà Nội dựa trên một số tiêu chí cơ bản đã được xây dựng. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển thương mại điện tử ở Hà Nội tới năm 2025 trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam.

Từ khóa: thương mại điện tử, chuyển đổi số.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam đã có sự quan tâm, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thương mại điện tử. Đặc biệt, sau những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vai trò của thương mại điện tử đối với nền kinh tế của Việt Nam càng thể hiện rõ rệt hơn. Hà Nội là một trung tâm kinh tế chính trị lớn của Việt Nam, tuy nhiên, thương mại điện tử ở Hà Nội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Ngày 20/8/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển thương mại điện tử ở Hà Nội trở thành vấn đề cần thiết.

2. Thực trạng phát triển thương mại điện tử ở Hà Nội

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, doanh số bán lẻ của Thành phố Hà Nội đạt 530.610 tỷ đồng năm 2020 và 509.096 tỷ đồng năm 2021. Trong đó, doanh số từ thương mại điện tử đã đạt gần 56 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 11% doanh số bán lẻ của toàn thành phố.

Theo báo cáo từ chỉ số phát triển thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử ở Việt Nam, thành phố Hà Nội đã đạt được sự phát triển ấn tượng về thương mại điện tử so với các địa phương khác. Ở tất cả các chỉ số, thương mại điện tử ở thành phố Hà Nội luôn xếp ở vị trí thứ hai, sau Thành phố Hồ Chí Minh. (Biểu đồ 1)

Biểu đồ 1. Chỉ số phát triển thương mại điện tử của 6 địa phương lớn      ở  Việt Nam năm 2022

biểu đồ phát triển thương mại điện tử tại hà nội
Nguồn: Tổng hợp từ chỉ số thương mại điện tử của Việt Nam 2022

CT1: Chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin               

CT2: Chỉ số giao dịch B2C            

CT3: Chỉ số giao dịch B2B            

CT4: Chỉ số TMĐT địa phương     

Thứ nhất, về chỉ số nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có mức độ phát triển gần như tương đương. Hà Nội là thành phố đi đầu trong đào tạo phát triển nhân lực cho thương mại điện tử, nhưng đến nay mới có 13 cơ sở đào tạo về thương mại điện tử. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh đi sau, nhưng hiện nay đã có 17 cơ sở đào tạo về thương mại điện tử. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đều có bộ phận nhân lực đảm nhiệm hoạt động thương mại điện tử.

Theo thống kê từ báo cáo chỉ số thương mại điện tử hiện nay ở thành phố Hà Nội có hơn 185 nghìn tên miền quốc gia và tính trung bình ở Hà Nội là 44 người dân có một tên miền quốc gia. Trong khi đó, số tên miền quốc gia ở Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 202 nghìn tên miền. Điều này cho thấy, mức độ ứng dụng tên miền quốc gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn so với Hà Nội. Cũng theo khảo sát từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, có tới 85% số người được hỏi ở Việt Nam có độ tin cậy vượt trội về tên miền quốc gia “.vn” của Việt Nam.

Bảng 1. Phân bổ tên miền quốc gia theo địa phương

bang 1 phan bo ten mien
Nguồn: Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022

 

Tính đến năm 2022, hạ tầng phụ trợ cho thương mại điện tử là thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 45%. Theo quy định của Tổng cục Thuế Hà Nội, đến nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện chuyển đổi thành công và sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch thương mại. Điều này đã giúp giảm nguồn thu thuế từ thương mại điện tử trên địa bàn.

Các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử ở thành phố có sự phát triển mạnh về thanh toán trên nền tảng di động được tích hợp ở tất cả các ngân hàng ở Hà Nội, về số lượng ví điện tử, mã QR Code, NFC, POS đều có sự hiện diện ở các cửa hàng, siêu thị hoặc trang dịch vụ công quốc gia.

Thứ hai, theo Biểu đồ 1 về chỉ số giao dịch B2C ở Hà Nội đạt 82.4, trong khi đó ở Thành phố Hồ Chí Minh đạt 83.3. Ở Hà Nội, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số ở Hà Nội diễn ra nhanh chóng hơn. Việc mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng trở nên đơn giản hơn. Dân số ở Hà Nội khi xét tới lực lượng học sinh, sinh viên, người nhập cư tạm trú ở Hà Nội lên tới trên 10 triệu người. Điều này cho thấy quy mô khách hàng đối với giao dịch B2C ở Hà Nội rất lớn.

Thu nhập bình quân đầu người của người dân Hà Nội theo thông tin từ Tổng cục Thống kê có xu hướng tăng và năm 2022 đạt 6,205 triệu đồng/người/tháng, chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh là 6,537 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ mua sắm trực tuyến của người dân ở thành phố Hà Nội đạt gần 50% và con số này dự kiến sẽ đạt tới 90% vào năm 2025. Do đó, nếu hoạt động thương mại điện tử ở Hà Nội không có sự phát triển tương xứng sẽ đánh mất đi cơ hội của chính mình, vì khách hàng có thể mua sắm hàng hóa ở các sàn giao dịch ở các tỉnh khác, hoặc các gian hàng có khả năng bán hàng xuyên biên giới. Sự tín nhiệm của người tiêu dùng với các gian hàng thương mại điện tử sẽ bị giảm đi đối với những người bán vi phạm điều khoản bán hàng và gây thiệt hại tới lợi ích của người tiêu dùng. Hiện nay, Hà Nội đã thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, qua đó tăng uy tín với các gian hàng trên địa bàn Hà Nội.

Thứ ba, chỉ số giao dịch B2B ở Hà Nội thấp hơn nhiều so với Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ số này ở Hà Nội mới chỉ đạt 83.9 trong khi đó Thành phố Hồ Chí Minh là 94.7. Điều này được lý giải là do số doanh nghiệp ở Hà Nội tính đến năm 2022 là 165.875 doanh nghiệp, ở Thành phố Hồ Chí Minh lớn hơn rất nhiều là 254.699 doanh nghiệp, vượt hơn 88.824 doanh nghiệp. Tuy vậy, chỉ số giao dịch B2B ở Hà Nội không kém quá xa Thành phố Hồ Chí Minh, điều này được lý giải bởi chất lượng và quy mô các giao dịch ở Hà Nội là khá lớn. Các doanh nghiệp lớn thường có trụ sở ở Hà Nội, điều này đã đóng góp nhiều về doanh số thương mại điện tử cho thành phố Hà Nội.

Thứ tư, dịch vụ logistics ở Hà Nội ngày càng phát triển. Nếu như các đơn hàng trước đây vận chuyển đi các tỉnh với cước phí cao, thời gian vận chuyển dài, thì nay cước phí vận chuyển đã rất tiết kiệm với người mua. Có những đơn hàng gửi đi tỉnh trong tối ngày hôm nay và 7 giờ sáng hôm sau đã tới người mua. Trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều các công ty vận tải và logistics lớn hoạt động, như: Viettelpost, Vnpost, Công ty Vận tải logistics Goldtrans, T&M Forwarding ITD, Công ty cổ phần quốc tế Thương Đô, ALP logistics, Công ty vận tải quốc tế LongPu, BPI logistics,….

3. Định hướng mục tiêu và một số giải pháp phát triển thương mại điện tử ở Hà Nội đến năm 2025

Qua phần phân tích thực trạng cho thấy, chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội tính đến năm 2022 là 85.9, cách xa các địa phương khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương… và đang khá gần với nhịp độ phát triển thương mại điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với tầm quan trọng của thương mại điện tử, thành phố Hà Nội đã đề ra kế hoạch phát triển thương mại điện tử với mục tiêu đến năm 2025 như sau:

- Doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố, tăng trưởng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 20%.

- Phấn đấu tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55% tăng trưởng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 2%.

- Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%. Có 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.

Để đạt được những mục tiêu này, tác giả kiến nghị một số giải pháp sau:

Một là, khuyến khích và tạo điều kiện để 100% doanh nghiệp ở Hà Nội thực hiện xây dựng website chuyên nghiệp và có sẵn tính năng đặt hàng trực tuyến. Điều này giúp việc đặt hàng của người mua nhanh chóng, thuận lợi và Nhà nước có cơ sở dữ liệu để kiểm soát tốt được doanh thu và tránh thất thu thuế từ hoạt động thương mại của người bán trên địa bàn.

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của các cơ sở đào tạo về thương mại điện tử trên địa bàn. Với tính thực tế cao, các cơ sở đào tạo cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp, đưa những bài toán cụ thể với đặc thù về hàng hóa dịch vụ giúp người học có những trải nghiệm thực tế và tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khuyến khích người học tham gia thực chiến vào sân chơi thương mại điện tử ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, cũng như phát triển các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam.

Ba là, hoạt động giao nhận nhanh với chi phí thấp đang trở thành một công cụ cạnh tranh đối với người bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Do vậy, Hà Nội rất cần phát triển logistics điện tử phục vụ hoạt động thương mại điện tử; xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới dịch vụ vận chuyển, hạ tầng logistics, giao nhận hàng hóa trong địa bàn Hà Nội và với các địa phương khác trong cả nước. Qua đó, các doanh nghiệp ở Hà Nội có thể dễ dàng tiếp cận với doanh nghiệp ở trên khắp cả nước.

Bốn là, tăng cường nâng cao nhận thức cho người mua về lợi ích của thương mại điện tử. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp về chất lượng hàng hóa để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai. Khuyến khích các doanh nghiệp có những cải tiến về công nghệ, nghiên cứu những mẫu hàng hóa mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh được về giá với các doanh nghiệp ở các địa phương khác.

4. Kết luận

Thương mại điện tử là một xu hướng mới trong tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Trong một tương lai không xa, thương mại điện tử sẽ có sự phát triển mạnh tại các địa phương, các quốc gia và sẽ có ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của các địa phương và các quốc gia khác. Xét về địa phương, Hà Nội có nhiều tiềm năng trong phát triển thương mại điện tử nội địa để cạnh tranh với các sàn giao dịch thương mại điện tử ở các địa phương khác. Hơn nữa, Hà Nội cũng có nhiều thế mạnh trong phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên quốc gia. Vì vậy, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ hơn nữa thực trạng phát triển thương mại điện tử tại thành phố và vận dụng linh hoạt các giải pháp để đưa thương mại điện tử phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Văn Hòe (2010), Giáo trình Thương mại điện tử căn bản, NXB Thống kê, Hà Nội.
  2. Lê Danh Vĩnh (2003), Đề tài KC.01.05 "Nghiên cứu một số vấn đề kỹ thuật và công nghệ chủ yếu trong TMĐT và triển khai thử nghiệm".
  3. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2022), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam.
  4. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, (2019), Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022.
  5. Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội (2020), Kế hoạch số 169/KH-UBND Phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 

The current situation and solutions for the development of Hanoi city’s e-commerce sector in the context of Vietnam’s digital transformation process

 Master. Nguyen Thi Le

Thuongmai University

Abstract:

E-commerce has become a development trend in most countries and it plays an important role in the socio-economic development of many countries. This paper is to evaluate the development of Hanoi city’s e-commerce sector based on some set basic criteria. Based on the paper’s findinsg, some solutions are proposed to develop the city’s e-commerce sector by 2025 in the context of Vietnam’s digital transformation process.

Keywords: e-commerce, digital transformation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2023]