Thực trạng và giải pháp tăng cường nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam

NCS. VÕ VĂN BÌNH (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân)

TÓM TẮT:

Biển, đảo Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là tốc độ phát triển kinh tế biển, đảo chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế đang có. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế, tạo điều kiện cho kinh tế biển, đảo Việt Nam phát triển là hết sức cần thiết, trong đó nguồn vốn đầu tư đang được quan tâm hàng đầu.

Từ khóa: Kinh tế biển, đảo; nguồn vốn đầu tư; Việt Nam; tăng cường nguồn vốn.

1. Thực trạng quản lý hoạt động đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam trên góc độ vĩ mô

Thứ nhất: Các cơ quan tham gia quản lý đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo phía Nam Việt Nam

- Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giữ vai trò lập quy hoạch hệ thống biển, đảo và quản lý đầu tư xây dựng các biển, đảo trên toàn quốc theo đúng quy hoạch, đề ra các tiêu chuẩn về xây dựng, xây dựng cơ chế tạo nguồn vốn đầu tư phát triển biển, đảo. Bộ có nhiệm vụ phối hợp với UBND các địa phương để theo dõi, quản lý quỹ đất theo đúng quy định của pháp luật đáp ứng nhu cầu xây dựng biển, đảo theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, tổ chức xây dựng các mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường sông và luồng tàu biển nhằm khai thác đồng bộ biển, đảo và nâng cao khả năng thông qua của cảng biển.

- Cục Hàng hải Việt Nam (Cục HHVN): Bộ GTVT giao Cục HHVN quản lý, giám sát quá trình đầu tư đảm bảo đúng quy hoạch và an toàn, an ninh hàng hải trong phạm vi vùng nước thuộc thẩm quyền được giao quản lý.

- Địa phương (UBND tỉnh hoặc Ban quản lý khu kinh tế tại địa phương): Cấp giấy chứng nhận đầu tư và chịu trách nhiệm quản lý đất đai và cấp Quyết định cho thuê đất.

- Các Cục chức năng của Bộ GTVT, Sở Giao thông các địa phương: Quản lý và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối biển như đường sắt, đường bộ, đường sông.

- Các Sở, ban, ngành của địa phương: cung cấp điện, cấp thoát nước, quản lý môi trường đối với các dự án biển, đảo.

- Cục Hàng hải Việt Nam với 24 cơ quan quản lý cảng ở các địa phương gọi là Cảng vụ địa phương, vừa là cơ quan quản lý đầu tư phát triển cảng biển chung trên toàn quốc, vừa là chủ thể đầu tư các dự án luồng hàng hải công cộng, vừa trực tiếp quản lý một số cảng biển...

- Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines): Là tổng công ty nhà nước trực thuộc Văn phòng Chính phủ, là đơn vị chủ chốt của ngành Hàng hải trong đầu tư phát triển và quản lý cảng. Vinalines được giao nhiệm vụ thực hiện đầu tư phát triển các cảng biển nước sâu quan trọng của Việt Nam, các cảng cạn ICD...

- Các Bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... quản lý hoạt động đầu tư phát triển và khai thác các cảng chuyên dụng trực thuộc Bộ.

- Chính quyền địa phương (UBND tỉnh thông qua Sở Giao thông Vận tải) quản lý hoạt động đầu tư phát triển và khai thác tại các cảng tổng hợp địa phương và cảng chuyên dụng.

- Quân đội quản lý một số cảng tổng hợp làm kinh tế, ví dụ như Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP)...

- Các nhà đầu tư nước ngoài, gồm các đơn vị khai thác bến toàn cầu cũng được tham gia các dự án cảng dưới hình thức liên doanh, liên kết với các công ty thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hoặc với các DNNN trực thuộc Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương hoặc với các doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai: Hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam

- Bộ luật Hàng hải được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 đã có một chương quy định chung về cảng biển và điều 64 quy định rõ về "đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác biển, đảo".

- "Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ công bố tại Quyết định số 202/TTg-QĐ ngày 12/10/1999 và "Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ công bố tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 được xem là kim chỉ nam cho hoạt động đầu tư phát triển cảng biển của tất cả các thành phần kinh tế.

- Nghị định số 160/2003/NĐ-CP ban hành ngày 18/12/2003; Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ban hành ngày 25/7/2006; Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ban hành ngày 21/3/2012. Cả 3 nghị định này đều quy định về Quản lý cảng biển và luồng hàng hải. Các nghị định này có một số điều khoản quy định về đầu tư xây dựng cảng biển và luồng hàng hải.

- Nghị định 78/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2007 và Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/11/2009. Cả hai nghị định này đề quy định về "đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO". Những lĩnh vực cơ sở hạ tầng được đặc biệt khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT gồm: đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, nhà máy điện... Với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng nói chung và cảng biển nói riêng được Nhà nước cho hưởng nhiều ưu đãi.

- Danh mục các dự án đầu tư được Chính phủ ban hành nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc tiếp cận với các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng nói chung và cảng biển nói riêng.

+ Ngày 26/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1290/2007/QĐ-TTg ban hành "Danh mục 161 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2010", trong đó có 70 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt...

+ Ngày 17/4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 412/QĐ-TTg phê duyệt "Danh mục đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu đến năm 2020" với dự kiến tổng mức đầu tư là 67,575 tỷ USD, trong đó cảng biển 584 triệu USD, hàng không 2,6 tỷ USD...

+ Bộ Giao thông Vận tải cũng có Quyết định số 2667/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2007 về việc phê duyệt Danh mục dự án gọi vốn đầu tư theo hình thức BOT trong ngành Giao thông vận tải, trong đó có một số dự án cảng biển nước sâu. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố ven biển cũng công bố Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT tại địa phương mình, trong đó có một số dự án cảng biển địa phương.

- Một quy chế mang tính đột phá cho đầu tư phát triển được coi là chìa khóa để thu hút đầu tư tư nhân đã được Nhà nước ban hành. Đó là "Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)" ban hành kèm theo Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 9/11/2010 và có hiệu lực từ ngày 15/1/2011.

2. Các chính sách liên quan đến nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam

Để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành và phê duyệt nhiều Nghị quyết và Quyết định: Một số giải pháp cấp bách trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển; đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quản lý bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo; quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020;… và gần đây, ngày 6/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ khi có nghị quyết của Đảng, quyết định của Chính phủ, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp,… từ Trung ương đến các địa phương đã xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động cho từng lĩnh vực và ở trên địa bàn của mình bước đầu triển khai có những kết quả đáng khích lệ. Các đảo lớn như: Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Vân Đồn,… đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, mạng lưới điện, thông tin liên lạc, cung cấp nước ngọt, trường học, bệnh xá, bố trí lại dân cư, tham gia vào phát triển kinh tế, nông nghiệp, du lịch, công nghiệp dầu khí có bước phát triển nhanh; bảo vệ môi trường biển đảo bước đầu được chú ý, đã có 16 khu bảo tồn biển và các vườn quốc gia ven biển và hải đảo… được thiết lập; đồng thời đảm bảo tốt công tác quốc phòng an ninh, hình thành hệ thống các khu công nghiệp, các cảng biển, cảng cá, khu du lịch từ Quảng Ninh cho đến Cà Mau.

Chiến lược đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 5 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển, đảm bảo an ninh quốc phòng. Chính phủ đã ban hành các chính sách có liên quan đến nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo. Cụ thể như:

- Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg, ban hành ngày 31/10/2016 Về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

- Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ban hành ngày 09/01/2012 Về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

- Quyết định số 65/2011/TT-BTC ban hành ngày 16/05/2011 Hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

- Quyết định số 126/2009/QĐ-TTG - Ban hành cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương đối với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế ven biển.

- Quyết định số 03/2006/CT-TTG ban hành ngày 25/01/2006 Chỉ thị về một số biện pháp tiếp tục xử lý nợ vay vốn tín dụng đầu tư phát triển để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ.

- Quyết định số 184/2004/QĐ-TTG ban hành ngày 22/10/2004 Quyết định sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2006-2010.

- Quyết định số 230/2003/QĐ-TTG ban hành ngày 12/11/2003 Quyết định sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn và hạ tầng nuôi trồng thủy sản.

- Quyết định số 89/2003/QĐ-TTG ban hành ngày 08/05/2003 Quyết định về một số biện pháp xử lý nợ vay vốn đầu tư phát triển để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ theo Quyết định số 393/TTg ngày 09/6/1997, Quyết định số 159/1998/QĐ-TTg ngày 03/9/1998 và Quyết định số 64/2000/QĐ-TTg ngày 07/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quyết định số 17/2002/QĐ-BTC ban hành ngày 26/02/2002 Về phân bổ mức vốn vay tín dụng ưu đãi để thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn năm 2002.

- Quyết định số 393/TTG ban hành ngày 09/06/1997. Ban hành Quy chế quản lý và xử dụng vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ.

- Quyết định số 14/2017/TT-BTC ban hành ngày 15/02/2017 Hướng dẫn quản lý, sử dụng phí bảo đảm hàng hải thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải.

- Quyết định số 51/2015/TTLT-BGTVT-BTC ban hành ngày 24/09/2015 Hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hàng hải để đặt hàng dịch vụ công ích thông tin duyên hải.

- Quyết định số 1601/QĐ-TTG ban hành ngày 15/10/2009 Phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 117/2000/QĐ-TTG ban hành ngày 10/10/2000 về một số chính sách và cơ chế tài chính cho các dự án đóng tàu biển của ngành đóng tàu biển Việt Nam.

- Thông báo số 4033/TB-CHHVN ban hành ngày 30/09/2015 về Hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hàng hải để đặt hàng dịch vụ công ích thông tin duyên hải.

- Một số giải pháp, chính sách tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ban hành ngày 24/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nêu.

3. Giải pháp tăng cường nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam

Thứ nhất: Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách Trung ương

Với tình hình và đặc trưng riêng có của từng địa phương thì nguồn ngân sách vẫn giữ vị trí rất quan trọng đối với nhiệm vụ đầu tư, phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển, đảo nói riêng. Vì vậy, việc sử dụng kênh huy động của Nhà nước nhằm tập trung các nguồn lực tài chính vào ngân sách địa phương để phân bổ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng là giải pháp quan trọng hàng đầu, vừa đảm bảo tăng thu ngân sách địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Tăng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng trên cơ sở tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Thứ hai: Tăng cường nguồn vốn từ tư nhân

Cần nâng cao chất lượng dịch vụ công, trọng tâm là nâng cao chất lượng phục vụ, hình ảnh của Trung tâm Hành chính công từ thành phố đến các xã, phường để mang đến sự hài lòng nhất cho người dân, góp phần giữ vững và cải thiện các chỉ số DDCI, gồm: (i) Xây dựng và thực hiện bộ tiêu chuẩn chất lượng phục vụ tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; (ii) Cải thiện chất lượng phục vụ; (iii) Tạo dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử, phục vụ.

Rà soát các khoản thuế, phí và các khoản phát sinh chi phí kinh doanh nhất là chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Nâng cao kỷ luật công vụ đối với cán bộ công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ công chức. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị và từng cán bộ khi tham gia giải quyết các thủ tục hành chính cũng như xây dựng cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh của cấp trên đối với những đơn vị, cá nhân tham gia giải quyết các thủ tục hành chính.

Đổi mới công tác tiếp xúc, đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách lòng tin giữa chính quyền và doanh nghiệp để nắm bắt được suy nghĩ và các ý kiến “chân thực” từ phía doanh nghiệp. Xác định rõ được nhà đầu tư cần gì và chính quyền sẽ làm được gì để hỗ trợ nhà đầu tư.

Thứ ba: Tăng cường nguồn vốn từ nước ngoài

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những ngành cần tăng tỷ trọng đầu tư nước ngoài như đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, điện, nước, tài chính, tín dụng, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng; các ngành sản xuất có yếu tố hàm lượng công nghệ, đào tạo lao động và chuyển giao công nghệ, kỹ năng, hoạt động R&D.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút vốn FDI, ODA cần có sự kết hợp chặt chẽ chính sách FDI, ODA với các chính sách điều chỉnh ngành khác, bao gồm chính sách đầu tư chung, chính sách khu công nghiệp theo hướng hình thành cụm công nghiệp có tính chuyên môn hóa và chính sách phát triển kinh tế vùng.

Rà soát và sửa đổi, bổ sung quy chế phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài, bảo đảm tính chủ động của các địa phương nhưng cần gắn với trách nhiệm giải trình, hoàn thiện hệ thống chế tài để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, điều chỉnh của các Bộ, cơ quan Trung ương trong trường hợp cần thiết.

Thứ tư: Tăng cường nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng

Huy động vốn từ các tổ chức tín dụng; phát huy tối đa vai trò của các ngân hàng thương mại trong tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Xây dựng chương trình làm việc hàng quý giữa các ngân hàng thương mại với Hiệp hội doanh nghiệp và đại diện chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giới thiệu các ngân hàng nước ngoài ngân hàng thương mại mở chi nhánh tại Móng Cái (khi thực hiện thủ tục cấp phép); khuyến khích thành lập các doanh nghiệp đầu tư tài chính.

Có kế hoạch làm việc với hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc các các ngân hàng thương mại có uy tín, có quy mô lớn, để hỗ trợ triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế biển, đảo thu hút đầu tư.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm của các ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển trên toàn địa bàn bằng với mức tăng trưởng của các địa phương như lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng; tránh hiện tượng cào bằng về mức tăng trưởng tín dụng như các địa phương khác để khắc phục tình trạng dư thừa vốn trên địa bàn.

Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam tăng nguồn vốn và tổng hạn mức vay vốn cho các hộ gia đình trong lĩnh vực kinh tế biển, đảo.

Thứ năm: Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư

Cần quản lý tốt việc lập, điều chỉnh quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong việc thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng.

Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư.

Ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hiện đại trong việc tổ chức xây dựng, khai thác và quản lý hiệu quả các công trình hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng công trình, rút ngắn tiến độ thực hiện để đưa vào khai thác sử dụng và quản lý có hiệu quả.

Hoàn thiện cơ chế phân cấp đầu tư để phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp dưới, vừa đảm bảo sự quản lý thống nhất của cấp trên; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ sáu: Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư

Ưu tiên bố trí vốn cho dự án trọng điểm: Vốn ngân sách tập trung đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng liên quan đến phát triển đột phá, phát triển bền vững và phúc lợi xã hội, an sinh xã hội của địa phương; đồng thời, tăng cường công tác quản lý đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tránh dàn trải.

Thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng, tiết kiệm trong khâu thẩm định dự toán, tổ chức đấu thầu, quyết toán công trình đã thực hiện. Các biện pháp này, nhất là việc tăng cường thẩm tra, thẩm định quyết toán dự án không chỉ đem lại kết quả về tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng mà còn góp phần nâng cao kỷ luật tài chính trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.

Đổi mới quản lý vốn đầu tư thông qua thực hiện việc phân cấp triệt để cho các địa phương để đảm bảo tính chủ động và linh hoạt cho các địa phương trong việc điều hành chi đầu tư xây dựng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát theo chuyên đề về việc thực hiện.

Tiếp tục rà soát để cắt giảm, đình, hoãn, giãn tiến độ và chuyển đổi phương thức đầu tư đối với công trình, dự án chưa thực sự cấp bách, cấp thiết; các dự án không hiệu quả hoặc kém hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp và hoàn thành nhằm sớm phát huy hiệu quả sau đầu tư.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch (2013), Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2013, Về việc Phê duyệt Đề án "Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020".

2. Cục Hàng hải Việt Nam (2009), Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030.

3. Chính phủ. Nghị định số 160/2003/NĐ-CP; Nghị định số 16/2005/NĐ-CP; Nghị định số 71/2006/NĐ-CP; Nghị định số 58/2008/NĐ-CP; Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

4. Chính phủ. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 202/1999/QĐ-TTg; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1601/QĐ-TTg.

THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS TO INCREASE

INVESTMENT FOR THE ECONOMIC DEVELOPMENT

OF SEA AND ISLANDS IN VIETNAM

VO VAN BINH

High Command of Navy Region 2

ABSTRACT:

Sea and islands play an important role in the economic development of Vietnam. However, the economic growth rate of sea and islands in Vietnam has not matched their advantages. Therefore, it is necessary to find solutions to solve obstacles in order to create favorable conditions for the economic development of sea and islands in Vietnam. In which, investment source is the top concern for the economic development of sea and islands.

Keywords: Sea-island economy, investment, Vietnam, increasing capital.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây