Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu công nghiệp tại Hải Phòng

ThS. TRẦN THỊ PHƯƠNG MAI (Bộ môn Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính)

TÓM TẮT:

Hải Phòng hiện có 19 khu công nghiệp (KCN) trong quy hoạch, trong đó có một số KCN đang hoạt động khá hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy cao. Nhờ chú trọng phát triển hạ tầng các KCN, nên việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN tại Hải Phòng trong những năm qua đã có sự chuyển biến cả về số lượng, chất lượng, quy mô và khả năng triển khai nhanh của dự án. Bài viết phân tích kết quả thu hút FDI và thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong KCN, một số hạn chế tồn tại và đề xuất giải pháp tăng cường thu hút FDI vào KCN tại Hải Phòng trong thời gian tới.

Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp, khu kinh tế, Hải Phòng, tỷ lệ lấp đầy, kim ngạch xuất khẩu.

1. Đặt vấn đề

Thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển các KCN và ngược lại phát triển các KCN để đẩy mạnh thu hút vốn FDI có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, là một trong những kinh nghiệm thành công trong hoạt động thu hút vốn FDI của thành phố Hải Phòng trong gần 30 năm qua. Các KCN có vai trò đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng nhanh thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển, thu hút công nghệ máy móc thiết bị hiện đại, tạo việc làm cho người lao động chuyển dịch cơ cấu lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, quản lý và xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp trong KCN.

2. Thực trạng các khu công nghiệp và khu kinh tế của Hải Phòng

Là thành phố công nghiệp của Việt Nam, Hải Phòng hiện có 19 KCN trong quy hoạch và có một số KCN đang hoạt động hiệu quả, điển hình như Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (gồm các KCN: Đình Vũ, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ I, Nam Đình Vũ II, Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng và các KCN: Nomura Hải Phòng, Đồ Sơn Hải Phòng, Nam Cầu Kiền, An Dương.

Nhờ việc chú trọng phát triển hạ tầng các KCN nên việc thu hút và sử dụng vốn FDI của Hải Phòng trong những năm qua đã có sự chuyển biến cả về số lượng, chất lượng, quy mô và khả năng triển khai nhanh của dự án. Chỉ tính riêng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng KCN thực hiện đến hết năm 2014 đạt trên 600 triệu USD, bằng 40% tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đăng ký. Riêng vốn đầu tư từ NSNN cho phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế, KCN đạt 1000 tỷ đồng tương đương 50 triệu USD làm cho tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đạt trên 50% tổng vốn đăng ký. Riêng đối với KCN do doanh nghiệp FDI làm chủ đầu tư thì tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng KCN thực hiện đạt 400 triệu USD, bằng 65% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hiện nay, với các KCN đã đi vào hoạt động đều đạt tỷ lệ lấp đầy ở mức tương đối tốt: KCN Đình Vũ giai đoạn 1, 2 đạt tỷ lệ lấp đầy 73,01%; KCN MP Đình Vũ đạt tỷ lệ lấp đầy 60%; KCN Tràng Duệ giai đoạn 1 đã lấp đầy 100%, giai đoạn 2 tỷ lệ lấp đầy hơn 70%; KCN Nomura đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.

Bảng 1. Danh sách các KCN theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Nguồn: Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng

3. Kết quả thu hút FDI và hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp

Trong những năm vừa qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã chủ động xây dựng Kế hoạch xúc tiến đầu tư vào các KCN trên địa bàn thành phố, đặc biệt là xúc tiến đầu tư tại chỗ theo hướng chuyên nghiệp, bài bản và hiệu quả. Kết quả, trong 9 tháng năm 2016, thu hút FDI vào KCN tại Hải Phòng tăng đột biến, cụ thể:

3.1. Về số lượng và quy mô dự án

Các KCN thu hút được 19 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đầu tư 2,405 tỷ USD, đồng thời có 20 lượt dự án FDI điều chỉnh tăng vốn, với số vốn tăng thêm 292 triệu USD. Tổng vốn FDI thu hút đầu tư mới và điều chỉnh dự án đạt 2,697 tỷ USD, bằng 618,6% so với kết quả cùng kỳ năm 2015, vượt 50% so với kế hoạch dự kiến cả năm 2016 (dự kiến cả năm thu hút 1,8 tỷ USD).

Trong các KCN đang hoạt động trên địa bàn thành phố, KCN Nomura là một trong những KCN được thành lập đầu tiên của cả nước với kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại tại Việt Nam cũng như trong khu vực. KCN Nomura - Hải Phòng còn tạo sự khác biệt bởi các doanh nghiệp đầu tư vào KCN đều có thương hiệu nổi tiếng tại Nhật Bản, Mỹ và trên thế giới với số vốn đầu tư lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh trong những ngành công nghệ cao, công nghệ sạch và sử dụng nhiều lao động địa phương. Đến nay, KCN Nomura - Hải Phòng đã thu hút được 60 nhà đầu tư vào KCN, nâng tổng số vốn đầu tư vượt 1 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 20 nghìn lao động Việt Nam, giá trị sản xuất của các công ty, xí nghiệp trong KCN đã lên tới 500 triệu USD/năm, đạt 10%GDP, 30% kim ngạch mậu dịch của thành phố Hải Phòng.

Ngoài ra, KCN Tràng Duệ- KCN mới được triển khai hoạt động trong những năm gần đây tại Hải Phòng, được mệnh danh là “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư của Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư hai năm 2015 và 2016 là hơn 2,1 tỷ USD (chiếm 85% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng) với 44 dự án đầu tư nước ngoài, suất đầu tư trung bình đạt 21,5 triệu USD/ha. Trong giai đoạn 1 với diện tích 187 ha hiện đã lấp đầy các dự án đầu tư; giai đoạn 2 với diện tích 214ha đã lấp đầy 70% diện tích. Nổi bật là các dự án lớn với số lượng vốn lên đến tỷ USD như dự án của LG Display với tổng vốn đăng kí 1,5 tỷ USD và dự án của LG Innotek trị giá 550 triệu USD. Từ hiệu ứng của tập đoàn LG Electronics (LGE), chỉ trong vòng 1 năm, KCN Tràng Duệ đã thu hút thêm hơn 20 doanh nghiệp vệ tinh của LGE, tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín và đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 50%.

KCN Đình Vũ cũng là một trong những điển hình về mức độ sẵn sàng thu hút đầu tư của thành phố. Hiện giai đoạn 1 của KCN cơ bản được lấp đầy, thu hút hàng trăm dự án lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, nổi bật là dự án của Bridgestone trị giá 1,5 tỷ USD và gần đây là dự án sản xuất kính năng lượng mặt trời Flat, với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD.

3.2. Về doanh thu của các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu của khu vực FDI trong KCN ngày càng tăng như năm 2000 là 366,38 triệu USD, năm 2005 là 850,2 triệu USD, năm 2010 là 2.653,82 triệu USD, năm 2014 là 3487 triệu USD; trong đó, các doanh nghiệp trong KCN, khu kinh tế đạt tổng doanh thu năm 2010 là 970 triệu USD, năm 2013 là 1450 triệu USD, năm 2014 là 1800 triệu USD.

Trong 9 tháng năm 2016, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hạ tầng và thứ cấp khối FDI trong các KCN đạt kết quả tốt, cụ thể: doanh thu của các doanh nghiệp hạ tầng ước đạt 43 triệu USD, vốn thực hiện đạt 24 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 5 triệu USD (tương đương 110,51 tỷ đồng). Doanh thu của các doanh nghiệp thứ cấp ước đạt 3 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 500 triệu USD.

Hình 1: Doanh thu khu vực FDI KCN, KKT và khu vực FDI của Hải Phòng

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng

3.3. Về giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu

Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN bằng 31-32% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố và có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm. Kết quả hoạt động xuất khẩu trong 9 tháng năm 2016 của các doanh nghiệp FDI trong các KCN tăng cao so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường xuất khẩu 9 tháng năm 2016 của các doanh nghiệp trong các KCN chủ yếu là Nhật Bản, chiếm hơn 51% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp theo là thị trường Mỹ chiếm khoảng 17%; thị trường Hàn Quốc chiếm 17%; Asean chiếm 6%; Euro chiếm 5% và một số thị trường khác.

3.4. Về lao động

Tính đến tháng năm 2016, ước tính số lao động người Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp KCN Hải Phòng là 64.800 người, tăng 32,7% so với cùng kỳ; lao động nước ngoài ước tính là 1.260 người, tăng 98,7% so với cùng kỳ năm 2015.

3.5. Về công nghệ

Trong KCN tại Hải Phòng không có dự án có công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Có một dự án là Công ty Rorze Robotech trong KCN Nomura được hưởng ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao. Các dự án của các tập đoàn lớn như Yazaki, Tohoku Pioneer, Toyoda Gosei, GE, Bridgestone, Nipro Pharma, Kyocera, Fuji Xerox… sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất, tỷ lệ cơ khí hóa, tự động hóa cao, cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và hàng hóa được sản xuất ở Việt Nam trên thị trường quốc tế.

4. Một số hạn chế trong việc phát triển khu công nghiệp tại Hải Phòng

Việc phát triển KCN còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó nổi lên vấn đề về hạ tầng kỹ thuật xã hội ngoài hàng rào chưa tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có vốn lớn, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kích thích sự phát triển kinh tế của Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, hạ tầng xã hội còn ở mức thấp, chưa có khách sạn 5 sao, chưa có nhiều khu văn phòng cao cấp cho thuê, các khu vui chơi, giải trí, bệnh viện, trường học quốc tế… Việc xây dựng nhà ở và cung cấp dịch vụ sinh hoạt cho công nhân làm việc trong các KCN còn chậm.

Mặc dù đã có chủ trương, có chỉ đạo sát sao nhưng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng các KCN còn nhiều khó khăn, việc chậm tiến độ đã trở nên phổ biến, làm mất cơ hội tiếp nhận các dự án FDI có tiềm năng.

Bên cạnh đó, nguồn lao động phục vụ nhu cầu phát triển các KCN còn thiếu. Thu nhập của người lao động chưa cao. Một số KCN chưa hoàn thiện công trình bảo vệ môi trường. Còn nhiều KCN triển khai chậm tiến độ cam kết như KCN Nam Đình Vũ 1 và 2, khu phi thuế quan, Nam Cầu Kiền, An Dương.

Điều đáng quan tâm là các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN có hiệu quả hoạt động không cao. Ngoại trừ KCN Đình Vũ có lợi nhuận từ năm 2009, năm 2013 lãi hơn 700 tỷ đồng và thành phố được chia cổ tức năm 2011, 2012 là hơn 83 tỷ đồng, năm 2013 dự kiến được chia 158 tỷ đồng; còn lại KCN Nomura, trong mấy năm gần đây có lãi nhưng vẫn trong tình trạng lỗ lũy kế, tính đến năm 2013 còn lỗ khoảng 26 triệu USD. Công ty Liên doanh KCN Đồ Sơn cũng trong tình trạng lỗ lũy kế.

Đáng lưu ý, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI hiệu quả chưa cao. Trong số 86 doanh nghiệp FDI trong các KCN đã đưa dự án vào hoạt động, có 45 doanh nghiệp có lãi trong năm 2010, năm 2011, còn 46 doanh nghiệp lỗ lũy kế, đặc biệt có 9 doanh nghiệp lỗ lũy kế đến hết năm 2011 vượt quá vốn chủ sở hữu. Nguyên nhân do các doanh nghiệp đang trong giai đoạn ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế TNDN; do có tới 45% doanh nghiệp FDI không có lãi… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc quản lý các doanh nghiệp hạ tầng cũng như doanh nghiệp FDI trong KCN chưa tốt, cũng có thể có tình trạng doanh nghiệp cố tình hạch toán lỗ nhưng cơ quan chức năng chưa nắm hết. Nếu so sánh, năm 2013, các KCN Bắc Ninh nộp ngân sách 4500 tỷ đồng thì thấy số thu từ KCN của Hải Phòng còn quá nhỏ. Đánh giá về hiệu quả tài chính của các DN FDI trong KCN ở Hải Phòng thì số nộp ngân sách còn thấp, với 6 KCN đã đi vào hoạt động thì số thu ngân sách chỉ bằng 5,5% số thu ngân sách trên địa bàn thành phố.

5. Giải pháp tăng cường thu hút FDI vào khu công nghiệp tại Hải Phòng

Hiện nay có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư vào KCN tại TP Hải Phòng, thời gian tới, dự kiến khả năng làn sóng đầu tư vào đây sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, các KCN tại Hải Phòng phải có bước chuẩn bị tốt để đón nhận cơ hội thu hút đầu tư này. Để nâng cao khả năng cạnh tranh thu hút vốn FDI vào KCN trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng, Ban quản lý Khu kinh tế tại Hải Phòng cần phải triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần xây dựng, triển khai KCN gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng đồng bộ he thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng. Do đó, đối với các KCN, trong thời gian tới cần có cơ chế huy động tổng hợp các nguồn vốn (ODA, FDI, ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ) và nhiều hình thức đầu tư (trực tiếp, gián tiếp, BT, BOT, PPP…) để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các KCN tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển.

Thứ hai, các KCN cc KCN, kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời, tăng cường tính liên kết ngành; hình thành các KCN liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, chăm sóc doanh nghiệp trong KCN; Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. Tổ chức niêm yết và thực hiện đúng các quy định trong việc giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý; nghiên cứu, cập nhật các quy định mới của Chính phủ về thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014, tiếp tục hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện; xây dựng kế hoạch kiểm tra đi đôi với hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật cho các doanh nghiệp trong KCN năm 2016. Thông qua chương trình kiểm tra góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân và đưa các dự án vào hoạt động đúng tiến độ cam kết.

Thứ tư, tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tham mưu xây dựng chính sách và biện pháp phù hợp, quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển hạ tầng KCN theo quy hoạch, kế hoạch và lộ trình đã được phê duyệt. Đồng thời, tham mưu lựa chọn, đánh giá đúng năng lực, tiềm năng của nhà đầu tư được giao thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, các khu chức năng; tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết dứt điểm các tồn tại trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại KCN VSIP, KCN Tràng Duệ (giai đoạn II) và các dự án hạ tầng KKT Đình Vũ - Cát Hải.

Thứ năm, tăng cường quản lý, giám sát bảo vệ môi trường tại KCN. Duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và có biện pháp chế tài để yêu cầu các công ty kinh doanh hạ tầng KCN phải xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đảm bảo tiêu chuẩn trước khi tiếp nhận các dự án thứ cấp đầu tư vào KCN.

Thứ sáu, tập trung phát triển nguồn nhân lực.Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật, công nghệ, tổ chức quản lý đáp ứng yêu cầu của các dự án lớn, áp dụng công nghệ cao, công nghệ và quản lý tiên tiến đầu tư vào KCN. Tập trung chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm khu kinh tế chủ động tạo nguồn và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong các KCN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Phát triển bền vững Khu kinh tế và các Khu công nghiệp, 2015.

2. Thu Lê, Khu công nghiệp Tràng Duệ Hải Phòng: Thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư, Báo Đầu tư số 113 (19/09/2016).

3. PGS.TS. Lê Duy Bình, Khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam, Nhà xuất bản Thống kê.

THE CURRENT STATUS AND SOLUTION TO ATTRACT

FDI INTO HAI PHONG CITYS INDUSTRIAL PARKS

Master. TRAN THI PHUONG MAI

Department of International Finance, Academy of Finance

ABSTRACT:

The northern coastal city of Hai Phong has 19 industrial parks under the city’s planning. Some industrial parks in Hai Phong city are operating effectively with the high fill rate. Thanks to the city’s focus on developing industrial parks infrastructure, the attracting and using foreign direct investment (FDI) in industrial parks of Hai Phong city have reached achivements in terms of quantity, quality, scale and FDI projects capacity of rapid deploying. This study analyses results of attracting FDI and current performance of FDI projects in Hai Phong city’s industrial parks. The study also analyses existing limitations and proposes solution to attract more FDI into the city in the coming time.

Keywords: Foreign Direct Investment (FDI), industrial park, economic zone, Hai Phong city, fill rate, export revenue.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 01 tháng 01/2017 tại đây