Thực trạng và giải pháp về pháp luật sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam

NCS. PHAN NGỌC HÀ (Phó Trưởng Khoa Luật - Đại học Duy Tân, Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Pháp luật về sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) trong thời gian qua đã được hình thành, giải quyết được một số vấn đề cơ bản tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán,... nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót, thiếu sự hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật. Bài viết đề cập đến thực trạng pháp luật sáp nhập ngân hàng TMCP, đồng thời nêu giải pháp để hoàn thiện pháp luật về hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP ở Việt Nam.

Từ khóa: pháp luật, sáp nhập, ngân hàng TMCP, thực trạng, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Giai đoạn 2011 - 2015, đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng TMCP được Ngân hàng Nhà nước khởi động lại một cách quyết liệt. Động thái này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu những bước đi không nhân nhượng với những ngân hàng TMCP yếu kém. Do đó, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, đỉnh điểm là năm 2015 hoạt động sáp nhập các ngân hàng TMCP diễn ra sâu rộng, tuy nhiên hoạt động sáp nhập này chưa nâng cao chất lượng của hệ thống ngân hàng TMCP. Đa số các ngân hàng TMCP đều có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, chất lượng dịch vụ sản phẩm, trình độ đội ngũ nhân viên còn yếu kém so các nước trong khu vực và thế giới. Vì vậy, các ngân hàng TMCP tại Việt Nam sẽ khó cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Để giải quyết vấn đề này cần có những giải pháp tối ưu để giúp các ngân hàng TMCP tại Việt Nam tránh những hạn chế, yếu kém, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cạnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cùng với hoạt động sáp nhập của các tổ chức tín dụng, pháp luật về sáp nhập các ngân hàng TMCP trong thời gian qua đã được hình thành, giải quyết được một số vấn đề cơ bản tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán,... nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót, thiếu sự hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật, điển hình là thiếu về tỷ lệ vốn góp sở hữu theo cam kết WTO, phải làm mới lại dự án đầu tư trong quá trình thực hiện,…

Bài viết Thực trạng và giải pháp về pháp luật sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam” sẽ được tác giả hệ thống hóa và phát triển những lý luận trước đây để hoàn thiện hơn về hành lang pháp lý, nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ những vấn đề thực trạng pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP, từ đó có những giải pháp phù hợp cho việc sáp nhập ngân hàng TMCP ở Việt Nam trong thời gian tới. Đây sẽ là một đề tài vừa có ý nghĩa sâu sắc về mặt lý luận vừa có tính thực tiễn cao ở Việt Nam trong tình hình hiện nay.

2. Thực trạng về pháp luật về sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phẩn ở Việt Nam

Ở Việt Nam giai đoạn từ đầu năm 2008 đến hết năm 2012, hệ thống các ngân hàng TMCP phát triển rất nhanh về số lượng, mạng lưới hoạt động các Chi nhánh và Phòng giao dịch trải đều khắp cả nước kể cả ở những vùng sâu, vùng xa; góp phần phát triển, tăng trưởng nền kinh tế đất nước. Bên cạnh với tốc độ phát triển, các ngân hàng TMCP cũng bộc lộ một số tồn tại, yếu kém về chất lượng như chất lượng dịch vụ sản phẩm chưa cao, trình độ đội ngũ lãnh đạo, nhân viên còn yếu kém so các nước trong khu vực và thế giới, vốn điều lệ bình quân và tính thanh khoản thấp, nợ xấu gia tăng từ 3 - 6% trong toàn hệ thống ngân hàng TMCP (Bảng 1)... Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, giúp hoạt động sáp nhập ngân hàng diễn ra lành mạnh và hiệu quả hơn cả về chất và lượng tại thị trường tài chính Việt Nam. 

Bảng 1. Nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam

giai đoạn 2008 - 2012

Năm

2008

 

2009

2010

2011

2012

Tổng nợ xấu

(tỷ đồng)

26.970

 

35.875

49.064

85.967

185.205

Tổng dư nợ (tỷ đồng)

1.242.857

 

1.750.000

2.271.500

2.504.911

3.086.750

Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ (%)

2,17

 

2,05

2,16

3,43

6

Trước thực trạng trên, ngày 01/3/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 254/2012/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Quyết định này đã tạo ra một hành lang rộng để xử lý các ngân hàng yếu kém và có nhiều nợ xấu; cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng.

Hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP ở Việt Nam giai đoạn 2005 trở về trước diễn ra dưới hai hình thức chủ yếu là sáp nhập và hợp nhất. Nhiều ngân hàng TMCP nông thôn với quy mô vốn nhỏ đã được M&A như Ngân hàng TMCP Phương Nam đã M&A hàng loạt các ngân hàng TMCP khác như Ngân hàng TMCP Nông thôn Ðồng Tháp, Châu Phú, Ðại Nam, Cái Sắn; Ngân hàng TMCP Ðông Á tiến hành M&A Ngân hàng TMCP Tứ giác Long Xuyên; Sacombank M&A Ngân hàng Thạnh Thắng; Ngân hàng TMCP Phương Ðông M&A với Ngân hàng TMCP Nông thôn Tây Ðô,…

Việc các ngân hàng, tập đoàn tài chính nước ngoài mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua việc sở hữu vốn cổ phần của các ngân hàng TMCP trong nước đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên trong quá trình hợp tác cũng như cạnh tranh. Các ngân hàng TMCP ở Việt Nam đã nâng cao được năng lực tài chính, hiện đại hóa được công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị, nguồn nhân lực, mở rộng phạm vi kinh doanh. Ðối với các ngân hàng và tập đoàn tài chính nước ngoài đã không tốn kém chi phí mở chi nhánh mới, có sẵn mạng lưới hoạt động, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và hơn cả là số lượng khách hàng sẵn có tại các ngân hàng TMCP ở Việt Nam. Các thương vụ điển hình về mua cổ phần giữa ngân hàng nước ngoài và ngân hàng TMCP ở Việt Nam có thể kể đến là Standard Chartered và ACB; HSBC và Techcombank; OCBC và VPBank; Deutsche Bank và Habubank; UOB và PNB; Maybank và ABBank; ANZ và Sacombank... Có hai vụ việc sáp nhập ngân hàng TMCP điển hình ở Việt Nam là sáp nhập Habubank (HBB) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ngày 28/8/2012 và Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank). HBB chính thức sáp nhập vào SHB. Với HBB, các khoản cho vay và đầu tư trái phiếu gắn với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) dẫn đến những khó khăn phải tính đến sáp nhập. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012, SHB lãi 1.000 tỷ đồng trong quý IV giúp giảm số lỗ cả năm xuống còn 95 tỷ đồng. Nếu tính cả khoản lợi nhuận còn để lại của năm trước (122 tỷ đồng), nhà băng này vẫn lãi lũy kế 27 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính của SHB, tính đến ngày 31/12/2012, nợ xấu của SHB còn khoảng 4.847 tỷ đồng (gần 8,5% tổng dư nợ). Với thực trạng khó khăn của HBB cần phải có nguồn vốn bổ sung hoạt động.

Ngân hàng Sacombank nhận sáp nhập ngân hàng Southern Bank từ ngày 1/10/2015. Trước khi sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu của Southern Bank ngày một tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu thực tế tại Southern Bank tại 30/6/2012 là 45,6%, đến tháng 11/2013 lên tới 55,31%. Sau sáp nhập, Sacombank lọt vào tốp 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam và lớn nhất trong khối ngân hàng TMCP xét về tổng tài sản với 297.184 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Sacombank đạt gần 24.506 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng (gồm vốn điều lệ cộng ngang của hai ngân hàng và vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ chia cổ tức bằng cổ phiếu); có 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và Lào, Campuchia với tổng cộng 15.510 cán bộ nhân viên. Sự thành công của mỗi thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song trên hết là lợi ích tạo ra cho hai bên, cho nền kinh tế, cho xã hội.

Từ thực tiễn của các hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP giai đoạn này, có thể đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất, tỷ lệ các ngân hàng được thành lập với số lượng lớn so với quy mô của nền kinh tế, vốn điều lệ bình quân thấp. Hiện tại cả nước có 84 ngân hàng thương mại, trong đó 36 ngân hàng TMCP có số vốn điều lệ bình quân rất thấp, vốn điều lệ của ngân hàng nhỏ nhất là 50 triệu USD và lớn nhất chưa đến 1 tỷ USD. Theo Nghị định số 141 của Chính phủ vốn, pháp định đến năm 2010 của mỗi ngân hàng TMCP phải đạt tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, có 9 ngân hàng TMCP nhỏ chưa đủ vốn pháp định (đánh giá pháp luật qua thực tiễn thực hiện, 9 ngân hàng là ngân hàng nào, tại sao vẫn tồn tại, do pháp luật hay do thực tiễn).

Thứ hai, phương thức giao dịch chậm được cải tiến, các hình thức dịch vụ thanh toán qua ngân hàng chưa đa dạng, thủ tục cho vay còn rườm rà, nhiêu khê, ngân hàng chưa chủ động tìm khách hàng, chỉ dựa vào lãi suất cho vay là chính mà chưa chú trọng đến viêc tạo tiện ích, cung cấp thông tin hoặc tư vấn miễn phí cho khách hàng.

Thứ ba, chất lượng tín dụng giảm, nợ quá hạn tăng, thu hồi nợ quá hạn chậm. Hiện nay nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đang tăng cao trong khoảng 3-7% là một thực tế đáng lo ngại. 

Thứ tư, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa được chú ý đúng mức. Chưa bổ nhiệm người đúng tiêu chuẩn; chưa đào tạo cán bộ kiểm soát có trình độ tương xứng với nhiệm vụ, chức trách, chưa mạnh dạn đấu tranh với những việc làm sai của Hội đồng quản trị, Ban điều hành; đội ngũ lãnh đạo còn hạn chế về trình độ tổ chức, công tác chuyên môn, thậm chí còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lũng đoạn, tư lợi cho cá nhân, gia đình, bạn bè mình.

Từ việc đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP ở Việt Nam thời gian qua nhận thấy do các nguyên nhân hạn chế sau đây:

Đầu tiên, hệ thống luật pháp trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng (phải là pháp luật về sáp nhập) còn thiếu những quy định quan trọng tạo điều kiện cho ngành ngân hàng phát triển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế như các dịch vụ ngân hàng điện tử, minh bạch thông tin,  phương thức cung cấp dịch vụ ngân hàng qua biên giới,… Các văn bản pháp luật liên quan đến  việc xử lý thu hồi vốn do nợ quá hạn trong hoạt động ngân hàng còn nhiều bất cập, chồng chéo. Thiếu công cụ cưỡng chế hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi của ngân hàng;…

Tình trạng sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế còn rất cao, hạn chế khả năng kiểm soát hoạt động của các công ty khi cho vay, đồng thời làm tăng các chi phí in ấn, vận chuyển trong lưu thông, bảo quản và an ninh xã hội.

Chưa có những quy định chặt chẽ và các yêu cầu bắt buộc về minh bạch thông tin trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Những số liệu về nợ xấu, tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng chưa được kiểm tra một cách chặt chẽ.

Sự điều hành của Nhà nước không kịp thời đối với các thị trường có liên quan đến ngân hàng như thị trường chứng khoán; thị trường vàng, thị trường bất động sản gây ra các tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Tiếp theo, sự thành lập ồ ạt các ngân hàng TMCP làm chia cắt thị phần chung của hệ thống ngân hàng. Điều này đi ngược lại với xu thế chung là cần xây dựng những  ngân  hàng trong nước  có  quy  mô  lớn  và   sẵn  sàng  cho  cuộc  cạnh  tranh  với  các ngân hàng nước ngoài. 

Tâm lý ngại sáp nhập, hợp nhất, ý thức cá nhân của các chủ ngân hàng còn quá lớn, họ muốn làm chủ một ngân hàng nhỏ nhưng của riêng mình hơn là phải sáp nhập, hợp nhất với một ngân hàng khác.

Nhiều ngân hàng TMCP vẫn có tâm lý ỷ lại vào sự bảo hộ của nhà nước, thiếu năng động trong hoạt động kinh doanh, thiếu chuẩn bị về nhân lực làm hạn chế khả năng mở rộng mạng lưới, thị phần; cơ cấu dịch vụ vẫn nặng về tín dụng; khả năng đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng còn thấp.

3. Giải pháp nâng cao và hoàn thiện nền tảng pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP ở Việt Nam

Hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP là một hoạt động rất phức tạp, có tính đặc thù cao, có mối liên quan mật thiết đến tình hình kinh tế, xã hội của quốc gia. Với tính chất đặc biệt quan trọng của ngân hàng TMCP, hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể tham gia trong quá trình sáp nhập ngân hàng TMCP. Vì vậy, cần xây dựng văn bản quy định chi tiết về việc sáp nhập ngân hàng TMCP. Trên cơ sở các quy định hiện hành về sáp nhập TCTD như Thông tư số 04/2010/TT-NHNN 11/02/2010 của NHNN quy định về sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD và Thông tư số 36/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của NHNN quy định về việc tổ chức lại TCTD, văn bản chi tiết cần kế thừa một số quy định hiện hành còn giá trị thực tiễn, đồng thời cần phải bổ sung các quy định về nội dung điều chỉnh chủ yếu như quy định về tiêu chuẩn, điều kiện sáp nhập ngân hàng TMCP; quy định trình tự, thủ tục sáp nhập ngân hàng TMCP; quy định hệ quả pháp lý khi thực hiện sáp nhập ngân hàng TMCP. Các nội dung này cần quy định cụ thể trong trường hợp thực hiện tự nguyện và bắt buộc.

Bên cạnh đó, văn bản chi tiết cần phải quy định rõ về việc tổ chức hoạt động của TCTD nhận sáp nhập, hình thức, cách thức thực hiện mua lại bắt buộc là mua lại cổ phiếu hay tài sản; xử lý hợp đồng cấp tín dụng khi ngân hàng TMCP đang triển khai sáp nhập sẽ do ngân hàng TMCP nhận sáp nhập tiếp tục thực hiện; quy định về chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản, chuyển giao quyền đòi nợ từ ngân hàng TMCP sáp nhập sang ngân hàng TMCP nhận sáp nhập.

Tại Khoản 4, Điều 8 Thông tư số 04/2010/TT-NHNN yêu cầu hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được Thống đốc NHNN chấp thuận nguyên tắc. Song, đối với các ngân hàng TMCP, yêu cầu này khó thực hiện được, trên thực tế vì chủ nợ của một ngân hàng TMCP có thể lên đến hàng chục nghìn cá nhân, tổ chức ở trong nước và ngoài nước.

Ngoài ra, hợp đồng sáp nhập có thể có điều khoản ràng buộc về nghĩa vụ bảo mật thông tin giữa các bên nên không nhất thiết phải công bố toàn bộ nội dung hợp đồng mua lại, sáp nhập bằng cách sao chụp để gửi cho các chủ nợ. Điều này làm phát sinh chi phí không cần thiết, tốn nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động, các cổ đông và không phù hợp với thực tế. Vì vậy, cần bổ sung, sửa đổi quy định này theo hướng chỉ cần công bố một số thông tin tùy vào tình hình thực tế.

3.1. Bổ sung quy định khi giao dịch sáp nhập ngân hàng TMCP được xác lập

Cần bổ sung một số quy định cụ thể khi giao dịch sáp nhập ngân hàng TMCP được xác lập, đó là chuyển sở hữu tư nhân thành sở hữu nhà nước ở một số ngân hàng TMCP yếu kém. Trường hợp cổ đông không đồng ý có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào cơ cấu sở hữu, quyền và nghĩa vụ của các ngân hàng bị sáp nhập. Các quy định về quyền lợi của khách hàng (người gửi tiền), quyền lợi của người lao động tại các ngân hàng TMCP bị sáp nhập. Đặc biệt, cần có văn bản quy định chi tiết, rõ ràng thủ tục xử lý các giao dịch với người gửi tiền và người vay trước khi giao dịch mua lại, sáp nhập được xác lập để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và cổ đông của ngân hàng TMCP bị sáp nhập.

Bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý và phương thức giải quyết tranh chấp khi thực hiện sáp nhập như sửa đổi, bổ sung trong Luật Các Tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quyết định về tiêu chuẩn, điều kiện sáp nhập; trình tự, thủ tục sáp nhập, hệ quả pháp lý khi sáp nhập và giải quyết tranh chấp khi sáp nhập ngân hàng TMCP. Đồng thời, quy định việc chuyển đổi hình thức pháp lý sau khi thực hiện sáp nhập ngân hàng TMCP; giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của các bên liên quan, trong đó quyền của người gửi tiền để làm cơ sở ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện.

Pháp luật cần có quy định về cơ sở pháp lý cho việc Nhà nước được quyền mua lại ngân hàng TMCP yếu kém. Cụ thể như để đảm bảo chắc chắn và rõ ràng về cơ sở pháp lý cho việc Nhà nước được quyền mua lại ngân hàng TMCP yếu kém; kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Các Tổ chức tín dụng nên quy định rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục và biện pháp mua lại bắt buộc. Ngoài ra, cần xem xét sửa đổi, bổ sung quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, ngoài việc cho phép ngân hàng TMCP trực tiếp góp vốn, mua cổ phần của TCTD, còn phải cho phép việc nhận chuyển nhượng phần góp vốn của các thành viên Công ty TNHH và mua bán cổ phiếu, nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông Công ty cổ phần thì mới bảo đảm thống nhất quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Các Tổ chức tín dụng và Luật Chứng khoán hiện hành.

3.2. Quy định về lộ trình thực hiện tỷ lệ bảo đảm an toàn, nợ xấu, sở hữu chéo khi thực hiện sáp nhập ngân hàng TMCP

Hiện nay, pháp luật đã có quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn, nợ xấu, sở hữu chéo nói chung, theo đó, tự bản thân từng ngân hàng TMCP phải đáp ứng việc thực hiện các quy định này trong điều kiện hoạt động bình thường của ngân hàng TMCP. Tuy nhiên, khi thực hiện sáp nhập cần phải có lộ trình để ngân hàng TMCP sau khi nhận sáp nhập có thể thực hiện được, nhất là thực hiện theo các quy định tại Điều 55 Luật Các Tổ chức tín dụng về chuẩn mực an toàn vốn BASEL II và hướng tới BASEL III cũng như các yêu cầu quản trị của Ngân hàng thế giới. Sau khi sáp nhập, các TCTD phải xử lý để hạn chế sự chi phối, thao túng của cổ đông lớn đối với ngân hàng TMCP; kiên quyết xử lý đối với các cổ đông lớn, người có liên quan vi phạm quy định về giới hạn sở hữu cổ phần tại ngân hàng TMCP và các TCTD sở hữu vốn chéo lẫn nhau. Cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng TMCP vi phạm quy định về góp vốn, mua, sở hữu vốn, cổ phần phải được xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

3.3. Hoàn thiện các quy định giới hạn về mức độ tập trung kinh tế và cơ quan giám sát hoạt động sáp nhập

Theo kinh nghiệm của một số nước, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể đặt ra một mức độ làm căn cứ đầu tiên cho việc kiểm soát tập trung kinh tế, giúp cơ quan quản lý kiếm soát vấn đề này dễ hơn và không bỏ sót các thương vụ lớn. Luật Cạnh tranh Việt Nam quy định về mức giới hạn giá trị của các thương vụ giao dịch để phân chia trách nhiệm quản lý giữa Cục Quản lý cạnh tranh và cơ quan quản lý hoạt động này ở địa phương. Mức giới hạn giá trị giao dịch có thể quy định dựa vào giá trị của hợp đồng giao dịch hoặc giá trị tổng của các doanh nghiệp sau khi mua lại, sáp nhập.

Theo quy định của Luật NHNN Việt Nam thì NHNN có chức năng thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, thực hiện nhiệm vụ quyền hạn kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng, xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ này, trong cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước đã quy định chức năng, nhiệm vụ của các Cục, vụ về thanh tra, giám sát ngân hàng, đặc biệt NHNN đã thành lập cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tương đương cấp Tổng cục để thực hiện nhiệm vụ chuyên biệt này. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước được giao quyền hạn khi quản lý hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP, đồng thời lại tổ chức việc thanh tra, giám sát trong quá trình thực hiện có thể không khách quan, trong khi hoạt động ngân hàng TMCP có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế.

Cơ quan nhà nước phải có biện pháp giám sát, xử lí kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP. Vì vậy, pháp luật cần bổ sung quy định có một cơ quan sẽ giám sát độc lập tiến trình này. Qua quá trình nghiên cứu, luận án mạnh dạn đề xuất cơ quan giám sát hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP có thể được xem xét thuộc một trong các cơ quan như Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia hoặc một cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập.

3.4. Bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, phù hợp kỹ thuật lập pháp trong hoàn thiện pháp luật về sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần

Để một hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về hợp nhất, sáp nhập ngân hàng TMCP nói riêng phát huy được vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội tương ứng cần đáp ứng được 4 “tiêu chuẩn”. Hoàn thiện pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP cần đảm bảo tính toàn diện. Cụ thể, pháp luật phải dự liệu tối đa những quan hệ xã hội sẽ phát sinh khi thực hiện hợp nhất, sáp nhập ngân hàng TMCP. Từ đó, đặt ra các quy tắc ứng xử để các chủ thể thực hiện các hành vi pháp lí của mình. Pháp luật phải bao quát được mọi yếu tố có liên quan như địa vị pháp lí của chủ thể tham gia các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sáp nhập ngân hàng TMCP; điều kiện, thủ tục, xác định giá trị tài sản của ngân hàng TMCP, bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sở hữu ngân hàng TMCP, đặc biệt là các cổ đông thiểu số, bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền tại ngân hàng TMCP tham gia bị sáp nhập, các hoạt động hỗ trợ sáp nhập, giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình sáp nhập ngân hàng TMCP,... Chỉ khi dự liệu tối đa những tình huống có thể xảy ra trong đời sống, những quy định của pháp luật mới có tính ổn định, tránh tình trạng các văn bản pháp luật phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên. Hoàn thiện pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP phải đảm bảo tính đồng bộ, luôn gắn liền với pháp luật về ngân hàng, về doanh nghiệp, về đầu tư, về cạnh tranh. Do đó, cần có sự nhất quán trong các văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề trên. Tránh tình trạng các quy định tại các văn bản khác nhau tồn tại sự mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hoàn thiện pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP phải đảm bảo kĩ thuật lập pháp. Các quy định pháp luật phải sát thực tế, tránh sử dụng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành khiến người dân và doanh nghiệp khó hiểu. Đồng thời, những quy định cơ bản, nòng cốt cần thể hiện trong văn bản pháp luật, một loại văn bản qui phạm pháp luật có giá trị pháp lí cao.

Cần quy định nhất quán về chủ thể tham gia hợp nhất, sáp nhập ngân hàng TMCP, quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ pháp lí của các chủ thể. Trên thực tế, dù hình thức sở hữu khác nhau, nhưng các ngân hàng TMCP có thể được tổ chức theo hình thức CTCP hoặc Công ty TNHH. Do đó, nếu một ngân hàng TMCP được tồn tại theo hình thức Công ty TNHH muốn sáp nhập vào một ngân hàng TMCP được tồn tại dưới hình thức Công ty cổ phần hoặc các ngân hàng TMCP, Công ty TNHH thực hiện hợp nhất thì phải thực hiện theo qui định nào. Do đó, qui định về chủ thể tham gia sáp nhập giữa các doanh nghiệp trong Luật Cạnh tranh bao quát hơn, Luật Doanh nghiệp nên sửa đổi thuật ngữ theo hướng như Luật Cạnh tranh.

4. Kết luận

Hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các ngân hàng TMCP đứng riêng rẽ nhờ đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, mạng lưới phân phối,… Do đó, xu hướng sáp nhập ngân hàng TMCP có thể xảy ra giữa các ngân hàng lớn với nhau, giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, giữa các ngân hàng nhỏ với nhau.

Đây là những lý do cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật việc sáp nhập ngân hàng TMCP, vì sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng TMCP đòi hỏi cần thiết phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hiệu quả. Khi thực hiện mua lại, sáp nhập, có nhiều quan hệ xã hội phát sinh cần được pháp luật điều chỉnh. Xem xét hành vi mua lại, sáp nhập dưới mỗi góc độ khác nhau thì hoạt động mua lại, sáp nhập sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật phù hợp với quan hệ xã hội cần điều chỉnh.

Ở các nước trên thế giới và tại Việt Nam đều có sự điều chỉnh pháp luật việc sáp nhập ngân hàng TMCP. Xuất phát từ bản chất, chức năng của ngân hàng TMCP và yêu cầu cung ứng vốn của nền kinh tế thị trường, về yêu cầu quy luật cạnh tranh, khách quan của nền kinh tế thị trường, là những yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật việc sáp nhập ngân hàng TMCP, vì sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng TMCP đòi hỏi cần thiết phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hiệu quả,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2010), “Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  2. Chính phủ (2010), Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về “Đăng ký doanh nghiệp”.
  3. Chính phủ (2009), Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 quy định về “Tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại”.
  4. Chính phủ (2007), Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 về việc “Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam”.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 về việc “Góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”.
  6. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (2012), Quyết định số 734/QĐ-NHNN ngày 18/4/2012 về việc “Ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”.
  7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2010), Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 “Quy định việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại tổ chức tín dụng”.
  8. Nguyễn Thị Như Mai (2012), “Chính sách và xây dựng pháp luật”, (http://www.isponre.gov.vn/home/diendan/chinhsachvaxaydungphapluat)
  9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2012), “Thống kê số lượng Ngân hàng đến ngày 31/12/2012”, (http://www.sbv.gov.vn).
  10. Trang www.fdic.gov.
  11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2012), Báo cáo tổng kết hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2005 - 2012.

The current situation and solutions to enhance the effectiveness of legal regulations on the merger between joint stock commercial banks in Vietnam

      Ph.D student Phan Ngoc Ha

Vice Dean, Faculty of Law, Duy Tan University

ABSTRACT:

Legal regulations on the merger between joint stock commercial banks in Vietnam have been developed. Thanks to these regulations, some legal issues related to Law on Enterprises, Law on Investment, Law on Competition and Law on Securities of Vietnam were solved. However, there are still some shortcomings in Vietnam’s legal system on the merger between joint stock commercial banks. This paper analyzes the current Vietnam’s legal regulations on the merger between joint stock commercial banks and proposes some solutions to enhance the effectiveness of these regulations.

Keywords: law, merger, joint stock commercial bank, current situation, solution.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2 năm 2021]