TÓM TẮT:

Cố vấn học tập có vai trò quan trọng trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Mỗi cố vấn học tập là một chuyên gia tư vấn, định hướng cho sinh viên về học tập, nghiên cứu khoa học và việc làm. Công tác đánh giá chất lượng cố vấn học tập tại các trường đại học đã được các học giả trong và ngoài nước nghiên cứu khá nhiều, nhưng các nghiên cứu đánh giá công tác cố vấn học tập dưới góc độ cảm nhận của sinh viên dường như còn hạn chế.

Thông qua phương pháp phỏng vấn sâu nhóm các cố vấn học tập và xây dựng bảng câu hỏi khảo sát sinh viên tại Khoa Kinh tế - Quản trị trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, bài viết làm rõ thực trạng cũng như đưa ra một số giải pháp giúp hoàn thiện công tác cố vấn học tập tại các cơ sở đào tạo.

Từ khóa: Cố vấn học tập, hiệu quả, sinh viên, Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai.

1. Đặt vấn đề

Đào tạo theo học chế tín chỉ là một loại hình quản lý đào tạo có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả cao. Điều này đã được thực tiễn của nhiều nước chứng minh và hiện nay hầu hết các nước tiên tiến đều đang áp dụng quản lý đào tạo theo hệ thống này. Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã bắt đầu áp dụng học chế tín chỉ từ năm 2011. Đến nay, sau 9 năm thực hiện, học chế tín chỉ đã đi vào nề nếp: Chương trình đào tạo đã được rà soát, cập nhật thường xuyên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quy trình quản lý và các quy định liên quan đã được xây dựng hoàn thiện hơn; Phương pháp giảng dạy của giảng viên (GV) và phương pháp học tập của sinh viên (SV) hoàn toàn phù hợp với phương pháp đào tạo mới này. Để đạt được những thành công trên, đó là nhờ vào sự chỉ đạo và quyết tâm của Ban Giám hiệu, sự nhiệt tình của tất cả cán bộ, GV, SV trong quá trình giảng dạy, học tập và đặc biệt phải kể đến là vai trò của cố vấn học tập (CVHT).

Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, CVHT có vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành công trong công tác đào tạo của Nhà trường. Theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, CVHT là người tư vấn và hỗ trợ SV phát huy tối đa khả năng học tập, lựa chọn học phần phù hợp để đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp và khả năng tìm được việc làm thích hợp; theo dõi thành tích học tập của SV nhằm giúp SV điều chỉnh kịp thời hoặc đưa ra một lựa chọn đúng trong quá trình học tập; Quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo lớp được phân công phụ trách đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của SV.

Tại Trường Đại học Công Nghệ Đồng Nai, công tác CVHT được triển khai từ năm 2012. Tuy nhiên, đến năm 2017, công tác này mới được thực sự chú trọng và dần đi vào hoàn thiện. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây đó là, liệu công tác CVHT tại Trường đã thực sự hiệu quả, làm cho SV cảm thấy hài lòng hay chưa?

Để giải đáp thắc mắc này, trong giới hạn bài viết, nhóm tác giả đưa ra những đánh giá của SV về hiệu quả công tác CVHT trong thời gian qua, nhằm giúp Ban Giám hiệu Nhà trường có cái nhìn chính xác hơn về hiệu quả công tác này, từ đó đưa ra những giải pháp thích hợp.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Một số khái niệm

a. Khái niệm về cố vấn học tập

 Theo nội dung Điều 12, chương II - Tổ chức lớp SV của sách Giáo dục định hướng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai: “CVHT là một chức danh được đặt ra, phục vụ cho công tác đào tạo và quản lý SV”.

CVHT được lựa chọn từ các cán bộ giảng dạy, đã có kinh nghiệm qua các công tác giảng dạy ở trường, theo các tiêu chuẩn sau: (1) Có tinh thần trách nghiệm trong công tác; (2) Hiểu biết về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy chế đào tạo, thi cử, tốt nghiệp, quy chế về công tác SV,… ; (3) Hiểu biết sâu sắc về mục tiêu, chương trình đào tạo, cách tổ chức, các quy trình công tác đào tạo và quản lý SV ở trường, mục tiêu ngành, chuyên ngành.

Nhiệm kỳ của CVHT theo thời gian của khóa đào tạo và có thể kéo dài tối đa thêm một học kỳ. Sau đó, bàn giao số SV còn lại cho Khoa. Trong trường hợp được điều động đi công tác với thời gian dài, Khoa sẽ phân công CVHT khác thay thế.

b. Nhiệm vụ cố vấn học tập tại Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

CVHT là một mắt xích không thể thiếu, là cầu nối thông tin giữa Nhà trường và SV. CVHT là người am hiểu quy trình đào tạo, chương trình đào tạo, các quy định của Nhà trường để tư vấn, định hướng cho SV trong thời gian rèn luyện và học tập tại Trường. Do đó, CVHT có các nhiệm vụ chủ yếu sau: (1) Tư vấn, định hướng cho SV trong học tập, nghiên cứu khoa học và nghề nghiệp trong tương lai; (2) Thực hiện công tác rèn luyện nhân cách đạo đức cho SV; (3) Tư vấn cho SV về những vấn đề cá nhân, xã hội và cuộc sống.

2.2. Thực trạng công tác cố vấn học tập tại Khoa Kinh tế - Quản trị

Qua thực tế triển khai công tác CVHT tại Khoa Kinh tế - Quản trị cho thấy, việc đào tạo theo tín chỉ cũng có những khó khăn riêng của nó. Đối với hình thức đào tạo theo niên chế, SV được Nhà trường sắp xếp kế hoạch học tập, không phân biệt SV với những năng lực và điều kiện khác nhau. Còn đối với hình thức đào tạo tín chỉ, SV phải tự sắp xếp kế hoạch học tập của mình cho phù hợp với năng lực và điều kiện, dưới sự giúp đỡ của CVHT. Từ đó, làm cho quá trình quản lý SV trở nên hết sức phức tạp. Để hỗ trợ SV thực hiện kế hoạch học tập thì CVHT phải thực hiện rất nhiều công việc.

Hiện nay, thời gian làm việc của CVHT ở các trường là khác nhau. Tại Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, CVHT mỗi tháng được xếp lịch họp gặp lớp một lần. Ngoài ra, ở những thời gian khác, SV hoàn toàn có thể liên hệ với CVHT thông qua điện thoại, mạng xã hội, email… nên thời gian làm việc của CVHT khó có thể tính được chính xác, chủ yếu phụ thuộc vào số lượng SV mà họ trực tiếp quản lý. Nhiều CVHT cho rằng, việc tính 3 giờ công tác khác mỗi tháng cho CVHT là khá thấp. Sơ đồ 1 cho thấy, trong 285 SV được hỏi, hình thức liên lạc phổ biến nhất giữa SV với CVHT là thông qua các buổi họp lớp và chat facebook, zalo. Các hình thức còn lại - như gặp trực tiếp cá nhân, gọi điện thoại, email, gửi tin nhắn điện thoại – rất ít được SV lựa chọn. 

Sơ đồ 1: Hình thức liên lạc giữa CVHT và SV

hinh_thuc_lien_lac_giua_cvht_va_sv

Kết quả phỏng vấn về lựa chọn tiêu chí cho người làm cố vấn học tập cho thấy, các ý kiến lựa chọn tập trung vào kinh nghiệm về chuyên môn để có thể định hướng tốt nhất cho SV về xây dựng kế hoạch học tập, định hướng nghề nghiệp. Theo thầy Nguyễn Hoài Nhân (GV bộ môn Du lịch): “CVHT nhất thiết phải là người có chuyên môn thì mới có thể tư vấn cho SV một cách tốt nhất trong quá trình lập kế hoạch học tập, định hướng đề tài khóa luận tốt nghiệp, nghiên cứu khoa học”. CVHT tại Khoa Kinh tế - Quản trị hiện nay được sắp xếp theo lớp, về chuyên môn thì đúng hoặc thuộc cùng khối ngành Đào tạo. Số GV làm công tác CVHT đúng chuyên ngành đào tạo chiếm 59,38%. Số lượng SV mà CVHT đảm nhiệm sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn của họ. Kết quả điều tra cho thấy, mỗi CVHT phải quản lý trung bình 64,2 SV. Do đó, phần nào công việc của CVHT đang bị quá tải, việc trả lời câu hỏi sớm cho SV gặp phải một rào cản rất lớn. 

Sơ đồ 2: Số lượng SV mỗi CVHT quản lý

so_luong_sv_moi_cvht_quan_ly

Công việc của CVHT vừa phải nắm bắt quá trình học tập của SV, vừa thực hiện công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các công tác khác. Việc gánh vác một lúc nhiều vai trò, đồng thời phải quản lý và tư vấn cho một nhóm SV khá lớn sẽ gây khó khăn trong quá trình giúp SV xây dựng kế hoạch học tập cá nhân cũng như định hướng nghề nghiệp … và trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng quản lý của CVHT. Vì vậy, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CVHT là điều cần thiết.

Kết quả khảo sát cho thấy, có 95% CVHT tại Khoa biết Nhà trường có văn bản hướng dẫn vai trò, chức năng của CVHT nhưng đến 42% trong đó không tiếp cận được nội dung văn bản. Theo ý kiến của nhiều CVHT, nội dung hướng dẫn các văn bản còn chung chung, nhiều CVHT chưa hiểu nên tư vấn cho SV cách xây dựng kế hoạch học tập như thế nào, định hướng về nghiên cứu và lựa chọn đề tài ra sao,… Số buổi tập huấn công tác CVHT tại Trường còn hạn chế, được biết buổi tập huấn gần đây nhất là vào năm 2017 nên các CVHT mới vẫn chưa hiểu hết vai trò, nhiệm vụ của mình.

Để đánh giá sự sẵn lòng trợ giúp từ các đối tượng liên quan, nhóm tác giả tiến hành khảo sát trực tiếp những người làm công tác CVHT. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, sự hỗ trợ thấp nhất là từ các phòng, ban chức năng, nhưng vẫn trên mức trung bình. Các đối tượng khác, gồm: lãnh đạo Khoa, đồng nghiệp, Ban cán sự lớp; có mức hỗ trợ tương đối cao. Qua đó nhận thấy được lãnh đạo Khoa, đồng nghiệp và SV đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác CVHT. Sự trợ giúp cao nhất đến từ lãnh đạo Khoa, đồng nghiệp, thông thường là cách đăng ký học phần cho các học kỳ, các thông báo, quy định của Nhà trường, trả lời các câu hỏi mà CVHT chưa hiểu rõ cho SV. Ban cán sự lớp là cầu nối giữa CVHT và SV trong lớp, đây là kênh thông tin cho CVHT về tình trạng học tập của SV, những SV hay nghỉ học, chểnh mảng trong học tập, tác phong không đúng hay gặp các vấn đề khó khăn về tài chính, hoàn cảnh gia đình,… Những thông tin này rất hữu ích, giúp CVHT giám sát SV tốt hơn. 

Sơ đồ 3: Sự sẵn lòng hỗ trợ từ các đối tượng liên quan đến CVHT

su_san_long_ho_tro_tu_cac_doi_tuong_lien_quan_den_cvht

Theo kết quả phỏng vấn sâu một số GV làm công tác CVHT, công tác này của Khoa chưa thực hiện được chủ yếu ở những nội dung sau: Việc tư vấn cho SV phương pháp học đại học, phương pháp tự học còn nhiều hạn chế; Vấn đề định hướng nghề nghiệp cho SV chưa được chú trọng, nhiều SV vẫn chưa biết thực chất ngành mình học sau này ra trường sẽ làm gì, gây nên tâm lý mất phương hướng trong học tập; Hoạt động theo dõi thành tích học tập cũng như quá trình học tập của SV chưa được quan tâm đúng mức, chưa nhắc nhở SV khi thành tích học tập giảm sút và trợ giúp SV điều chỉnh kế hoạch học tập kịp thời; Chưa thực hiện tốt công tác tư vấn cho SV tham gia các hoạt động đoàn thể, các hoạt động ngoại khóa, cộng đồng; Hạn chế trong việc nắm được thông tin và tình hình SV có những hoàn cảnh khó khăn để kịp thời đề xuất giúp đỡ; Chưa thảo luận và trợ giúp SV trong việc lựa chọn nơi thực tập, lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu khoa học phù hợp với năng lực.

Để hiểu rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu trong công tác CVHT hiện nay tại Khoa Kinh tế - Quản trị dưới góc nhìn của SV, nghiên cứu tiến hành khảo sát SV đang học tập tại Khoa. Thời gian khảo sát từ tháng 12/2019 đến tháng 01/2020. Bảng câu hỏi dựa trên những nhiệm vụ mà CVHT phải thực hiện tại Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Phương pháp chọn mẫu thuận tiện được sử dụng. Số phiếu khảo sát phát ra là 310 phiếu, sau khi nhập dữ liệu và làm sạch (loại bỏ phiếu không có phương án trả lời hoặc trả lời thiếu) thì số lượng phiếu phù hợp cho nghiên cứu là 285 phiếu. Thang đo Liker 5 mức độ được sử dụng, với 1 là “Rất không hài lòng” đến 5 “Rất hài lòng”. Kết quả được trình bày ở Bảng 1.

Bảng 1. Kết quả khảo sát sinh viên về công tác cố vấn học tập

tại Khoa Kinh tế - Quản trị

ket_qua_khao_sat_sinh_vien_ve_cong_tac_co_van_hoc_tap_tai_khoa_kinh_te_-_quan_tri

     Nhìn chung, các nội dung được hỏi đều được đánh giá trên mức trung bình (Mức 3) nhưng chưa có nội dung nào đạt được mức hài lòng (Mức 4) trở lên. Điều này cho thấy, công tác CVHT của Khoa vẫn chưa thực sự làm cho SV cảm thấy hài lòng nhưng cũng không có nội dung nào làm cho SV bất mãn.

2.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao công tác cố vấn học tập

Dựa trên những kết quả nghiên cứu ở trên, nhóm tác giả đưa ra một số gợi ý cho Nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả công tác CVHT như sau:

Xây dựng đội ngũ CVHT đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng. Lựa chọn GV có trách nhiệm và uy tín để đảm nhiệm công việc CVHT. Ngoài ra, cần phân công một CVHT quản lý một nhóm SV với số lượng hợp lý, tránh tình trạng một CVHT phải phụ trách quá nhiều SV, dẫn đến không nắm chắc tình hình của nhóm SV do mình phụ trách.

Tăng cường các hình thức bồi dưỡng đội ngũ CVHT, chẳng hạn như mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ CVHT. Trong đó, chú trọng trang bị những kiến thức về quy trình đào tạo theo học chế tín chỉ, mục tiêu, chương trình đào tạo của ngành học. Mỗi CVHT cần có sổ tay riêng để theo dõi tình hình học tập và rèn luyện của SV.

Có một số biện pháp hỗ trợ đối với những SV có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm thêm, không có thời gian tự học nhiều như: tư vấn việc đăng ký khối lượng học tập cho phù hợp, đề xuất Nhà trường có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ cho những SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tăng cường thêm các buổi gặp gỡ giữa CVHT và SV, tạo điều kiện thuận lợi hơn để giải đáp các thắc mắc của SV. Thành lập một Forum CVHT nhằm giúp SV đưa và nhận thông tin kịp thời, làm cơ sở giúp Nhà trường đánh giá chính xác và công bằng về hiệu quả của từng CVHT.

Nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về công tác CVHT, theo đó cần đổi mới nhận thức rằng CVHT là người có vai trò quan trọng đến sự thành công của SV trong đào tạo theo học chế tín chỉ. CVHT là cầu nối giữa nhà trường với SV, làm nhiệm vụ tư vấn cho SV về học tập, nghiên cứu khoa học và việc làm, là đại diện Nhà trường quản lý toàn diện SV về mọi mặt…

CVHT phải có trách nhiệm định hướng nghề nghiệp, giúp SV đề ra mục tiêu cho tương lai, tư vấn cho SV biết hiện tại mình nên làm gì và cần phải cố gắng đạt được gì, định hướng để SV phấn đấu học tập tốt hơn. Trao đổi và góp ý về các vấn đề nghề nghiệp như: đặc tính nghề nghiệp, tình trạng môi trường làm việc, thị trường làm việc, cơ hội việc làm.

Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát và các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với CVHT. Việc làm này sẽ góp phần làm cho công tác CVHT có nề nếp và hiệu quả hơn.

4. Kết luận

Đổi mới công tác quản lý CVHT tại các trường đại học là một yêu cầu tất yếu, khách quan trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Công tác CVHT được thực hiện tốt sẽ góp phần tác động trực tiếp đến hoạt động học tập của SV, làm thay đổi hành động học, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu mới.

Trong suốt quá trình nghiên cứu về tình hình CVHT ở Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, nhóm tác giả đã thu thập, tìm hiểu ý kiến từ GV và SV tại Khoa Kinh tế - Quản trị. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hoạt động CVHT chỉ có thể thực hiện tốt khi đội ngũ này thực sự nỗ lực, đề cao trách nhiệm, cần phải có sự hợp tác giữa các đơn vị phòng ban, khoa và đội ngũ CVHT, đặc biệt là mối quan hệ giữa SV với CVHT. Tất cả các gợi ý trên của nhóm tác giả đều là những mong mỏi và yêu cầu bức thiết từ các bạn SV đối với CVHT, nhằm tạo lập môi trường dạy và học tập tốt nhất. Từ đó, nâng cao chất lượng dạy và học, để hình thức đào tạo theo tín chỉ không còn quá xa lạ và khó khăn với SV nữa mà sẽ là hình thức đào tạo tiên tiến, thuận lợi cho quá trình học tập, nghiên cứu của SV.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Azra Shamsdin - Mehrnoosh Doroudchi (2012). Student evaluation of the academic advising process in an Iranian medical school. International Journal of Medical Education, 3, pp.17-20. DOI: 10.5116/ijme.4f29.a809.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016). Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT về việc Ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. NXB Giáo dục.
  3. Đặng Thành Hưng - Ngô Hải Chi (2016). Một số mô hình cơ bản của hoạt động CVHT trong giáo dục đại học. Tạp chí Thiết bị giáo dục, số 121, 25-30.
  4. Jacqueline M. Swank (2015). Effectiveness of the Counselor Feedback Training Model. The Journal of Counselor Preparation and Supervision, 7(1), article 5. DOI: 10.7729/52.1074
  5. Nguyễn Khắc Nam (2017). Đánh giá năng lực đội ngũ cố vấn học tập tại Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp từ phía người học. Luận văn thạc sỹ, ĐH Quốc gia Hà Nội - Trường Đại học Giáo dục.
  6. Nguyễn Thanh Sơn (2014). Đổi mới công tác quản lý cố vấn học tập tại các trường đại học ngoài công lập. Bản tin Khoa học và Giáo dục Trường Đại học Yersin Đà Lạt, 10-13.
  7. Trần Thị Minh Đức - Kiều Anh Tuấn (2012). Cố vấn học tập trong các trường đại học. Tạp chí Khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 28, 23-32.
  8. Trần Thị Minh Đức - Lê Thị Thanh Thủy (2012). Một số mô hình cố vấn học tập ở các trường đại học Việt Nam. Tạp chí Tâm lý học, số 4 (157), 12-24.
  9. Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (2017). Sách Giáo dục định hướng.
  10. Võ Thị Ngọc Lan (2015). Thực trạng công tác CVHT và rèn luyện của đội ngũ CVHT ở Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 6(72), 123-134.

 

THE CURRENT STATUS AND SOLUTIONS TO IMPROVE THE QUALITY

OF ACADEMIC COUNSELORS AT THE FACULTY OF ECONOMICS

AND BUSINESS ADMINISTRATION,

DONG NAI TECHNOLOGY UNIVERSITY

Master. PHAM THI MONG HANG

Dong Nai Technology University

LE THANH TUNG

VNPT Dong Nai

ABSTRACT:

Academic counselors play an important role in credit-based training system. Each academic counselor is an expert for student in counsel, orientation, scientific research and occupation. Evaluating academic counselor quality in universities is a popular research topic of scholars in Vietnam and in many countries but there are not many researches on evaluating academic counselor quality under the views of students. By conducting in-depth interviews with academic counselors and surveying students studying at the Faculty of Economics and Business Administration, Dong Nai Technology University, this study examines the work of academic counselors and analyzes students’ feedbacks about their academic counselors. This study finds that there are many shortcomings in the work of academic counselors and presents some suggestions to enhance the quality of academic counselors at the Faculty of Economics and Business Administration, Dong Nai Technology University.

Keywords: Academic counselor, effective, student, Faculty of Economics – Business Administration, Dong Nai University of Technology.