Thực trạng về tình hình xuất nhập khẩu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay và giải pháp

ThS. LƯU HUỲNH (Khoa Quản trị kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:
Việc mở rộng giao lưu kinh tế thế giới sẽ mở rộng thị trường xuất nhập khẩu (XNK), thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tiếp thu được công nghệ khoa học tiên tiến, những kinh nghiệm quý báu của các nước kinh tế phát triển và tạo được môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những đặc điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rất riêng biệt. Do đó, cần phải nhận rõ tầm quan trọng của xuất khẩu, tình hình thực tế về ngoại thương của nước ta để đề ra những giải pháp, chiến lược thích hợp để phát triển hội nhập kinh tế. Bài viết phân tích về thực trạng về tình hình xuất nhập khẩu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp.
Từ khóa: Xuất nhập khẩu, nền kinh tế, Việt Nam.

I. Đặt vấn đề
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập kinh tế đó vừa là cơ hội mà cũng là một thách thức đối với nước ta, nhiều vấn đề kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp như xuất - nhập khẩu của Việt Nam. Là nước đang phát triển nên Việt Nam vẫn là nước nhập siêu. Việc gia nhập tổ chức thương mại, ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam phát huy những thế mạnh, tháo gỡ hạn chế về thị trường xuất khẩu và tạo lập môi trường thương mại mới. Sự tăng trưởng xuất khẩu và đóng góp của nó vào sự phát triển kinh tế trong thời gian qua như một minh chứng cho thấy Việt Nam đã biết tận dụng các cơ hội này một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mới chỉ thiên về bề nổi, còn xét về mặt chất thì xuất nhập khẩu của nước ta còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, những sản phẩm thô, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu... dẫn đến giá trị xuất khẩu không cao... Đây là những vấn đề tuy không con mới, song việc tìm ra lời giải cho nó vẫn còn một bài toán cho các nhà lập chính sách, các nhà nghiên cứu, cũng như những ai quan tâm tới nền kinh tế Việt Nam.
II. Thực trạng và đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu của nền kinh tế Việt Nam
1. Khái quát tình hình xuất nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay
Trong những năm gần đây, cán cân thương mại Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc cả về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu. Những điểm khác biệt chủ yếu trên cán cân thương mại tổng thể được tổng hợp như sau:
- Thứ nhất: Có xu hướng gia tăng mạnh mẽ của tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam, đặc biệt giai đoạn 2007 - 2016, tổng kim ngạch đạt 2211,2 tỷ USD (gấp gần 5,3 lần giai đoạn 1997 - 2006). Cũng trong giai đoạn 2007 - 2016, giá trị xuất khẩu đạt 1072,93 tỷ USD (gấp 5,5 lần giai đoạn 1997 - 2006) và giá trị nhập khẩu đạt 1138,27 tỷ USD (gấp 5,1 lần giai đoạn 1997 - 2006). (Hình 1) - Thứ hai: Kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu đã dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam tăng lên đột biến năm 2007. Giá trị nhập siêu tăng vọt từ 5,06 tỷ USD năm 2006 lên mức 14,12 tỷ USD năm 2007 và đạt 18,02 tỷ USD vào năm 2008. Như vậy, chỉ trong hai năm 2007 - 2008, giá trị nhập siêu đã gấp 1,27 lần cả giai đoạn 2000 - 2006. Giai đoạn 2009 - 2011 giá trị nhập siêu của Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao nhưng có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, năm 2012, cán cân thương mại đột biến thặng dư 748 triệu USD và con số này đã tăng lên 2,37 tỷ USD vào năm 2014. Năm 2015, cán cân thương mại lại rơi vào thâm hụt 3,55 tỷ USD và đến năm 2016 bất ngờ đổi chiều và đạt đỉnh thặng dư từ trước đến nay là 2,52 tỷ USD. Việc cán cân thương mại thặng dư trong giai đoạn 2012 - 2014 và năm 2016 là do xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng vọt kết hợp với việc giảm nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước. (Hình 2) 2. Tổng quan về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2016-2017
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2017, mặc dù thị trường thế giới có nhiều bất ổn, song Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao. Đóng góp vào sự tăng trưởng và ổn định nền kinh tế vĩ mô là hoạt động thương mại dịch vụ, trong đó nổi bật là hoạt động XNK hàng hóa, tăng trưởng cao hơn năm trước, và đã có xuất siêu.
2.1. Những kết quả của năm 2016
Về XK hàng hóa XK hàng hóa của VN năm 2016 vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng, đưa thặng dư thương mại hàng hóa đạt 2,68 tỷ USD và kim ngạch XNK của VN đã cán mốc 300 tỷ USD vào ngày 15.11.2016, là một kết quả nổi trội. Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015 (Bảng 1). Mặt hàng XK chủ yếu đứng đầu là máy móc, thiết bị, phụ tùng. Năm 2016, trị giá XK đạt 34,505 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2015. Tiếp đó là điện thoại các loại và linh kiện trị giá XK đạt hơn 24,96 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,48 tỷ USD, tăng 18,48%; Giày dép đạt 12,92 tỷ USD, tăng 7,6%; Thủy sản đạt 7,02 tỷ USD, tăng 6,9%; Về lượng, cà phê XK đạt 1.794 nghìn tấn, tăng 33,7%; Hạt tiêu XK đạt 176 nghìn tấn, tăng 34,2%; Hạt điều, chè, cao su đều tăng từ 6,1-9% so với năm 2015. Bức tranh XK các nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016 chiếm gần 2/3 tổng KNXK của cả nước thể hiện ở biểu đồ 1. Trị giá XK hàng hóa của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 ước đạt 125,9 tỷ USD, tăng 10,2 so với năm 2015 và chiếm đến 71,6% tổng KNXK hàng hóa của cả nước.
Việt Nam đã có quan hệ thương mại hàng hóa với 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có trên 29 thị trường XK, 19 thị trường NK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tổng KNXK hàng hóa của các thị trường này thường chiếm tới 90% KNXK (và 88% KNXK của cả nước). Năm 2016, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với hầu hết các châu lục vẫn duy trì mức tăng trưởng; riêng XK vào thị trường khu vực ASEAN giảm 4,7% và so với năm 2015; XK một số nhóm hàng như gạo giảm 25,7%, dầu thô giảm 24,1%, than đá giảm 26,1% về khối lượng. Mặt khác, do XK chưa tận dụng được các cơ hội mở cửa thị trường trong bối cảnh thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN; các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực; cơ sở hạ tầng logistics yếu kém dẫn đến chi phí logistics tăng cao cũng là những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng XK thấp.
2.2. Xuất khẩu 10 tháng năm 2017 gần bằng cả năm 2016
Trong 10 tháng năm 2017, xuất khẩu tiếp tục có được mức tăng trưởng ấn tượng, đạt tới 173,7 tỷ USD, gần bằng của cả năm 2016 (175,9 tỷ USD). Nếu giữ vững được đà tăng này thì năm 2017, xuất khẩu có khả năng sẽ vượt mục tiêu đề ra, tiếp tục khẳng định vai trò động lực chính của nền kinh tế. Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/10, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2017 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 26,2%. Tính chung 10 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 125,5 tỷ USD, tăng 22,1%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 34,7 tỷ USD, tăng 10,1%; tiếp đến là EU đạt 31,8 tỷ USD, tăng 15,7%; Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, tăng 48%. Trong khi đó, thị trường ASEAN đạt 18 tỷ USD, tăng 26,8%; Nhật Bản đạt 13,7 tỷ USD, tăng 14,7%; Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 28,6%.
Từ chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2017 đạt 18,5 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 16,6%.Tính chung 10 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 172,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 64,6 tỷ USD, tăng 11,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 107,9 tỷ USD, tăng 29,2%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 47,1 tỷ USD, tăng 16,7%; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 38,8 tỷ USD, tăng 48,4%. ASEAN đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17%; Nhật Bản đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8%; EU đạt 9,9 tỷ USD, tăng 9,7%; Hoa Kỳ đạt 7,6 tỷ USD, tăng 10,5%.
Do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nên cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9/2017 xuất siêu 1,1 tỷ USD, tháng 10/2017 xuất siêu 900 triệu USD. Tính chung 10 tháng/2017 xuất siêu 1,23 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,40 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,63 tỷ USD.
Số liệu trên cho thấy, chưa bao giờ bức tranh xuất khẩu lại trở nên “sáng sủa” như hiện nay, với kim ngạch tăng rất cao. Bộ Công Thương dự báo nếu tốc độ tăng xuất khẩu tiếp tục được giữ vững thì tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 có thể đạt khoảng 200 tỷ USD (cao hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 188 tỷ USD), tăng khoảng 13% so với mức thực hiện năm 2016.
3. Định hướng tình hình xuất nhập khẩu cho năm 2018
3.1. Nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục bứt phá
Năm 2017, xuất nhập khẩu ghi dấu ấn đặc biêt khi đạt mức 400 tỷ USD, tăng trưởng 21%, mức cao nhất trong nhiều năm qua. Năm 2018, với nhiều mặt hàng được bãi bỏ thuế quan, hàng hóa Việt Nam có lợi thuế hơn nhưng cũng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh trực tiếp từ các quốc gia khác.
Theo dự báo, năm 2018 vẫn là một năm tích cực với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Cụ thể, với Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu năm 2018 có thể tăng thêm 400 nghìn tấn so năm 2017 để đạt mức 6 triệu tấn. Gạo xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng về khối lượng xuất khẩu chủ yếu nhờ nhu cầu nhập tăng từ một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, nhất là tại Philippines.
3.2. Mặt khác xuất nhập khẩu năm 2018 sẽ tiếp tục khó khăn và thách thức
Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn, như Hoa Kỳ, EU,... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều; căng thẳng địa - chính trị ở nhiều nơi có thể ảnh hưởng đến tài chính thế giới, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu cũng như giảm nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng; nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hóa thương mại và đầu tư ở nhiều nơi,... Năm 2018 là năm bản lề quyết định thắng lợi của việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) do Đại hội XII của Đảng đề ra. Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới để phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức mới mà nước ta cần nắm bắt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước đi trước.
III. Giải pháp cho tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay
Về giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm qua lần đầu tiên cán mốc 400 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 21,1%, cao gấp 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch là một điểm sáng của nền kinh tế. Trong năm qua, xu hướng bảo hộ mậu dịch của các đối tác quốc tế có chiều hướng gia tăng, đã gây ra nhiều rào cản đối với doanh nghiệp trong nước. Với rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ cho các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như: Gỗ, da giày, dệt may, công nghiệp chế biến, chế tạo… không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn mà còn tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc khai thác thị trường xuất, nhập khẩu mới cũng là một trong những giải pháp rất hữu hiệu, đóng góp quan trọng vào thành tích xuất, nhập khẩu của cả nước.
- Trước hết, từ Trung ương đến địa phương, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp nhà nước, trong đó, phải lấy tiêu chí về năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệu quả trong đầu tư làm thước đo cuối cùng.
- Thêm một giải pháp thúc đẩy xuất, nhập khẩu đưa ra là đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển thị trường trong nước, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Lực lượng quản lý thị trường với mô hình tổ chức, quản lý mới theo chiều dọc sẽ cùng với các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với những hành vi gian lận thương mại.
- Đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế bằng những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để tạo dư địa mới cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
- Tiếp tục tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu. Trước đó, phân tích về cơ hội và thách thức của tình hình XNK năm 2018, Bộ Công Thương cho rằng, tình hình XK năm 2018 tiếp tục phải đối mặt với một số khó khăn như kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng nhưng ở mức không cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, giảm phụ thuộc vào nguồn NK dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong XK nông sản, thủy sản... Để giải quyết những khó khăn kể trên: Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai trong năm 2018 và những năm tiếp theo là cải cách thể chế, chính sách; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, XK của DN.
+ Cụ thể, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động XNK, tăng cường công tác kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất phương hướng chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa thủ tục hành chính; đưa các thủ tục hành chính có tác động nhiều tới doanh nghiệp vào thực hiện theo thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4; chủ động, tăng cường tham gia kết nối với Chương trình một cửa quốc gia. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Quản lý ngoại thương và các nghị định, thông tư quy định chi tiết luật đến các cơ quan, hiệp hội ngành hàng, DN.
+ Song song với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp về tổ chức sản xuất, quy hoạch đối với các mặt hàng nông, thủy sản gắn với thị trường nhằm tạo nguồn hàng có chất lượng để phục vụ XK. Đồng thời, triển khai các biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu hàng hóa XK vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng XK từ nguyên liệu trong nước; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng sản xuất có tiềm năng tăng trưởng XK lớn; tăng cường công tác thông tin thị trường để tạo điều kiện cho các DN khai thác tốt cơ hội XK; đổi mới hình thức xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ tốt nhất cho DN.
+ Ngoài ra, theo dõi sát tình hình NK, phát hiện những mặt hàng gia tăng đột biến và làm rõ nguyên nhân, chủ động tham mưu, triển khai thực hiện những biện pháp kịp thời nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát phù hợp với cam kết quốc tế; tận dụng tối đa các cơ hội thị trường nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu XNK đã đề ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Asian Development Bank (2016), Asia Indicators for Asia and the Pacific, Manila, Philippines.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015), Kỷ yếu hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Hà Nội.
3. Dự án Hỗ trợ thương mại Đa biên EU-Vietnam (2016), Báo cáo phân tích thâm hụt thương mại của Việt Nam và các điều khoản về cán cân thanh toán của WTO, Hà Nội.
4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI (2017), Tài liệu tập huấn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và quá trình tham gia của Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
5. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí giai đoạn quý I/2004 đến quý IV/2014, Hà Nội.
6. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê năm 2016 và Niên giám năm 2017, Hà Nội.
7. Trung tâm WTO-VCCI (2018), Bản tin Doanh nghiệp và Chính sách thương mại quốc tế, Hà Nội.

CURRENT STATUS OF IMPORT-EXPORT OF VIETNAM ECONOMY AND SOLUTIONS

MA. LUU HUYNH

Faculty of  Business Administration, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The expansion of international economic exchanges will expand the export and import market, attract foreign investment capital, acquire advanced technology and precious experiences, create a favorable environment for economic development. However, each country has very distinct economic, political, cultural and social characteristics. Therefore, it is necessary to recognize the importance of trade and the actual state of foreign trade in order to propose appropriate solutions and strategies for the development of economic integration. The article analyzes the current situation of trading situation of Vietnam and proposes some solutions.

Keywords: Import-export, economic, Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây