TÓM TẮT:

Bài viết xem xét việc sử dụng các dịch vụ logistics của 100 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (DNXKTS) tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó tìm hiểu: (a) những lý do sử dụng dịch vụ logistics, (b) những hạn chế, (c) thời gian sử dụng, (d) các hoạt động logistics thường được thuê (d) nơi thuê và (e) những đánh giá của các doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, các DNXKTS tại ĐBSCL thuê ngoài dịch vụ logistics chủ yếu là để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi (64%) và thuê ngoài dịch vụ logistics khi có nhu cầu (32%). Từ đó phác thảo hàm ý cho các nhà quản lý của DNXKTS và những nhà cung cấp dịch vụ logistics dựa trên bằng chứng thu thập được.

Từ khoá: Thuê ngoài dịch vụ logistics, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Giới thiệu

Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 8 cả nước, nằm trong 10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (Hải quan Việt Nam, 2018). Trong Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,8 tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2017 (WTO Center - VCCI, 2018). Trong đó, khu vực ĐBSCL là một trong những vùng trọng điểm về nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản chính của nước ta (Vasep, 2018), chiếm khoảng 40,4% trong sản lượng thủy sản khai thác so với cả nước (Tổng cục Thống kê, 2017), chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản so với cả nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2014). Ngành Nuôi trồng thủy sản giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế của ĐBSCL (Tổng cục Thủy sản, 2018). Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, các DNXKTS vẫn không tránh khỏi những khó khăn và có thể rơi vào tình trạng phá sản. Việc tập trung dàn trải các nguồn lực của tổ chức vào nhiều lĩnh vực sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, để nâng cao lợi thế cạnh tranh, các DNXKTS tại ĐBSCL cần thiết phải đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Bên cạnh đó, họ thực hiện ủy thác cho các công ty logistics chuyên nghiệp những phần việc không phải là lĩnh vực sở trường của mình thông qua các hợp đồng logictics. Các hợp đồng thuê ngoài này được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chọn lựa nhằm đảm bảo tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp. Mô hình thuê ngoài ngày càng trở thành một chiến lược quan trọng, có thể hỗ trợ đáng kể cho các tổ chức tận dụng kỹ năng và nguồn lực của nhà cung cấp dịch vụ, để đạt khả năng cạnh tranh cao hơn. Bằng cách thuê ngoài dịch vụ logistics các doanh nghiệp có thể tận dụng chuyên môn của các nhà cung cấp để tập trung vào năng lực cốt lõi của mình (Mitra, 2009); hưởng nhiều lợi ích như giảm nguyên liệu và chi phí sản xuất, tiếp cận rộng hơn với thị trường toàn cầu, và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường (Trent & Monczka, 2003). 

Xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết trên, việc nghiên cứu “Thực trạng thuê ngoài dịch vụ logistics của các DNXKTS tại ĐBSCL” là cần thiết nhằm: (i) phân tích thực trạng thuê ngoài dịch vụ logistics của các DNXKTS tại ĐBSCL; (ii) từ đó đề xuất hàm ý quản trị để phát triển dịch vụ thuê ngoài logistics trong tương lai.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là thực trạng thuê ngoài dịch vụ logistics của các DNXKTS tại ĐBSCL.

Phương pháp nghiên cứu được tiến hành qua nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức.

(1) Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu về các vấn đề liên quan đến tình hình thuê ngoài dịch vụ logistics hiện nay, của DNXKTS tại ĐBSCL. Chuyên gia gồm 2 Trưởng phòng thuộc DNXKTS tại ĐBSCL, 2 nhà cung cấp dịch vụ logistics ở TP. Cần Thơ, 1 nhà nghiên cứu lĩnh vực logistics - giảng viên Trường Đại học An Giang. Thảo luận xoay quanh các nội dung như lý do, hạn chế, đánh giá về thuê ngoài dịch vụ logistics của DNXTKS tại ĐBSCL; có những ủng hộ hay rào cản nào từ chính sách và pháp luật của nhà nước (đối với DNXKTS và hoạt động logistics); có đề xuất hay ý kiến gì để phát triển dịch vụ logistics tại ĐBSCL. Bên cạnh đó, nội dung nghiên cứu được thiết lập nhờ kết hợp với lược khảo tài liệu liên quan đến thuê ngoài dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới, để có cái nhìn tổng quan về vấn đề nghiên cứu từ các nghiên cứu trước. Từ đó, xác định được nội dung nghiên cứu cần thực hiện.

(2) Nghiên cứu chính thức được tiến hành bằng phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua bảng câu hỏi từ 100 DNXKTS có tham gia các hoạt động thuê dịch vụ logictis tại ĐBSCL. Đối tượng khảo sát của đề tài là các đáp viên có chức vụ Phó Trưởng phòng trở lên, có am hiểu về thuê ngoài dịch vụ logistics. Chức vụ đã được khảo sát trong nghiên cứu là Giám đốc (23%), phó Giám đốc (23%), Trưởng phòng (23%), Phó Trưởng phòng (16%) (Số liệu khảo sát thực tế, 2017).

Việc thu thập số liệu sơ cấp: Số lượng doanh nghiệp được chọn theo từng khu vực địa lý, sau đó lấy mẫu thuận tiện, thông qua mối quan hệ quen biết và giới thiệu từ các doanh nghiệp đã khảo sát. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), số lượng DNXKTS tại ĐBSCL năm 2014 gần 250 doanh nghiệp. Để đảm bảo tính đại diện cho mẫu, các tỉnh có số lượng nhiều DNXKTS đang hoạt động ở ĐBSCL (Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu, Tiền Giang), số lượng trung bình DNXKTS đang hoạt động (Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp), và số lượng ít DNXKTS đang hoạt động (Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long) sẽ được ưu tiên lựa chọn khảo sát (VCCI Cần Thơ, 2014). Tổng số phiếu khảo sát được sử dụng cho nghiên cứu là 100 phiếu. Trong đó, 29% DNXKTS ở Cà Mau, 18% ở Cần Thơ, 15% ở An Giang, 10% ở Đồng Tháp, 9% ở Bạc Liêu, 6% ở Sóc Trăng, 4% ở Hậu Giang, 3% ở Kiên Giang, 2% ở Vĩnh Long, 2% ở Long An, Trà Vinh và Tiền Giang mỗi tỉnh thu được 1 phiếu trả lời của DNXKTS (chiếm 1%) (Số liệu khảo sát thực tế, 2017).

Phương pháp phân tích số liệu của nghiên cứu là thống kê mô tả bằng công cụ SPSS, để phân tích thực trạng thuê ngoài dịch vụ logistics của các DNXKTS tại ĐBSCL hiện nay.

3. Kết quả và diễn giải phân tích kết quả

Về loại hình doanh nghiệp: công ty cổ phần chiếm tỷ trọng cao nhất (57%), tiếp đến là công ty trách nhiệm hữu hạn (35%) và doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm một phần nhỏ (8%).

Về quy mô DNXKTS: chủ yếu là doanh nghiệp lớn (54%), doanh nghiệp vừa (29%), doanh nghiệp nhỏ (14%), và một số doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất thấp (3%).

Xét về thâm niên trong lĩnh vực thuê ngoài, số DNXKTS thuê ngoài dịch vụ logistics từ 15 năm trở lên chiếm tỷ lệ lớn nhất (28%), từ 10-13 năm (26%), từ 7-9 năm (20%), từ 4-6 năm (19%) và từ 1-3 năm (7%). Điều này có thể thấy, quy mô DNXKTS tại ĐBSCL đa phần là những doanh nghiệp lớn, nguồn vốn lớn, thuộc loại hình công ty cổ phần, và thực hiện thuê ngoài dịch vụ logistics thời gian khá lâu. Những đặc điểm trên phù hợp với đặc thù những doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có nguồn vốn lớn để đảm bảo tiền hàng và chi trả chi phí vận tải khá cao.

Trong bước nghiên cứu sơ bộ định tính của đề tài, các chuyên gia cho rằng các DNXKTS đều có thuê ngoài dịch vụ logistics (một hoặc nhiều hoạt động logistics). Sau sự việc Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá cá tra cá basa năm 2001, các DNXKTS lớn, nhỏ có nguy cơ phá sản ngày càng nhiều. Các DNXKTS lớn còn trụ lại được nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Họ phải đầu tư vào các công việc quan trọng khác như vùng nuôi, chất lượng nguồn hàng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu…, nên để giảm vốn đầu tư vào tiền cước tàu, cơ sở vật chất liên quan đến quá trình vận tải hàng thì các DNXKTS đều thuê dịch vụ logistics từ bên ngoài. Bên cạnh đó, các DNXKTS nhỏ có năng lực về vốn nhỏ, tiềm lực kinh doanh không đủ khả năng nên họ vẫn lựa chọn thuê dịch vụ logistics từ bên ngoài. Khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics, họ thường nhìn vào vốn của nhà cung cấp dịch vụ logistics, chính sách công nợ, cơ sở vật chất kỹ thuật (hệ thống tàu, sà lan, xe container…).

Hình 1: Lý do thuê ngoài dịch vụ logistics của DNXKTS ở ĐBSCL
Hình 1: Lý do thuê ngoài dịch vụ logistics của DNXKTS ở ĐBSCL

Khảo sát lý do thuê ngoài dịch vụ logistics thể hiện qua Hình 1. Kết quả cho thấy, phần lớn các DNXKTS coi thuê ngoài dịch vụ logistics là một trong những lý do hàng đầu để giúp nhà quản trị tập trung thời gian vào chuyên môn chính (chiếm 70%), tiếp theo là tận dụng sức mạnh về quy mô kinh tế, quy trình chuyên nghiệp, vốn, nhân sự có chuyên môn của nhà cung cấp để nâng cao hiệu quả công việc (chiếm 61%). Một trong những lý do quan trọng khác là giảm được chi phí cho doanh nghiệp (chiếm 57%) và giảm được chi phí đầu tư ban đầu (chiếm 53%). Trong thực tế, các DNXKTS tại ĐBSCL thuê ngoài dịch vụ logistics thường dựa vào năng lực của nhà cung cấp dịch vụ logistics. Họ luôn chọn những nhà cung cấp chuyên nghiệp, có quy mô kinh tế mạnh, nguồn vốn mạnh, từ đó thời gian công nợ của tiền phí dịch vụ phải trả của DNXKTS có thể được gối đầu nhiều và lâu hơn so với việc lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ logistics không có tư cách pháp nhân (hay công ty logistics là doanh nghiệp tư nhân, quy mô công ty nhỏ). Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm chi phí đầu tư ban đầu cho lô hàng. Đối với các loại chi phí được nợ nhà cung cấp dịch vụ logistics, DNXKTS sử dụng cho việc khác cần thiết hơn.

Bên cạnh đó, Hình 1 cũng cho thấy có 45% DNXKTS cho rằng lý do họ thuê ngoài là do bản thân doanh nghiệp không tự thực hiện tốt các phần việc, 41% muốn cải thiện khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và 35% DNXKTS muốn chia sẻ rủi ro với nhà cung cấp dịch vụ logistics. Lý do mà DNXKTS lựa chọn thuê ngoài phản ánh đúng thực tế điều kiện sản xuất kinh doanh hiện tại của các DNXKTS. Họ cảm nhận được những lợi ích to lớn mà thuê ngoài dịch vụ logistics mang lại cho doanh nghiệp nên hầu hết các lý do đề ra đều được lựa chọn với tỷ lệ % khá cao (trên 35%).

Ngoài những lợi ích mà thuê ngoài mang lại còn có một số hạn chế. Kết quả khảo sát ở Hình 2, có 9 hạn chế mà các DNXKTS tại ĐBSCL gặp phải. (Hình 2.)

Hình 2: Hạn chế của thuê ngoài dịch vụ logistics của DNXKTS ở ĐBSCL

Hình 2: Hạn chế của thuê ngoài dịch vụ logistics của DNXKTS ở ĐBSCL

Hạn chế khi thuê ngoài dịch vụ logistics tại các DNXKTS tập trung chủ yếu vào hai nhóm là chi phí thuê ngoài dịch vụ không giảm như mong đợi (61%) và chất lượng dịch vụ không đúng như cam kết (62%). Điều này dường như đẩy các định hướng cải tiến về phía các nhà cung cấp. Hạn chế tiếp theo là các nhà cung cấp dịch vụ logistics thiếu kinh nghiệm (chiếm 50%), nhân sự không đảm bảo thực hiện tốt công việc (47%), nguy cơ lộ bí quyết/thông tin của doanh nghiệp (chiếm 53%), phụ thuộc đáng kể vào nhà cung cấp dịch vụ (41%), mất khả năng kiểm soát hoạt động logistics (32%), mất hình ảnh tổ chức hoặc mất khách hàng do nhà cung cấp hoạt động kém hiệu quả (30%), thất bại trong việc lựa chọn hoặc quản lý đúng các nhà cung cấp (22%). DNXKTS cần lựa chọn cẩn thận các nhà cung cấp dịch vụ logistics cho doanh nghiệp của mình, như vậy, không chỉ giúp DNXKTS tận dụng tối đa các kỹ năng chuyên môn của nhà cung cấp dịch vụ, mà còn giúp khắc phục một số hạn chế của hình thức thuê ngoài có thể gặp phải.

Trong lĩnh vực logistics, các hoạt động logistics truyền thống gồm vận tải (quốc tế (99%) và nội địa (92%)), dịch vụ giao nhận (66%), kho bãi và lưu trữ hàng hóa (58%) và khai hải quan (49%) vẫn là những hoạt động được thuê ngoài nhiều nhất tại ĐBSCL (Hình 3). Vận tải nội địa đòi hỏi vốn đầu tư lớn và quản lý tốt như đầu tư vào đội xe, quản lý tài xế và bảo trì đội xe, do đó, các DNXKTS đều thuê ngoài từ các công ty vận tải nội địa để vốn đầu tư vào nguồn hàng. Các hoạt động logistics phức tạp hơn như quản lý đơn hàng, tư vấn chuỗi cung ứng, quản lý tồn kho, dịch vụ thanh toán và quản lý cước phí vận tải, đóng gói bao bì ký mã hiệu đã ít được lựa chọn. Thông tin liên quan đến các dịch vụ này vốn nhạy cảm và các doanh nghiệp không muốn chia sẻ cho bên ngoài. Hơn nữa, chỉ những nhà cung cấp dịch vụ logistics thứ ba có chuyên môn và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại mới có năng lực tiếp nhận các dịch vụ này. (Hình 3).

Hình 3: Các hoạt động logistics được thuê ngoài
Hình 3: Các hoạt động logistics được thuê ngoài

Nơi thuê các nhà cung cấp dịch vụ logistics của các DNXKTS tại ĐBSCL được thể hiện ở hình 4. Nơi thuê chủ yếu tập trung tại khu vực TP. Hồ Chí Minh (chiếm 82%) và TP. Cần Thơ (chiếm 31%). Từ lâu, TP. Hồ Chí Minh cung cấp đầy đủ các hoạt động logistics cho các doanh nghiệp có nhu cầu như dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ, đại lý vận tải, đại lý giao nhận, dịch vụ logistics… Riêng đối với TP. Cần Thơ hiện nay, đã xác định mục tiêu xây dựng hệ thống logistics hướng đến phát triển thành trung tâm của vùng ĐBSCL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ (2016) có nhiều nhà đầu tư chuyên lĩnh vực logistics quan tâm và đã đến Cần Thơ để đầu tư. Có 3 nhà đầu tư có tiềm lực nhất là Công ty cổ phần Đối tác chân thật tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Đầu tư Long Thuận tỉnh Đồng Nai và Tập đoàn TBS tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, còn có một số nhà cung cấp dịch vụ logistics ở TP. Hồ Chí Minh đầu tư chi nhánh về TP. Cần Thơ như: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Vinalines, Vinatrans, Gemadept, Marina Logistics, Melody Logistics, TMC… Chủ trương của lãnh đạo TP. Cần Thơ là tạo mọi điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư có cơ hội kinh doanh, phát triển tại Cần Thơ với nhiều quyền lợi hấp dẫn để phát triển ngành logistics địa phương. Các tỉnh còn lại như An Giang, Đồng Tháp chủ yếu là cho thuê đội xe tải, cho thuê kho lạnh.

Hình 4: Thị trường thuê ngoài các hoạt động logistics của DNXKTS ở ĐBSCL

Hình 4: Thị trường thuê ngoài các hoạt động logistics của DNXKTS ở ĐBSCL

Sự đánh giá của 100 DNXKTS về thuê ngoài dịch vụ logistics của họ tại đơn vị, được thể hiện ở bảng 1. Đánh giá của doanh nghiệp về hoạt động thuê ngoài cho thấy đa phần các DNXKTS thuê ngoài dịch vụ logistics để tập trung vào kinh doanh cốt lõi chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 64%) và thuê ngoài dịch vụ logistics khi có nhu cầu (chiếm 32%). Các DNXKTS nhận thức rằng tập trung vào chất lượng hàng thủy sản và thị trường xuất khẩu vẫn là quan trọng nhất, những công việc liên quan đến logistics để các nhà cung cấp dịch vụ logistics thực hiện sẽ tốt hơn, nên khi có nhu cầu thì họ sẽ thuê. Trong khi đánh giá thuê ngoài dịch vụ logistics là để giải quyết vấn đề phát sinh chỉ chiếm 3%, và thuê ngoài dịch vụ logistics chỉ là tạm thời chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 1%. (Bảng 1).

Bảng 1. Đánh giá thuê ngoài dịch vụ logistics tại DNXKTS ở ĐBSCL

Bảng 1. Đánh giá thuê ngoài dịch vụ logistics tại DNXKTS ở ĐBSCL4Kết luận và hàm ý chính sách

4.1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu 100 DNXKTS tại ĐBSCL cho thấy, thực trạng thuê ngoài dịch vụ logistics là hình thức lâu đời, thời gian thuê từ 10 năm trở lên chiếm 54%. Các hoạt động logistics được thuê nhiều là vận tải quốc tế, vận tải nội địa, dịch vụ giao nhận, kho bãi, làm thủ tục hải quan. Nơi thuê dịch vụ logistics chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ. Những lý do thuê ngoài dịch vụ logistics chủ yếu chiếm trên 50% sự lựa chọn của các nhà quản lý DNXKTS là giúp nhà quản trị tập trung thời gian vào chuyên môn chính (70%), muốn tận dụng sức mạnh về quy mô kinh tế, quy trình chuyên nghiệp, vốn và nhân sự của nhà cung cấp (61%), giảm được chi phí chung (57%), giảm chi phí đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp (53%). Ngược lại, những hạn chế có thể gặp phải được các nhà quản trị lựa chọn nhiều nhất là chất lượng dịch vụ không đúng như cam kết (62%), chi phí thuê ngoài không giảm như mong đợi (61%), nguy cơ lộ bí quyết/thông tin của DN (53%), nhà cung cấp dịch vụ thiếu kinh nghiệm (50%), nhân sự nhà cung cấp không đảm bảo thực hiện tốt công việc (47%), phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ (41%). Đánh giá về thuê ngoài dịch vụ logistics của DNXKTS tại ĐBSCL chủ yếu là để tập trung vào kinh doanh cốt lõi (64%) và thuê ngoài dịch vụ logistics khi có nhu cầu (32%).

4.2. Hàm ý chính sách

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản: Nên lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp để góp phần làm giảm chi phí logistics, giảm rủi ro của quá trình logistics. Từ đó, doanh nghiệp có thể tập trung hoàn toàn vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình để gia tăng lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ chuyên môn về thực thi có hiệu quả các thao tác nghiệp vụ, để phần nào kiểm soát được các nhà cung cấp dịch vụ của mình.

Đối với nhà cung cấp dịch vụ logistics: Cần phải thể hiện mình là đối tác tốt, đáng tin cậy, có thể hợp tác lâu dài để đảm bảo lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Thêm vào đó, nên có hướng đi chiến lược cho mình, phấn đấu trở thành nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba. Đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần chú trọng 3 điểm sau: sáng tạo dịch vụ, chú trọng quản lý quan hệ khách hàng (CRM), quản lý mạng lưới tài sản logistics.

Đối với Nhà nước và chính quyền địa phương: Có 3 vấn đề nổi trội cần hỗ trợ dịch vụ logistics tại ĐBSCL. Thứ nhất, nâng cao trình độ nguồn nhân lực mới lẫn cũ trong lĩnh vực logistics tại ĐBSCL như mở thêm trung tâm đào tạo logistics chuyên nghiệp cho nhân lực mới; liên kết, liên doanh các doanh nghiệp nước ngoài để tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nhằm tiếp cận công nghệ hiện đại, vốn và kinh nghiệm từ họ, để từ đó nâng cao trình độ logistics chuyên nghiệp cho nhân lực tại ĐBSCL. Thứ hai, đẩy mạnh liên kết giữa DNXKTS, nhà cung cấp dịch vụ logistics và chính quyền địa phương; đẩy mạnh liên kết vùng, học tập kinh nghiệm từ các vùng có hệ thống logistics đã thành công. Thứ ba, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách, các hoạt động hỗ trợ cụ thể nhằm thúc đẩy doanh nghiệp logistics trong khu vực ĐBSCL; cũng như có thêm những ưu đãi riêng phù hợp cho vùng ĐBSCL phát triển hơn nữa hệ thống logistics.

Hướng nghiên cứu tiếp theo: Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định thuê ngoài dịch vụ logistics, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics của DNXKTS, mức độ cộng tác giữa DNXKTS và nhà cung cấp dịch vụ logistics…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ phận nghiên cứu và tư vấn - công ty SCM. (2008). Kết quả khảo sát về logistics, Thành phố Hồ Chí Minh: Công ty SCM.
  2. Mitra, S. (2009). European Business and Technology Centre. Available at: http://ebtc.eu/pdf/Logistics_Industry _Global_and_-Indian_Perspectives.pdf, Truy cập ngày: 12/7/2016.
  3. Phạm Duy Khương, 30/06/2017. Phát triển hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long: Thiếu trung tâm vùng - Bài 1. [Trực tuyến] Available at: http://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-he-thong-logistics-vung-dong-bang-song-cuu-long-thieu-trung-tam-vung-bai-1-20170630161900417.htm [Truy cập ngày 2/9/2017].
  4. Tổng cục Thống kê. (2017). Niên giám Thống kê năm 2017. Truy cập từ: [http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=384&idmid=&ItemID=18938], ngày: 04/10/2019.
  5. Trent, R.J., & Monczka, R.M. (2003). Understanding integrated global sourcing. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 33, 607 - 629.

THE OUTSOURCING LOGISTICS SERVICES OF SEAFOOD EXPORTERS IN THE MEKONG DELTA

Master. LE THI NGOC TIEN

Master. NGUYEN THI TIEU LOAN

Department of Marketing - Business Management, Faculty of Economics - Business Management, An Giang University

ABSTRACT:

This article examines the oursoucing logistics services of 100 seafood exporters in the Mekong Delta to identify (a) the reasons for using logistics services, (b) limitations, (c) the length of using services, (d) logistics activities which are frequently hired, (e) providers of logistics services and (f) feedbacks of enterprises. The results show that seafood exporters in the Mekong Delta outsource their logistics services as they would like to focus on their core businesses (64%). Thirty-two percent of surveyed enteprises said that they oursouce their logistics services when they need. Based on the survey’s results, this article outlines implications for managers of seafood exporters in the Mekong Delta and logistics service providers about the oursoucing logistics services of seafood exporters in the Mekong Delta.

Keywords: Outsourcing logistics services, seafood exporters, Mekong Delta.