Dẫn đầu phong trào công nhân Sài Gòn

Ra đời ngày 8/7/1929 với tên gọi M.I.C, hai năm đầu, hoạt động của Công ty chủ yếu là nhập khẩu các loại thuốc điếu về bán. Bước ngoặt đến với M.I.C sau khi mua lại toàn bộ cơ sở Công ty Trung Huê vào năm 1931. Song điểm nhấn chỉ xuất hiện khi M.I.C kết hợp với B.A.T, một Công ty đa quốc gia hàng đầu trong ngành Thuốc lá. 

Sản lượng tiêu thụ của M.I.C tăng với tốc độ chóng mặt, số công nhân cũng tăng nhanh. Năm 1939, nhà máy có 500 công nhân, đến năm 1944 tăng lên 1.800 công nhân.

Ngày 25/8/1945, hàng trăm đoàn viên thanh niên Tiền phong Nhà máy hòa vào dòng người đổ về Trung tâm thành phố cướp chính quyền từ tay Nhật. Ngày 2/9/1945, Đoàn công nhân M.I.C cùng hàng chục vạn nhân dân Sài Gòn tham gia biểu tình mừng ngày tuyên bố Độc lập.

Ngày 23/9/1945, Pháp quay trở lại xâm lược nước ta,  thanh niên công nhân M.I.C đã thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Nhận định về phong trào công nhân M.I.C, ông Trần Văn Giàu, một lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ  những năm ấy đánh giá: “Trong những ngày sôi động của Cách mạng Tháng 8 năm 1945, phong trào công nhân M.I.C là một phong trào mạnh của công nhân Sài Gòn”.

Kỳ tích lịch sử

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, M.I.C được chuyển giao cho chính quyền mới. Cán bộ, công nhân viên nhà máy M.I.C được giao thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: Duy trì sản xuất, ổn định đời sống và củng cố tổ chức, xây dựng quan hệ sản xuất mới XHCN.

Ngày 28/12/1977, Bộ Lương thực và Thực phẩm ra Quyết định số 3121 LTTP/CT, chuyển Xí nghiệp Quân quản Thuốc lá M.I.C thành Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, trực thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá miền Nam. Những ngày cuối tháng 11/1980, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Thành ủy đã xuống Xí nghiệp tìm hiểu tình hình thực tế.

Đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là  Bí thư Thành ủy  đã đặt ra đề bài mới cho Xí nghiệp: “Nếu Thành phố cung cấp đầy đủ các yêu cầu, Xí nghiệp có thể hoàn thành 40% kế hoạch năm chỉ trong vòng một tháng?”. Ông Lê Đình Thụy, khi đó là Phó Tổng giám đốc Xí nghiệp cam kết: “Thay đổi cơ chế điều hành hiện tại và giải quyết lợi ích của người lao động một cách cân đối hơn thì chắc chắn, Xí nghiệp sẽ hoàn thành 40% kế hoạch năm trong tháng 12”.

Xí nghiệp được phép giải quyết được vấn đề cố hữu của cơ chế bao cấp, đó là tính cào bằng, thực hiện trả lương theo sản phẩm... đã tạo nên một hào khí làm việc mới, khiến tất cả từ trên xuống dưới đều hăng say thực thi phận sự của mình. Và điều mọi người mong đợi đã đến, đúng 16 giờ ngày 30/12/1980, Xí nghiệp Liên hợp Thuốc lá Miền Nam đạt 31.460.700 bao thuốc, hoàn thành kế hoạch đã định trước 1 ngày lập nên một kỳ tích lịch sử. Nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt nhận định: “Trong chiến dịch này, toàn Xí nghiệp Liên hợp Thuốc lá Miền Nam, một người đã làm việc bằng hai và tạo ra năng suất bằng bốn!”.

Thành công nhờ truyền thống đoàn kết

Bước sang thế kỷ XXI, Công ty Thuốc lá Sài Gòn cũng đặt ra cho mình những mục tiêu chiến lược, đó là trở thành nhà máy có tầm vóc hàng đầu trong khu vực.

5 năm gần đây, từ năm 2014, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty thực hiện tái cấu trúc với việc tiếp nhận 5 công ty Thuốc lá: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Cửu Long; chính thức hình thành Công ty mẹ - Công ty con Công ty Thuốc lá Sài Gòn.

Đến nay, sau 5 năm, việc chuyển đổi mô hình hoạt động cho thấy Công ty đạt được mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh. Nếu như năm 2016, một số công ty con như Thuốc lá An Giang, Thuốc lá Đồng Tháp còn chưa hoàn thành chỉ tiêu chính thì đến năm 2018, Công ty mẹ và 5 công ty con đều đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chính.

Thành công của mô hình hoạt động mới trước hết bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, thống nhất, quyết tâm của hệ thống chính trị từ Đảng ủy, HĐTV, Ban Giám đốc đến cán bộ quản lý, các phòng, ban, phân xưởng.

Ban lãnh đạo Công ty đã thống nhất đề ra một số giải pháp chính. Trước hết là tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy ở tất cả các khâu. Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên vật liệu. Thứ ba, chú trọng tới ổn định chất lượng sản phẩm ở cả 3 khâu sản xuất, bảo quản và lưu thông. Thứ tư, đổi mới công tác tiêu thụ - thị trường theo hướng sắp xếp đội  ngũ nhân viên tiêu thụ và thị trường tinh gọn hiệu quả, đi đôi với việc quản lý tốt hệ thống phân phối.

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập, CBCNV Công ty Thuốc lá Sài Gòn sẽ “cố gắng sáng tạo hơn nữa, đoàn kết trên dưới một lòng, sáng mãi con đường mà Công ty đã chọn”, ghi thêm những mốc son mới trên mỗi hành trình phát triển, đồng thời xây dựng Công ty mẹ - Công ty con Công ty Thuốc lá Sài Gòn ngày càng lớn mạnh.