Thương mại biên giới đất liền của Việt Nam: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra

ThS. TRẦN ĐĂNG QUỲNH (Văn phòng Bộ Công an)

TÓM TẮT:

Với những thuận lợi về vị trí địa lý, cũng như chính sách chú trọng phát triển thương mại biên giới (TMBG) của Chính phủ Việt Nam, trong thời gian qua, TMBG trên đất liền của Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực. Từ những năm đầu của thập kỷ 90 đến nay, hoạt động TMBG giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới đất liền về cơ bản tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khá. Việc duy trì TMBG giữa các tỉnh, các địa phương giáp biên của Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia đã góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, láng giềng truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, cải thiện đời sống xã hội, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao dân trí, củng cố an ninh quốc phòng tại khu vực biên giới Việt Nam.

Từ khóa: Thương mại biên giới đất liền, Chính phủ Việt Nam, quan hệ láng giềng, giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội.

1. Thực trạng thương mại biên giới của Việt Nam với Trung Quốc

a. Về kim ngạch thương mại qua biên giới

Thương mại biên giới Việt - Trung đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể tách rời và có đóng góp tích cực trong quan hệ thương mại hai nước Việt - Trung. Năm 2001, Trung Quốc đã trở thành thành viên chính thức của WTO. Với những nguyên tắc gia nhập WTO, Trung Quốc bắt buộc phải tiến tới xóa bỏ bớt một số ưu đãi về thương mại cho những tỉnh vùng biên. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước không vì vậy mà giảm đi, trái lại càng ngày càng phát triển hơn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2001 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước tăng mạnh, vượt quá mục tiêu mà Chính phủ hai nước đã đặt ra. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch mậu dịch song phương duy trì đà tăng trưởng liên tục. Trong những năm đầu của thập niên 2010, kim ngạch thương mại biên giới Việt - Trung tiếp tục gia tăng, từ 16,27 tỷ USD năm 2013 lên 17,2 tỷ USD năm 2014 và 24,1 tỷ USD năm 2015 và xấp xỉ 24,5 tỷ USD năm 2016. Xét về tỷ trọng, bình quân thương mại biên giới Việt Nam và Trung Quốc chiếm khoảng 30% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước.

b. Về cơ cấu hàng hóa trao đổi thương mại biên giới

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc rất phong phú, đa dạng. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn là ba nhóm: nông, lâm, thủy hải sản; hàng công nghiệp chế biến; hàng khoáng sản. Hàng hóa nhập khẩu gồm hai nhóm chính là: Nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào cần thiết cho sản xuất; máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

+ Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu:

Trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1995, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng nguyên, nhiên liệu và nông sản dưới dạng thô. Trong các mặt hàng xuất khẩu, nhóm hàng nguyên, nhiên liệu chiếm 38,30%; nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 16,98%; còn lại hàng hóa khác.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 1996 - 2000 đạt 3.686 triệu USD, tăng 4,08 lần so với thời kỳ 1991 - 1995, với nhịp độ tăng bình quân 37,60%/năm. Hơn 100 mặt hàng khác nhau của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó nhóm hàng nguyên, nhiên liệu (như dầu thô, than đá, cao su…) chiếm 45,35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 1996 - 2000; nhóm hàng nông, thủy sản chiếm 24,33%, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 0,37%, còn lại là hàng hóa khác. Trong cơ cấu hàng xuất khẩu đã xuất hiện nhóm hàng công nghiệp, nhưng tỷ trọng của nhóm mặt hàng này trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn rất nhỏ.

Giai đoạn 2001 - 2005, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã có thay đổi. Trong đó nhóm mặt hàng nguyên, nhiên liệu vẫn có xu hướng tăng mạnh, từ 662 triệu USD năm 2001 lên 2.049 triệu USD năm 2005; chiếm tỷ trọng 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc (2001 - 2005), nhóm hàng này đã giảm nhẹ trong những năm sau Từ năm 2007 đến nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp nhẹ, khoáng sản, nông lâm thủy sản.

+ Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu:

Các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1995 đó là: Thuốc bắc, bông, vải sợi, hàng dệt kim và quần áo may sẵn, pin các loại, thuốc lá, xà phòng giặt, nước giải khát, dầu thực vật, đường sữa, đồ dùng gia đình, xe đạp, giấy… Đặc biệt, giai đoạn này, hàng hóa nhập lậu qua biên giới với khối lượng lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số ngành sản xuất của Việt Nam như: dệt kim, may mặc, sành sứ, thủy tinh, sản xuất xe đạp…

Từ năm 2001 đến nay, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng công nghiệp nặng và công nghiệp điện tử, nguyên liệu phục vụ sản xuất, hàng công nghiệp nhẹ và hàng nông sản. Các mặt hàng tạm nhập - tái xuất chủ yếu là hàng thủy hải sản đông lạnh.

c. Về phương thức trao đổi qua biên giới

Nhìn chung, trong thời gian qua, thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc được tiến hành theo nhiều phương thức mậu dịch phong phú (chính ngạch, buôn bán qua biên giới, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới hai nước). Mô hình thương mại biên giới Việt - Trung mang đặc điểm rõ nét của quan hệ thương mại giữa hai nước có sự chênh lệch về trình độ phát triển và Việt Nam nằm ở bậc thang thấp hơn. Lợi thế của hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn nằm tập trung vào các ngành có hàm lượng kỹ thuật thấp và các hàng hóa nông sản. Điều đáng lo ngại là nguồn lợi thu được một cách dễ dãi từ xuất khẩu tài nguyên và hàng thô (như mủ cao su, thủy sản, nông sản sơ chế...), các hàng hóa hàm lượng kỹ thuật thấp (giày dép...) có thể triệt tiêu động lực nâng cấp ngành, tham gia vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi sản xuất khu vực của quốc gia.

2. Thương mại biên giới của Việt Nam với Lào

a. Về kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch

Hoạt động thương mại biên giới hai nước trong những năm qua có những tiến bộ lớn. Hai nước trao đổi khối lượng lớn hàng nông lâm sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng và nhiều nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư cần thiết cho sản xuất trong nước và XK. Các thành phần tham gia thương mại biên giới hai nước ngày càng đa dạng và phong phú, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại các địa phương biên giới hai bên. Hạ tầng cơ sở dịch vụ vùng biên giới liên tục được quan tâm đầu tư và phát triển, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa phục vụ thương mại biên giới được nâng cấp, mở rộng. Nhiều cặp cửa khẩu được mở và nâng cấp tạo thuận lợi giao lưu thương mại, văn hóa - xã hội qua biên giới. Các khu kinh tế cửa khẩu đang dần trở thành trung tâm kinh tế - thương mại vùng biên.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch hai chiều qua biên giới giữa Việt Nam và Lào từ năm 2010 đến 2014 đều tăng trên 15%. Riêng năm 2011 tăng gần 50% so với 2010. Tuy nhiên, từ năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch hai chiều qua biên giới giữa Việt Nam và Lào lại có xu hướng sụt giảm. Cụ thể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào từ năm 2010 đến 2015, có xu hướng tăng, mặc dù mức tăng không nhiều. Về kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào, mức tăng kim ngạch nhập khẩu chỉ diễn ra cho đến 2014. Bắt đầu từ năm 2015, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Lào giảm mạnh. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu qua biên giới của Việt Nam từ Lào giảm tới 43% (Bảng 1).

Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu chưa đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào một số mặt hàng chủ lực, nhạy cảm với biến động giá cả thị trường thế giới; điều chỉnh trong chính sách xuất nhập khẩu của Lào với một số nhóm hàng có tỷ trọng và kim ngạch nhập khẩu lớn của Việt Nam như gỗ tròn, khoáng sản nhập từ Lào… Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu gỗ tiếp tục giảm 60% so với cùng kỳ với lý do Chính phủ Lào cấm nhập khẩu gỗ tròn từ tháng 5/2015 và tạm dừng, thắt chặt quản lý khai thác mỏ trong khi giá mặt hàng này cũng đang giảm mạnh. Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào còn chịu tác động mạnh khi phải cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Thái Lan tại Lào. Theo đó, Thái Lan có sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ với Lào. Đặc biệt, chất lượng hàng Thái Lan tốt và ổn định; Thái Lan dễ tiếp cận hệ thống phân phối, nhất là tại các tỉnh, thành phố chính của Lào như Vientian, Pakse, Savan…

b. Về cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu

+ Mặt hàng xuất khẩu:

Xuất khẩu qua biên giới của Việt Nam sang Lào chủ yếu là: Thủy sản, giầy da, may mặc và một số vật tư, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép các loại, than đá, xăng dầu các loại, phân bón, nguyên liệu, thiết bị, dây điện, cáp điện, máy móc, hàng thủ công mỹ nghệ, muối, sản phẩm chăn nuôi, hàng thủy sản, hàng nông sản, dược liệu, dược phẩm, sản phẩm cao su, hàng tiêu dùng các loại, hàng dệt may, tơ tằm, xi măng, phân bón…

Nhìn chung cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới sang Lào chưa đa dạng về chủng loại, chưa có các mặt hàng chủ lực có sức đột phá đẩy kim ngạch tăng nhanh. Kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch qua các năm cũng như lưu lượng hàng hóa qua các cửa khẩu không ổn định (Bảng 2).

+ Mặt hàng nhập khẩu:

Việt Nam nhập khẩu qua biên giới từ Lào gồm có: Gỗ, sản phẩm gỗ; phân bón; quặng khoáng sản; kim loại thường; ngô.

c. Phương thức trao đổi thương mại biên giới

Do điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc và cơ sở vật chất thương mại khác (kho, trạm, cửa hàng….) ở từng cửa khẩu rất khác nhau nên việc hình thành các quan hệ thương mại cũng như tham gia các hoạt động thương mại của các doanh nghiệp, các thương nhân ở các cửa khẩu cũng rất khác nhau. Đối tượng tham gia buôn bán trên toàn biên giới cũng như các hình thức kinh doanh ngày càng đa dạng hơn, phong phú hơn. Cho đến nay, bên cạnh các hình thức trao đổi hàng hóa truyền thống của dân cư khu vực biên giới đã có hàng nghìn doanh nghiệp và các hộ tư nhân thuộc nhiều loại hình kinh doanh của các thành phần tham gia vào hoạt động thương mại thông qua bên giới đường bộ. Ngoài phương thức trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, xuất nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch, từ năm 1990 đến nay đã phát triển thêm các hình thức như tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua biên giới Việt Nam - Lào. Đặc biệt, hình thức trao đổi hàng đã làm tăng đáng kể số lượng thương nhân và doanh nghiệp hoạt động thương mại trên thị trường này.

Ngoài hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, hoạt động trao đổi hàng hóa tại các cặp chợ biên giới và dọc theo đường biên giới giữa hai nước cũng trở nên sôi động hơn những năm gần đây, thu hút không chỉ riêng cư dân địa phương mà còn cả các cư dân khác của các tỉnh khác của hai nước. Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của cư dân biên giới các mặt hàng kinh doanh cũng đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hình thức trao đổi này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý nhất là tình trạng buôn lậu gia tăng trên các tuyến đường mòn dọc theo biên giới.

3. Thương mại biên giới của Việt Nam với Campuchia

a. Về kim ngạch trao đổi hàng hóa

Phát triển quan hệ thương mại với Campuchia có ý nghĩa quan trọng, không chỉ vì Campuchia là một trong những cửa ngõ về kinh tế nối Việt Nam với các nước ASEAN, mà còn có những tiềm năng kinh tế thuận lợi để Việt Nam có thể hợp tác và đầu tư. Trong những năm gần đây, hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước đã có những bước phát triển tích cực, đã tạo ra được một môi trường pháp lý thuận lợi về nhiều mặt, dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp và hàng hóa của nhau. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản có xuất xứ Campuchia được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% của Việt Nam. Trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu giữa hai nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trao đổi hàng hóa trên tuyến biên giới Việt Nam và Campuchia diễn ra rất sôi động. Kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu của 10 tỉnh biên giới với Campuchia tăng rất mạnh qua các năm, bình quân tăng 30,82%/năm, (năm 2002 đạt 173,7 triệu USD; năm 2003 đạt 230,9 triệu USD; năm 2004 đạt 314,3 triệu USD; năm 2005 đạt 409,5 triệu USD; năm 2006 đạt 688,4 triệu USD; năm 2007 đạt 932,4 triệu USD); trong đó xuất khẩu tăng 31,59%, nhập khẩu tăng 45,32%. Nhìn chung, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam với Campuchia trong khoảng 15 năm, từ 2011 đến 2016, đạt khoảng 17,5 tỷ Đôla Mỹ. Bình quân hàng năm, kim ngạch trao đổi qua biên giới chiếm tỷ trọng khoảng 90% so với tổng kim ngạch thương mại song phương hai nước.

Hiện hàng hóa được tập trung trao đổi chủ yếu tại các cửa khẩu thuộc tỉnh An Giang và Tây Ninh, chiếm đến 95% kim ngạch XNK của các tỉnh có chung biên giới với Campuchia. Chỉ tính riêng tổng kim ngạch XNK biên mậu của An Giang năm 2006 đạt trên 600 triệu USD, bằng 87% kim ngạch XNK biên mậu của 10 tỉnh biên giới với Campuchia.

b. Về cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Hàng nông sản, hải sản, sản phẩm công nghiệp, sắt thép, vật liệu xây dựng, vải sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm, sản phẩm nhựa, hàng thực phẩm chế biến, hoa quả, hàng công nghiệp tiêu dùng, dụng cụ điện, điện tử, cơ khí, v.v...

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Cao su, hàng nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều thô và sắn lát, lúa gạo, nông, lâm thủy sản, vật liệu xây dựng,…

3. Một số giải pháp phát triển thương mại biên giới của Việt Nam

Nhiều tỉnh biên giới có tiềm năng về phát triển thương mại xét trên phương diện vị trí địa lý. Trong đó, quan trọng nhất chính là sự hiện diện của hệ thống các cửa khẩu trên tuyến biên giới. Trong tương lai, triển vọng phát triển thương mại của khu vực này trước những biến động của thị trường trong nước không chỉ phụ thuộc vào khối lượng trao đổi sản phẩm được tạo ra giữa các tỉnh với các địa phương khác, mà còn ở sự hợp tác sản xuất, tìm kiếm và khai thác lợi thế so sánh của mỗi tỉnh trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế thương mại của tỉnh. Chính vì vậy, nhằm tận dụng những cơ hội trên, cần thiết phải chú trọng tới một số biện pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác với các nước có chung biên giới để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thương mại biên giới; Thúc đẩy đàm phán với các nước có chung biên giới với Việt Nam về việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới trong giai đoạn hiện nay; Sớm nghiên cứu đề án thành lập “Hiệp hội kinh doanh biên mậu” để đảm bảo quyền lợi cho các thương nhân của Việt Nam trong kinh doanh với Trung Quốc và các nước láng giềng; Ký kết Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2016, thay thế Hiệp định năm 1998…

Thứ hai, sớm triển khai nghiên cứu, rà soát, xây dựng, quy hoạch quản lý hệ thống cửa khẩu, lối mở trên biên giới để tạo cơ hội thu hút đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng cho các tuyến biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, cũng như hệ thống các cặp chợ tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa qua biên giới, xây dựng những tụ điểm mà bất cứ lúc nào cũng có thể xuất khẩu hàng hóa qua biên giới được.

Thứ ba, cần điều chỉnh mức kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại biên giới tại những khu vực biên giới, tập trung hỗ trợ thương nhân, phát triển các phương thức kinh doanh, các mặt hàng chủ lực, có tiềm năng doanh thu lớn và ổn định. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức xúc tiến thương mại, tăng cường hợp tác với các nước bạn trong tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị vào sâu trong hệ thống phân phối nội địa của các nước.

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách về phát triển thương mại biên giới, nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động thương mại biên giới phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thương mại biên giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

1. Dinyar Lakaka, Quân Anh Nguyễn, Yuan Xiaohui (2011), Lộ Trình Khu kinh tế xuyên biên giới, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật TA 7356-REG: Phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, 2011.

2. Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển và quản lý thương mại biên giới của một số tỉnh Tây Bắc: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra”, Hà Giang, 3.201.

3. Trần Thu Hà (2009) Hoạt động biên mậu của các tỉnh biên giới vùng đông Bắc Việt Nam Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tiếng Anh

1. Aggarwal, A. (2011), The Strategic Role of Border Economic Zones in Developing the GMS Economic Corridors: Background paper.

2. Banomyong, R. (2010), Benchmarking Economic Corridors logistics performance: a GMS border crossing observation, World Customs Journal, 4 (1), 29-38.

4. WTO, (2014), World Trade Report 2013. World Trade Organization.

LAND BORDER TRADE ACTIVITES IN VIETNAM: CURRENT SITUATION AND DIFFICULTIES

Master. TRAN DANG QUYNH

Ministry Office, Ministry of Public Security

ABSTRACT:

Thanks to advantages of geographic location and appropriate policies of Vietnamese government related to border trade, the land border trade of Vietnam has significantly developed in recent years. Sine the early 1990s, border trade activities among Vietnam, China, Laos and Cambodia have grown at a moderate rate. The boder trade activities between Vietnamese boder provinces with localities of China, Laos and Cambodia have sustainably contributed to the development and consolidation of the traditional friendship and cooperation between Vietnam and neighbouring countries. These activites have also promoted economic, cultural and social exchanges, accelerated the economic growth, expanded markets for goods, improved living standards, created jobs, strengthened security and defense in the border areas of Vietnam.

Keywords: Land border trade, the Vietnam’s government, neighboring relations, economic – cultural – social exchanges.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây