Thương mại biên giới: Những kiến giải cho năm 2016

Hoạt động thương mại biên giới đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào các khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, biên giới xa xôi. Sự phát triển hoạt động thương mại biên giới tạo khả năng

Ba tuyến chủ lực Trung Quốc, Lào, Campuchia

Năm 2015 là năm có thể nói là có những đột biến trong hoạt động thương mại biên giới. Thông tin từ Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi Hoàng Minh Tuấn cho biết, năm 2015, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ước đạt 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyến biên giới Việt - Lào chiếm khoảng 4% và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chiếm 11%. Cụ thể, đối với thương mại biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc xuất, nhập khẩu đạt 5.842,3 triệu USD, tăng 10,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 2.665,7 triệu USD, giảm 12,1%; nhập khẩu đạt 3.176,6 triệu USD, tăng 40%; Các phương thức tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan đạt 17.380,4 triệu USD, tăng 47,1% so với năm 2014. Trao đổi hàng cư dân biên giới đạt 227,1 triệu USD, tăng 188,4% so với năm 2014. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc rất phong phú, đa dạng. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn là ba nhóm: nông, lâm, thủy hải sản; hàng công nghiệp chế biến; hàng khoáng sản. Hàng hóa nhập khẩu gồm hai nhóm chính là: nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào cần thiết cho sản xuất; máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Đối với thương mại biên giới truyến Việt Nam - Lào xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đạt khoảng 1,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng hơn 400 triệu USD, giảm 9% và nhập khẩu đạt khoảng gần 700 triệu USD, giảm 32% so với năm 2014. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: thuỷ sản, giầy da, may mặc và một số vật tư, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép các loại, than đá, xăng dầu các loại, phân bón, nguyên liệu, thiết bị, dây điện, cáp điện, máy móc,v.v... Cơ cấu mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại thường, quặng, nguyên phụ liệu thuốc lá.

Tuyến Việt Nam - Campuchia xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới chiếm khoảng 11% thương mại biên giới cả nước, ước đạt 3,05 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 1,84 tỷ USD, giảm 4,8%; nhập khẩu ước đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 17,7% so với năm 2014. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Hàng nông sản, hải sản, sản phẩm công nghiệp, sắt thép, vật liệu xây dựng, vải sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm, sản phẩm nhựa, hàng thực phẩm chế biến, hoa quả, hàng công nghiệp tiêu dùng, dụng cụ điện, điện tử, cơ khí, v.v... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: cao su, hàng nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều thô và sắn lát, lúa gạo, nông, lâm thuỷ sản, vật liệu xây dựng, v.v ...

Tính đến tháng 12/2015 đã cải tạo, xây mới được 6.596 chợ tại địa bàn nông thôn (trong đó có địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số) - chiếm 76,98% tổng số chợ của cả nước. Cùng với đó, 135 đề án xúc tiến thương mại miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa đã được thực hiện... góp phần thúc đẩy thương mại, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc.

Muốn mạnh hơn phải làm gì?

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Tuấn cũng cho biết thêm, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại một số cửa khẩu, lối mở biên giới, hàng hóa hợp pháp xuất xứ Việt Nam được mở tờ khai, làm thủ tục đầy đủ nhưng phía Trung Quốc yêu cầu chuyển tải sang xe biên mậu để đưa sang Trung Quốc theo hình thức chợ biên giới, nhằm tận dụng chính sách ưu đãi 8.000 nhân dân tệ/người/ngày của Trung Quốc. Cách làm này gây chậm trễ, bất tiện cho thông quan hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.

Mặt khác, hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, đặc biệt là hệ thống kho lạnh chưa được đầu tư. Một số hàng hóa nông sản của Việt Nam có tính mùa vụ khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc theo hình thức đi chợ, tức doanh nghiệp bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc, ồ ạt chở lên biên giới khi vào vụ, khiến khả năng thông quan của cửa khẩu nhất thời không đáp ứng được, bị doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng, ép giá. Vậy, giai đoạn tiếp theo, muốn tăng sức mạnh cho thương mại biên giới, cần phải làm gì?

Trả lời câu hỏi này, đại diện của tỉnh Điện Biên cho rằng: Điện Biên nghèo, trên 90% ngân sách của tỉnh phụ thuộc vào hỗ trợ cân đối từ ngân sách Trung ương… Đề thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, từng bước đưa Điện Biên sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đề nghị tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương xây dưng các cơ sở hạ tầng giao thông ra biên giới và dọc tuyến biên giới, bố trí nguồn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hai tuyến đường ra cửa khẩu là tuyến Điện Biên ra cửa khẩu quốc tế Tây Trang và tuyến Điện Biên ra cửa khẩu biên giới Huồi Puốc và 1 tuyến đường ra lối mở A Pa Chải (huyện Mường Nhé - tỉnh Điện Biên - Việt Nam) - Long Phú (huyện Giang Thành - thành phố Phổ Nhĩ - Vân Nam - Trung Quốc). Đề nghị tiếp theo là xem xét, điều chỉnh, ban hành một số chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ với mức cao hơn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng nguồn kinh phí để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với các tỉnh biên giới Lào - Việt - Trung Quốc. Tiếp theo là ban hành chính sách cụ thể để các địa phương có điều kiện triển khai thực hiện Hiệp định thương mại Biên giới Việt Nam - Lào. Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý cửa khẩu của hai bên để thống nhất giải quyết thủ tục xuất, nhập khẩu, xuất nhập cảnh đảm bảo thông thoáng, không chồng chéo. Cuối cùng, tỉnh Điện Biên và tỉnh Phong Sa Ly đã hoàn tất thủ tục đề nghị thành lập cửa khẩu phụ để mở rộng phát triển kinh tế xã hội của hai bên biên giới.

Tỉnh Lạng Sơn có 5 kiến nghị về cơ chế, chính sách: Một là, đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 52/2015//QD-TTg theo hướng: thực hiện phân cấp cho Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới quyết định cho phép các doanh nghiệp được phép XNK tại các cửa khẩu phụ, điểm thông quan, lối mở biên giới đã đủ điều kiện để tổ chức và quản lý hoạt động thương mại biên giới đối với các loại hàng hóa đã được Bộ Công Thương quy định cụ thể trong từng thời kỳ.

Hai là, để tạo điều kiện cho hoạt động tái xuất hàng hóa qua địa bàn tỉnh, đề nghị Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan xem xét, cho phép thực hiện thí điểm việc giao UBND tỉnh các tỉnh biên giới xem xét , quyết định thực hiện xuất khẩu, tái xuất hàng hóa tại một số lối mở ngoài phạm vu các cửa khẩu phụ đã được công bố đã có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng và đủ 3 lực lượng đảm bảo công tác quản lý, giám sát chặt chẽ.

Ba là, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện cơ chế tạm nhập mặt hàng quặng và đất hiếm tại điêm thông quan Co Sa thuộc Cửa khẩu chính Chi Ma.

Bốn là, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng - Bằng Tường; Cho phép cửa khẩu chính Chi Ma được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn để tập trung triển khai thực hiện tạo tiền đề, cơ sở cho hoạt động thương mại biên giới ngày càng phát triển.

Năm là, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ Lạng Sơn về định hướng, thu hút đầu tư và các giải pháp sớm hình thành Khu Trung chuyển hàng hóa, khu kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK của hải quan… để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc xuất khẩu nông sản, trái cây vào vụ thu hoạch.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng có 2 kiến nghị về đầu tư xây dựng: Thứ nhất là về đường giao thông: bố trí vốn đầu tư hoàn thành đường tuần tra biên giới, đường dẫn lên các cột mốc và hệ thống đường kết nối với đường vành đai 1. Bố trí vốn để khởi công thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3B đoạn Km66+600- Km125 (Yến Lạc - Cửa khẩu Nà Nưa) dài 58,4 km đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn Km100- Km161 (Hữu Sản - Bản Chắt) dài 61 km... Thứ hai là về hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn: Phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép tỉnh Lạng Sơn để lại thu phí đầu xe đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa XNK qua biên giới để đầu tư xây dựng mở rộng các cửa khẩu, đấu nối các đường với các cửa khẩu Quảng Tây - Trung Quốc, tạo điều kiện cho XNK hàng hóa; Phối hợp tỉnh Lạng Sơn lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng Khu trung chuyển hàng hóa quy mô 143,6ha…

Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao: Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai thực hiện 03 văn kiện pháp lý biên giới và thực thi Hiệp định về tầu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân và Hiệp định về Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên di lịch thác Bản Giốc sau khi có hiệu lực pháp lý; thúc đẩy Trung Quốc tiến hành mở mới và nâng cấp các cặp cửa khẩu đã đủ điều kiện trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc…

Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, sau khi hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào và ký kết các văn kiện pháp lý liên quan, ta cần tăng cường hợp tác với Lào triển khai hiệu quả các văn kiện pháp lý mới được ký kết nhằm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực biên giới hai nước.

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, ta tiếp tục thúc đẩy đàm phán giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa, xây dựng và triển khai hiệu quả các dự án ổn định dân cư biên giới để phục vụ cho việt phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới.

Tỉnh Lào Cai cũng có một số kiến nghị, đó là: Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi mang tính đặc thù cho các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ tại các xã vùng cao khó khăn; Sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể chung về khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời cho phép tỉnh Lào Cai thực hiện thí điểm xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Lào Cai - Vân Nam; Phân cấp mạnh cho các địa phương trong hoạt động mua bán trao đổi của cư dân biên giới để phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương; Xây dựng danh mục và có chính sách hỗ trợ phát triển các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới dựa trên tiềm năng, lợi thế điều kiện phát triển của từng tỉnh biên giới, hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc; Xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp và đủ mạnh để ngăn hàng hóa kém chất lượng vào Việt Nam.