Thương mại thế giới suy giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng tốt

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đã qua của năm 2019 đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt trong bối cảnh hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, song tại các thị trường lớn, xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng tốt.

“Tác dụng” của các hiệp định thương mại

Theo Bộ Công Thương, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt con số 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm nổi bật là xuất khẩu có xu hướng tăng dần qua các quý. Theo đó, quý 1 tăng 5,3%, quý 2 tăng 7,2% và lên 8,2% vào quý 3 (đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức từ 7%- 8% trong năm 2019.)

Hiệp định thương mại tự do EVFTA
Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.

Thống kê cho thấy, trong 9 tháng, xuất khẩu sang xuất khẩu sang Nga tăng 13,9%, Nhật Bản tăng 10%; Hàn Quốc tăng 8,1%; ASEAN tăng 4,7%; ... Đặc biệt, tại các thị trường là thành viên CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt mức tăng tốt, trong đó xuất khẩu sang Canada đạt 2,9 tỷ USD, tăng 30,9% và xuất khẩu sang Mexico đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27%.

Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu 9 tháng năm 2019 tăng tới 28,2% so với cùng kỳ, ước đạt 44,86 tỷ USD.

Xuất khẩu thuỷ sản
Đang có sự dịch chuyển tỷ trọng các nhóm xuất khẩu

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%). Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%).

Tuy nhiên, khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,7% so với cùng kỳ thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung.

Thống kê cho thấy xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo, cao su... của khối doanh nghiệp trong nước đều đạt mức tăng trưởng tốt.

Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. 

“Tiếp đà” tăng trưởng

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 109,4 tỷ USD, còn khối doanh nghiệp trong nước đạt 78,97 tỷ USD, tăng 14%.

Xuất khẩu ở Việt Nam
Sau 9 tháng, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu 5,9 tỷ USD

Sau 9 tháng, nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 166 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 88,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong số đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất, đạt 38,65 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng cũng tăng mạnh 13,1%; vải các loại tăng 3,2%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 10,7%...

Với kết quả trên, sau 9 tháng, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu ở mức 5,9 tỷ USD.

Đại diện Bộ Công Thương dự báo, trong những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ...

Bên cạnh đó, theo chu kỳ, xuất khẩu hàng hóa thường tăng cao trong những tháng cuối năm do đây là thời kỳ cao điểm cho mua sắm tiêu dùng trong các dịp Lễ tết.

Nhằm hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trong giai đoạn cao điểm cuối năm, Bộ Công Thương đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và tích cực triển khai các giải pháp bổ trợ để thúc đẩy xuất khẩu.

Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam 2019
Bộ Công Thương đang thể hiện vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương để duy trì đà xuất khẩu

Đối với nhóm hàng nông lâm, thủy sản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

“Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ban, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương sẽ cùng phối hợp, trao đổi, làm rõ hơn từ báo cáo đến thực tiễn để đối chiếu chính sách, phân tích những yêu cầu liên quan để từ đó xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu bền vững”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Song song với đó, Bộ Công Thương cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, đón đầu và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo nguồn hàng và khơi thông thị trường xuất khẩu.

Hà Duyên