Tích hợp giáo dục môi trường trong môn giáo dục kinh tế và pháp luật ở trường trung học phổ thông

Đề tài Tích hợp giáo dục môi trường trong môn giáo dục kinh tế và pháp luật ở trường trung học phổ thông do Nguyễn Thị Nhung (Khoa Giáo dục - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) - Ngô Thị Thu Trang ( Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong) thực hiện.

TÓM TẮT:          

Trước thực trạng môi trường ngày càng bị suy thoái, nhiều quốc gia đã quan tâm đến vấn đề giáo dục môi trường. Tuy nhiên, giáo dục môi trường không được đưa vào chương trình phổ thông thành môn riêng biệt, mà cần phải tích hợp vào các môn học, hay chủ đề của môn học. Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học hình thành cho người học những năng lực về kinh tế và pháp luật. Trong thực tế, nhiều nội dung bài học có thể tích hợp giáo dục môi trường vào trong giảng dạy mà giáo viên cần lựa chọn bài học và các mức độ tích hợp khác nhau để tránh tình trạng nội dung bài học được lựa chọn không bị ảnh hưởng. Bài viết bàn về tích hợp giáo dục môi trường trong môn giáo dục kinh tế và pháp luật ở trường trung học phổ thông.

Từ khóa: giáo dục môi trường, tích hợp trong dạy học, giáo dục kinh tế và pháp luật, trường trung học phổ thông.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, bảo vệ môi trường là vấn đề quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật định hướng để bảo vệ mội trường và hướng tới phát triển bền vững, như: Quyết định số 1363/QĐ-TTg năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống quốc dân” [1], Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành nhiều chỉ thị để phát triển giáo dục môi trường (GDMT), bao gồm Chỉ thị số 02/2005/CT-BGDĐT năm 2005 về việc “Tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường” [5]; Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT năm 2008 về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh (HS) tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013 [6]. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong cả nước tổ chức triển khai các nhiệm vụ về giáo dục môi trường (GDMT), đưa nội dung GDMT vào trường học.

Tích hợp là một hoạt động kết hợp, liên hợp, huy động các yếu tố liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực để giải quyết một vấn đề đạt được nhiều mục đích khác nhau. Như vậy, tích hợp GDMT là cách thức, con đường mà thông qua các môn học hay hoạt động giáo dục khác nhau, người dạy liên hệ các vấn đề môi trường vào nội dung giảng dạy để đạt được các mục tiêu GDMT. Phương pháp tích hợp, lồng ghép các nội dung môi trường và GDMT vào các môn học đang là xu hướng được sử dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia như: Botswana, Tanzania, Uganda, Nigeria, New Zealand, Trung Quốc và Jamaica. Ở trường trung học phổ thông, GDMT không được đưa trực tiếp vào môn giáo dục kinh tế và pháp luật (GDKT và PL). Tuy nhiên, có rất nhiều nội dung bài học có liên quan đến vấn đề này. Do đó, tùy thuộc từng nội dung, giáo viên (GV) có thể tiến hành các mức độ tích hợp GDMT khác nhau. Ở bài viết này, thông qua chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân, tác giả đưa ra các bước tiến hành cho việc thiết kế dạy học tích hợp, cũng như chỉ ra những nội dung bài học có thể tiến hành tích hợp cũng như các mức độ tích hợp GDMT cho học sinh (HS) trong từng nội dung để không ảnh hưởng đến nội dung chính của bài học.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Lý luận chung về tích hợp trong dạy học

* Khái niệm tích hợp trong dạy học

Tích hợp (Integration) là một khái niệm rộng, có nguồn gốc từ tiếng Latinh với nghĩa: xác lập cái chung, cái toàn thể, cái thống nhất trên cơ sở những bộ phận riêng lẻ. Như vậy, dạy học tích hợp là định hướng dạy học, trong đó GV tổ chức, hướng dẫn HS phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, thông qua đó hình thành những kiến thức, kỹ năng mới; giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng mới; phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực vận dụng tổng hớp các tri thức, kỹ năng và giải quyết vấn đề. Tính tích hợp thể hiện sự huy động, kết hợp, liên hệ các yếu tố có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực để giải quyết có hiệu quả một vấn đề và thường đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.

*Các mức độ tích hợp trong dạy học:

Thứ nhất, tích hợp là cách GV tổ chức, hướng dẫn sao cho HS biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng đã có thuộc các lĩnh vực để giải quyết được nhiệm vụ học tập và qua đó hình thành kiến thức, kỹ năng mới. Trong mức độ này, nội dung chủ yếu của bài học hay một phần nội dung môn học có sự trùng hợp với nội dụng giảng dạy.

Thứ hai, lồng ghép (kết hợp): đó là cách tổ chức đưa các nội dung, vấn đề liên quan đến thực tiễn, xã hội vào nội dung chủ đạo của bài học của môn học. Ở hình thức này, các môn học vẫn được dạy riêng rẽ. Tuy nhiên, GV có thể nhận ra mối quan hệ giữa kiến thức môn học chủ đạo với nội dung của các môn học khác và tiến hành lồng ghép các kiến thức đó ở những nội dung, hoạt động thích hợp.

Thứ ba, liên hệ là hình thức dạy học mà chương trình môn học được giữ nguyên. Ở hình thức này, các kiến thức giáo dục (GD) không được nêu rõ trong sách nhưng dựa vào kiến thức bài học, GV có thể bổ sung các kiến thức đó bằng cách liên hệ với nội dung đó để GD.

*Các nguyên tắc tích hợp trong dạy học để GD học sinh:

Khi tiến hành tích hợp vấn đề nào đó trong dạy học để hướng tới GD học sinh cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây: Phân tích những vấn đề liên quan đến môi trường trong bài học; Không làm ảnh hưởng và biến tính nội dung của bài học, không biến bài học thành bài học về GD; Cần chọn lọc các nội dung có liên quan, phù hợp với mục tiêu tích hợp, lồng ghép, liên hệ để trách tràn lan, tùy tiện; Sử dụng các phương pháp dạy học khác nhau để phát huy nhận thức của HS.

2.2. Quy trình thiết kế hoạt động dạy học và các chủ đề được tích hợp GDMT ở môn GDKT và PL ở THPT

*Quy trình thiết kế hoạt động dạy học theo hướng tích hợp GDMT trong môn GDKT và PL:

Bước 1: Xác định các bài học có thể tổ chức tích hợp GDMT. Dựa trên chương trình môn học, mục tiêu và nội dung bài học.

Bước 2: Xác định mục tiêu và nội dung có thể tích GMDT. GV cần xác định mục tiêu và nội dung có thể tích hợp GDMT và phân tích mối quan hệ giữa nội dung, mục tiêu bài học và nội dung GDMT. Đây là bước quan trọng để không làm biến tính nội dung bài học trong quá trình tích hợp GDMT.

Bước 3: Tìm kiếm thông tin thực tiễn về môi trường có liên quan đến nội dung bài học để mang tính cập nhật. Điều này sẽ tạo hứng thú cho HS trong quá trình dạy học.

Bước 4: Lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học có tính tích hợp. GV lựa chọn các phương pháp và hình thức dạy học có tích hợp GDMT. Các phương pháp sử dụng nên đa dạng, sáng tạo tạo hứng thú cho HS nhưng cũng không sa đà vào nội dung GDMT ảnh hưởng đến truyền tải kiến thức của bài học.

Bước 5: Đánh giá hiệu quả các hoạt động dạy học tích hợp GDMT nhằm rút kinh nghiệm và điều chỉnh các hoạt động dạy học đã thiết kế.

*Các nội dung có thể tích hợp GDMT trong môn GDKT và PL

Ở lớp 10, các nội dung có liên quan đến GDMT giáo viên có thể lồng ghép như sau:

Bài Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế: Lồng ghép vai trò của các chủ thể kinh tế (Nhà nước, người tiêu dùng, người sản xuất) với bảo vệ môi trường. Từ đó, hình thành và phát triển cho học sinh (HS) thái độ đúng với việc bảo vệ môi trường.

Bài Thị trường và cơ chế thị trường: Từ hạn chế của cơ chế thị trường là gây ô nhiễm môi trường, GV cần lồng ghép vấn đề này, đưa ra các hình ảnh từ thảm hoạ môi trường gây ra bởi con người. Từ đó lồng ghép nội dung GDMT cho học sinh như: phê phán những hành vi không đúng khi tham gia thị trường, đặc biệt là những hành vi làm ô nhiễm môi trường; khuyến khích học sinh tích cực trong hoạt động bảo vệ mội trường như: tiêu dùng xanh, khởi nghiệp xanh…

Bài Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh: GV gợi ý cho HS khi lựa chọn mô hình kinh doanh cần hướng tới mô hình kinh doanh xanh, hoặc khi kinh doanh cần phải gắn giữa lợi nhuận với trách nhiệm xã hội, nhất là trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Ở chương trình lớp 11, có nhiều nội dung có thể tích hợp GDMT như sau:

Bài Cạnh tranh, cung, cầu trong kinh tế thị trường: Trong quá trình phân tích vai trò tích cực và tiêu cực của cạnh tranh, GV có thể liên hệ để HS hiểu trên thực tế, nhiều doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận nên có những hành vi gây ô nhiễm môi trường, như: xả chất thải không qua xử lý, hoặc sản xuất những mặt hàng mặc dù đáp ứng người tiêu dùng hiện tại nhưng gây ô nhiễm môi trường như túi nilông, chai lọ nhựa…

Bài Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh: Khi hỗ trợ HS xây dựng ý tưởng kinh doanh dưới dạng bài tập thực hành, GV cần gợi ý vấn đề khởi nghiệp kinh doanh những ngành công nghệ sạch, sản xuất tiết kiệm, năng lượng sạch. Đây là xu hướng kinh doanh trong tương lai khi các quốc gia đều đang cạn kiện tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Bài Đạo đức kinh doanh: GV có thể lồng ghép, tích hợp GDMT cho HS, cũng như giúp HS vận động người thân trong gia đình thực hiện trách nhiệm với xã hội và công đồng (bảo vệ môi trường, cùng xây dựng và cải tạo môi trường sống của các doanh nghiệp) khi kinh doanh.

Bài Văn hóa tiêu dùng: Khi nêu đặc điểm trong văn hóa tiêu dùng Việt Nam và các biện pháp xây dựng văn hóa tiêu dùng, thực hiện được các hành vi tiêu dùng có văn hóa, GV lồng ghép tiêu dùng xanh vào trong bài học. Đó được xem là xu hướng tiêu dùng của nhân loại khi môi trường trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chuyên đề học tập: Phát triển kinh tế và sự biến đổi môi trường tự nhiên: Từ những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên, xác định được nguyên nhân và giải thích được sự cần thiết phải giải quyết tác động đó, GV GDMT cho HS bằng cách đánh giá được một số biện pháp và chính sách đang áp dụng trong thực tế, đồng thời gợi ý để HS đưa ra những ý tưởng để bảo vệ môi trường khi tham gia hoạt động kinh tế.

Ở chương trình lớp 12, có những bài liên quan có thể tích hợp GDMT vào dạy học như sau:

Bài Tăng trưởng và phát triển kinh tế: Khi phân tích mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với sự phát triển bền vững, GV cần gợi ý để HS đưa ra những hoạt động góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế. Trong đó, GV nên đề cập đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế các quốc gia đang hướng tới để nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường.

Bài Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Khi nêu hình thức thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, GV cần đưa ra trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Từ đó giúp các em xác định được trách nhiệm của công dân trong bảo vệ môi trường khi tham gia điều hành doanh nghiệp.

3. Kết luận

Vấn đề môi trường đang là vấn đề cấp bách của các quốc gia. Tuy nhiên, GDMT không được đưa vào giảng dạy thành môn học riêng biệt mà phải thực hiện  giáo dục liên ngành, tích hợp vào các môn học. Vì vậy, lựa chọn các nội dung môn học có liên quan đến GDMT cũng như lựa chọn các mức độ tích hợp cùng với sử dụng các phương pháp dạy học khác nhau để đảm bảo nội dung GDMT nhưng không ảnh hưởng đến nội dung bài học hiện tại là việc làm quan trọng. Tuy nhiên, để xây dựng và triển khai có hiệu quả GDMT, cần có sự cam kết và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, toàn thể đội ngũ giáo viên, người học và các bên liên quan để đạt được mục tiêu cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2003). Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
  2. Nguyễn Phúc Chỉnh (2012). Tài liệu hướng dẫn dạy học tích hợp trong dạy học Sinh học ở trường trung học phổ thông. Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, Thái Nguyên.
  3. Nguyễn Thị Kim Dung (2014). Dạy học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông. Kỷ yếu Hội thảo về “Dạy học tích hợp và dạy học phân hóa ở trường trung học đáp ứng yêu cầu chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015” của Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tr 13-18.
  4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005). Chỉ thị số 02/205/CT-BGD&ĐT về việc tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường.
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008). Kế hoạch số 307/KH-BGDĐT triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông năm học 2008-2009 và giai đoạn 2008-2013.
  6. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Chương trình Giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân, Hà Nội.

 Integrating the content of environemental education into economic and legal education subjects in high schools

Nguyen Thi Nhung1

Ngo Thi Thu Trang2

1Faculty of Education, Hanoi Pedagogiacal University 2

2Le Hong Phong Political School

Abstract:

Many countries have paid attention to the issue of environmental education when the environment is increasingly degraded. However, environmental education should not become a stand-alone subject but should be integrated into other subjects. Economic and Legal Education subjects provide students with economic and legal knowledge. In fact, the content of environmental education can be integrated into many lessons and teaching activities. However, it is necessary for teachers to select lessons and integrate environmental education at a level that does not impact the major content of lessons. This paper discusses the integration of environmental education into economic and legal education lessons in high schools.

Keywords: environmental education, integration into teaching activities, economic and legal education, high school.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2023]

Tạp chí Công Thương