Tiềm năng phát triển trái phiếu xanh ở Việt Nam

DƯƠNG THỊ THANH TÂN (Bộ môn Tài chính - Kế toán, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp)

TÓM TẮT:

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và đời sống của tất cả các quốc gia trên thế giới trong khi nguồn vốn để khắc phục hậu quả lại ít được các nhà đầu tư quan tâm. Ở Việt Nam, nguồn vốn dành cho các dự án xanh nhằm khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu, khắc phục ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo… vẫn đang rất hạn chế. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật, cũng như bước đầu thực hiện một số giải pháp nhằm tạo điều kiện cho phát triển tài chính xanh, phát triển thị trường trái phiếu xanh. Trong nội dung bài báo này, tác giả đưa ra triển vọng phát triển trái phiếu xanh và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển trái phiếu xanh ở Việt Nam.

Từ khóa: Trái phiếu xanh, biến đổi khí hậu, tiềm năng phát triển.

1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, hậu quả do biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mức độ cũng như chu kỳ xảy ra thiên tai như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng… Các hiện tượng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và năng lượng làm cho chi phí sản xuất tăng cao. Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định, tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững, phát triển tài chính xanh để huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án nhằm giảm thiểu tác động do các hiện tượng thiên nhiên cực đoan gây ra.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm xây dựng tổng thể định hướng phát triển tài chính xanh, trong đó xác định định hướng điều chỉnh chung, phương thức tổ chức thực hiện, cách thức phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh như trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số carbon; các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành. Tại bài viết nghiên cứu này sẽ đưa ra triển vọng cho việc phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam - một kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án xanh.

2. Lý luận cơ bản về trái phiếu xanh

2.1. Khái niệm trái phiếu xanh theo quy định quốc tế và Việt Nam

Trái phiếu xanh được định nghĩa là các công cụ nợ tiêu chuẩn mang lại thu nhập cố định cho người nắm giữ, nguồn thu từ việc chào bán các công cụ nợ này có mục đích sử dụng ghi rõ là cấp vốn cho các dự án "xanh" hoặc dự án liên quan đến bảo vệ môi trường.

Theo định nghĩa của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Initiative - CBI): Trái phiếu xanh là trái phiếu được phát hành nhằm huy động vốn cho những giải pháp biến đổi khí hậu do chính phủ, ngân hàng, địa phương hoặc doanh nghiệp phát hành, dán nhãn trái phiếu xanh dưới dạng chứng khoán nợ bao gồm chứng khoán hóa, phát hành riêng lẻ, trái phiếu có đảm bảo.

Nhóm các tổ chức bao gồm 4 ngân hàng toàn cầu là Bank of America Merrill Lynch, Citi Group, Crédit Agricole và JPMorgan Chase Bank đã phối hợp với nhau để soạn thảo Bộ Nguyên tắc phát hành và sử dụng nguồn thu từ trái phiếu xanh (Green Bond Principles - GBP). Bộ nguyên tắc GBP 2015 định nghĩa: Trái phiếu xanh là bất kỳ một loại trái phiếu nào mà số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được sử dụng cho việc tài trợ hoặc tái tài trợ một phần hoặc toàn bộ Dự án xanh mới hoặc Dự án xanh đang hoạt động đủ điều kiện cấp vốn và tuân thủ 4 nguyên tắc của bộ nguyên tắc GBP.

Ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có 2 văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến định nghĩa trái phiếu xanh. Theo Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ban hành ngày 4/12/2018, quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã nêu trong Điều 4 như sau: "Trái phiếu doanh nghiệp xanh là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường". Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ban hành ngày 30/6/2018, quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của chính phủ trên thị trường chứng khoán đã nêu trong Điều 21 như sau: "Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước".

Trái phiếu xanh có những đặc điểm giống các loại trái phiếu khác ở các điểm như: là chứng khoán nợ giống như các loại trái phiếu khác, có lãi suất hoặc không lãi suất; trái phiếu xanh cũng được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức định mức tín nhiệm (CRA - Credit Rating Agency) chuyên nghiệp, có kỳ hạn. Tuy nhiên, trái phiếu xanh khác các loại trái phiếu khác ở 2 điểm cơ bản, đó là:

- Số tiền thu được sau khi trừ các chi phí liên quan đến đợt chào bán được sử dụng để tài trợ hoặc tái tài trợ cho các dự án xanh, các dự án vì môi trường hoặc có tính đến lợi ích môi trường, trong khi các loại trái phiếu khác có thể sử dụng để tài trợ cho nhiều dự án khác có thể không phải là dự án xanh.

- Trái phiếu xanh có những điều khoản khác về cơ chế trả nợ, truy đòi/miễn truy đòi tổ chức phát hành. Do đặc điểm của trái phiếu xanh là huy động vốn cho các dự án xanh - loại dự án có lợi nhuận thấp, một số dự án có thể có rủi ro, nên so với các loại trái phiếu khác trái phiếu xanh có các điều khoản cụ thể về trả nợ, truy đòi/miễn truy đòi tổ chức phát hành.

2.2. Vai trò của trái phiếu xanh

Việc phát triển trái phiếu xanh có lợi cho các tổ chức phát hành trái phiếu, cho các nhà đầu tư và cho cả xã hội.

Đối với chủ thể phát hành, việc phát hành trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán sẽ giúp đa dạng hóa nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư quan tâm đến các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị, trong việc phân tích đầu tư của họ.

Đối với nhà đầu tư, trái phiếu xanh sẽ là một tài sản tài chính tốt để đầu tư giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân tán rủi ro và tìm kiếm nguồn lợi phù hợp. Trong xu hướng các quốc gia đang tập trung phát triển bền vững, thực hiện xanh hóa nền kinh tế trong thời gian tới, thị trường trái phiếu xanh sẽ không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Do đó, đây sẽ là loại tài sản được đánh giá cao, ổn định và có tính thanh khoản tốt với thời gian đáo hạn dài.

Đối với xã hội, trái phiếu xanh còn là công cụ hữu hiệu để nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư về những dự án giải quyết các vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Đồng thời, việc phát hành trái phiếu xanh sẽ giúp tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn trong xã hội nhằm hỗ trợ thực hiện những dự án thân thiện với môi trường và đáp ứng được các mục tiêu trách nhiệm xã hội, phục vụ cho việc phát triển bền vững trong tương lai. Có thể nói, trái phiếu xanh đang được xem như một kênh thu hút vốn mới mẻ và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trái phiếu xanh còn có tiềm năng trong việc dịch chuyển đòn bẩy tài chính theo hướng "sạch" hơn. Thay vì được đầu tư vào các dự án sử dụng năng lượng hóa thạch truyền thống, dòng vốn sẽ được chuyển sang các dự án ít khí thải hơn, có ý nghĩa về mặt môi trường. Qua đó, trái phiếu xanh góp phần đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng và phát triển một nền kinh tế sạch và bền vững trong tương lai.

3. Tình hình phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam

3.1. Chính sách tài chính cho phát triển xanh, bền vững ở Việt Nam

Hiện nay, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển xanh ở Việt Nam, cụ thể:

- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài chính và bảo vệ môi trường đặt mục tiêu đến năm 2020 hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, đến năm 2050 đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.

- Để định hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành:

+ Quyết định số 1393/QĐ-TTG phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

+ Quyết định số 403/QĐ-TTG phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

+ Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (Quyết định số 2053/QĐ-TTG ngày 28/10/2016).

Theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chính sách tài chính cho phát triển xanh, bền vững gồm các hình thức sau: Ngân sách Nhà nước phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, các chính sách về thuế, phí để thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; Phát triển thị trường vốn xanh và sản phẩm tài chính xanh để huy động nguồn lực đầu tư cho các dự án xanh, bảo vệ môi trường.

- Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, bao hồm các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể như sau: Hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; Xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh; Rà soát, hoàn thiện khung chính sách tín dụng và hỗ trợ của Nhà nước.

3.2. Chính sách phát triển thị trường trái phiếu xanh

Bên cạnh chính sách dành cho phát triển xanh, Chính phủ còn ban hành các quyết định cho phát triển thị trường trái phiếu xanh, đây được coi là một kênh huy động vốn tuy mới nhưng sẽ chiếm một vai trò quan trọng trong huy động vốn cho các dự án xanh ở Việt Nam. Các quyết định gồm có:

- Căn cứ vào Nghị quyết số 24-NQ/TW và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, bao gồm các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể như sau:

+ Phát hành trái phiếu Chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương, phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh.

+ Phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh.

- Quyết định số 1191/QĐ-TTG phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về phát triền thị trường trái phiếu xanh.

- Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh: Quyết định số 1393/QĐ-TTG, Quyết định số 403/QĐ-TTG các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai xây dựng kế hoạch ban hành tiêu chí xác định dự án xanh. Theo đó, các nhóm lĩnh vực dự án xanh được đề xuất xem xét bao gồm: năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, chuyển đổi và quản lý sử dụng đất, lâm nghiệp bền vững, quản lý chất thải bền vững và nông nghiệp xanh.

Những chính sách cho phát triển xanh nói chung và trái phiếu xanh nói riêng chính là một cánh cửa rộng mở để các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có thể tham gia đầu tư thu hút vốn từ trái phiếu xanh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xanh ở Việt Nam có điều kiện tiếp cận nguồn vốn.

3.3. Thí điểm phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam

Triển khai Quyết định số 403/QĐ-TTG của TTCP về Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh và Quyết định số 2183/QĐ-BTC về phát triển thị trường vốn xanh và phát hành trái phiếu xanh. Trên cơ sở rà soát khuôn khổ pháp lý hiện hành (Luật Chứng khoán, Nghị định số 01/2011/NĐ-CP, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP).

Việc phát hành trái phiếu xanh được thực hiện theo quy định của thị trường trái phiếu thông thường; nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu được sử dụng để đầu tư cho các dự án xanh, các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường.

* Thí điểm phát hành tại TP. Hồ Chí Minh:

Năm 2016, TP. Hồ Chí Minh phát hành trái phiếu qua bảo lãnh của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), kỳ hạn 15 năm, khối lượng 3.000 tỷ đồng. Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) được UBND TP. Hồ Chí Minh ủy quyền thực hiện toàn bộ nghiệp vụ tổ chức phát hành. Trong đó, có 11 dự án thuộc danh mục dự án xanh, với tổng mức đầu tư 2.619,8 tỷ, dự kiến bố trí từ nguồn vốn trái phiếu phát hành trong năm 2016 là 523,5 tỷ đồng.

Năm 2017, TP. Hồ Chí Minh phát hành trái phiếu có khối lượng 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10, 15, 20 và 30 năm. Trong đó, có 8 dự án xanh với tổng mức đầu tư 2.989 tỷ, bố trí từ nguồn vốn trái phiếu phát hành của năm 2017 là 364 tỷ đồng.

Vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh được sử dụng cho các dự án xanh thuộc các lĩnh vực quản lý nguồn nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và các công trình cơ sở hạ tầng bền vững. Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu đã được TP. Hồ Chí Minh giải ngân cho các dự án xanh. Trái phiếu nói chung, và trái phiếu xanh của TP. Hồ Chí Minh đã nằm trong danh mục tái cấp vốn, tham gia thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước, nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước cho phép dùng để tính dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, chưa có ưu đãi thuế, phí đối với trái phiếu xanh và chưa có danh mục dự án xanh, môi trường ưu tiên.

* Thí điểm phát hành trái phiếu xanh tại Bà Rịa - Vũng Tàu:

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành trái phiếu xanh với khối lượng phát hành là 80 tỷ đồng (trên tổng khối lượng 500 tỷ đồng, trái phiếu chính quyền địa phương phát hành tháng 9/2016) với kỳ hạn trái phiếu 5 năm. Nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương xanh dự kiến được sử dụng cho 1 dự án về quản lý nguồn nước. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải ngân cho các cho dự án sử dụng vốn trái phiếu chính quyền địa phương xanh đã phát hành.

4. Các rào cản đối với phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

4.1. Các rào cản đối với phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam

- Có thể thấy, hiện nay mới chỉ có các định hướng chính sách trong các quyết định: Chiến lược tăng trưởng xanh: QĐ số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh: QĐ số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014, Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016, Phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu: 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 quy định cơ chế cho thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó quy định chi tiết mới có: Thông tư quy định công bố thông tin (môi trường) 155/TT-BTC ngày 6/10/2015; "Danh mục dự án xanh" do Ngân hàng Nhà nước ban hành để tham khảo. Ngoài ra, chưa có một quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ chế cho việc phát triển thị trường trái phiếu xanh, cũng như chưa có một cơ chế ưu đãi đặc biệt nào dành cho trái phiếu xanh nhằm thu hút các chủ thể phát hành.

- Hạn mức vay nợ ngân sách do Bộ Tài chính và Quốc hội phê duyệt hàng năm rất hạn hẹp, kể cả các địa phương có kết chuyển ngân sách về Trung ương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh (Hạn mức vay nợ của TP. Hồ Chí Minh tối đa bằng 70% thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp).

Như vậy, bên cạnh phát hành trái phiếu xanh trong khuôn khổ hạn mức ngân sách được Bộ Tài chính và Quốc hội phê duyệt hàng năm, cần cho phép các địa phương được phát hành trái phiếu xanh đảm bảo và trái phiếu xanh dự án tức là trái phiếu chính quyền địa phương xanh không thuộc trong hạn mức huy động vốn của tỉnh, thành phố.

- Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể 4 chuẩn mực quốc tế về trái phiếu xanh (GBPs) ở Việt Nam và cũng chưa có địa phương nào đưa ra báo cáo đánh giá hiệu quả của các dự án sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh. Cụ thể: Bộ Tài chính hướng dẫn vẫn quản lý chung tiền thu được từ trái phiếu xanh, chưa hạch toán, quản lý bằng tài khoản riêng; Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có quy định về "danh mục dự án xanh", chưa có quy định về đánh giá, báo cáo cho trái phiếu xanh.

- Các quy định về trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt triển khai dự án còn phức tạp, kéo dài (Luật Đầu tư công, các nghị định và thông tư hướng dẫn…) ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và tiến độ thực hiện dự án xanh.

4.2. Đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

Từ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc là một trong những quốc gia rất thành công khi phát hành trái phiếu xanh, cũng như từ các vấn đề còn hạn chế trong phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam hiện nay, sau đây là một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam:

- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm soạn thảo "Hướng dẫn phát triển thị trường trái phiếu xanh" để các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, địa phương và các tổ chức có định hướng cụ thể trong quá trình tiếp cận và chuẩn bị để phát hành trái phiếu xanh trên thị trường.

- Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước có hướng dẫn cụ thể 4 chuẩn mực quốc tế về Trái phiếu xanh (GBPs) ở Việt Nam. Có thể đưa ra một số giải pháp như: (1) Sử dụng tiền thu được từ phát hành: Cần hướng dẫn cụ thể số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu xanh sẽ được phân chia để cấp vốn cho các dự án xanh một cách phù hợp và hiệu quả; (2) Quy trình đánh giá và lựa chọn dự án: Cần có quy trình đánh giá và lựa chọn cụ thể, thống nhất để chọn ra các dự án xanh được sử dụng nguồn vốn huy động được từ trái phiếu xanh trong điều kiện nguồn vốn huy động có hạn nhưng các dự án cần sử dụng vốn nhiều; (3) Quản lý tiền thu được từ phát hành: Cần có cơ chế quản lý số tiền thu được từ phát hành trái phiếu xanh để đảm bảo số tiền thu được sẽ được sử dụng đúng mục đích cho các dự án xanh, tránh thất thoát, sử dụng sai mục đích; (4) Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Cần có quy định về việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nhận được nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu xanh để xem xét hiệu quả kinh tế, xã hội mà dự án mang lại từ đó đưa ra quyết định tiếp tục hay dừng cấp vốn cho dự án.

- Bộ Tài chính nên cho phép một số địa phương lớn phát hành trái phiếu xanh dự án và trái phiếu xanh đảm bảo, điều này sẽ tạo cơ hội huy động vốn lớn hơn cho các dự án xanh, thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh mạnh hơn ở Việt Nam.

- Chính phủ cần liên kết với các tổ chức nước ngoài như WB, UNEP, GIZ… để được tư vấn và hướng dẫn trong việc phát hành và phát triển trái phiếu xanh trên thị trường. Kiến thức và kinh nghiệm của các tổ chức này trong việc phát triển thị trường vốn xanh những năm qua sẽ hữu ích cho Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển loại tài sản tài chính này.

- Chính phủ cần thêm các chính sách ưu đãi để khuyến khích các chủ thể phát hành trái phiếu xanh và thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến loại tài sản này. Nhà nước cần đưa ra các ưu đãi về thuế, phí và các lợi nhuận khác cho các đơn vị phát hành, cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

- Để tăng tính thanh khoản cho trái phiếu xanh, Ngân hàng Nhà nước có thể xây dựng cơ chế chấp nhận sử dụng một số loại trái phiếu xanh để làm dự trữ bắt buộc. Điều này sẽ tạo ra tác động tốt đến việc khuyến khích các ngân hàng sở hữu trái phiếu xanh trong danh mục tài sản của mình, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh.

- Một số thủ tục liên quan đến triển khai dự án cần được rút gọn để quá trình thẩm định dự án cũng như cấp vốn cho dự án được nhanh chóng.

5. Kết luận  

Trái phiếu xanh đang được xem như một kênh thu hút vốn mới mẻ và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Chính phủ, việc phát hành trái phiếu xanh có thể là một giải pháp huy động vốn với các dự án quốc gia cấp thiết trong lĩnh vực môi trường, chống biến đối khí hậu… Đối với các địa phương, đây sẽ là một giải pháp để các địa phương có nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh của địa phương nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trung ương. Riêng đối với các doanh nghiệp, trái phiếu xanh sẽ là công cụ tốt để họ có thể thực hiện các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời hay đầu tư hệ thống xử lý chất thải, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, trái phiếu xanh vẫn là kênh huy động vốn mới, đang trong giai đoạn thí điểm áp dụng tại một số địa phương và vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về việc phát hành, tiêu chuẩn lựa chọn dự án xanh, đánh giá hiệu quả môi trường… mà các dự án xanh mang lại.

Do đó, trong thời gian tới, để trái phiếu xanh trở thành một trong những kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn xanh cũng như là công cụ quan trọng trong chính sách tăng trưởng xanh của Nhà nước, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, các văn bản hướng dẫn và xây dựng đề án mở rộng phát hành trái phiếu xanh tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

2. Bộ Tài chính (2015), Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

3. Chính phủ (2011), Nghị định 01/2011/NĐ-CP ngày 5/1/2011 về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

4. Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

5. Chính phủ (2012), Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

6. Chính phủ (2014), Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

7. Chính phủ (2016), Quyết định số 2053/QĐ-TTG ngày 28/10/2016 về việc ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

8. Chính phủ (2017), Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/08/2017 phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

9. Chính phủ (2018), Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

10. Nguyễn Thị Hồng Nhung (2015), Trái phiếu xanh - Tiềm năng và thách thức, Tạp chí Chứng khoán Việt Nam, số 204, trang 20.

11. Mai Thư, Thu Hương (2015), Tài chính xanh gắn với phát triển bền vững, Tạp chí Chứng khoán, số 206, trang 12.

12. Green Bond market Report (2017) - Climate Bond Innitiatives (CBI).

13. International Capital Market Association (2015), Green Bond Principles, www.icmagroup.org/assets/.../Green-Bonds/GBP_2015_27-March.pdf, 20/4/2017.

DEVELOPMENT POTENTIAL OF GREEN BOND IN VIETNAM

DUONG THI THANH TAN

Department of Finance - Accounting

Faculty of Economics and Business Administration

Vietnam National Forestry University

ABSTRACT:

Climate change is a global issue with significantly negative impact on the quality of life and the economy around the world. However, there is a few investors concerning about capital sources to solve climate change. In Vietnam, the capital for green projects which tackles problems of climate change, environmental pollution and develope renewable energy is limited. Therefore, the Government of Vietnam has issued legal documents and initially implemented solutions to develop green finance, especially green bond market. This article introduces development potentical of green bond market in Vietnam and solutions to promote this market.

Keywords: Green bond, clime change, development potential.