Tiền đang chảy vào logistics

Logistics không chỉ thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện hữu, mà còn tạo ra mảnh đất màu mỡ mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng.

Tăng tốc đầu tư

Năm 2018, Công ty cổ phần Transworld QBV ICD đã đầu tư vào Hải Phòng một trung tâm logistics có tổng diện tích 20 ha toàn bãi, trong đó có 87.000 m2 khu vực tác nghiệp container, 7.500 m2 kho ngoại quan và kho tổng hợp, 1.500 m2 kho hàng lạnh để khai thác thị trường dịch vụ logistics đang sôi động tại khu vực phía Bắc. Dịch vụ chính mà Transworld QBV ICD cung cấp là kinh doanh kho bãi, lưu giữ, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ đóng gói, thông quan hàng hóa nhập khẩu và các dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy tại cảng ICD Quảng Bình - Đình Vũ.

Tập đoàn Sao Đỏ cũng đang dồn vốn đầu tư mạnh với việc sở hữu mảng dịch vụ logistics tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ có quy mô 1.329 ha, trong đó, khu cảng biển gồm 7 bến container và hàng tổng hợp, được thiết kế dành cho tàu 40.000 DWT, khu kho bãi rộng 105 ha, khu phi thuế quan rộng 210 ha… Sao Đỏ đang tiếp tục đầu tư giai đoạn II, dự kiến cuối năm 2019 có thể khai thác.

Đầu năm nay, Hà Nội quyết định phát triển hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc dành quỹ đất và phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng. Cụ thể, Thành phố yêu cầu rà soát quy định phân công, phân cấp quản lý hoạt động logistics trên địa bàn đảm bảo rõ ràng; triển khai quy hoạch để bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, tích hợp sâu dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển ngành.

Theo định hướng của Thành phố, các trung tâm logistics sẽ phải có quy mô phù hợp trên các tuyến đường vành đai tiếp tục được nghiên cứu xây dựng, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng tại các khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp. Về nguyên tắc, sẽ phát triển hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội theo hướng dành quỹ đất và phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng logistics.

Vì sao dòng tiên đua nhau đổ vào logistics? Câu trả lời khái quát là, do ngành logistics bao gồm các hoạt động dịch vụ chuỗi cung ứng hoàn thiện khép kín từ vận tải, kho bãi đến phân phối hàng hoá, kết nối nhà sản xuất tới người tiêu dùng. Còn cụ thể, chi phí logistic ở Việt Nam chiếm gần 21% tổng GDP, cao hơn so với hầu hết các quốc gia trong khối ASEAN, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Vì thế, đầu tư vào mảng cung cấp hạ tầng logistics hay dịch vụ logistics được cho là thị trường hết sức tiềm năng ở nước ta, xứng đáng được các nhà đầu tư rót vốn.

Tác động lan tỏa

Nhưng tác động của logistics không bó hẹp trong việc phục vụ các doanh nghiệp hiên đang sản xuất kinh doanh, mà còn kích hoạt các doanh nghiệp tiềm năng tham gia thị trường ở những khu vực có hậu cần logistics phát triển. Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng) đã thu hút được hơn 70 dự án từ các nhà đầu tư trên thế giới, với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD. Từ thành công trong thu hút đầu tư của Deep C I, trong thời gian gần đây, 2 khu công nghiệp tiếp theo đã liên tiếp được khởi công xây dựng. Một trong những ký do Deep C I hút khách là dịch vụ logistics ở thành phố cảng rất phát triển.

Công ty Daiwa House Việt Nam nhìn nhận, xu hướng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng lên và họ muốn chọn địa điểm tốt để có thể đầu tư lâu dài. Doanh nghiệp Nhật Bản rất kỹ tính trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư., nơi đó không những phải gần cảng biển, giao thông thuận lợi, có hạ tầng logistics cơ bản.

Đây cũng là lý do để Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ logictics trong các khâu lưu thông, vận chuyển, phân phối, dự trữ hàng hóa; kết hợp kiểm tra với hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các quy trình, điều kiện kinh doanh đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; yêu cầu các đơn vị chức năng phải xử lý nghiêm minh và kịp thời các vi phạm để xây dựng thị trường kinh doanh dịch vụ logistics lành mạnh và hiệu quả, góp vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện hữu, cũng như tạo ra mảnh đất màu mỡ mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng.

Dịch vụ chính của các doanh nghiệp logistics:

Dịch vụ vận tải, kho bãi, cảng biển, ICD, trung tâm dịch vụ logistics, ga hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa, giao nhận vận tải, đại lý vận tải, đại lý tàu biển, đại lý hải quan, đại lý phát chuyển nhanh và các dịch vụ logistics khác có liên quan.

Tân Đệ