Tiền đề để xuất khẩu dệt may tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Năm 2014, ngành dệt may xuất khẩu trên 24 tỷ USD, tăng xấp xỉ 19% so với năm 2013. Riêng mặt hàng may mặc đạt trên 21 tỷ USD, tăng  17% so với cùng kỳ, còn lại là giá trị xuất khẩu xơ sợi dệt đạt trên

Trong bối cảnh thị trường nhập khẩu dệt may thế giới không tăng trưởng nhiều: thị trường Mỹ tuy kinh tế hồi phục nhưng nhập khẩu may mặc chỉ tăng trên 4%, châu Âu tăng 9%, thậm chí Nhật Bản giảm 1%. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng 12,5%, sang châu Âu tăng 17% và sang Nhật vẫn duy trì ở mức tăng 9%. Nhìn chung, thị phần của dệt may Việt Nam tại các thị trường chính đều có sự tăng trưởng tốt,  nhất là tại thị trường Mỹ năm nay chỉ có 3 quốc gia có tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam, các đối thủ cạnh tranh còn lại như Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia và Myanmar đều giảm so với năm trước. Đặc biệt, bên cạnh vị trí thứ 2 tại thị trường Mỹ trong nhiều nay, năm 2014 đánh dấu việc Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2, chỉ đứng sau Trung Quốc tại thị trường Nhật Bản. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam không chỉ cạnh tranh tốt, mà còn có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách hàng nước ngoài.




Theo ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, điều này một phần là do những nỗ lực của Chính phủ trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, nhất là những Hiệp định này đều liên quan trực tiếp đến các thị trường chính như Hiệp định TPP (có Mỹ và Nhật Bản), FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga Belarus Kazakhstan. Tuy các hiệp định này chưa có hiệu lực nhưng sức hút lại rất lớn với đôi tác khi họ quyết định chuyển đơn hàng từ những quốc gia không tham gia Hiệp định sang Việt Nam. Đây là một trong những thuận lợi và là tiền đề để dệt may Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2015.

Bên cạnh đó, sự nhìn nhận và đánh giá xứng đáng của Đảng, Chính phủ cũng như người dân về các ngành xuất khẩu chủ lực trong đó có dệt may là nguồn động viên to lớn đối với doanh nghiệp trong nhiệm vụ theo đuổi lộ trình phát triển bền vững của ngành. Năm nay với trên 24 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dệt may đem lại thặng dư thương mại trong nước ở mức 12 tỷ USD, con số này dùng để trả lương công nhân, mua bán nguyên phụ liệu trong nước, chi trả hoạt động vận tải nội địa… Đặc biệt, số tiền này không chỉ mang lại doanh thu cho ngành dệt may và lợi ích trực tiếp cho công nhân dệt may, mà còn có tính chất lan tỏa, kích thích tiêu dùng một số ngành hàng khác khi thị trường trong nước có sự sụt giảm. Như vậy, các ngành xuất khẩu nói chung, dệt may nói riêng không chỉ góp phần cân đối ngoại tệ của nền kinh tế mà còn khiến thị trường trong nước năng động hơn khi tiêu dùng có dấu hiệu chững lại.

Năm 2014 là năm đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, doanh nghiệp nòng cốt của ngành khi chuyển từ 100% vốn nhà nước sang mô hình hoạt động đa sở hữu. Là Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đầu tiên hoàn thành cổ phần hóa và IPO thành công, Vinatex hứa hẹn là doanh nghiệp sẽ có những bước phát triển mới trong những năm tiếp theo. Việc tập trung vào lĩnh vực cốt lõi sợi - dệt - nhuộm - may và dưới tác động của Quyết định 51/2014/QĐ-TTg về yêu cầu thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước sẽ là động lực cho Vinatex không ngừng cải tiến và kiện toàn bộ máy quản trị sao cho chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Với chiến lược phát triển rõ ràng và hợp với xu thế mới, Vinatex tiếp tục là đơn vị kết nối, định hướng các doanh nghiệp khác trong ngành để dệt may Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.

Mặc dù vậy, những dự báo gần đây cho thấy thị trường chung trong nước và thế giới sẽ không có sự khởi sắc rõ nét trong năm 2015. Giá dầu mỏ liên tục sụt giảm trong những tháng gần đây cho thấy sự bất ổn trong nền kinh tế thế giới, thậm chí sẽ còn khó lường hơn năm 2014. Điều này không gây quá nhiều khó khăn trong phát triển thị trưởng, nhưng sẽ làm suy giảm năng lực đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với những doanh nghiệp mới cổ phần hóa. Với kinh nghiệm của doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa, ông Lê Tiến Trường chia sẻ: "Lượng mua của các nhà đầu tư nước ngoài suy giảm trong khi các cá nhân/tổ chức trong nước đủ sức để mua cổ phần của những doanh nghiệp có quy mô lớn không có nhiều. Thách thức này có thể khiến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp chậm đi, song về cơ bản với sự quyết tâm và chuẩn bị kĩ lưỡng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tin tưởng vào quá trình cổ phần hóa và đổi mới doanh nghiệp thành công."

Trong năm 2015, các doanh nghiệp dệt may tiếp tục kỳ vọng vào một năm xuất khẩu thành công. Các doanh nghiệp mong muốn kinh tế vĩ mô trong nước được ổn định, Chính phủ duy trì ổn định trong tỷ giá, lãi suất và trong chế độ chính sách cho người lao động. Khi có sự thay đổi, bổ sung về mặt chính sách nên có lộ trình và thông báo sớm để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị phù hợp. Nếu được như vậy, năm 2015 sẽ là một năm có nhiều thuận lợi và là nền tảng quan trọng cho sự bứt phá của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong những năm tiếp theo.