1. Sự cần thiết của đổi mới cơ chế tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập.

 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Chiến lược giáo dục 2009-2020, tập trung vào 2 giải pháp chính là đổi mới quản lí giáo dục và xây dụng đội ngũ nhà giáo,cán bộ quản lý. Dưới góc độ vi mô cho thấy, giáo dục đại học trong chiến lược giáo dục chỉ thành công khi trường đại học là những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất, chuyển giao công công nghệ và xuất khẩu tri thức; hay nói cách khác, mỗi trường phải có thương hiệu về tri thức cho riêng mình.

 Thương hiệu về tri thức của một trường đại học không ngẫu nhiên mà có, nó chỉ đươc tạo ra khi nhà trường đó giải quyết được đồng thời 3 vấn đề: Đội ngũ cán bộ giáo viên phải vừa hồng vừa chuyên và tâm huyết với nghề nghiệp. Phương pháp đào tạo, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo bao gồm thư viện, phòng học, phòng thí nghiệm, nhà xưởng, trang thiết bị thực hành, thực tập phải khang trang, hiện đại; giáo trình, giáo án, bài giảng phải cập nhật được những công nghệ, kiến thức mới, tương xứng với yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm đào tạo. Người học được tuyển vào qua các kỳ tuyển sinh phải đủ trình độ, năng lực và say mê với ngành nghề được đào tạo?

 Ba vấn đề trên có sự gắn kết hữu cơ với nhau, chỉ được giải quyết một cách hiệu quả khi nhà trường có đủ nguồn lực tài chính, đặc biệt là phải có cơ chế tự chủ tài chính linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm cụ thể sự huy động được tối đa các nguồn lực tham gia vào quá trình tự đổi mới, tự xây dựng thương hiệu nhà trường.

 2. Cơ chế tự chủ tài chính của trường đại học công lập

 Hiện nay, cơ chế quản lý tài chính của các trường đại học công lập đang thực theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 43/CP), cho phép trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ nguồn tài chính bao gồm, tự chủ về các khoản thu, mức thu phí, lệ phí nhưng không vượt khung mức thu do Nhà nước quy định. Hoạt động dịch vụ, liên doanh, liên kết được tự quyết định khoản thu, mức thu theo nguyên tắc lấy thu bù chi và có tích luỹ. Tự chủ chi hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ; thu phí, lệ phí; chi hoạt động dịch vụ, nhưng khoản chi không thường xuyên như chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; chương trình mục tiêu quốc gia... phải theo sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền... Được tự quyết định một số khoản chi quản lý, chi nghiệp vụ chuyên môn với mức cao hơn hoặc thấp hơn mức chi của Nhà nước hoặc khoán chi cho bộ phận, đơn vị trực thuộc. Chi sửa chữa lớn, mua sắm mới tài sản cố định, hoặc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, được chủ động sử dụng phần chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước… để chi trả cho người lao động trên nguyên tắc người có hiệu suất công tác cao, đóng góp nhiều cho việc tăng thu, tiết kiệm chi được trả thu nhập cao hơn (không khống chế thu nhập của từng người lao động) nhưng không vượt quá 3 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí.

 3. Những thuận lợi và khó khăn của cơ chế tự chủ tài chính trong trường đại học công lập

 3.1. Thuận lợi:

 Phần lớn các trường đã chủ động sử dụng ngân sách nhà nước, nhân lực, tài sản cho việc thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn, đã mở rộng, phát triển nguồn thu. Kết quả cụ thể như sau: Về huy động nguồn vốn: Các trường đã huy động được vốn từ cán bộ CNV, từ các nhà đầu tư thông qua liên doanh, liên kết hoặc vay các tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng cơ bản, đổi mới trang thiết bị thí nghiệm, thực hành, thực tập và nghiên cứu khoa học làm cho cơ sở vật chất của nhà trường khang trang, hiện đại hơn. Ngoài ra, các trường cũng đã chủ động trích lập quỹ đầu tư phát triển, mua sắm tài sản và coi là giải pháp nâng cao chất lượng học đi đôi với hành và cũng là cơ sở để mở rộng, phát triển hoạt động dịch vụ tạo nguồn thu, nâng mức thu nhập cho người lao động. Năm 2007, các trường của Bộ Công Thương đã trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp là 47,474 tỷ đồng bằng 50% số ngân sách cấp cho đầu tư xây dựng cơ bản của khối giáo dục đào tạo và y tế (89 tỷ đồng). 

 Về mở rộng, khai thác và phát triển nguồn thu: Nhiều trường đã mở rộng quy mô, đa dạng hoá các ngành nghề, cấp bậc đào tạo với nhiều hình thức đào tạo tập trung, đào tạo từ xa, một số trường lớn đã mời chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy tại trường hoặc tổ chức liên kết với nước ngoài để mở khoa, mở lớp đào tạo... Năm 2007, số thu của các đơn vị trong cả nước tăng bình quân 18% so với năm 2006. 4 trường đại học của Bộ Công Thương có số thu năm 2007 tăng so với năm 2006 là 36,1 tỷ đồng (tăng gần 30%). Ngoài ra, các trường đã có nhiều giải pháp về quản lý nội bộ, thực hành tiết kiệm chi phí như xây dựng các tiêu chuẩn, định mức chi phí, định mức tiêu hao nguyên vật liệu, hệ số quy đổi giờ giảng lý thuyết, thực hành, thực tập, đơn giá giờ giảng... đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.

 Về thu nhập tăng thêm của người lao động: Các trường đã đổi mới hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tạo ra nguồn tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2007 nhiều đơn vị có mức thu nhập tăng thêm từ 1 đến 2 lần tiền lương cấp bậc, chức vụ so với năm 2006.

 Về xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ: 100% các trường đã xây dựng và công bố công khai chế độ quản lý tài chính, chi thu nhập tăng thêm, chế độ công tác phí, điện thoại, xăng dầu, văn phòng phẩm, chế độ giáo viên, nghiên cứu khoa học, hoạt động dịch vụ, trích lập các quỹ... góp phần tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động tăng thu, tiết kiệm chi phí tại đơn vị.

 3.2. Những tồn tại

 Trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính các trường gặp phải nhiều vướng mắc, rất khó thực hiện:

 Thứ nhất là, cơ chế chính sách của nhà nước còn thiếu đồng bộ và có những bất cập nhất định, cụ thể là:

 Chậm đổi mới, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 43/CP quy định, Bộ chủ quản phối hợp với các Bộ để ra văn bản hướng dẫn lĩnh vực Bộ chủ quản phụ trách nhưng hầu như các bộ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Việc phân cấp đầu tư, mua sắm tài sản, XDCB cho đơn vị tự thực hiện của Bộ chủ quản đã được thực hiện nhưng giá trị tài sản phân cấp còn thấp, nhiều định mức, tiêu chuẩn như định mức giờ giảng, chế độ thanh toán ngoài giờ... đã lạc hậu nhưng vẫn sử dụng làm hạn chế tính chủ động, tự chủ tài chính của các trường.

 Nghị định 43/CP thực chất chỉ là giao quyền tự chủ cho các trường trong việc tổ chức chi, chưa giao quyền tự chủ về huy động nguồn lực tài chính từ học phí do người học đóng góp (học phí vẫn thu theo mức được ban hành từ năm 1998). Đây thật sự là một bất cập lớn cho các trường trong việc chủ động 1tìm kiếm, huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, thu hút nhân tài, xây dựng cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đào tạo, trong khi ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo hàng năm tăng không đáng kể.

 Quy định về chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), mua sắm tài sản cố định (TSCĐ) thực sự chưa đúng, bản chất của công tác đào tạo. Theo Nghị định số 43/CP thì số tiền chi đầu tư XDCB, mua TSCĐ phục vụ giảng dạy, thực hành, thực tập trong năm không được tính là chi phí thường xuyên, không dùng nguồn học phí để chi, làm cho việc đầu tư, mua sắm trong năm báo cáo gặp khó khăn, phức tạp (phải lập dự toán riêng trình Bộ phê duyệt và phải được kho bạc nhà nước chấp nhận thanh toán). Việc triển khai dự án XDCB gặp nhiều khó khăn do ngân sách nhà nước thường cấp 30% và đơn vị phải tự lo 70%.

 Thời điểm chi và mức chi thu nhập tăng thêm là chưa hợp lý. Từ năm 2002, khi thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ, các trường đã thanh toán 100% thu nhập tăng thêm cho người lao động theo tháng, nhưng Nghị định 43/CP và các văn bản hướng dẫn lại quy định việc trả thu nhập tăng thêm chỉ được chi theo quý với mức tối đa bằng 60% số chênh lệch thu lớn hơn chi tiết kiệm được. Kết quả là, hàng tháng Nhà trường không đủ kinh phí để chi 100% thu nhập tăng thêm. Điều này không được người lao động chấp nhận, vì hàng tháng, mức thu nhập của họ bị giảm và phải chờ đợi đến khi cấp trên phê duyệt quyết toán mới được lĩnh, làm cho đời sống của người lao động gặp khó khăn.

 Ngoài ra, Nhà nước chưa có hướng dẫn, chưa có quy định cụ thể về việc liên doanh, liên kết, về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành, chất lượng và kết quả hoạt động của đơn vị được giao quyền tự chủ nên việc triển khai, thực hiện còn nhiều vướng mắc.

 Thứ hai là, tính chủ động của các trường trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn mang tính hình thức.

 Một bộ phận không nhỏ cán bộ, viên chức, nguời lao động trong nhà trường chưa nhận thức đầy đủ nội dung, mục đích và yêu cầu về tự chủ tài chính, vẫn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, của nhà trường, ngại thay đổi, e ngại động chạm đến những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều lĩnh vực... việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ còn mang tính hình thức, chưa đưa ra quy định cụ thể về nội dung, mức chi hoặc việc chi trả thu nhập vẫn mang tính bình quân, chưa có giải pháp về chi trả thu nhập theo mức độ hiệu quả để hấp dẫn, thu hút người tài, người có năng lực; thực sự còn thiếu các biện pháp quản lý, tiết kiệm chi, tăng thu, mới chỉ dừng lại ở mức là chủ trương, đường lối để phấn đấu thực hiện.

 4. Một số kiến nghị

 Để phát huy những kết quả đã đạt được và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 43/CP, nhà nước và các trường cần quan tâm giải quyết các vấn đề sau:

 Một là, Nhà nước sớm tổ chức tổng kết đánh giá kết quả của Nghị định 43/CP để có hướng sửa đổi cho phù hợp với thực tế, như thực hiện miễm giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của hoạt động dịch vụ dạy học cho các trường học, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường có cơ hội phát triển trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước cấp cho đầu tư còn hạn chế, phần kinh phí này cho phép các trường dùng mua sắm trang thiết bị giảng dạy, thực hành, thực tập...

 Hai là, các bộ, ngành, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, các tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị được giao tự chủ, nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, đồng thời cần tăng cường kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, định mức và mở rộng lĩnh vực giao quyền tự chủ cho đơn vị. Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ để sửa đổi mức và thời điểm thanh toán thu nhập tăng thêm cho người lao động; có quy định để cụ thể mức mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu học phí là chi phí hoạt động thường xuyên của nhà trường, nhằm bảo đảm sự khuyến khích đầu tư.

 Ba là, về phía các trường, cần tiếp tục đổi mới một cách toàn diện, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ mang tính chi tiết, đảm bảo tính công khai, dân chủ và công bằng, xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của từng người lao động, chú trọng giải pháp chi trả thu nhập theo hiệu quả công việc, khuyến khích, hấp dẫn, thu hút người có năng lực, có trình độ. Phải xây dựng được chiến lược tài chính hợp lý cho đầu tư cơ sở vật chất trong ngắn hạn và dài hạn, có giải pháp của riêng mình để huy động mọi cá nhân, tập thể tham gia vào quá trình phát triển chất lượng đào tạo của nhà trường. Ngoài ra, phải coi trọng và tích cực tìm kiếm, thu hút nguồn lực tài chính từ các nguồn dự án, nguồn vốn viện trợ nước ngoài

 5. Kết luận

 Cơ chế tự chủ tài chính của Nghị định 43/CP đã đưa đến một luồng sinh khí mới cho các trường nói chung và trường đại học nói riêng, giúp các trường phát huy mọi khả năng sẵn có của mình về trí tuệ, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo.

 Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định rằng, việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường là đúng hướng, hợp quy luật. Song, để tạo dựng hình ảnh của nhà trường trước xã hội, khu vực và quốc tế, đòi hỏi Nhà nước và mỗi trường phải tiếp tục đổi mới cơ chế, cách thức hoạt động tài chính phù hợp với cơ chế thị trường trong điều kiện hội nhập quốc tế về giáo dục. Đây là một yêu cầu cấp bách và lâu dài, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu, quan trọng trong việc huy động tối đa các nguồn lực cho việc xây dựng thương hiệu, uy tín, chất lượng của trường đại học công lập.

  • Tags: