Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần qua (25/5 - 28/5)

Hoa Kỳ có thể dỡ bỏ quy chế ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới, đẩy căng thẳng giữa hai quốc gia tăng cao. Trong khi đó, Fitch Ratings đánh giá nền kinh tế toàn cầu có thể đã bắt đáy và hạ dự báo tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn.

Thứ Hai – 25/5

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết việc không đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay là do các tác động của đại dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội khóa 13, Trung Quốc đã lần đầu tiên bỏ việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2020. Dưới các tác động của đại dịch Covid-19, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đang đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế nghiêm trọng và lần đầu tiên đối mặt với nguy cơ sụt giảm tăng trưởng sau hàng chục năm tăng trưởng cao liên tục. 

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh việc Trung Quốc đối mặt với việc sức tiêu thụ nội địa sụt giảm, xuất khẩu suy yếu, nguy cơ thất nghiệp tăng cao đồng thời các bất ổn trong hệ thống tài chính nước này tích tụ cao. Mặc dù Trung Quốc đã cơ bản kiểm soát thành công sự bùng phát của đại dịch Covid-19 nhưng giới chức nước này lo ngại nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh lần thứ hai và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phục hồi kinh tế của nước này.

Trung Quốc cũng đang đối mặt với căng thẳng ngày càng cao từ Hoa Kỳ trong lĩnh vực thương mại và nhiều quốc gia đang xem xét việc di chuyển các cơ sở sản xuất nhằm giảm phụ thuộc vào nước này.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc được tập đoàn ngân hàng đầu tư China International Capital Corporation dự báo chỉ đạt 2,6% trong năm nay. Trong năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 6,1% - mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

Thứ Ba – 26/5

Thất nghiệp tại Hoa Kỳ vì dịch Covid-19
Người dân Mỹ xếp hàng nhận hỗ trợ thực phẩm trong bối cảnh thị trường lao động tại Hoa Kỳ bị tàn phá nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: Erin Clark / Boston Globe via Getty Images)

Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, nền kinh tế toàn cầu đang gần lập đáy khi nhiều quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp phong toả. Ông Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng tại Fitch Ratings, cho biết GDP thế giới năm 2020 được dự báo giảm 4,6%, cao hơn mức sụt giảm 3,9% được đưa ra trước đây trong bối cảnh khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), Anh và các quốc gia mới nổi (không tính Trung Quốc) đều suy yếu.

Fitch Ratings dự báo khối Eurozone sẽ tăng trưởng âm 8,2% trong năm nay sô với mức suy giảm 7% được dự báo trước đây. Mức điều chỉnh giảm này phản ánh việc áp dụng các biện pháp phong toả phòng chống đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh tế tại Pháp, Italy và Tây Ban Nha suy giảm mạnh hơn so với các dự kiến ban đầu. 

Trong khi đó, khu vực các nước mới nổi (không tính Trung Quốc), được Fitch Ratings dự báo sẽ suy giảm kinh tế đến 4,5% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức âm 1,9% được dự báo trước đó. Fitch Ratings cho biết GDP của Brazil, Nga và Ấn Độ sẽ đều suy giảm mạnh trong năm nay.

GDP của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2020, gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản được Fitch Ratings dự báo sẽ lần lượt ở mức -5,6%, 0,7% và -5%.

Thứ Tư – 27/5

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại buổi họp báo công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm phòng chống đại dịch Covid-19 (Ảnh: theglobalherald.com)

Nhật Bản lên kế hoạch tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ mới với quy mô lên tới 117.000 tỷ Yên Nhật tương đương 1.100 tỷ USD. Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Nhật Bản trong việc cứu nền kinh tế lớn nước này khỏi nguy cơ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II. Trong tháng trước, Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng đã tung ra gói cứu trợ kinh tế quy mô 1.100 tỷ USD – mức lớn nhất trong lịch sử nước này.

Theo Chính phủ Nhật Bản đề xuất cứu trợ 1.100 tỷ USD mới của nước này sẽ tập trung vào tăng chi tiêu y tế, tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ các doanh nghiệp bị sụt giảm doanh số vì đại dịch Covid-19. Trong khi đó, khoản hỗ trợ 1.100 tỷ USD tháng trước tập trung hỗ trợ các hộ gia đình và các khoản chi đối phó với các tác động tức thì của dịch bệnh.

Nhật Bản được đánh giá là một trong những nền kinh tế lớn dễ tổn thương nhất khi đại dịch Covid-19 bùng phát do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào giao thương với Trung Quốc – quốc gia khởi phát dịch bệnh và Hoa Kỳ - vùng dịch lớn nhất thế giới hiện nay. Nhật Bản hiện cũng là nền kinh tế lớn đầu tiên của thế giới rơi vào suy thoái kỹ thuật dưới các tác động của đại dịch Covid-19 sau khi GDP quý 1 của nước này ở mức -3,4%.

Thứ Năm –28/5

Biểu tình Hồng Kông
  Tình trạng biểu tình dữ dội trong năm 2019 đã thúc đẩy Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông (Ảnh: Jae C. Hong / Associated Press)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) không còn đủ điều kiện để được hưởng cơ chế đối xử đặc biệt của Hoa Kỳ trong bối cảnh Trung Quốc đã thông qua Luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu này.

Điều ngày đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ có thể sẽ bỏ cơ chế đối xử thương mại – tài chính đối với Hồng Kông, đây sẽ là giàng đón mạnh đối với vị thế trung tâm tài chính quan trọng của đặc khu. Trong ngày 26/5, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cảnh báo Hoa Kỳ sẽ có phản ứng “rất mạnh mẽ” nếu Trung Quốc áp đặt dự luật mới đối với Hồng Kông.

Theo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm ngoái, Ngoại trưởng Hoa Kỳ hàng năm có trách nhiệm xác nhận Hồng Kông còn duy trì quyền tự chủ hay không, để đặc khu được hưởng ưu đãi thương mại từ Hoa Kỳ.

Hồng Kông được hưởng những ưu đãi như được mua các công nghệ nhạy cảm, đảm bảo trao đổi tự do giữa đồng đô la Mỹ và đô la Hồng Kông, đàm phán các thỏa thuận thương mại và đầu tư độc lập với Trung Quốc đại lục. Bên cạnh đó, trạng thái đặc biệt còn cho phép cư dân Hồng Kông tránh các hạn chế về thị thực áp dụng cho cư dân Trung Quốc đại lục.

Thứ Sáu – 29/5

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)
 Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu bà Christine Lagarde cảnh báo khu vực Eurozone đang đối mặt với suy thoái kinh tế trầm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vừa đưa ra cảnh báo việc tung ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế quy mô lớn của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) có thể làm gia tăng rủi ro đối với khả năng trả nợ của khối này cũng như nguy cơ một số quốc gia rút khỏi khối Eurozone.

Theo ECB, trong giai đoạn bình thường, các nước trong khối Eurozone đều đặt mục tiêu duy trì mức nợ công trên GDP dưới 60%. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nghiêm trọng, mức trần nợ công đã được nới lỏng nhằm giúp các quốc gia thành viên có thêm dư địa để hỗ trợ phục hồi kinh tế. ECB cũng cảnh báo tỷ lệ nợ công của khối Eurozone sẽ tăng thêm từ 7% đến 22% lên mức gần 103%.

ECB cho biết việc mua lại hơn 1.000 tỷ EUR (1.100 tỷ USD) trái phiếu trong năm nay đã góp phần giảm bớt quan ngại trên thị trường về rủi ro gia tăng nợ của khối Eurozone. Tuy nhiên, nguy cơ khu vực Eurozone đối mặt với suy thoái kinh tế kéo dài hơn so với dự kiến sẽ khiến tỷ lệ nợ công trên GDP trở nên kém bền vững.

Đầu tuần trước, Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất khối Eurozone, đã đạt đồng thuận thành lập quỹ tái thiết EU với trị giá 500 tỷ EUR nhằm giúp các nước thành viên vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Quang Đặng