Thứ Hai – 4/5

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp tại Trung Quốc,  9/11/2017 (Ảnh: Reuters/Jonathan Ernst)

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang lên kế hoạch dài hạn để trừng phạt Trung Quốc trên nhiều phương diện từ áp đặt chính sách thương mại mới đến huỷ bỏ nghĩa vụ nợ của Hoa Kỳ với cáo buộc nước này phải chịu trách nhiệm về sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Trong thời gian gần đây, Tổng thống Donald Trump liên tục buộc tội Trung Quốc không minh bạch trong các vấn đề có liên quan đến đại dịch Covid-19. Điều này đã khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên căng thẳng. Trong ngày 3/5, Tổng thống Donald Trump cảnh bảo Hoa Kỳ sẽ chấm dứt thoả thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc nếu như Trung Quốc không mua đủ lượng hàng hoá từ Hoa Kỳ như đã cam kết.

Đây là lần đầu tiên ông Donald Trump lên tiếng cảnh báo công khai về vấn đề thoả thuận thương mại giữa hai nước. Ông Donald Trump cũng cho biết vấn đề về đại dịch Covid-19 đã thay thế thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở thành mối quan tâm hàng đầu trong việc duy trì mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được Hoa Kỳ và Trung Quốc ký hồi giữa tháng 1/2020 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cải thiện quan hệ giữa hai nước và tạm thời giúp làm dịu cuộc chiến thương mại giữa hai nước sau hơn 1 năm kéo dài.

Thứ Ba – 5/5

Đồng Nhân dân tệ điện tử
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết người dân nước này có thể chuyển đổi tiền trong tài khoản ngân hàng thành đồng Nhân dân tệ điện tử và sử dụng thông qua các ví điện tử (Ảnh: CNN)

Chính phủ Trung Quốc chính thức tiến hành thử nghiệm việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ điện tử trong các hoạt động kinh tế thường ngày tại 4 thành phố lớn nước này, gồm Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu và Hùng An Tân Khu – một khu kinh tế đặc biệt của Trung Quốc. Bốn khu vực này có tổng dân số hơn 38 triệu dân.

Trong giai đoạn ban đầu, đồng Nhân dân tệ điện tử sẽ được dùng để thanh toán các dịch vụ sử dụng phương tiện giao thông công cộng, mua sắm thực phẩm và các hoạt động mua sắm khác trước khi được mở rộng sang các hoạt động kinh tế khác.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết người dân Trung Quốc có thể chuyển đổi tiền trong tài khoản ngân hàng sang đồng Nhân dân tệ điện tử và thực hiện việc gửi tiền qua các loại ví tiền điện tử. Đồng thời, công nghệ của PBOC cho phép thực hiện việc trao đổi đồng Nhân dân tệ điện tử không cần đến mạng Internet và có thể được sử dụng trong thanh toán không tiếp xúc.

Đây là động thái mới nhất trong việc đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới vận hành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền đầu tiên, khác với việc sử dụng đồng bitcoin không biên giới. Dự án Thanh toán bằng tiền điện tử (DCEP) được Trung Quốc triển khai từ năm 2014.

Thứ Tư – 6/5

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu
Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết "Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ người dân Châu Âu và nền kinh tế Châu Âu" (Ảnh: AP)

Uỷ ban Châu Âu (EC) cảnh báo khu vực Liên minh Châu Âu (EU) sẽ đối mặt với cú sốc kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng hồi năm 1930 và nền kinh tế của EU sẽ suy giảm mạnh 7,4% trong năm 2020 vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trước đó, vào tháng 2/2020, EC từng dự báo nền kinh tế EU sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm nay.

Chính phủ các quốc gia thành viên liên minh EU đang lên kế hoạch nới lỏng dần các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 sau nhiều tuần tiến hành phong toả, hạn chế đi lại và thực hiện cách ly xã hội khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ.

Các quốc gia như Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Đức và Áo chỉ vừa mới bắt đầu dỡ bỏ một số hạn chế trong số các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các hoạt động kinh tế được tái khởi động theo từng bước, điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế các quốc gia khối EU sẽ vẫn còn bị tác động tiêu cực trong những tháng tới đây.

Thứ Năm – 7/5

Biểu tình đòi mở cửa nền kinh tế tại Hoa Kỳ
Nhiều người lao động tại Hoa Kỳ đã xuống đường biểu tình đòi chính quyền phải tái mở cửa nền kinh tế bất chấp sự lây lan của đại dịch Covid-19 (Ảnh: AP)

Tập đoàn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ sụt giảm trung bình 32% trong quý 1/2020, trước khi hồi phục với mức tăng 16% trong quý 3/2020 và tăng 13% trong quý 4/2020.

Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế gia trưởng của Goldman Sachs, nhận định sự suy giảm các hoạt động kinh tế đã xuống đến mức đáy khi nhiều quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp phong toả ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 và nền kinh tế dần được mở cửa trở lại.

Đồng quan điểm, ông Chetan Ahya, nhà kinh tế gia trưởng của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, cho biết nhiều chỉ báo kinh tế gần đây đều cho thấy sự sụt giảm kinh tế toàn cầu đang trong quá trình tạo đáy. Nền kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy vào tháng 2 vừa qua; trong khi đó, khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) có lẽ vào tháng 4/2020 và nền kinh tế Hoa Kỳ vào cuối tháng 4/2020, theo ông Chetan Ahya.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục chậm thay vì bật tăng nhanh. Bên cạnh đó, nếu làn sóng bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ hai diễn ra khi các quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch thì nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh trở lại.

Thứ Sáu – 8/5

Xuất khẩu của Trung Quốc
 Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2020 bất ngờ tăng, trái ngược với các dự báo của giới phân tích (Ảnh: Chinadaily)

Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2020 đã bất ngờ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước bất chập sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu trên toàn cầu giảm mạnh. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tháng 4/2020 đã giảm mạnh 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 4/2020, Trung Quốc ghi nhận mức thặng dư thương mại đạt 45,3 tỷ USD. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm mạnh 11% và nhập khẩu giảm 10%.

Thông thường hoạt động xuất khẩu của nước này sẽ tăng mạnh vào tháng 4 hàng năm sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài. Trong thời gian gần đây, một số dữ liệu cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang dần trở nên suy yếu khi nhu cầu nội địa còn rất yếu và niềm tin của giới doanh nghiệp giảm mạnh.