Thứ Hai – 9/3

Mở đầu phiên giao dịch sáng Thứ Hai (theo giờ giao dịch Châu Á), giá dầu thô đã rơi tự do sau khi Ả-rập Xê-út cho biết gia tăng công suất khai thác dầu thô lên mức tối đa cũng như giảm mạnh giá bán dầu thô trong tháng 4/2020, phát đi tín hiệu mở đầu một cuộc chiến giá dầu thô mới với Nga để giành thị phần.

Tính đến trưa ngày 9/3, giá dầu thô Brent đã giảm 26% và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 30% - mức giảm mạnh nhất kể từ thời điểm chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 bùng nổ hồi năm 1991.

Trước đó, vào ngày thứ Sáu (6/3), 14 nước thành viên khối OPEC do Ả-rập Xê-út đứng đầu và 10 quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu không đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác mới để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh dịch virus Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng dầu thô sụt giảm mạnh.

Bộ trưởng Năng lượng Nga và Ả-rập Xê-út
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Hoàng tử Abdulaziz bin Salman và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tại một cuộc họp của khối OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh (khối OPEC+)

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết với việc không đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác, kể từ ngày 1/4/2020, các quốc gia khối OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh sẽ không còn chịu bất kỳ quy định cắt giảm sản lượng nào và được khai thác “tuỳ ý”.

Sự sụp đổ của giá dầu thô cùng với những thông tin tiêu cực về diễn biến dịch virus Covid-19 trên toàn cầu đã kích hoạt sự hoảng loạn trên các thị trường tài chính lớn toàn cầu và khiến giới đầu tư ồ ạt bán tháo các loại tài sản. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ lao dốc đã khiến lệnh ngưng giao dịch được kích hoạt, sự kiện lần đầu tiên xảy ra kể từ năm 1987. Trong khi đó, chỉ số CBOE đo lường sự sợ hãi của giới đầu tư Hoa Kỳ tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Thứ Ba – 10/3

Chính phủ Italy đã ban hành lệnh phong toả trên phạm vi toàn quốc cho đến hết ngày 3/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch virus Covid-19. Theo đó, toàn bộ 60 triệu cư dân của nước này được yêu cầu hạn chế di chuyển, các sự kiện công cộng bị huỷ bỏ, các trường học, rạp chiếu phim, bảo tàng và phòng tâp thể dục phải đóng cửa và các nhà hàng bị giới hạn thời gian mở cửa.

Quyết định phong toả được đưa ra sau khi số ca nhiễm mới virus Covid-19 tại nước này tăng sốc 25% chỉ trong vòng 24 tiếng, lên hơn 9.000 ca nhiễm và số ca tử vong tăng thêm gần 100 ca lên 463 ca, biến nước này thành ổ dịch lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

Nhà hàng tại Italy đóng cửa vì dịch virus Covid-19
Giới kinh doanh nhà hàng - khách sạn tại Italy thiệt hại nặng khi lượng khách sụt giảm và bị giới hạn thời gian kinh doanh khi nước này thực hiện phong toả toàn quốc để chống sự lây lan của virus Covid-19 (Ảnh: Shropshirestar)

Giới phân tích kinh tế cảnh báo lệnh phong toả toàn bộ đất nước cùng với cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 tại Italy sẽ đánh gục nền kinh tế nước này. Ngay cả trước khi dịch virus Covid-19 bùng phát, Italy – nền kinh tế lớn thứ tám thế giới đã có nhiều rủi ro tiềm ẩn với tình trạng thất nghiệp cao, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm thấp nhất khối đồng tiền chung Euro (Eurozone) và tỷ lệ nợ công cao thứ hai khối Eurozone, chỉ sau Hy Lạp.

Hãng tư vấn kinh tế Capital Economics dự báo tăng trưởng GDP của Italy trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 2% vì dịch virus Covid-19 và nếu lệnh phong toả toàn bộ đất nước kéo dài đến tháng 6/2020 thì tác động kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó, tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs dự báo lệnh phong toả toàn quốc của Italy sẽ khiến tăng trưởng GDP quý 1 và 2/2020 của nước này giảm 1,5% và khiến nước này rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế.

Lệnh hạn chế di chuyển và nỗi sợ hãi về dịch virus Covid-19 tăng cao khiến cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Italy sụt giảm mạnh, tạo ra cú sốc cầu đối với nền kinh tế nước này và các ngành bị tác động nặng nề nhất sẽ là khối ngành dịch vụ, hàng không, bán lẻ, giải trí và nhà hàng – khách sạn.

Thứ Tư – 11/3

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã khẩn cấp hạ lãi suất cơ bản 50 điểm từ mức 0,75% xuống còn 0,25% nhằm hồ trợ nền kinh tế nước này trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2008, BoE quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp. Mức lãi suất hiện tại cũng chạm mức thấp kỷ lục kể từ thời điểm nước này bỏ phiếu tiến trình Brexit – rời khỏi Liên minh Châu Âu vào năm 2016.

Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cho biết các dữ liệu hiện tại cho thấy Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2020 và nhiều quốc gia khác cũng được dự báo sẽ trải qua điều tương tự. Mặc dù các thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra là chưa rõ ràng nhưng hoạt động kinh tế tại Anh có thể suy giảm trong vài tháng tới do đó cơ quan này đã quyết định hành động để ngăn chặn các rủi ro.

Thống đốc Ngân hàng Anh cắt giảm lãi suất khẩn cấp
 Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cho biết cơ quan này quyết định hành động khẩn cấp trước các rủi ro tiềm tàng của dịch virus Covid-19 đến nền kinh tế Anh (Ảnh: Matt Dunham/WPA Pool/Getty Images)

Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất, BoE đồng thời công bố một gói hỗ trợ mới trị giá 100 tỷ bảng Anh (tương đương 130 tỷ USD) để đảm bảo các hộ gia đình và các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Anh được hưởng lợi từ việc cắt giảm lãi suất. BoE cũng cho biết sẽ cung cấp khoản vay bổ sung lên đến 190 tỷ bảng Anh (tương đương 247 tỷ USD) cho các ngân hàng nước này.

Sau Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), và BoE là ngân hàng trung ương lớn tiếp theo trên thế giới điều chỉnh các chính sách tiền tệ nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.

Tính đến hết ngày 11/3, Anh đã ghi nhận hơn 380 ca nhiễm virus Covid-19 với 6 trường hợp tử vong. Anh hiện nay vẫn chưa có bất kỳ biện pháp thắt chặt nào để ngăn sự lây lan của dịch bệnh và giới chức nước này tin tưởng rằng họ có thể chặn đứng được dịch bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo tình hình tại Anh đang diễn biến theo đúng những gì cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 đang làm tê liệt Italy – nền kinh tế lớn thứ ba của khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone).

Thứ Năm – 12/3

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công nhận dịch virus Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tính đến ngày 11/3, trên toàn thế giới đã ghi nhận hơn 126.000 ca nhiễm virus Covid-19 tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Giới phân tích nhận định với việc nâng cấp độ dịch lên thành “đại dịch” – cụm từ mà WHO từ trước đến nay luôn hạn chế sử dụng sẽ khiến tâm lý bi quan trên các thị trường tài chính toàn cầu gia tăng. Bên cạnh đó, các quốc gia có thể đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này có thể khiến các hoạt động kinh tế bị gián đoạn, tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế toàn cầu.

WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO trong cuộc họp báo tuyên bố dịch bệnh COVID-19 đã là đại dịch (Ảnh: IC Photo)

Báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức dưới 2% và dịch virus Covid-19 sẽ khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1 nghìn tỷ USD. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu trong năm 2020 được UNCTAD nhận định sẽ giảm từ 5% - 15%, chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 – 2009 trước các tác động của đại dịch virus Covid-19. Theo kịch bản xấu nhất của UNCTAD, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ chỉ đạt 0,5% và thiệt hại do dịch virus Covid-19 gây ra có thể tăng lên mức 2 nghìn tỷ USD.

UNCTAD cảnh báo khu vực đồng tiền chung Euro (khối Eurozone) đang đối mặt với rủi ro cao rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế trong thời gian tới trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát mạnh tại Italy – nền kinh tế lớn thứ ba khối Eurozone và đang lan sang các nền kinh tế lớn khác trong khu vực như Đức và Pháp. Bên cạnh đó, UNTCAD nhận định việc giá dầu thô sụp đổ, gây tổn thương kinh tế đến các nước xuất khẩu dầu thô khiến cho tình hình kinh tế toàn cầu trở nên u ám hơn.

Thứ Sáu – 13/3

Tình trạng hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ cũng như chứng khoán toàn cầu tiếp tục tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thất bại trong việc trấn an thị trường về nỗi lo ngại dịch virus Covid-19 có thể gây ra một đợt suy thoái kinh tế mới.

FED cho biết sẽ bơm 1.500 tỷ USD vào thị trường thông qua việc mua lại các tài sản tài chính; tuy nhiên, giới đầu tư đã kỳ vọng FED sẽ hành động mạnh tay hơn để ngăn chặn rủi ro suy thoái kinh tế. Một số nhà phân tích nhận định thị trường hoài nghi liệu các công cụ của FED có đủ để ổn định thị trường trong dài hạn trong bối cảnh dịch virus Covid-19 đang diễn biến phức tạp hơn.

Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụp đổ vì dịch virus Covid-19
Tình trạng bán tháo diễn ra diện rộng đã khiến thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ sụp đổ và phải ngưng giao dịch trong 15 phút (Ảnh: AP Photo/Richard Drew)

Một số chuyên gia thì lo ngại thị trường trái phiếu và cổ phiếu có thể bị “thổi phồng” đột ngột bởi việc bơm tiền của FED và có thể dẫn tới nguy cơ bong bóng tài sản như đã diễn ra trong lịch sử.

Bên cạnh đó việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ ra tuyên bố cấm các hoạt động di chuyển từ Châu Âu, trừ nước Anh, đến Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng đánh gục niềm tin của giới đầu tư và khiến cho thị trường trở nên hoảng loạn hơn.

Chốt phiên giao dịch ngày 12/3, chỉ số Dow Jones giảm 9,99% - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày “Thứ Hai đen tối” vào năm 1987; chỉ số S&P 500 giảm 9,5% và ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987; chỉ số NASDAQ Composite cũng giảm 9,4%. Các mức giảm cũng cao hơn thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Tình trạng bán tháo diễn ra diện rộng đã khiến thị trường chứng khoán Hoa Kỳ phải tự động ngưng giao dịch trong vòng 15 phút vào đầu phiên giao dịch. Đây là lần thứ hai trong tuần này, thị trường khoán Hoa Kỳ phải tự ngưng giao dịch để ngăn chặn sự sụp đổ quá nhanh của thị trường.