Tiêu thụ quả vải: Khai thác tối đa thị trường nội địa để kích cầu tiêu dùng

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giải pháp tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước trở nên cần thiết và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Hỗ trợ xuất khẩu vải tại cửa khẩu

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, cũng giống như nhiều mặt hàng “made in Viet Nam” khác, đầu ra của trái vải thiều năm nay liên tục gặp khó khăn bởi dòng chảy xuất khẩu bị tắc nghẽn, gián đoạn.

Trong bối cảnh đó, giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước trở nên cần thiết và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Theo tính toán của 3 tỉnh trồng vải lớn nhất nước là Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, sản lượng vải thiều năm 2021 ước đạt khoảng 250 nghìn tấn và thời gian thu hoạch từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7.

Trong đó, tại “đất” vải Bắc Giang năm nay có 28.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, hơn 200 ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867 ha xuất khẩu sang Trung Quốc - 149 mã vùng. Riêng huyện Lục Ngạn hiện có 15,45 nghìn ha vải thiều, tăng 160 ha so với năm 2020, sản lượng ước đạt hơn 120 nghìn tấn. Trong đó vải chín sớm khoảng 30 nghìn tấn. Dự báo thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 20/5, vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 - 20/7.

Bên cạnh đó, Hải Dương có tổng sản lượng vải thiều ước đạt khoảng 55.000 tấn trong năm nay. Trong đó, vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 33.000 tấn, chiếm 60% và xuất khẩu khoảng 22.000 tấn, chiếm 40%...

xuất khẩu vải thiều
Việc tiêu thụ vải thiều, nhất là xuất khẩu trong năm nay dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, hiện tại, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ vải thiều

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), vải thiều của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đang là đặc sản nổi tiếng, được xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có ở Châu Âu, Úc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đặc biệt, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc đang chiếm khối lượng lớn trong tổng số khối lượng vải tươi xuất khẩu.

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên vụ vải thiều được thu hoạch đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát diện rộng, các địa phương cách ly xã hội nên đã khiến việc tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc tiêu thụ vải thiều, nhất là xuất khẩu trong năm nay dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, hiện tại, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ vải thiều.

Đơn cử, như tại Bắc Giang, tỉnh đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều. Với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát, 50% sản lượng vải thiều được tiêu thụ trong nước và 50% sản lượng dành cho xuất khẩu. Với kịch bản dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát, 70% sản lượng vải thiều được tiêu thụ trong nước và 30% sản lượng dành cho xuất khẩu.

Trong trường hợp Bắc Giang không kiểm soát được dịch thì 100% vải thiều được tiêu thụ trong nước. Theo đó sẽ tập trung đưa vải vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn, các tập đoàn bán lẻ tại hệ thống siêu thị... Số còn lại tiêu thụ tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại; để sấy khô và chế biến khác.

Ngoài ra, để đảm bảo việc xuất khẩu vải qua các khẩu biên giới được thuận lợi, Bắc Giang đã tức tốc thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Hai tổ này có nhiệm vụ nắm bắt thông tin và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải qua các cửa khẩu.

Chủ động khai thác tốt thị trường trong nước

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng như hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước cần được chú trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta đã có nền tảng là kết quả to lớn từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Với ưu thế gần 100 triệu dân, thị trường trong nước được coi là cứu cánh cho các sản phẩm nông sản, trong đó có vải thiều.

Thống kê của Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy, hàng năm thị trường trong nước tiêu thụ từ 40 - 50% sản lượng vải thiều của Bắc Giang. Trên thực tế năm nay, để đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường nội địa, Bắc Giang đã thực hiện nhiều biện pháp quảng bá sản phẩm ngay từ khi vải chưa được thu hoạch.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các tập đoàn phân phối, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối, doanh nghiệp, thương nhân trong nước để trao đổi thông tin về mùa vụ, các điều kiện tiêu thụ vải. Thành lập chuyên trang về vải thiều Bắc Giang để quảng bá và tiêu thụ vải thiều sâu rộng tại thị trường trong nước.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc mở rộng thị trường tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên thông qua các hoạt động hội chợ, kết nối giao thương hướng đến phân khúc thị trường tại các chợ đầu mối, các siêu thị, hệ thống bán lẻ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong nước.

Đồng thời phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành để đưa vải thiều tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch trên cả nước, đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, các trung tâm du lịch trọng điểm trên cả nước trong mùa du lịch cao điểm hè…

xuất khẩu vải thiều
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước là giải pháp cần thiết và hiệu quả hơn bao giờ hết

Còn tại Hải Dương, bên cạnh duy trì các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, năm nay Hải Dương sẽ phát triển song song các thị trường mới ở miền Trung, Tây Nguyên… Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, tập trung tiêu thụ nông sản nói chung hay quả vải nói riêng ở thị trường trong nước sẽ giải quyết một phần rất lớn trong tiêu thụ nông sản.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành đánh giá sản lượng trái cây, nông sản ngay từ đầu vụ để có cơ sở tính toán kế hoạch tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để hướng dẫn trong công tác vận chuyển, tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa của các vùng trồng, đặc biệt là các vùng nông sản có diện tích lớn, thu hoạch tập trung, hạn chế tình trạng ùn ứ cục bộ…

Bộ Công Thương đặc biệt nhấn mạnh, đối với hoạt động tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2021, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại chủ trì phối hợp với đang đơn vị trong Bộ chủ động phối hợp với tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều theo hình thức trực tuyến kết nối với các điểm cầu trong nước và tại nước ngoài.

Trước mắt, mùa vải 2021 đã bắt đầu, vải tại Hải Dương và Bắc Giang đã cho thu hoạch, ngành Công Thương địa phương đang phối hợp cùng với ngành Nông nghiệp kết nối các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp phân phối lớn đưa hàng vào siêu thị trong nước và tạo điều kiện để xuất khẩu.

Trước đó, để hỗ trợ việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm nông sản ở các tỉnh thành đang có dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics vào cuộc, có các giải pháp cho việc thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh.

Thứ trưởng yêu cầu, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp logistics cần có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch, trước tiên là Bắc Giang.

Hạ An