Tìm kiếm dư địa cho công nghiệp Việt Nam trong các cam kết quốc tế

"Phải làm rõ hoạt động sản xuất công nghiệp đang phụ thuộc vào những yếu tố nào, vai trò của Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách ra sao để đảm bảo tìm ra dư địa, khai thác dư địa, phục vụ cho tăng trưởng và phục vụ cho tái điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng giá trị gia tăng cao hơn”, Đó là khẳng định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với Cục Công nghiệp chiều 6/8/2019.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm việc về thực trạng và định hướng phát triển ngành công nghiệp Việt Nam

 

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nhìn lại 7 tháng đầu năm 2019, tình hình chung của khu vực và thế giới có nhiều biến động, tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng nhất định. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp đã cho thấy những dấu hiệu tích cực, đáng khích lệ.

“Nhiều ngành công nghiệp vẫn giữ tăng trưởng tích cực, thuận lợi ở mức 8-13%, thậm chí những sản phẩm như sắt, thép thô lên đến 53%”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2019, chỉ số công nghiệp ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016.

Trong đó, ngành khai khoáng tăng 1,1%, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sắt, thép thô tăng 57,1%; xăng, dầu tăng 45,1%; tivi tăng 23,9%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 16,4%...

Đóng góp vào mức tăng trưởng ấn tượng này, Bộ Công Thương cho biết Cục Công nghiệp đã phát huy tốt vai trò tham mưu trong đóng góp vào những cải cách đột phá về hành chính của ngành, đặc biệt trong công tác chính sách phát triển công nghiệp như phối hợp xây dựng Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hay Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

“Nhờ có chính sách này chúng ta mới có sự phát triển khởi sắc ngành ô tô. Chính sách đúng tạo dung lượng cho ngành ô tô, tập trung vào các doanh nghiệp lớn - “sếu đầu đàn” đầu tư sản xuất theo số lượng lớn, giá thành giảm, sức cạnh tranh cao lên, kéo theo sự phát triển của ngành ô tô và hàng loạt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại buổi làm việc.

Đặc biệt, nhiều chính sách, dự án hợp tác trong ngành công nghiệp hỗ trợ đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tham gia chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu. Trong đó, hoạt động kết nối với Samsung Việt Nam đào tạo 200 chuyên gia tư vấn để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt đã giúp cho một số doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cung cấp linh kiện cho Samsung nói riêng và các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam nói chung.

Bộ Công Thương họp về phát triển ngành công nghiệp
Sáu tháng đầu năm, ngành công nghiệp đã đạt được nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực, khả quan

 

Tháo gỡ khó khăn về chính sách để thu hút đầu tư

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng một số nhóm hàng chính của Việt Nam trong đó có nhiều nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến chế tạo, khoáng sản - luyện kim, công nghiệp hỗ trợ,… đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt khi đối mặt với vấn đề tranh chấp thương mại và gian lận xuất xứ. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có chuyển biến lớn về tăng trưởng, nhưng cơ cấu giá trị xuất khẩu chủ yếu vẫn đến từ các doanh nghiệp FDI.

“Do đó phải làm rõ hoạt động sản xuất công nghiệp đang phụ thuộc vào những yếu tố nào, vai trò của Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách ra sao để đảm bảo tìm ra dư địa, khai thác dư địa, phục vụ cho tăng trưởng và phục vụ cho tái điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng giá trị gia tăng cao hơn”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chia sẻ về phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày trong bối cảnh mới

 

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó nổi bật là Cục Công nghiệp, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để giúp doanh nghiệp ứng dụng nhiều thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, thực hiện đổi mới công nghệ và đầu tư thiết bị hiện đại, từ đó nâng cao năng suất của doanh nghiệp cũng như chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trong nước.

Đối với ngành dệt may, da giày, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng cần làm rõ vai trò của địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển dệt nhuộm, không chỉ nhằm tháo gỡ nút thắt của ngành dệt may, da giày trong nước về giải quyết nguồn cung thiếu hụt, mà còn để Việt Nam có thể tận dụng tối đa ưu đãi xuất xứ từ các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.

Đồng thời, trước hết nhanh chóng xây dựng Cơ sở dữ liệu, sau đó tiến đến thành lập các trung tâm giao dịch về công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kịp thời kết nối, tìm kiếm đối tác, mở rộng đầu ra cho sản phẩm phụ trợ trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định ngành công nghiệp sẽ cần nỗ lực nhiều để hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã giao phó

 

Trong khi đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng 5 tháng cuối năm ngành công nghiệp cần phát huy vai trò trong hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp trong ngành.

Cần tập trung xây dựng chính sách mới đối với công nghiệp ưu tiên để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ, tận dụng đối đa dòng vốn dịch chuyển trong thời gian tới.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng tối đa cơ hội từ các quốc gia có FTA với Việt Nam để thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu.

“Chỉ trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đã tăng trưởng tới 24%, chính là nhờ có CPTPP, đặc biệt ngành hàng dệt may”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của định hướng sản xuất công nghiệp đối với tăng trưởng xuất khẩu và các lĩnh vực khác của ngành Công Thương.

Đối với ngành khai thác, chế biến khoáng sản, cần khuyến khích đầu tư của nhiều thành phần kinh tế vào các dự án, tăng cường sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân.

Đối với sản xuất kim loại, cần chú ý phát triển ngành công nghiệp sau thép, mở rộng đầu ra cho sản phẩm ngay tại thị trường nội địa bên cạnh xúc tiến xuất khẩu.

Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài
Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho biết sẽ có chính sách hỗ trợ riêng biệt cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp tiềm năng

 

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết,  trong thời gian tới, sẽ tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội địa. Trong đó hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến khi có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và trở thành đối tác sản xuất đáng tin cậy đối với chuỗi sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hệ thống quản trị sản xuất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, công nghệ mới và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng các chính sách để hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm một số doanh nghiệp có tiềm năng có thể phát triển thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực và quốc tế, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc bảo vệ thị trường nội địa và mở rộng thị trường quốc tế, cũng như cơ chế của Nhà nước trong việc hỗ trợ mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.

Bộ Công Thương họp về phát triển công nghiệp

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, không thể phủ nhận xu hướng toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và Việt Nam tham gia sâu hơn vào các cam kết thương mại đã dẫn đến một số hạn chế và bộc lộ tồn tại trong điều hành chính sách đối với ngành công nghiệp.

Do đó, Cục Công nghiệp cần tiếp tục phối hợp, phát huy vai trò tham mưu để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế chính sách, công cụ thể chế theo hướng quy hoạch hiệu quả, tái cơ cấu toàn ngành, chú trọng phối hợp thực thi chính sách tại địa phương để phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp.

“Tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sức bật và khả năng chống cự của các ngành công nghiệp và nền kinh tế nói chung là rất lớn, trong đó có hơn 80% là sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp đến đâu, cần phải đánh giá rõ ràng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhìn nhận.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần có cơ chế đánh giá, hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư công nghiệp có chọn lọc

 

Theo Bộ trưởng, còn rất nhiều dư địa cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển, nhưng cần đặt bài toán phát triển trong các cam kết quốc tế của Việt Nam với khu vực và thế giới, trong đó đưa khởi nghiệp sáng tạo trở thành động lực chính của ngành công nghiệp trong thời gian tới.

Thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp sẽ cần có sự chọn lọc để đảm bảo năng lực sản xuất được nâng cao nhưng đảm bảo đáp ứng chương trình hành động về phòng vệ thương mại để tránh nguy cơ vướng phải các chế tài, rào cản thương mại trên thế giới.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng các trung tâm công nghiệp hỗ trợ đồng bộ, toàn diện để đảm bảo mang lại lợi ích, giới thiệu công nghệ, cơ hội thị trường cũng như giải pháp về nguồn lực để phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Bảy tháng đầu năm, chúng ta đã đi được một bước dài để tiếp tục đạt được những mục tiêu đề ra với những kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế đều có nhiều thay đổi, chuyển biến liên tục và tiềm ẩn nhiều bất trắc, để hoàn thành mục tiêu của năm 2019, nhiệm vụ của ngành công nghiệp và Cục Công nghiệp sẽ còn rất nặng nề để đảm bảo thúc đẩy phát triển ngành, đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Thy Thảo