Tín dụng ngân hàng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Nghiên cứu tại tỉnh Lâm Đồng

PGS.TS. NGUYỄN THỊ LOAN (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh), ThS. ĐÀO DŨNG TRÍ (Quỹ Đầu tư tỉnh Lâm Đồng), TS. NGUYỄN VIỆT HỒNG ANH (Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) và PGS.TS. LÊ THỊ TUYẾT HOA (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bằng phương pháp thống kê so sánh, bài viết thực hiện đánh giá các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (CNC) tại tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy những thành tựu cũng như hạn chế trong hoạt động cho vay của NHTM đối với lĩnh vực nông nghiệp CNC tại Lâm Đồng. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp đối với các NHTM, các cơ quan chức năng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhằm góp phần phát triển hoạt động cho vay của NHTM trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh.

Từ khóa: Nông nghiệp công nghệ cao, tín dụng ngân hàng, hoạt động cho vay, tỉnh Lâm Đồng.

1. Giới thiệu

Lâm Đồng là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển ngành Nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như các loại rau, hoa màu có nguồn gốc ôn đới và nhiệt đới. Điều này đã góp phần thay đổi tập quán canh tác và nâng cao giá trị sản xuất của các doanh nghiệp ngành Nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Từ năm 2004, chương trình nông nghiệp CNC đã được Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng xác định là một trong các chương trình trọng tâm để chỉ đạo thực hiện. Sau đó, từ năm 2016 hàng loạt các chính sách khuyến khích phát triển ngành Nông nghiệp ứng dụng CNC ra đời. Trong đó, các chủ trương chính sách nêu rõ phương hướng xây dựng các cơ chế để thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC và triển khai Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2017-2020. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng (2016), mặc dù sở hữu những lợi thế phát triển ngành Nông nghiệp nhưng các DN, HTX và hộ gia đình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn gặp không ít khó khăn khi vốn đầu tư vào lĩnh vực này khá lớn, đòi hỏi các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp CNC phải tìm kiếm vốn đầu tư từ các NHTM.

Nghiên cứu về lĩnh vực vay vốn ngân hàng đối với sản xuất nông nghiệp nông thôn là đề tài được nhiều nhà nghiên cứu thực hiện như: Diagne, A., Zeller, M., & Sharma M. (2000), Boucher và cộng sự (2006), Gounder, N., & Sharma, P. (2012), Guo và Stepanyan (2011), Nguyễn Văn Tuấn (2015). Các tác giả trước đây đã đi vào nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định cho vay của các ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Lê Đăng Lăng và Lê Tấn Bửu (2014) đã nghiên cứu về vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và đề ra những giải pháp chiến lược phát triển hiệu quả. Bài viết Tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Nghiên cứu tại tỉnh Lâm Đồng” nhằm phản ánh thực trạng hoạt động cho vay nông nghiệp CNC của các NHTM tại tỉnh Lâm Đồng - một trong những địa phương được chú trọng phát triển ngành Nông nghiệp CNC.

2. Cơ sở lý thuyết

  • Khái niệm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 Theo Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Cơ sở hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cần phải có đủ hạ tầng cơ sở nên các DN, hộ nông dân phải cần một nguồn vốn đầu tư khá lớn để đầu tư đồng bộ từ điện, nước, nhà kính, hệ thống kho lạnh bảo quản,… để sản phẩm đạt được yêu cầu chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc áp dụng các kỹ thuật mới trong nhân giống, canh tác, mua lại công nghệ hiện đại từ nước ngoài, thuê chuyên gia hướng dẫn, tư vấn, đào tạo... cũng tốn kém rất nhiều chi phí. Với số vốn đầu tư lớn, ngoài việc phải dựa vào nội lực của mình thì những người làm nông nghiệp ứng dụng CNC rất cần sự hỗ trợ của nguồn vốn từ NHTM.

  • Đặc điểm hoạt động cho vay của NHTM đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC

Theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao cho khách hàng sử dụng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi. Như vậy, cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC được hiểu là cho vay các đối tượng ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc cho vay đối tượng nông nghiệp nông thôn.

Cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC cơ bản giữ được những đặc điểm của tín dụng nói chung và tín dụng nông nghiệp nông thôn nói riêng. Tuy nhiên,  cũng có một số đặc điểm khác biệt như:

+ Tính chất thời vụ gắn với chu kỳ sinh trưởng và công nghệ nuôi trồng, lai tạo cấy ghép trên động thực vật có ảnh hưởng đến yếu tố quyết định để tính toán thời hạn cho vay.

+ Môi trường tự nhiên không còn là vấn đề ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng, bởi vì khi ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, người vay không còn phải chịu nhiều những rủi ro khách quan từ tự nhiên và môi trường.

+ Chi phí tổ chức cho vay không cao so với cho vay nông nghiệp thông thường vì sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hầu hết đều có quy mô lớn, vốn đầu tư nhiều dẫn đến số tiền cho vay từng món vay cũng lớn hơn, dư nợ bình quân trên mỗi khách hàng cũng cao hơn.

+ Cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC, rủi ro từ môi trường hầu như không còn đáng lo ngại, nhưng lại xuất hiện rủi ro về công nghệ và rủi ro mất vốn. Việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp, nếu nghiên cứu không chuyên sâu, bài bản, kỹ thuật áp dụng không đảm bảo có thể dẫn tới tình huống thất bại trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc đầu tư CNC đòi hỏi vốn nhiều nhưng nếu khi bỏ vốn đầu tư nhiều mà lại thất bại sẽ rất khó khăn để chuyển sang mô hình khác so với hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thông thường.

  • Các tiêu chí đánh giá hoạt động cho vay của NHTM đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC

Bài viết trình bày một số tiêu chí đánh giá hoạt động cho vay của NHTM để ứng dụng đánh giá hoạt động cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC tại tỉnh Lâm Đồng. Theo Bùi Diệu Anh (2010), hoạt động cho vay của NHTM được đánh giá qua một số tiêu chí như: chỉ tiêu tăng trưởng về dư nợ cho vay, cơ cấu dư nợ cho vay, số lượng khách hàng vay, chất lượng hoạt động cho vay,…

*Chỉ tiêu tăng trưởng về số lượng khách hàng vay và cơ cấu dư nợ cho vay

Phát triển tín dụng ngân hàng về nông nghiệp ứng dụng CNC cũng như các hoạt động tín dụng ở những lĩnh vực khác được phản ánh thông qua sự gia tăng về số lượng khách hàng vay, quy mô và tốc độ dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay có thể đánh giá được quy mô cho vay, dư nợ càng cao thì quy mô cho vay càng lớn.

Chỉ tiêu về cơ cấu dư nợ tín dụng ngân hàng đối với nông nghiệp ứng dụng CNC có thể được đánh giá qua cơ cấu tín dụng như sau: Tỷ trọng dư nợ cho vay có tài sản đảm bảo trên tổng dư nợ cho vay; Tỷ trọng dư nợ cho vay theo thời hạn vay trên tổng dư nợ; Tỷ trọng dư nợ cho vay theo mục đích sản xuất nông sản công nghệ cao trên tổng dư nợ.

* Chỉ tiêu đánh giá chất lượng hoạt động cho vay

Chỉ tiêu này chủ yếu thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu và cơ cấu nợ quá hạn và nợ xấu từ hoạt động tín dụng về nông nghiệp CNC.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động cho vay của NHTM đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo Hồ Diệu (2002), có 2 nhóm nhân tố chính ảnh hưởng đến phát triển tín dụng của NHTM nói chung. Đó là nhóm nhân tố chủ quan từ phía ngân hàng và nhóm nhân tố khách quan.

a) Nhóm nhân tố chủ quan từ phía NHTM

*Chính sách tín dụng và hệ thống kiểm soát nội bộ

Để có thể phát triển tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng CNC, NHTM phải có chính sách tín dụng rõ ràng, phù hợp với điều kiện của ngân hàng mình nhưng phải đảm bảo đúng quy chế, các điều kiện về an toàn tín dụng, tuân thủ pháp luật và đường lối, chính sách của nhà nước. Hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM bao gồm các hệ thống các quy định nội bộ về ma trận kiểm soát dọc (cơ cấu tổ chức phân quyền kiểm soát) và ma trận kiểm soát ngang (quy trình kiểm soát) trong đó lãnh đạo và nhân viên ngân hàng đều tham gia vào hoạt động kiểm soát để ngăn ngừa, phát hiện nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.

*Hệ thống công nghệ thông tin ngân hàng 

Hệ thống thông tin ngân hàng phải được xây dựng đầy đủ, linh hoạt, cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời phục vụ yêu cầu của khách hàng về tất cả các mặt dịch vụ, giúp cho NHTM nhanh chóng nắm bắt tình hình hoạt động tín dụng để điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực trạng nhằm thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu của khách hàng, cũng như tăng cường khả năng bảo mật, phòng ngừa rủi ro, phát triển tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này.

*Hoạt động marketing

Để có thể phát triển hoạt động cho vay ngân hàng đối với nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi NHTM phải có kế hoạch rõ ràng cụ thể về chi phí để tiếp thị, quảng cáo, tăng một lượng nhân sự làm công tác tiếp thị, tư vấn nhằm thu hút khách hàng.

*Tổ chức hoạt động và chất lượng nguồn nhân lực

Chất lượng nhân sự bao giờ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động tín dụng ngân hàng. Tổ chức về hoạt động cho vay và nguồn nhân lực tham gia trong quy trình cấp tín dụng về nông nghiệp ứng dụng CNC nếu được sắp xếp khoa học và có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các phòng ban trong mỗi ngân hàng, trong hệ thống ngân hàng, sự liên kết giữa các cơ quan chức năng,… sẽ tạo điều kiện giúp cho hoạt động này phát triển và hiệu quả.

b) Nhóm nhân tố khách quan

*Môi trường pháp lý

Chính sách cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng CNC của ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi các chủ trương, chính sách của quốc gia và địa phương. Cụ thể, khi Nhà nước và địa phương có chính sách khuyến khích phát triển một ngành, một lĩnh vực nào đó thì những hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho ngành đó được ban hành để tạo điều kiện khuyến khích phát triển. Vì vậy, khách hàng sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay từ NHTM nhiều hơn do hoạt động cho vay bổ sung vốn hoạt động ở các ngành nghề được khuyến khích cũng được Nhà nước đặt chủ trương phát triển.

* Môi trường kinh tế - xã hội

 Khi nền kinh tế có tăng trưởng cao và ổn định, các khu vực trong nền kinh tế đều có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Do đó, nhu cầu vay vốn tăng, làm cho các NHTM dễ dàng mở rộng hoạt động cho vay hơn, giảm tỷ lệ nợ xấu, chất lượng hoạt động cho vay cũng được nâng cao.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng kết hợp các phương pháp khác nhau để thực hiện mục tiêu nghiên cứu. Phương pháp thống kê được sử dụng để tổng hợp, phân loại các số liệu thứ cấp về hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC tại NHTM tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012 - 2018. Số liệu được thu thập từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng về việc báo cáo kết quả hoạt động cho vay về nông nghiệp, nông thôn và cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC để nhóm tác giả phân tích và xử lý thông tin.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thực trạng hoạt động cho vay của các NHTM đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng

* Tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC

Theo số liệu thống kê ở Bảng 1, tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC trong dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn luôn là một con số rất nhỏ thấp hơn 0,5%, riêng năm 2017 đạt 1,267%.

Bảng  1. Tỷ trọng dư nợ cho vay NNCNC của NHTM tại Lâm Đồng

ĐVT: tỷ đồng

ty_trong_du_no_cho_vay_nncnc_cua_nhtm_tai_lam_dong

Nguồn: Tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng

* Cơ cấu dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC

Dư nợ cho vay ngắn hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại các NHTM tỉnh Lâm Đồng có sự tăng trưởng hơn những năm trước đó. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định số 813/QĐ-NHNN về một số chính sách cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC vào năm 2017. Đây là giai đoạn các NHTM tỉnh Lâm Đồng triển khai các gói cho vay ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với lãi suất cho vay tại ngân hàng. 

Bảng 2. Cơ cấu dư nợ vay nông nghiệp ứng dụng CNC của NHTM

tại Lâm Đồng

ĐVT: tỷ đồng

co_cau_du_no_vay_nong_nghiep_ung_dung_cnc_cua_nhtm_tai_lam_dong

Nguồn: Tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng

* Số lượng khách hàng vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC

Bảng 3. Số lượng khách hàng vay có dư nợ vay nông nghiệp ứng dụng CNC tại Lâm Đồng

so_luong_khach_hang_vay_co_du_no_vay_nong_nghiep_ung_dung_cnc_tai_lam_dong  Nguồn: Tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng

Theo số liệu thống kê ở Bảng 3, khách hàng vay nông nghiệp ứng dụng CNC chủ yếu là các cá nhân, hộ gia đình, số lượng DN, HTX vay ở lĩnh vực này khá ít. 

* Tỷ lệ nợ xấu trong cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC tại Lâm Đồng

Báo cáo tổng kết của NHTM trên địa bàn Lâm Đồng cho thấy, tuy hoạt động cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC đã bắt đầu phát triển từ năm 2015 với tổng dư nợ tăng mạnh ở năm 2017 nhưng số nợ xấu chỉ xuất hiện ở năm 2018 với tỷ lệ 1,47%.

  • Đánh giá hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC tại Lâm Đồng

* Những điểm mạnh cũng như thành tựu đã đạt được

- Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC tại các NHTM tỉnh Lâm Đồng có sự tăng trưởng trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2016 đến năm 2018.

- Hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC tại các NHTM tỉnh Lâm Đồng chủ yếu là cho vay ngắn hạn.

- Tỷ lệ nợ xấu của hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC tại Lâm Đồng chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng dư nợ và chỉ mới xuất hiện nợ xấu ở năm 2018.

*Hạn chế trong cấp tín dụng đối với NNCNC tại chi nhánh NHTM Lâm Đồng

- Thứ nhất, cơ cấu dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC tại Lâm Đồng không đồng đều, chủ yếu là cho vay ngắn hạn, dư nợ cho vay trung dài hạn không đáng kể.

- Thứ hai, đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình chỉ mới phát triển ở năm 2017, 2018, số lượng DN, HTX vay vốn sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại Lâm Đồng khá thấp.

- Thứ ba, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC tại tỉnh Lâm Đồng chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng dư nợ.

* Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC tại tỉnh Lâm Đồng

Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, tổ chức kế toán còn thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, dẫn đến khả năng tiếp cận vốn vay NHTM còn hạn chế.

Thứ hai, quy định về xác định đối tượng thụ hưởng chính sách để cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án ứng dụng CNC nên ảnh hưởng đến xem xét cấp tín dụng của ngân hàng. Việc thẩm định tài sản thế chấp cho vay tại ngân hàng cũng bị giới hạn do chưa có quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức dự toán xây dựng nhà lưới, nhà kính khi ứng dụng CNC để các NHTM làm cơ sở thẩm định tài sản thế chấp cho vay.

Thứ ba, các NHTM chưa có quy trình riêng đặc thù trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, điều này ảnh hưởng đến việc xem xét tư vấn cho khách hàng có nhu cầu vay.

Thứ tư, ngân hàng chưa có nhiều hình thức bảo đảm tiền vay. Hiện tại, tài sản bảo đảm cho khoản vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC chủ yếu là đất nông nghiệp dùng để sản xuất và bất động sản của chủ đầu tư hoặc bên thứ ba.

Thứ năm, vốn đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC là rất lớn, đặc biệt là vốn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, trang thiết bị cho sản xuất. Tuy nhiên, các đối tượng này chưa được cấp giấy chứng nhận các quyền về tài sản nên không đủ điều kiện để thế chấp ngân hàng. Mặc dù Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã có cơ chế vay tín chấp đến 80%/tổng mức đầu tư của dự án, phương án trong lĩnh vực lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, tuy nhiên, cơ chế này khó thực hiện được vì không đảm bảo an toàn cho khoản vay tại các NHTM.

5. Gợi ý giải pháp

* Đối với ngân hàng thương mại

Thứ nhất, các NHTM cần có các chính sách phù hợp về việc thúc đẩy hoạt động cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC đối với nhân viên tín dụng. NHTM cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa, xây dựng quy chế, quy trình, thủ tục cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện và tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy trình, thủ tục cấp tín dụng cho các nhân viên tín dụng. Hơn nữa, để đảm bảo hạn chế rủi ro khi cho vay không có tài sản bảo đảm trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, các NHTM cần phải xây dựng, hoàn thiện, hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách hàng vay.

Thứ hai, các NHTM cần xem xét cơ chế định giá đất nông nghiệp cho phù hợp, phối hợp với các ban ngành của Tỉnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính nông nghiệp, để trên cơ sở đó có dữ liệu phục vụ định giá tài sản đảm bảo, tăng cường khả năng khách hàng có thể tiếp cận được hạn mức tín dụng phù hợp với nhu cầu mà vẫn đảm bảo quy trình cấp tín dụng của ngân hàng.

* Đối với UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở, ban, ngành có liên quan

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, thẩm định, bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, sớm công nhận các khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC để các doanh nghiệp đăng ký đầu tư.

Thứ hai, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan sớm xây dựng và ban hành quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức dự toán xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính ứng dụng công nghệ cao để các NHTM làm cơ sở thẩm định tài sản thế chấp cho vay. Đồng thời, cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc công nhận quyền tài sản trên đất nông nghiệp vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có quy định thực hiện.

Thứ ba, UBND tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại với các tỉnh bạn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, để có kế hoạch sản xuất - kinh doanh sản phẩm theo nhu cầu thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Akram, W., & Hussain, Z. (2008). Agricultural credit constraints and borrowing behavior of farmers in rural Punjab.
  2. Boucher, A., Guirkinger, C., and Trivelli, C. (2006). Direct Elicitation of Credit Constraints: Conceptual and Practical Issues with an Empirical Application to Peruvian agriculture. Giannini Foundation of Agriculture Economics, Working Paper No.07-004.
  3. Bùi Diệu Anh (2010). Tín dụng Ngân hàng, NXB Phương Đông
  4. Diagne, A., Zeller, M. and Sharma, M. (2000). Empirical measurements of Households’ Access to Credit and Credit Constraints in Developing Countries: Methodological Issues and Evidence. IFPRI, FCND Discussion Paper No. 90, Washington D.C., USA.
  5. Gounder, N., & Sharma, P. (2012). Determinants of bank net interest margins in Fiji, a small island developing state. Applied Financial Economics, 22, 1647-1654.
  6. Guo, K., & Stepanyan, V. (2011). Determinants of Bank Credit in Emerging Market Economies, IMF Working paper, No WP/11/51.
  7. Hồ Diệu (2002), Quản trị ngân hàng, Nhà xuất bản Thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Lê Đăng Lăng và Lê Tấn Bửu (2014). Thái độ đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Nghiên cứu trường hợp nông dân Đắk Nông, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, Số 18 - Tháng 9,10/2014, 81 - 85.
  9. Nguyễn Văn Tuấn (2015), Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Luận án tiến sĩ, trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh.
  10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng (2016), Báo cáo tổng kết năm 2015.
  11. Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016), Báo cáo tổng kết 2015.

 

LENDING ACTIVITIES OF COMMERCIAL BANKS FOR THE HIGH-TECH AGRICULTURE SECTOR:  RESEARCH IN LAM DONG PROVINCE

Assoc.Prof. Ph.D NGUYEN THI LOAN

Banking University of Ho Chi Minh City

Master. DAO DUNG TRI

Investment Fund of Lam Dong Province

Ph.D NGUYEN VIET HONG ANH

Taxation Department of Binh Thanh District, Ho Chi Minh City

Assoc.Prof. Ph.D LE THI TUYET HOA

Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

By using the method of comparative statistics, this study calculates some indicators relating to lending activities of commercial banks in Lam Dong province for the high-tech agriculture during the period from 2012 to 2018. The study’s results show several achievements and drawbacks of commercial banks’ lending activities in the high-tech agriculture field in Lam Dong province. Based on these results, this study proposes a number of solutions for commercial banks for the authorities and the People's Committee of Lam Dong Province in order to enhance the lending activities of commercial banks for the high-tech agriculture field in Lam Dong province.

Keywords: High-tech agriculture, bank credit, lending activities, Lam Dong province.