TÓM TẮT:

Tín dụng vi mô đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, hoạt động tín dụng vi mô ngày càng đóng vai trò chủ lực giúp người nghèo giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Bài viết này tập trung làm rõ vấn đề người nghèo được tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng vi mô, qua đó đề xuất và khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và hiệu quả sử dụng vốn vay để cải thiện mức sống của người nghèo ở Việt Nam.

Từ khóa: tín dụng vi mô, tài chính vi mô, nghèo.

1. Đặt vấn đề

Xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người nghèo luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghèo đói không chỉ đề cập đến người nghèo mà còn liên quan đến những cơ chế, chính sách, phúc lợi xã hội và các vấn đề khác của các tầng lớp dân cư. Vì vậy, giải quyết tình trạng đói nghèo không những cải thiện điều kiện sống cho người nghèo, mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường của quốc gia.

Các tổ chức tài chính vi mô đã góp phần cung cấp các dịch vụ tài chính cho người nghèo, giúp họ cải thiện thu nhập để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế cho đối tượng dễ bị tổn thương nhằm nâng cao thu nhập, thu hẹp hoảng cách giàu nghèo, chính là mục tiêu của tài chính vi mô. Là một trong những hoạt động của tài chính vi mô, tín dụng vi mô có tác động tích cực đến các hộ nghèo. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng vi mô của hộ nghèo ở Việt Nam còn ở mức thấp (khoảng 50%), các khoản vay có giá trị trung bình 20 - 50 triệu đồng, với lãi suất 6% - 12%/năm từ nguồn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội là chủ yếu; có sự khác biệt tương đối lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các hộ nghèo ở nông thôn và thành thị cũng như giữa các vùng miền; một số hộ nghèo có tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Vì vậy, cần phát triển hơn nữa hệ thống tín dụng chính thức cho người nghèo, áp dụng mức lãi suất ưu đãi hơn và có biện pháp hỗ trợ cũng như giám sát quá trình sử dụng vốn vay.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Khái niệm tín dụng vi mô và nghèo

Theo Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về tín dụng vi mô tại Washington tháng 2/1997: “Tín dụng vi mô là việc cung cấp các khoản vay quy mô nhỏ đến đối tượng người nghèo, với mục đích giúp những người thụ hưởng thực hiện các dự án sản xuất - kinh doanh để tạo lợi nhuận, từ đó nâng cao chất lượng đời sống cho cả người vay vốn và gia đình của họ”. Theo Abhijit (2015), tín dụng vi mô là việc cung cấp các khoản vay nhỏ phục vụ cho các mục đích kinh doanh, sản xuất, các hoạt động tạo ra thu nhập và tạo dựng giá trị tài sản. Tín dụng vi mô có nghĩa là khoản vay nhỏ cho những người cần tiền để tự làm chủ các dự án tạo ra thu nhập hoặc cho các nhu cầu gia đình khẩn cấp như vấn đề về sức khỏe và giáo dục.

Như vậy, tín dụng vi mô là hình thức tín dụng cho các hộ gia đình nghèo vay với số tiền nhỏ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ họ tìm kế sinh nhai; tham gia vào các hoạt động sản xuất, khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ, nhằm cải thiện cuộc sống. 

Nghèo đói là một vấn đề mang tính chất toàn cầu và đòi hỏi sự nỗ lực tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để từng bước hạn chế và xóa bỏ nó ra khỏi đời sống dân cư. Theo quan niệm truyền thống, nghèo là sự thiếu thốn về vật chất, sống với mức thu nhập và tiêu dùng thấp, với đặc trưng là dinh dưỡng kém và điều kiện sống thiếu thốn. Nhưng hiện nay, hầu hết các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Liên hiệp quốc đều định nghĩa nghèo đói là đa chiều (không chỉ đơn chiều thu nhập nữa), bao gồm các khía cạnh cơ bản sau: sự khốn cùng về vật chất, sự hưởng thụ thiếu thốn về giáo dục và y tế, có nguy cơ dễ bị tổn thương và dễ gặp rủi ro, không có tiếng nói và quyền lực.

Báo cáo phát triển Việt Nam 2004 định nghĩa “nghèo là tình trạng bị thiếu thốn ở nhiều phương diện: thu nhập hạn chế, thiếu cơ hội tạo thu nhập, thiếu tài sản đảm bảo tiêu dùng trong những lúc khó khăn và dễ bị tổn thương trước những đột biến bất lợi, ít có khả năng truyền đạt nhu cầu và những khó khăn tới người có khả năng giải quyết, ít được tham gia vào quá trình ra quyết định”. Đây là khái niệm được thừa nhận và sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.

2.2. Vai trò của tín dụng vi mô đối với người nghèo

Tín dụng vi mô góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo của các quốc gia, hướng tới xóa bỏ bất bình đẳng giới, giúp phụ nữ trong các gia đình nghèo bị thiệt thòi có cơ hội về tài chính, có việc làm, tăng thêm thu nhập, chủ động và tự tin hơn trong cuộc sống. Tín dụng vi mô là cần thiết giúp cho các hộ nghèo tạo dựng thu nhập (Krog, 2000). Hoạt động tín dụng vi mô được sử dụng ở các nước đang phát triển và có hiệu quả cao trong xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tín dụng vi mô tập trung hướng vào đối tượng khách hàng là phụ nữ ở khu vực nông thôn (Mohanan, 2005).

Việc sử dụng vốn tín dụng vi mô làm cho đời sống người nghèo được cải thiện, họ có điều kiện để mua sắm tài sản mới, do thu nhập họ khá hơn, vấn đề chăm sóc sức khỏe của họ cũng được chú trọng hơn. Đặc biệt, tín dụng vi mô giúp người nghèo giảm thiểu được rủi ro và nguy cơ tổn thương về mặt kinh tế. Tại vùng Ghana, tín dụng vi mô đã được tìm thấy như một công cụ chiến lược trao quyền cho người dân dễ bị tổn thương và nhất là người phụ nữ. Họ khẳng định tín dụng vi mô có sức mạnh nâng cao năng lực sản xuất cho những ai tiếp cận được, mở ra cơ hội mới để có thể tạo dựng các dự án kinh doanh, các hoạt động lao động và việc làm góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống (Yunus, 2007).

Tính hiệu quả của tín dụng vi mô mang lại cho người nghèo được thể hiện trong nghiên cứu của Bateman (2010b), Võ Khắc Thường và ctg (2013), người nghèo có khả năng kinh doanh tạo ra khoản sinh lợi cao hơn người giàu khi họ được hỗ trợ về vốn. Bateman khẳng định các khoản chi trả nợ vay của người nghèo cũng cao hơn (giá trị hoàn trả biên của các khoản vay có dạng hữu dụng biên). Theo Bateman, với mỗi khoản vay được từ tín dụng ưu đãi với chi phí đầu vào giảm, giá rẻ hơn, người nghèo có khả năng mở rộng quy mô sản xuất.

Như vậy, tín dụng vi mô đã góp phần tạo việc làm, giải phóng con người khỏi đói nghèo và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tín dụng vi mô giúp các cá nhân không có khả năng truy cập vào các dịch vụ tài chính nào khác có cơ hội tạo dựng hoạt động kinh doanh hoặc theo đuổi một công việc cụ thể nào đó tạo ra nguồn thu nhập.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng tín dụng vi mô ở Việt Nam

Là một phần của hoạt động tài chính vi mô, hoạt động của tín dụng vi mô được Legerwood (2013) phân loại theo các nhóm hoạt động thuộc khu vực chính thức, bán chính thức và phi chính thức. Tại Việt Nam, Nguyễn Kim Anh và ctg (2011) cho biết, khu vực chính thức gồm các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức tài chính vi mô được cấp phép. Khu vực bán chính thức bao gồm các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và các chương trình tổ chức xã hội. Khu vực phi chính thức bao gồm các nhóm vay tương hỗ dưới hình thức phường, họ/hụi, bạn bè, người thân, người cho vay. (Hình 1)

Hoạt động tín dụng vi mô ở Việt Nam
Hình 1: Hoạt động tín dụng vi mô ở Việt Nam

Tín dụng chính thức là hình thức tín dụng được cung cấp bởi ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng. Đây là quan hệ tín dụng gián tiếp mà người tiết kiệm, thông qua vai trò trung gian của ngân hàng, thực hiện đầu tư vốn vào các chủ thể có nhu cầu về vốn trong nền kinh tế. Ở Việt Nam, tín dụng ngân hàng là kênh quan trọng truyền tải vốn tài trợ của Nhà nước đến nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội.  

Tín dụng bán chính thức là hình thức tín dụng được cung cấp bởi các tổ chức xã hội, các đơn vị hoạt động tín dụng nhưng chưa được cấp phép hoạt động và không tuân theo Luật Tín dụng. Ở Việt Nam, hội nông dân, hội phụ nữ là những tổ chức hoạt động phổ biến ở khu vực tín dụng bán chính thức. Các đơn vị này hoạt động cung cấp các khoản vay cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu, trong đó với các khoản vay nhỏ nhằm thực hiện các dự án chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia, các chương trình giảm nghèo của các tổ chức xã hội tại các địa phương.

Tín dụng phi chính thức là hình thức tín dụng này là quan hệ tín dụng trực tiếp chủ yếu dựa trên “sự quen biết”, được hình thành khi các hộ gia đình vay vốn từ người thân, họ hàng, bạn bè và kênh tín dụng đen. Ưu điểm của hình thức tín dụng này là thủ tục vay vốn nhanh chóng, không cần tài sản thế chấp, lãi suất vay thấp, thậm chí không phải trả lãi nếu vay người thân bạn bè. Ngoài ra, vay vốn theo hình thức này có thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn, không cần có phương án sản xuất - kinh doanh, không cần chứng minh năng lực tài chính,...

3.2. Thực trạng tiếp cận tín dụng vi mô của người nghèo ở Việt Nam

Nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam VHLSS năm 2020 để xem xét việc tiếp cận tín dụng vi mô của các hộ nghèo cả nước. Với 46.980 hộ gia đình được khảo sát, nghiên cứu tìm ra 2.180 hộ được địa phương xếp vào diện hộ nghèo năm 2020. Trong số đó, có 1.150 hộ nghèo đã tiếp cận được với tín dụng vi mô. (Bảng 1)

 Bảng 1. Nguồn tín dụng vi mô hộ nghèo ở Việt Nam vay năm 2020

Nguồn tín dụng

Số hộ nghèo vay vốn

Tỷ trọng

Thành thị

Nông thôn

Tổng số

Ngân hàng Chính sách xã hội

75

848

923

80,26%

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3

81

84

7,30%

Ngân hàng thương mại quốc doanh khác

1

9

10

0,87%

Chính quyền địa phương

0

3

3

0,26%

Ngân hàng tư nhân

3

1

4

0,35%

Các quỹ tín dụng nhân dân

1

2

3

0,26%

Các hiệp hội tổ chức tín dụng khác

0

3

3

0,26%

Hội nông dân

1

16

17

1,48%

Hội phụ nữ

8

25

33

2,87%

Thương nhân

3

10

13

1,13%

Tư nhân (không phải người cho vay lãi)

0

2

2

0,17%

Bạn bè, họ hàng

6

41

47

4,09%

Họ, hụi, phường

1

3

4

0,35%

Nguồn khác

0

4

4

0,35%

Tổng cộng

102

1048

1150

100%

Nguồn: Tác giả tính toán từ VHLSS2020

Bảng 1 cho thấy, có khoảng 50% số hộ nghèo tiếp cận được tín dụng vi mô và những người nghèo ở khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn tín dụng vi mô tốt hơn người nghèo ở thành thị. Điều này được thể hiện rõ ở con số 1.048 trên tổng số 1.150 hộ nghèo vay vốn là ở khu vực nông thôn, so với 102 hộ nghèo ở thành thị được vay tín dụng.

Tỷ trọng hộ nghèo được tiếp cận tín dụng vi mô chia theo vùng
Hình 2: Tỷ trọng hộ nghèo được tiếp cận tín dụng vi mô chia theo vùng

Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2021, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước là 13,43%. Và đây cũng là vùng mà hộ nghèo đa phần sống ở khu vực nông thôn, được tiếp cận với nguồn tín dụng vi mô cao nhất, chiếm tỷ trọng 54,8%. Ngược lại, Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ nghèo cao thứ hai cả nước (10,07%) nhưng tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận tín dụng vi mô chỉ bằng 1/3 so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (chiếm 14,2%). Điều này cho thấy Nhà nước cần có những chính sách tín dụng hỗ trợ cho khu vực Tây Nguyên nhiều hơn để họ có điều kiện nâng cao chất lượng sống và thoát nghèo. (Hình 2)

Về nguồn vốn vay, khoảng 90% là nguồn tín dụng chính thức, chủ yếu người nghèo vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (chiếm tới 80%). Với nguồn tín dụng bán chính thức, các hộ chủ yếu vay từ hội nông dân và hội phụ nữ ở địa phương. Bên cạnh đó, việc vay mượn bạn bè, họ hàng là lựa chọn của người nghèo khi tìm tới nguồn tín dụng phi chính thức. Có thể thấy, tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã đẩy lùi nạn tín dụng đen ở cả thành thị và nông thôn (chiếm 0,35% tổng số hộ nghèo vay). Thông qua vốn tín dụng chính sách xã hội, người nghèo có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Bảng 2. Mục đích và thực tế sử dụng tín dụng

Ngân hàng Chính sách xã hội

Mục đích

Số hộ vay

Tỷ trọng

Sử dụng

Tỷ trọng

Trồng lúa và các loại cây

132

14,30%

120

13,00%

Chăn nuôi

404

43,77%

333

36,08%

Lâm nghiệp

59

6,39%

50

5,42%

Ngư nghiệp

4

0,43%

4

0,43%

Hoạt động phi nông nghiệp

13

1,41%

14

1,52%

Trả nợ khoản vay khác

23

2,49%

65

7,04%

Xây/mua nhà, mua đất

186

20,15%

198

21,45%

Chi việc hiếu hỉ

1

0,11%

1

0,11%

Chi giáo dục đào tạo

13

1,41%

16

1,73%

Chi khám chữa bệnh

28

3,03%

38

4,12%

Khác

60

6,50%

84

9,10%

Tổng

923

100%

923

100%

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu VHLSS 2020

Số liệu thống kê ở Bảng 2 cho thấy, gần 44% hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với mục đích chăn nuôi, 20% để xây/mua nhà, mua đất; tiếp đó là vay để phục vụ hoạt động sản xuất như trồng lúa, cây khác, chi phí khám chữa bệnh... Tuy nhiên, một số hộ nghèo đã sử dụng khoản vay không đúng mục đích, các khoản vay để trồng trọt, chăn nuôi, làm ngư nghiệp được chuyển sang để trả nợ khoản vay khác (42 hộ), xây/mua nhà, mua đất (12 hộ), khám chữa bệnh (10 hộ) và dùng vào việc khác (24 hộ). Vấn đề này đòi hỏi phía tổ chức tín dụng cần có những biện pháp kiểm soát việc sử dụng nguồn vốn vay của các hộ nghèo sao cho đúng mục đích vay và để đảm bảo khoản vay được sử dụng hiệu quả.

Bảng 3: Thống kê giá trị các khoản vay của hộ nghèo từ một số nguồn tín dụng chính

Nguồn tín dụng

< 10 triệu

< 20 triệu

< 50 triệu

< 100 triệu

< 200 triệu

< 550 triệu

Ngân hàng Chính sách xã hội

93

143

611

73

3

 

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2

17

35

15

12

3

Ngân hàng thương mại quốc doanh khác

1

 

1

4

2

2

Bạn bè, họ hàng

21

7

13

4

1

1

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu VHLSS 2020

Bảng 3 cho thấy, đa số các khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội có giá trị dưới 50 triệu. Trong đó, 66% các khoản vay có giá trị từ 20 - 50 triệu, chỉ có 3 khoản vay có giá trị lớn hơn 100 triệu. Ngoài ra, các khoản vay được tính lãi suất 0,5 - 1%/ tháng (tương đương 6% - 12%/năm) chiếm gần 82,4% tổng số các khoản ở ngân hàng này. Bên cạnh đó, việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại và bạn bè, họ hàng lại tập trung những khoản vay có giá trị hơn 200 triệu. Điều này cho thấy, việc hộ nghèo vay vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội chưa nhận được sự hỗ trợ nhiều về lãi suất nên các hộ không vay những khoản có giá trị lớn.

4. Kết luận và kiến nghị

Để giải quyết nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của gia đình, các hộ nghèo ở Việt Nam tiếp cận tín dụng vi mô từ cả 3 nguồn chính thức, bán chính thức và phi chính thức. Trong đó, nguồn tín dụng chính thức chiếm đa số và chủ yếu từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, các khoản vay của người nghèo chưa được hỗ trợ nhiều về lãi suất nên họ chỉ vay những khoản vay có giá trị trung bình từ 20 - 50 triệu. Bên cạnh đó, hộ nghèo tập trung phần lớn ở nông thôn và họ được tiếp cận nguồn tín dụng nhiều hơn so với hộ nghèo ở thành thị; có sự khác biệt khá lớn về tiếp cận tín dụng vi mô giữa các vùng trong cả nước. Ngoài ra, vẫn còn nhiều hộ nghèo sử dụng khoản vay chưa đúng mục đích, điều này có thể dẫn tới nợ xấu khó trả và ảnh hưởng đến khả năng thoát nghèo.

Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần phát triển hơn nữa hệ thống tín dụng chính thức cho người nghèo. Các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; với hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp cả nước cần tăng cường hơn nữa nguồn tín dụng cho các hộ nghèo vay để phục vụ tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập và thoát nghèo.

Thứ hai, cần xem xét giảm lãi suất đối với các khoản vay tín dụng của hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là ngân hàng được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hoạt động của ngân hàng này không vì mục đích lợi nhuận và được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán. Việc giảm lãi suất vay sẽ kích thích hộ nghèo mạnh dạn hơn với những khoản vay lớn, cơ hội đầu tư tốt hơn và khả năng thoát nghèo cao hơn.

Thứ ba, các tổ chức tín dụng cần có những tư vấn, chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh đi kèm để đảm bảo khoản vay của hộ nghèo được đầu tư thỏa đáng, góp phần cải thiện đời sống cho họ. Đồng thời, trong quá trình cho vay, thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát đảm bảo việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, cũng như có những hỗ trợ kịp thời khi cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Anh

  1. Abhijit B., et al, (2015). The Miracle of Microfinance? Evidence from a Randomized Evaluation. American Economic Journal: Applied Economics 2015, 7(1): 22-
  2. Bateman, M. (2010b). Why Doesn't Microfinance Work?: The Destructive Rise of Local Neoliberalism.
  3. Krog, J. (2000). Attacking Poverty with Decentralization and Micro credit: Indian Experiences, ulandslaere.au.dk
  4. Ledgerwood J., (2013), The New Microfinance Handbook: A Financial Market System Perspective, number 12272 in World Bank Publications (The World Bank, Washington, DC).
  5. Micro-Credit Summit (1997). The Micro-Credit Summit: Declaration and Plan for Action. Washington, DC Grameen Foundation.
  6. Mohanan S., (2005). Micro credit in India: an overview. World Review of Entrepreneurship, Management and Sust. Development, Vol. 1, No. 1, 2005.
  7. Yunus, M., (2007). Banker to the poor: Micro - Lending and the Battle Against World Poverty, Public Affairs, New York, NY.

Tiếng Việt

  1. Nguyễn Kim Anh và ctg (2011). Tài chính vi mô với giảm nghèo ở Việt Nam: Kiểm định và so sánh. NXB Thống kê.
  2. Võ Khắc Thường và ctg (2013). Tài chính vi mô tại một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm nhằm hạn chế đói nghèo tại Việt Nam. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 10,16-21.

 Micro-credit for the poor in Vietnam

Master. Ngo Hai Thanh

Thuongmai University

Abstract:

Micro-credit plays an important role in socio-economic development as well as poverty reduction. For developing countries like Vietnam, micro-credit increasingly plays a key role in helping the poor solve difficult problems in their life. However, the access to micro-credit of the poor in Vietnam is still low (about 50%). This study analyzes the access to micro-credit and the use of micro-credit of the poor. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the access to micro-credit for the poor in Vietnam.

Keywords: micro-credit, micro-finance, poor.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]