Tín hiệu mới cho sản xuất công nghiệp

Những nỗ lực trong việc gỡ khó cho doanh nghiệp, địa phương đã giúp sản xuất công nghiệp "tiến thêm" 2,2% trong tháng 5/2023, dù lũy kế 5 tháng vẫn chưa thể ghi nhận tăng trưởng dương trở lại so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tăng nhẹ trong tháng 5

Theo Bộ Công Thương, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục giảm xuống 45,3 so với mức 46,7 điểm trong tháng 4 (là lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp, kể từ tháng 3/2023), cho thấy ngành sản xuất tiếp tục suy giảm khi tình trạng nhu cầu tiếp tục yếu kém; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn khi các công ty giảm việc làm và hoạt động mua hàng tương ứng.

Tuy nhiên, những nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã giúp nền công nghiệp duy trì tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 2,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%.

Sự tăng trưởng trở lại qua từng tháng của hoạt động sản xuất công nghiệp đang dần giúp thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm 2022
Sự tăng trưởng trở lại qua từng tháng của hoạt động sản xuất công nghiệp đang dần giúp thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm 2022

Tính chung 5 tháng năm 2023, tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5% (cùng kỳ tăng 8,9%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%; ngành khai khoáng giảm 3,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, IIP trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (như: Gia Lai tăng 21,7%; Tuyên Quang tăng 18,6%; Bắc Giang tăng 15,9%; Phú Thọ tăng 15,3%; Hải Phòng tăng 13,4%; Nam Định tăng 13,3%; Kiên Giang tăng 13,1%; Phú Yên tăng 12,3%; Hậu Giang tăng 8,3%...) hoặc do ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (như Hậu Giang tăng 270,9%; Thái Bình tăng 63,3%...).

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm (như Quảng Nam giảm 36,7%; Bắc Ninh giảm 19,1%; Vĩnh Long giảm 16,6%; Sóc Trăng giảm 16,5%; Đà Nẵng giảm 4,8%; Hòa Bình giảm 4,6%.) hoặc do ngành sản xuất, phân phối điện giảm (như: Hà Giang giảm 33,4%; Lai Châu giảm 28,5%; Sơn La giảm 11,9%; Hòa Bình giảm 6,2%; Đà Nẵng giảm 2,7%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm trước.

Chỉ số IIP 5 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất xe có động cơ giảm 10,1%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 8,5%; sản xuất trang phục giảm 8,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,6%; sản xuất kim loại giảm 5,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,1%.

5 tháng đầu năm, sản xuất xe có động cơ giảm 10,1% so với cùng kỳ
5 tháng đầu năm, sản xuất xe có động cơ giảm 10,1% so với cùng kỳ

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Khai thác quặng kim loại tăng 13%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,6%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị cùng tăng 8,1%; sản xuất đồ uống tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,3%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 31,1%; xăng, dầu tăng 13,5%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 10,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 9,2%; thuốc lá điếu tăng 8,6%; ti vi tăng 7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 24%; thép thanh, thép góc giảm 20,1%; điện thoại di động giảm 16,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và linh kiện điện thoại cùng giảm 10,1%; quần áo mặc thường giảm 9,8%.

Doanh nghiệp đang tăng lượng nhập hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất

Bộ Công Thương nhận định, nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp những tháng qua là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Mặt khác, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

Dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của sụt giảm tổng cầu
Dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của sụt giảm tổng cầu

Dù vậy, Bộ Công Thương cũng cho rằng, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước đang phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất. Việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng tạo ra những tín hiệu tín cực dự báo tình hình sản xuất trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.

Đáng chú ý, nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng trong tháng 5, cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, Việt Nam nhập khẩu 126,37 tỷ USD; trong đó nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 118,31 tỷ USD, chiếm 93,6%, bao gồm nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%.

Gỡ khó cho doanh nghiệp, địa phương để thúc đẩy sản xuất

Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, ngày 10-11/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Giang.

Tại các buổi làm việc, đoàn công tác đã lắng nghe phản ánh tình hình khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính,… và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn các tỉnh thời gian qua.

Từ đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả nhằm sớm phục hồi tăng trưởng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã có Công văn số 914/BCT-KHTC ngày 16/5/2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 10-11/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Giang

Ngày 10-11/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Giang

Ngày 10-11/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Giang
Ngày 10-11/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Giang

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới cần triển khai thực hiện là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất (chú trọng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính các cấp, các khâu; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, nguyên vật liệu…).

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, Tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Đồng thời, tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn (như rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ (tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng), tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Thy Thảo