Tình hình quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng VIETINBANK chi nhánh Hà Nội

ThS. TRẦN THỊ THÙY LINH (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hoạt động tín dụng là hoạt động cơ bản và chủ yếu của ngân hàng. Đây là hoạt động đem lại lợi nhuận lớn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro rất cao cho ngân hàng. Rủi ro tín dụng không chỉ tác động đến ngân hàng nói riêng, mà còn tác động đến lĩnh vực tài chính tiền tệ, và nền kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, vấn đề quản lý rủi ro tín dụng luôn được các ngân hàng thương mại, trong đó có Vietinbank quan tâm hàng đầu.

Từ khóa: Vietinbank, quản lý rủi ro, rủi ro tín dụng, tình hình hoạt động, lợi nhuận.

I. Vài nét về tình hình hoạt động của VIETINBANK

1. Hoạt động huy động vốn

Nguồn vốn là yếu tố đầu tiên không thể thiếu trong quá trình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Huy động vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn nhàn rỗi từ dân cư, các tổ chức kinh tế, xã hội, nhằm mục đích mở rộng và phát triển ngân hàng. Nhận thức được vấn đề này, ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hút được vốn và đã đạt được kết quả khá tốt.

Tình hình huy động vốn của ngân hàng tính đến hết quí 3/2016 đạt 839.453.672 triệu đồng, tương đương tăng 16% so với năm 2015. Bước sang năm 2016, ngân hàng sử dụng nhiều phương hướng, chiến lực huy động vốn tốt, làm cho nguồn vốn huy động của ngân hàng tăng lên. Nguồn vốn huy động chủ yếu trong năm 2016 của ngân hàng là huy động từ khoản tiền gửi của khách hàng (chiếm 625.486.042 triệu đồng), huy động từ khoản vay, phát hành giấy tờ có giá…

2. Hoạt động cho vay

Tính đến hết tháng 9/2016, ngân hàng cho vay đạt 618.512.355 triệu đồng, theo đó, nguồn lợi nhuận thu về từ khoản này cũng khá lớn. Ngân hàng đang tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện và phát triển để có thể phát triển mạnh hơn nữa hoạt động cho vay trong thời gian tới.

3. Kết quả hoạt động kinh doanh

Vietinbank tiếp tục phát huy nội lực ngân hàng, quản trị và thực thi các chính sách đổi mới, lãnh đạo toàn hệ thốngVietinbank đang nỗ lực triển khai hoạt động kinh doanh và đạt được nhiều kết quả khả quan, phát triển an toàn, bền vững, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Tính đến hết ngày 30/9/2016, tổng doanh thu của ngân hàng đạt 15.729.153 triệu đồng, tương ứng với tăng 3.011.308 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 24%). Các hoạt động kinh doanh mang lại kết quả khả quan. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 393.835 triệu đồng, kinh doanh ngoại hối lãi gần 131.000 triệu đồng, mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 40.873 triệu đồng, mua bán chứng khoán đầu tư giảm lỗ mạnh từ âm 74.160 triệu đồng cùng kỳ năm trước xuống âm 1.393 triệu đồng. Điều đó đã tạo ra khoản lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và đạt 2.212.252 triệu đồng, tương đương tăng 2.156.937 triệu đồng.

II. Tình hình tín dụng và quản lý rủi ro

1. Chất lượng tín dụng (Xem bảng 2)

Theo chất lượng nợ cho vay, thì nợ được chia ra thành 5 nhóm. Nhóm nợ đủ tiêu chuẩn của ngân hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ, tính đến hết quý 3/2016 thì chỉ tiêu nợ đủ tiêu chuẩn đạt 614.557.835 triệu đồng, chiếm 98,72% trên tổng dư nợ và tỷ trọng này giảm so với năm đầu năm 0,22%. Chỉ tiêu chiếm đa phần chứng tỏ tài sản của ngân hàng không bị khách hàng chiếm dụng, số tiền đem cho vay của ngân hàng có khả năng thu hồi nợ cao. Chỉ tiêu nợ cần chú ý của ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn thứ 2, chiếm 0,87% trên tổng số dư nợ của ngân hàng, tăng 0,28% so với đầu năm. Chỉ tiêu thứ 3 cần chú ý đến đó là, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng chiếm 0,57% trên tổng số dự nợ của ngân hàng, tăng 0,05% so với năm 2015. Còn lại là chỉ tiêu nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có nghi ngờ chiếm tỷ trọng thấp nhất lần lượt là 0,14%và 0,15% trên tổng dư nợ của ngân hàng. Nhìn chung, chỉ tiêu nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng tăng lên so với năm trước, nhưng chiếm hầu hết phần nợ đó là nợ đủ tiêu chuẩn nên ngân hàng vẫn đảm bảo được thu hồi nợ, chất lượng nợ đạt mức tốt.

2. Hoạt động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (Xem bảng 3)

Như số liệu ở Bảng 3 có thể thấy, tổng dự phòng tín dụng tính đến hết quí 3/2016 đạt 6.894.505 triệu đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: dự phòng chung chiếm 4.718.093 triệu đồng (chiếm 68% trong tổng dự phòng rủi ro); còn lại 32% là dự phòng cụ thể đạt 2.176.412 triệu đồng, tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2015. Đầu năm 2016, tổng dự phòng đạt 4.549.711 triệu đồng và dự phòng rủi ro trích lập trong kỳ là 902.750 triệu đồng với dự phòng chung và 1.950.075 triệu đồng. Cùng trong kỳ ngân hàng đã sử dụng 508.013 triệu đồng dự phòng rủi ro cụ thể. Năm 2015, trong kỳ ngân hàng đã dự phòng rủi ro trích lập trong kỳ cho dự phòng chung là 571.718 triệu đồng và dự phòng cụ thể là 2.373.701 triệu đồng. Ngân hàng đã sử dụng rủi ro cụ thể trong kỳ là 2.628.010 triệu đồng. Như vậy, ngân hàng đã quản lý rủi ro tín dụng khá tốt bằng cách trích lập dự phòng rủi ro nhằm sử dụng trong trường hợp tổn thất.

Mặc dù đạt được những thành quả như trên, nhưng công tác quản trị rủi ro tại ngân hàng vẫn còn những hạn chế:

- Chiến lược quản trị rủi ro tín dụng chưa toàn diện: Ngân hàng vẫn sa vào lối mòn cấp tín dụng dựa quá nhiều lợi nhuận kỳ vọng hoặc tài sản bảo đảm mà không gắn liền với rủi ro, không quán triệt nguyên tắc đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận khiến ngân hàng phải đứng trước 2 ngã rẽ: mở rộng tín dụng quá mức để chạy theo lợi nhuận khi có các điều kiện thuận lợi, thu hẹp quá mức khi vấp phải khó khăn.

- Mô hình quản trị không phù hợp gây hạn chế trong việc nhận biết rủi ro.

- Quy trình cấp tín dụng còn bất cập: Phòng khách hàng của ngân hàng thực hiện đầy đủ ba chức năng và chịu trách nhiệm đối với mọi khâu chuẩn bị cho một khoản vay nên nhiều công việc tập trung hết một nơi, thiếu sự chuyên sâu. Việc bộ phận tín dụng vừa là người đi tìm kiếm, tiếp xúc khách hàng vừa phân tích khách hàng để trình duyệt thường kém tính khách quan và tiềm ẩn rủi ro.

- Xuất hiện tình trạng tập trung tín dụng vào một số ngành hàng, nhóm hàng.

III. Giải pháp cải hiện quản trị rủi ro tín dụng tại Vietinbank

1. Hoàn thiện mô hình tổ chức

Triển khai mô hình quản lý rủi ro theo nguyên tắc “3 vòng kiểm soát”, phân tách chức năng nhiệm vụ giữa các khối/bộ phận để đảm bảo độc lập, kiểm soát chéo, giảm thiểu rủi ro. Cụ thể, các đơn vị kinh doanh tại vòng 1 phát huy vai trò là đơn vị phát sinh và chủ động, tích cực kiểm soát rủi ro. Khối quản lý rủi ro thuộc 2 vòng thực hiện tốt vai trò đề xuất xây dựng các chính sách, nguyên tắc, hạn mức kiểm soát rủi ro, giám sát độc lập và đảm bảo tình hình rủi ro của ngân hàng được báo cáo đầy đủ, kịp thời tới ban lãnh đạo, phòng kiểm soát nội bộ thuộc vòng 3, từng bước phát huy vai trò là bộ phận đánh giá độc lập, khách quan tính đầy đủ và hiệu quả của công tác quản trị rủi ro trong ngân hàng.

2. Nâng cao hệ thống quản trị rủi ro

Trong quý 3/2016, Ngân hàng tiếp tục triển khai các tiểu dự án về quản lý vốn, quản trị rủi ro trong khuôn khổ dự án Basel II nhằm nâng cấp toàn diện hệ thống rủi ro theo chuẩn mực Basel II. Thay đổi một số hình thức quản lý không hợp lý, tiến hành những hình thức quản lý rủi ro có hiệu quả mới. Nhằm nâng cao chất lượng quản lý rủi ro về tài chính nói chung và về tín dụng nói riêng.

3. Hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách

Hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách theo 5 cấp độ gồm:

- Khung chính sách tổng thể.

- Các chính sách cụ thể.

- Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách.

- Quy trình thực hiện chung.

- Quy trình chi tiết từng sản phẩm để đảm bảo nhất quán và hiệu quả tổng thể của hệ thống văn bản chính sách.

Để quản lý tốt rủi ro, Vietinbank đã chủ động nghiên cứu, ban hành và nâng cấp các quy định, quy trình, các bộ chỉ số, hạn mức nội bộ, các hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ, đồng thời, quản lý sát sao tình hình cân đối tài sản nợ - tài sản có, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng hoạt động kinh doanh và chất lượng tín dụng, tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động và các yêu cầu quản trị rủi ro theo Thông tư 06 và các quy định của NHNN, cũng như dần dần đáp ứng các yêu cầu về quản trị rủi ro theo Basel II.

4. Nâng cao chất lượng quản lý danh mục tín dụng

Chủ động để ngân hàng kịp thời nhận diện các khách hàng tiềm ẩn rủi ro có khả năng suy giảm chất lượng nợ, các vấn đề liên quan rủi ro tập trung, tài sản đảm bảo,… để chủ động đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, hỗ trợ quản lý chất lượng nợ và kế hoạch tài chính theo mục tiêu kế hoạch của HĐQT. Tiếp tục phát triển sản phẩm hiện tại trên thị trường mới, ngân hàng luôn cải tiến, thay đổi, luôn làm mới sản phẩm cho phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế. Đồng thời, ngân hàng cần nghiên cứu phát triển sản phẩm mới sao cho mang tính độc đáo riêng biệt, ít cạnh tranh trên thị trường mới, thu hút được khách hàng mới có thể chiếm lĩnh được thị trường sản phẩm.

5. Phát triển nguồn lực

Ngân hàng cần xây dựng chiến lược về con người phù hợp với yêu cầu quản trị rủi ro tín dụng trong điều kiện mới.

- Tuyển dụng nghiêm ngặt và tiêu chuẩn hóa cán bộ. Tuyển dụng là bước đầu tiên và ảnh hưởng lớn nhất trong chiến lược về con người, vì nếu tuyển dụng không đạt yêu cầu thì ngân hàng có thể bỏ lỡ những nhân tài và tuyển những người không có năng lực yếu kém gây mất nhiều thời gian và tốn kém cho chi phí đào tạo.

- Đổi mới công tác đào tạo cán bộ mới: Ngân hàng có thể tổ chức các buổi học ngắn hạn tại chỗ để các cán bộ tiếp thu những kiến thức mới. Song song với việc tổ chức các khóa đào tạo các bộ, ngân hàng cần khuyến khích các cán bộ tự học, tự trau dồi thêm kiến thức để nâng cao nghiệp vụ của mình.

- Đổi mới việc đánh giá cán bộ và bố trí công việc cho cán bộ.

6. Nâng cao và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng

Ngân hàng nên lắp đặt và xây dựng thêm những thiết bị hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu quản lý của ngân hàng, triển khai những công cụ có thể kiểm soát tốt những hậu quả có thể xảy ra và xử lý kịp thời. Nâng cao thái độ phục vụ, để tạo thân thiện cho khách hàng, tạo sự thoải mái trong cách phục vụ. Đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin sẽ thu hút được nhiều khách hàng góp phần tăng thu nhập cho ngân hàng, từ đó giúp cho ngân hàng hạn chế rủi ro, nâng khả năng cạnh tranh của ngân hàng. Việc ứng dụng kịp thời công nghệ ngân hàng hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chi nhánh trong việc thu thập các nguồn thông tin quan trọng từ khách hàng, từ thị trường, đồng thời học tập được những kinh nghiệm quý báu về điều hành, quản lý của ngân hàng trong nước và trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình quản trị ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

2. Tạp chí Tài chính

3. Báo cáo tài chính của Vietinbank

4. Website: vietinbank.vn

SITUATION OF THE CREDIT RISK MANAGEMENT OF THE VIETINBANKS BRANCH IN HANOI

MA. TRAN THI THUY LINH

Faculty of Banking and Finance, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Credit activities are the primary and the most profitable banking operation of banks. However, these activities are also particularly risky to banks. Credit risks do not only exert problematic impacts on the performance of banks but also on finance and banking sector, and the whole economies of countries. Therefore, the credit risk management is a major task of concern of commercial banks including Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade (Vietinbank)

Keywords: Vietinbank, risk management, credit risk, performance, profit.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây