Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI

ThS. NGUYỄN NGỌC MINH (Khoa Kinh tế cơ sở - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:
Theo các chuyên gia, cùng với những động thái tích cực, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ ngày càng chất lượng hơn, góp phần vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng bền vững. Bài viết dưới đây sẽ phân tích về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI.
Từ khóa: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giải pháp, hiệu quả, tái cơ cấu kinh tế.

I. Đặt vấn đề
Đối với bất kỳ một quốc nào, dù là nước phát triển hay đang phát triển thì vốn có một vai trò đặc biệt quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề chính trị, văn hóa và xã hội. Nguồn vốn để phát triển kinh tế có thể được huy động ở trong nước hoặc từ nước ngoài, tuy nhiên nguồn vốn trong nước thường có hạn, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam (có tỷ lệ tích lũy thấp, nhu cầu đầu tư cao nên cần có một số vốn lớn để phát triển kinh tế). Vì vậy, nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Vai trò của vốn đầu tư đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để phát triển kinh tế được đánh giá là rất quan trọng. Bất kỳ một quốc gia nào muốn tăng trưởng và phát triển đều cần một điều kiện không thể thiếu được, đó là phải thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho nền kinh tế. Vấn đề về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho việc phát triển kinh tế - xã hội đều được các quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển quan tâm. Trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng công tác thu hút đầu tư từ nước ngoài. Chính phủ đã liên tục ban hành các chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó đặc biệt coi trọng việc triển khai chương trình xây dựng pháp luật. Kết quả, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã từng bước phục hồi. Đáng mừng hơn, ngày càng nhiều dự án có hàm lượng chất xám, ứng dụng công nghệ cao xuất hiện tại Việt Nam. Trên thực tế, tâm lý nóng vội, thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá đã giảm rõ rệt đối với chính quyền nhiều tỉnh, thành phố. Sự thanh lọc kỹ càng trước khi cấp phép dự án đầu tư nước ngoài đang diễn ra phổ biến, với ý thức cao hơn trước đây tại hầu hết địa phương.
II. Thực trạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2017
Tính chung trong 10 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là 28,24 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016.
1. Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế tới tháng 10/2017
Tính đến ngày 20/10/2017, cả nước có 24.397 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 312,91 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 169,05 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 184,4 tỷ USD, chiếm 58,9% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 52,4 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 18,1 tỷ USD (chiếm 5,8% tổng vốn đầu tư).
Tính đến tháng 10/2017 đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 57,1 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư); Nhật Bản đứng thứ hai với 46,3 tỷ USD (chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Island, Hồng Kông.
ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 43,3 tỷ USD (chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với 29,5 tỷ USD (chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với 27,2 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư); Đồng Nai với 26,9 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư).
2. Tình hình thu hút FDI 10 tháng năm 2017
- Tình hình hoạt động:
Tính đến ngày 20/10/2017, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2016.
- Tình hình xuất, nhập khẩu:
+ Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 10 tháng năm 2017 đạt 125,49 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72,2% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong 10 tháng năm 2017 đạt 123,1 tỷ USD, tăng 22,1%, so với cùng kỳ 2016 và chiếm 70,9% kim ngạch xuất khẩu.
+ Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài trong 10 tháng năm 2017 đạt 107,85 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 62,5% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 10 tháng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,63 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 15,24 tỷ USD không kể dầu thô.
- Tình hình cấp Giấy chứng nhận đầu tư:
Tính đến ngày 20/10/2017, cả nước có 2.070 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký là 16,3 tỷ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2016; có 1.001 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,27 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2016 và 4.156 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn là 4,67 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ 2016.
Tóm lại, tính chung trong 10 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 28,24 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016.
+ Theo lĩnh vực đầu tư:
Trong 10 tháng năm 2017 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn là 13,75 tỷ USD,chiếm 48,7% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng năm 2017. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,63 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,04 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
+ Theo đối tác đầu tư:
Trong 10 tháng đầu 2017, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 7,62 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,07 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,59 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư.
+ Theo địa bàn đầu tư:
Trong 10 tháng năm 2017 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký là 5,03 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 3,19 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 3,16 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư.
- Một số dự án lớn được cấp phép trong 10 tháng năm 2017:
+ Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.
+ Dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.
+ Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
+ Dự án Đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn tại Kiên Giang.
+ Dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư mới với mục tiêu kinh doanh bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh.
+ Dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD.
III. Giải pháp
Để tiếp tục thu hút, thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI trong các năm tới, có các nhóm giải pháp cần ưu tiên triển khai thực hiện, cụ thể là:
1. Nhóm giải pháp về luật pháp, chính sách
- Tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, bổ sung các nội dung còn thiếu và loại bỏ các điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư không phù hợp với cam kết của Việt Nam với WTO.
- Sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh. Các Bộ, ngành chủ động sửa đổi, bổ sung các nội dung thuộc thẩm quyền (Quy định về mã ngành, yêu cầu về hợp pháp hóa lãnh sự, hệ thống biểu mẫu báo cáo, cơ chế hậu kiểm, giám sát đầu tư…); và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh. Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn các luật mới, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua trong thời gan gần đây có liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
- Ban hành các ưu đãi khuyến khích đầu tư đối với các dự án xây dựng các công trình phúc lợi (nhà ở, bệnh viện, trường học, văn hoá, thể thao) cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
2. Nhóm giải pháp về quy hoạch
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu; rà soát để định kỳ bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch đã lạc hậu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc xác định và xây dựng dự án.
- Quán triệt và thực hiện thống nhất các quy định mới của Luật Đầu tư trong công tác quy hoạch, đảm bảo việc xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với các cam kết quốc tế.
- Hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, công bố rộng rãi quy hoạch, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư; rà soát, kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả, nhất là đối với các địa phương ven biển nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và môi trường bền vững.
3. Nhóm giải pháp về cải thiện cơ sở hạ tầng
- Tiến hành tổng rà soát, điểu chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020 làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
- Xem xét việc ban hành một số giải pháp mở cửa sớm hơn mức độ cam kết của ta với WTO đối với một số lĩnh vực dịch vụ mà nước ta có nhu cầu về văn hóa-y tế-giáo dục, bưu chính-viễn thông, hàng hải, hàng không.
4. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực
- Nghiên cứu điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Thực hiện các giải pháp nhằm đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động vào thực tế cuộc sống để ngăn ngừa tình trạng đình công bất hợp pháp, lành mạnh hóa quan hệ lao động theo tinh thần của Bộ luật Lao động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài: fia.mpi.gov.vn
2. Giải pháp thu hút vốn FDI vào Việt Nam: www.dankinhte.vn
3. Thực trạng thu hút FDI vào Việt Nam: Tạp chí Tài chính

THE SITUATION OF ATTRACTING FOREIGN INVESTMENT CAPITAL AND SOLUTIONS TO IMPROVE THE EFFICIENCY OF USING FUNDS

MA. NGUYEN NGOC MINH

Faculty of Economics - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

According to experts, FDI flows into Vietnam are expected to be increased both in quantity and quality, contributing to the economic restructuring in the direction of sustainable growth. The article below will analyze the situation of attracting foreign investment and solutions to improve the efficiency of using FDI.

Keywords: Foreign investment attraction, solutions, efficiency, economic restructuring.