Tình hình xử lý vi phạm tình trạng phân bón giả tại các tỉnh Miền Nam

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, vùng trồng cây ăn quả lớn nhất của cả nước nên lượng phân bón tiêu thụ rất lớn. Đây cũng chính là thị trường “màu mỡ” để các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón phân bón giả khai thác.

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Lợi dụng tình hình giá phân bón đang tăng cao kỷ lục, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đã tung ra nhiều chiêu thức gian lận tinh vi nhằm thu lợi bất chính.

Lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý hàng chục đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón phân bón giả, xử phạt hành chính từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều vụ việc đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sau đây là danh sách các vụ việc điểm hình tại các tỉnh Long An, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Long An

Chủ tịch UBND tỉnh Long An vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một công ty sản xuất phân bón có hành vi vi phạm về sản xuất phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng và có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với số tiền 384,05 triệu đồng. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép sản xuất phân bón vô cơ trong thời hạn 10,5 tháng. Buộc tiêu hủy 50 bao phân bón (loại 50kg/bao) không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng 90 bao phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Long An
Thu giữ phân bón giả tại Long An

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty trên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 công ty có liên quan do có hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Mỗi công ty bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm với tổng số tiền là 71,75 triệu đồng và 76,150 triệu đồng. Các vụ việc trên do Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Long An), chủ trì, phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh kiểm tra, phát hiện vào ngày 23/3/2022.

Ngày 25/5/2022, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Long An) chủ trì, phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Long An, kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Thủ Thừa. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu phân bón NPK VFS 20-20-15, loại 50kg/bao, do một công ty có trụ sở tại tỉnh Phú Yên sản xuất, gửi Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 để kiểm tra chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm có chỉ tiêu đạt dưới 70% là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Trị giá hàng hóa vi phạm tại thời điểm kiểm tra tương đương với hàng thật là 42,6 triệu đồng.

Cần Thơ

Ngày 27 tháng 5 năm 2022 Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an thành phố Cần Thơ và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ tiến hành kiểm tra đối với HKD H.T, địa chỉ: Ấp Thới Thuận, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.

Qua kiểm tra tại địa điểm kinh doanh và kho hàng của HKD H.T, Đoàn kiểm tra phát hiện có 10 sản phẩm phân bón có nhãn hàng hóa vi phạm quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Đồng thời, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu của 02 lô sản phẩm phân bón để kiểm tra chất lượng gồm: phân bón hỗn hợp NPK bổ sung trung lượng 16-16-8+3S, phân bón hỗn hợp NPK bổ sung trung lượng 20-15-5+5S. Kết quả thử nghiệm mẫu 02 lô phân bón không đạt chất lượng được quy định tại QCVN 01-189/2019-BNNPTNT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón.

Phân bón giả
Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT thành phố Cần Thơ  phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an thành phố Cần Thơ kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với HKD H.T với tổng số tiền là 104.962.500 đồng, đồng thời tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong thời hạn 02 tháng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả về nhãn hàng hóa đối với 10 loại sản phẩm phân bón có nhãn vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tiền Giang

Ngày 07/4/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG do Đội QLTT số 6 chủ trì kiểm tra đột xuất tại 02 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn các huyện Tân Phước và Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở chưa xuất trình được Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 02 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, các mẫu phân bón này giả về giá trị sử dụng, công dụng; với các chỉ tiêu Lân hữu hiệu (P2O5hh) chỉ đạt từ 1,5-45%, Silic hữu hiệu (SiO2hh) chỉ đạt từ 0,6-3%; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 60 triệu đồng. Đến ngày 25/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh và Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt đối với 02 cá nhân vi phạm với tổng số tiền hơn 130 triệu đồng. Ngoài ra, còn buộc cá nhân vi phạm tái chế 60 bao phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Phan bon gia
Tiền Giang là địa bàn nóng về sản xuất, kinh doanh phân bón giả

Vào các ngày 13/4 và 18/4/2022, Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Tây tổ chức kiểm tra tại 03 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn các huyện này. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 08 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, có 03 mẫu phân bón không đạt chất lượng. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, ngày 27/5/2022 Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 cá nhân là chủ các cơ sở kinh doanh về hành vi buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tổng số tiền xử phạt gần 30 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 30 triệu đồng.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Đội QLTT số 4 đã kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh phân bón, lấy 24 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, có 10 mẫu không đạt với 05 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và 05 mẫu không đảm bảo chất lượng; đã xử lý, thu phạt gần 440 triệu đồng.

Ngày 20/4/2022, Đội QLTT số 5 tổ chức kiểm tra đối với hộ kinh doanh T.V trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, do ông N.H.V làm đại diện hộ kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy 03 mẫu phân bón NPK để gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, có 02 mẫu không đảm bảo chất lượng; tang vật vi phạm là 5.250 kg phân bón NPK được chứa trong 105 bao, loại 50kg/bao, có trị giá trên 90 triệu đồng. Ngày 26/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh vi phạm với số tiền hơn 110 triệu đồng.

Ngày 11/5/2022, Đội QLTT số 6 chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG tiến hành kiểm tra đột xuất tại 01 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra có lấy 01 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, mẫu phân bón này là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Đáng chú ý, có chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt 25% so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật. Lô hàng tồn tại thời điểm lấy mẫu là 3 tấn phân bón, với trị giá gần 20 triệu đồng.

Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, Đội QLTT số 6 hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Cục QLTT tỉnh Tiền Giang trình và ngày 17/6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh vi phạm với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.

Kiên Giang

Ngày 17 tháng 5 năm 2022, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH MTV C.H.G tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Qua kiểm tra, Công ty chưa xuất trình được Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón đồng thời Đoàn kiểm tra đã lấy 02 mẫu phân bón để thử nghiệm chất lượng gồm Mẫu phân NPK XNK An Giang 20-20-15 (lô hàng 200 bao, mỗi bao 50kg, sản xuất ngày 12/5/2022) do Công ty có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh sản xuất và Mẫu phân DAP xanh 18-46 (lô hàng 200 bao, mỗi bao 50kg, sản xuất ngày 21/3/2022) do Công ty tại địa chỉ huyện Bến Lức, tỉnh Long An sản xuất. Kết quả kiểm nghiệm tất cả các chỉ tiêu đăng ký đều không đạt chất lượng dưới 70% so với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trị giá hàng hóa vi phạm tại thời điểm kiểm tra tương đương với hàng thật là 410.000.000 đồng (Bốn trăm mười triệu đồng) theo giá niêm yết.

Phân bóng giả
Cục QLTT Kiên Giang kiểm tra hộ kinh doanh phân bón

Ngày 31 tháng 5 năm 2022, Đoàn kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh C.P, tại địa chỉ ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, do ông N.V.C làm chủ. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu Phân bón DAP 18-46-0 Công ty TĐ DAP xanh do Công ty Cổ phần Hóa chất và Phân bón T.Đ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An sản xuất (lô hàng 50 bao=2.500 kg, mỗi bao 50 kg, sản xuất ngày 19 tháng 4 năm 2022, hạn sử dụng 24 tháng), để gửi phân tích các chỉ tiêu về chất lượng theo quy định. Kết quả thử nghiệm, tất cả các chỉ tiêu đăng ký đều không đạt chất lượng, đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn công bố áp dụng đã đăng ký theo Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Đội Quản lý thị trường số 3 làm việc với ông N.V.C và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh C.P có hành vi: “Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng”, trị giá hàng hóa vi phạm tại thời điểm kiểm tra tương đương với hàng thật là 38.020.000 đồng, theo giá niêm yết tại cơ sở.

Hiện vụ việc đã được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang xử lý theo quy định pháp luât.

Đồng Tháp

Ngày 21 tháng 6 năm 2022, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh phân bón, địa chỉ: Tổ 47, ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Qua kiểm tra, Đội QLTT số 3 phát hiện hộ kinh doanh đang buôn bán hàng hóa là phân bón hỗn hợp NPK Cao Cấp 7-5-46 nhãn hiệu Gama LUXURY không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Kiểm đếm thực tế, lực lượng chức năng tạm giữ 4.300 gói phân bón hỗn hợp NPK Cao Cấp 7-5-46 nhãn hiệu Gama LUXURY và hoàn tất hồ sơ trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp ra quyết định xử phạt với số tiền 45.000.000 đồng và buộc tái chế toàn bộ số lượng phân bón nêu trên. Lô hàng vi phạm có trị giá gần 70 triệu đồng.

Phân bón giả
Đội QLTT số 2 đang thiết lập hồ sơ vụ việc

Ngày 06 tháng 7 năm 2022, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp, địa chỉ: Xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tại thời điểm kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện tại cửa hàng vật tư nông nghiệp đang kinh doanh phân bón hỗn hợp NP 17-30 nhãn hiệu Yên Trang do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Trang sản xuất, địa chỉ: Ấp 10, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An trên nhãn hàng hóa có chữ viết và thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó. Cụ thể là trên hàng hóa còn ghi thêm các nội dung: “D.A.P 18-46-0” có kích thước lớn nhất so với các nội dung còn lại. Số lượng tang vật 80 bao phân bón nhãn hiệu nêu trên (50kg/bao, tương đương 04 tấn), tổng trị giá hàng hóa vi phạm có giá trị 76 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 2 hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25 triệu đồng, buộc thu hồi hàng hoá và loại bỏ chữ viết, thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hoá.

Vĩnh Long

Ngày 13/5/2022, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra Hộ Kinh doanh vật tư nông nghiệp H.T tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ do bà M.H.Q.T làm chủ. Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại Hộ kinh doanh có 80 bao phân bón hỗn hợp NP HPH-NP 18-46 nhưng trên nhãn ghi thông tin là DAP 18-46-0. Tổng giá trị hàng hóa là 88.000.000 đồng. Đồng thời, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu lô hàng 60 bao phân bón trung lượng bón rễ Agri Zone để đánh giá chất lượng.

Sau khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu từ Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 thì lô hàng là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Tổng giá trị hàng hóa là 19.800.000 đồng. Ngày 23/5/2022 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 65 triệu đồng đối với bà M.H.Q.T – chủ Hộ kinh doanh H.T với hành vi vi phạm: buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; đồng thời tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán của bà M.H.Q.T 02 tháng; và buộc tiêu hủy 60 bao phân bón Agri Zone, thu hồi và loại bỏ các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật 80 bao phân bón NP HPH-NP 18-46. 

Nguyên Vỵ