Tình hình xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2021 và giải pháp cho năm 2022

THS. NGUYỄN THỊ THÙY LINH (Khoa Tiếng Anh chuyên ngành, Trường Đại học Ngoại thương)

TÓM TẮT:

Tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến cho năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, như: hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương… bị gián đoạn do tác động từ tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tuy nhiên, với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2021 đã ở mức xấp xỉ 600 tỉ USD, là tín hiệu lạc quan cho phép kỳ vọng thương mại của Việt Nam năm 2021 lần đầu tiên có thể đạt mức kỷ lục 640-650 tỉ USD. Đây là con số rất đáng tự hào trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. Bài viết phân tích tình hình xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2021 và giải pháp cho năm 2022.

Từ khóa: xuất nhập khẩu, hàng hóa, thị trường, xuất siêu, xúc tiến thương mại.

1. Tình hình xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2021

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 11/2021, xuất nhập khẩu nước ta phục hồi mạnh, đạt kỷ lục từ trước tới nay và cùng vượt 30 tỷ USD - mốc chưa từng xác lập trước đó. Lũy kế đến hết tháng 11/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 599,12 tỷ USD, tăng 22,3% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 112,25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% tăng 17,5%; nhập khẩu đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%; xuất siêu 225 triệu USD. (Hình 1)

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 11 tháng 2021 đạt 417,71 tỷ USD, tăng 25,3%, tương ứng tăng 84,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI là 220,63 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 197,08 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Khối doanh nghiệp này đưa cán cân thương mại trong 11 tháng/2021 lên mức thặng dư trị giá 23,55 tỷ USD.

Về thị trường xuất nhập khẩu: (Hình 2)

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 86,03 tỷ USD, tăng 24 % so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, thị trường EU, thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 99,4 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ 2020. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, thị trường EU, Hoa Kỳ.

Về cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu: (Hình 3)

Mặc dù nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Nhóm hàng này chiếm tỷ trọng lớn cho thấy sản xuất trong nước đang hồi phục, các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Tình hình cụ thể như sau:

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 139,2 tỷ USD, tăng 22% và chiếm 46,5% (giảm 2,1 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 141 tỷ USD, tăng 34,3% và chiếm 47,1% (tăng 2,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng đạt 19,25 tỷ USD, tăng 22,2% và chiếm 6,4% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Hình 4

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 266,75 tỷ USD, tăng 18%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4%; nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5%.(Hình 5)

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng này 11 tháng qua sang các thị trường chính là: Hoa Kỳ đạt 7,94 tỷ USD, tăng 24,6%; Trung Quốc đạt 1,37 tỷ USD, tăng 26,5%; Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. (Hình 6)

Tóm lại, chỉ còn tháng cuối năm 2021, theo dự báo của Bộ Công Thương, cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt khoảng 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Đặc biệt, dự kiến năm 2021 có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm ngành so với năm 2020... Đây là kết quả rất lớn bởi năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, có 3 thách thức cần đối diện nhằm duy trì mức xuất siêu. Đó là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nguồn cung thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng,... trong khi năng lực cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu, chưa đáp ứng được các đơn hàng nhập khẩu đòi hỏi chất lượng cao, số lượng lớn. Trong khi đó, tập quán thương mại, thói quen tiêu dùng đã thay đổi, chuyển sang mua sắm trực tuyến, xúc tiến trực tuyến nhiều hơn nhưng năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Thêm nữa là cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu đã có, nhưng "thực tế luôn đi nhanh hơn chính sách", nên cũng khiến xúc tiến thương mại chậm nhịp hơn với yêu cầu thực tiễn.

2. Giải pháp cho năm 2022

Một là, cải thiện hiệu quả xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh thông qua chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh. Những phương thức truyền thống thông qua tổ chức hội chợ, triển lãm cũng "không còn nhiều không gian", thay vào đó là sự chuyển dịch sang các phương thức xúc tiến xuất khẩu mới dựa trên nền tảng số. Để cải thiện hiệu quả xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cần chuyển nhanh, mạnh hơn nữa để cụ thể hóa việc chia sẻ thông tin dữ liệu, phân tích dữ liệu,... nhằm tận dụng nguồn dữ liệu này cho các hoạt động xúc tiến.

Tư duy xúc tiến thương mại cần đẩy mạnh hơn vào các thị trường cửa ngõ, bởi đây là các địa bàn quan trọng, giúp tìm kiếm thêm các thị trường mới, tiềm năng. Xúc tiến thương mại không nên tập trung ở một mặt hàng hay thị trường cụ thể, mà tính tới sự liên kết giữa các thị trường. Khi đó, cùng một công sức, hoạt động xúc tiến xuất khẩu sẽ có tính lan tỏa, kết nối và gia tăng giá trị xuất khẩu lên gấp bội. Hoạt động xúc tiến thương mại cần lưu ý tới việc "xanh hóa" khi các thị trường xuất khẩu chính cũng đang dịch chuyển nhu cầu hướng tới các sản phẩm xanh.

Bên cạnh đó, những sản phẩm được xúc tiến xuất khẩu phải là những sản phẩm xứng đáng. Những sản phẩm xứng đáng được xúc tiến là những sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Đó là các sản phẩm đáp ứng được tiêu chí: Xanh - sạch - được sản xuất theo một phương thức bền vững nhất với môi trường. Điều này nhằm đưa sản phẩm Việt Nam đến cả những thị trường khó tính hơn như thị trường châu Âu.

Hai là, vượt qua những khó khăn đó, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất sau dịch rất nhanh chóng. Đặc biệt, các ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến. Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong các ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện… cũng có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15 - 25% trong năm nay.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá, chính sách liên quan tới nhập khẩu và pháp lý của thị trường xuất khẩu, đảm bảo hàng hóa đủ chứng từ, chứng nhận phù hợp với yêu cầu. Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu phải hiểu rõ cách vận hành logistics, bảo quản hàng hóa và tính toán được phương án vận chuyển tối ưu, chi phí thấp để cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu.

Ba là, Bộ Công Thương và các ngành tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
  2. Tổng cục Hải quan (2021), Hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11 và 11 tháng năm 2021.
  3. Tổng cục Thống kê (2021), Số liệu xuất nhập khẩu các tháng năm 2021.

Vietnam’s imports and exports in 11 months of 2021 and solutions for 2022

Master. Nguyen Thi Thuy Linh

Faculty of English for Specific Purposes, Foreign Trade University

ABSTRACT:

Due to the impacts of COVID-19 pandemic, 2021 was a challenging year for all economic sectors, including exports in general and trade promotion activities in particular. Many trade promotion activities, such as fairs, exhibitions, trade connections, etc., were cancelled as social distancing becomes the norm during the COVID-19 pandemic. However, Vietnam’s exports still showed some positive signs and the total value of import and export turnover of goods in 11 months of 2021 reached approximately US$ 600 billion. Vietnam’s total trade value is expected to hit new record high of between US$ 640 billion – 650 billion in 2021. It is a great achievement of Vietnam in overcoming the difficulties of the COVID-19 pandemic. This paper analyzes the imports and exports of Vietnam in 11 months of 2021 and proposes solutions for 2022.

Keywords: import and export, goods, market, trade surplus, trade promotion.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]