Tính minh bạch của thông tin kế toán ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

ThS. NGUYỄN THỊ THANH LOAN (Giảng viên Khoa Kinh tế - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Phú Thọ)

TÓM TẮT:

Các nhà đầu tư trên thị trường cho rằng, các thông tin kế toán của doanh nghiệp đưa ra sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của họ. Do đó, trước khi đưa ra quyết định đầu tư thì vấn đề họ quan tâm chính là tính minh bạch của thông tin kế toán. Mục đích của bài báo là phân tích thực trạng về tính minh bạch của thông tin kế toán ở Việt Nam, từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao tính minh bạch của thông tin kế toán ở Việt Nam.

Từ khóa: Tính minh bạch, thông tin kế toán, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế càng phát triển và mức độ hội nhập quốc tế càng sâu rộng thì vai trò của kế toán càng được mở rộng, tác động đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là các nhà kinh tế. Kế toán với đặc điểm cung cấp thông tin một cách liên tục, thường xuyên và có hệ thống tình hình tài chính, tình hình hoạt động và luồng tiền của đơn vị cụ thể. Do vậy, thông tin kế toán có vai trò rất quan trọng trong quản lý kinh tế, chất lượng của thông tin kế toán ảnh hưởng trực tiếp và có tính chất quyết định sự thành bại của các quyết định kinh doanh. Để phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và bảo vệ quyền lợi cho các nhà kinh tế thì thông tin kế toán cần phải đảm bảo tính trung thực và minh bạch.

2. Một số khái niệm

Thông tin kế toán là những thông tin có được do hệ thống kế toán xử lý và cung cấp. Thông tin kế toán bao gồm những thông tin kế toán tài chính và thông tin kế toán quản trị.

Thông tin kế toán có những tính chất:

- Là thông tin kế toán tài chính, kế toán quản trị;

- Là thông tin hiện thực, đã xảy ra;

- Là thông tin có độ tin cậy vì mọi số liệu kế toán đều phải có chứng từ, hóa đơn hợp lý, hợp lệ;

- Là thông tin có giá trị pháp lý;

Việc lập và lưu hành báo cáo kế toán là giai đoạn cung cấp thông tin và truyền tin đến người ra quyết định;

Thông tin kế toán cho biết thu, chi, lỗ, lãi của đơn vị cung cấp thông tin, giúp cho đối tượng sử dụng thông tin ra được quyết định.

Tính minh bạch bao gồm cả cơ hội, tính bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tính tin cậy, nhất quán của thông tin, tính dự đoán trước được và sự cởi mở của cơ quan cung cấp thông tin.

Trong bối cảnh quản trị doanh nghiệp,“minh bạch” được hiểu làsự tự do, sự chia sẻ thẳng thắn, cởi mở, rõ ràng trong triết lý của tổ chức và các quy trình hoạt động.

Tính minh bạch - một yêu cầu quan trọng trong Chuẩn mực kế toán quốc tế về thông tin kế toán trong Báo cáo tài chính. Mục đích của các báo cáo tài chính là cung cấp thông tin kế toán, thông tin tài chính của đơn vị lập báo cáo cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng. Tính minh bạch của những thông tin trong báo cáo tài chính được đảm bảo thông qua việc công bố đầy đủ và có thuyết minh rõ ràng về những thông tin hữu ích, cần thiết cho việc ra quyết định kinh tế của nhiều đối tượng sử dụng thông tin.

3. Thực trạng về tính minh bạch của thông tin kế toán ở Việt Nam hiện nay

3.1. Hầu hết các doanh nghiệp đều chưa có nhận thức đúng đắn về vai trò của kiểm toán nội bộ

Kiểm toán nội bộ là hoạt động đánh giá và tư vấn độc lập trong nội bộ tổ chức, được thiết kế nhằm cải tiến và làm tăng giá trị cho các hoạt động của tổ chức đó. Giúp tổ chức đạt được các mục tiêu bằng việc đánh giá và cải tiến một cách hệ thống và chuẩn tắc tính hiệu lực của quy trình quản trị, kiểm soát và quản lý rủi ro.

Trong những năm qua, bộ phận kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp nếu được thành lập cũng chỉ mang tính hình thức, mà không có hiệu lực, hiệu quả thực sự, rất nhiều đơn vị sau một thời gian thiết lập đã dần thu hẹp và loại bỏ bộ phận kiểm toán nội bộ thay vào đó là sự lựa chọn dịch vụ kiểm toán độc lập. Nguyên nhân có thể thấy từ hai phía:

Thứ nhất, do chất lượng của kiểm toán nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu của đơn vị;

Thứ hai, bản thân nhà quản trị cũng chưa nhận thức rõ về vai trò của kiểm toán nội bộ.

Hoạt động kiểm toán nội bộ ở Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn mới phát triển, hệ thống quản lý chưa đồng bộ, chất lượng hoạt động còn thấp chưa tương xứng với yêu cầu. Do vậy, khai thác hiệu quả bộ phận kiểm toán nội bộ là vấn đề cần được quan tâm một cách thích đáng từ góc độ quản lý Nhà nước và từ các nhà quản trị doanh nghiệp.

3.2. Chưa thực hiện đầy đủ các quy định chung của Chuẩn mực kế toán quốc tế về lập và trình bày Báo cáo tài chính

Thứ nhất, về số lượng báo cáo: Thiếu “Báo cáo vốn chủ sở hữu”.

Thứ hai, về nội dung của hệ thống báo cáo: Có báo cáo lại chi tiết quá (Bảng cân đối kế toán, Bảng thuyết minh báo cáo), có báo cáo lại cô đọng quá (Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh).

Thứ ba, về cách đưa thông tin và trình bày trên báo cáo. Báo cáo tài chính của Việt Nam có những nội dung kê khai rất chi tiết, nhưng cách trình bày lại chưa rõ ràng.

- Không có nhiều loại số liệu để so sánh, đánh giá;

- Không có thêm thông tin bổ sung ngoài thước đo giá trị;

- Không sử dụng các công cụ để phân tích luôn trên các báo cáo. Các Báo cáo tài chính chỉ cần đưa thông tin ở mức độ vừa phải, nhưng trình bày rõ ràng và kèm theo sự phân tích số liệu, như vậy mới đáp ứng yêu cầu minh bạch, dễ hiểu đối với người sử dụng thông tin.

Thứ tư, về việc công khai Báo cáo tài chính: Nội dung công khai báo cáo của Việt Nam ít hơn và thời hạn chậm nhất phải công bố cũng ngắn hơn so với chuẩn mực quốc tế.

Thứ năm, về hoạt động quản lý của Nhà nước đối với kế toán: Quản lý chặt chẽ, tập trung, thống nhất với hoạt động kế toán trong toàn bộ nền kinh tế. Đây vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm. Quản lý chặt chẽ, đồng bộ, tạo ra sự thống nhất trong toàn bộ nền kinh tế - đó là ưu điểm. Song quản lý quá chặt chẽ, chi tiết đôi khi lại tạo ra sự cứng nhắc, bị động và không hiệu quả. Mặt khác, nó còn tạo ra thói quen ỷ lại, đối phó, hình thức... cho phần lớn những người làm công tác kế toán.

3.3. Tính minh bạch của thông tin kế toán trong các Báo cáo tài chính chưa được coi trọng đúng mức

Chuẩn mực kế toán quốc tế đã đưa ra các khái niệm, yêu cầu, điều kiện và cả những quan điểm chung về tính minh bạch của các thông tin kế toán được sử dụng trong Báo cáo tài chính. Các quốc gia đều hiểu rất rõ để đạt được tính minh bạch của các thông tin kế toán được sử dụng trong Báo cáo tài chính thì sẽ được những lợi ích gì và mất những chi phí gì.

Tính minh bạch của các thông tin kế toán trong Báo cáo tài chính ở Việt Nam chưa được coi trọng đúng mức vì:

- Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp chưa quan tâm đặc biệt đến chất lượng thông tin cung cấp cho các đối tượng tham gia thị trường.

- Bản thân các nhà cung cấp thông tin cũng chưa thấy được trách nhiệm cũng như lợi ích của mình trong việc cung cấp thông tin có chất lượng.

- Trình độ hiểu biết của dân chúng về kế toán, kinh tế, kinh doanh chưa cao nên họ cũng không coi trọng đến chất lượng thông tin được cung cấp.

3.4. Độ tin cậy kết quả kiểm toán độc lập về Báo cáo tài chính chưa cao

Một nhân tố không thể thiếu để bảo đảm tính minh bạch của thông tin tài chính là kiểm toán độc lập. Thông thường các kiểm toán viên chuyên nghiệp có kiến thức sâu hơn về Tài chính - Kế toán so với các thành viên Ban kiểm soát và Hội đồng quản trị, cho phép họ có thể phát hiện ra những thủ thuật tinh vi nhằm bóp méo thông tin tài chính. Kiểm toán viên cũng có tính độc lập cao hơn so với các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Mức độ minh bạch công khai hóa thông tin của các doanh nghiệp còn thấp: Ít thông tin được công bố, độ tin cậy chưa cao... chính điều này đã làm cho các chủ thể trong nền kinh tế không có thói quen sử dụng các báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán cho công việc của mình.

3.5. Hệ thống thông tin kế toán trong doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế

Hệ thống thông tin có vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên chưa được tăng cường đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ mới.

Việc cung cấp thông tin kế toán chưa đa dạng, chưa coi trọng việc xây dựng, khai thác hệ thống báo cáo nội bộ.

Điều này thể hiện rõ qua thông tin không được cung cấp đầy đủ cho người sử dụng thông tin, thông tin không chính thống và thậm chí thông tin được công bố không nhất quán vẫn còn tồn tại khá nhiều. Một điểm nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính minh bạch là chất lượng thông tin chưa ổn, bởi thông tin được công bố chung chung, không có giá trị; thông tin thiếu diễn giải và khó hiểu; thông tin không đáng tin cậy và thông tin được công bố chậm.

4. Giải pháp để nâng cao tính minh bạch của thông tin kế toán

4.1. Nhận thức đúng về vai trò của kiểm toán nội bộ

Hệ thống kiểm toán nội bộ có vai trò vô cùng quan trọng đối với các quyết định của doanh nghiệp, để nâng cao chất lượng hệ thống thông tin kế toán cần có sự thay đổi căn bản nhận thức từ cấp quản lý về kiểm toán nội bộ.Bộ phận Kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tách biệt và độc lập với các bộ phận điều hành, tác nghiệp của doanh nghiệp. Ban Kiểm toán nội bộ phải có địa vị thỏa đáng trong bộ máy tổ chức của doanh nghiệp để có thể hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán. Kiểm toán nội bộ phải được sự ủng hộ của ban lãnh đạo doanh nghiệp để họ có được sự cộng tác của các bộ phận được kiểm toán và để công việc của họ không bị can thiệp của cán bộ quản lý các cấp trong doanh nghiệp cũng như trong bộ phận được kiểm toán.

Kiểm toán nội bộ giúp ngăn ngừa rủi ro và nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp. Để đáp ứng những đòi hỏi của các nhà đầu tư về một hệ thống quản trị chuyên nghiệp sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chú ý xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ hiệu quả. Kiểm toán nội bộ giúp doanh nghiệp gia tăng niềm tin của các cổ đông, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về hệ thống quản trị của doanh nghiệp.

4.2. Thiết lập kênh thông tin rõ ràng và phù hợp

Các nhà quản lý cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật tiếp cận thông tin. Ở Việt Nam hiện nay chưa xây dựng được Luật Tiếp cận thông tin, nên chưa có những quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của các chủ thể trong xã hội.

Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ hơn về lợi ích, cũng như xu thế tất yếu phải minh bạch thông tin, để từ đó có những hành động và các bước chuẩn bị phù hợp. Để đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin, các doanh nghiệp cũng cần hoàn thiện hệ thống quản trị thông tin, đầu tư nguồn lực hoàn thiện các chức năng phân tích, dự báo, lập kế hoạch…

4.3. Hoàn thiện công tác kế toán - kiểm toán

Thứ nhất, cần phải tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống kiểm toán trong nền kinh tế quốc dân.

Thứ hai, về hoạt động kiểm toán độc lập.

Tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu luôn đặt lên hàng đầu. Đối với các doanh nghiệp kiểm toán nói chung chất lượng dịch vụ cần được đặt lên hàng đầu. Hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán cũng là một vấn đề quan trọng.

Thứ ba, về tổ chức doanh nghiệp.

- Bố trí nhân sự và đào tạo cán bộ ở các bộ phận về các lĩnh vực: Kiến thức chung về doanh nghiệp, kiến thức về pháp luật, kinh tế, kế toán, kiểm toán, tin học và ngoại ngữ.

- Bản thân các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng quản lý kiểm soát chất lượng dịch vụ được kiểm toán cung cấp nhằm nâng cao lòng tin của các nhà đầu tư vào Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán.

4.4. Nâng cao chất lượng thông tin kế toán kiểm toán

Thứ nhất, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành đầy đủ hệ thống Chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, rút ngắn khoảng cách giữa các Chuẩn mực của Việt Nam so với các Chuẩn mực quốc tế, đồng thời hướng dẫn việc áp dụng các chuẩn mực phù hợp với thực tế.

Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư là các Báo cáo tài chính có kiểm toán phải có chất lượng tốt, cung cấp thông tin chính xác cho người sử dụng thông tin, việc lựa chọn các công ty kiểm toán có đủ năng lực, uy tín, đảm bảo kiểm toán là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng các thông tin kế toán. Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm toán - đặc biệt là các chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm.

Thứ ba, đề cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước - cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư nói chung và việc minh bạch hóa các thông tin kế toán công khai trên thị trường đầu tư nói riêng.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng và ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản pháp quy về quản lý chặt chẽ việc minh bạch hóa các thông tin của các doanh nghiệp; thực hiện quyền kiểm tra giám sát về tính minh bạch các thông tin đã được công bố và xử lý các tổ chức và cá nhân vi phạm theo pháp luật.

Thứ tư, hoàn thiện cơ sở dữ liệu để phân tích Báo cáo tài chính.

Báo cáo tài chính là cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho người sử dụng thông tin kế toán. Để có thể phân tích nhằm đưa ra những đánh giá đúng đắn về khả năng tài chính, hiệu quả kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, người sử dụng thông tin kế toán phải dựa vào nguồn thông tin trung thực, đầy đủ và rõ ràng của doanh nghiệp - thông qua hệ thống Báo cáo tài chính.

5. Kết luận

Để đáp ứng thông tin kế toán thực sự được minh bạch, trung thực, khách quan và có chất lượng trong quá trình hội nhập, nhất thiết phải tuân thủ theo hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán đã ban hành và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tất cả thông tin định lượng và định tính của kế toán, kiểm toán đều do con người xử lý và cung cấp thông tin trong quá trình hành nghề. Do vậy, thông tin đó có khách quan, trung thực, minh bạch hay không, phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, kiểm toán, phụ thuộc vào sức ép về lợi ích của chủ doanh nghiệp. Chính vì vậy, hoàn thiện và hướng dẫn chi tiết thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán là hết sức cần thiết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chuẩn mực kế toán số 21: Trình bày Báo cáo tài chính, Ban hành và công bố theo Quyết định số 234/2003/QĐ - BTC ngày 30/12/2003.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thông tư số 52/2012/TT-BTC ngày 05/4/2012.

4. Chủ tịch Quốc hội, Luật Kế toán số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015.

5. w.w.w.webketoan.vn

THE TRANSPARENCY OF ACCOUNTING INFORMATION IN VIETNAM:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Master. NGUYEN THI THANH LOAN

Lecturer, Faculty of Economics,

Phu Tho Economics and Technology College

ABSTRACT:

From the investors’ perspective, accounting information which is provided by enterprises has significantly influences on their investment decisions. Therefore, the transparency of accounting information of enterprises is one of the most concerned matters for investors during their decision-making processes. This study is to analyze the transparency of accounting information of enterprises in Vietnam and then propose some pragmatic solutions to enhance the transparency of accounting information in Vietnam.

Keywords: Transparency, accounting information, Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây