Những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất than, coi đây là chiến lược phát triển bền vững để tăng năng suất, sản lượng khai thác và nhất là tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Tại các mỏ hầm lò, TKV áp dụng hệ thống cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ trong khai thác than, cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò, hạn chế tác động đến môi trường.

Theo báo cáo của Viện Khoa học công nghệ mỏ - Vinacomin, công tác triển khai áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác lò chợ tại các mỏ hầm lò của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có những bước tiến mạnh mẽ.

Hiện nay, trong toàn Tập đoàn TKV có 10 dây chuyền đồng bộ CGH khai thác đang hoạt động gồm 6 lò chợ CGH đồng bộ, khấu lớp trụ, hạ tầng thu hồi than nóc tại các Công ty Than Hà Lầm, Vàng Danh, Khe Chàm, Núi Béo và Mông Dương; 3 lò chợ CGH đồng bộ, khấu hết chiều dày vỉa tại than Khe Chàm, Dương Huy và Quang Hanh và 1 tổ hợp 2ANSH khai thác vỉa dày trung bình, dốc đứng tại than Uông Bí.

Dự kiến đến cuối năm 2020, Tập đoàn TKV sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động 1 dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ, lò chợ khấu hết chiều dày vỉa tại lò chợ I-11-5 vỉa 11 khu Khe Chàm I, mỏ Khe Chàm II/IV, Công ty Than Hạ Long. Qua đó nâng tổng số dây chuyền CGH đồng bộ đang hoạt động trong TKV lên 11 dây chuyền.

Đối với công nghệ đào lò tại các mỏ than hầm lò thuộc tập đoàn giai đoạn 2000-2019, tập đoàn đã thi công được tổng số 4.866.842m lò, trong đó lò đá chiếm 25,3%, lò than chiếm 74,7%; về vật liệu chống, phần lớn các đường lò. Từ năm 2004, tập đoàn bắt đầu đưa vào áp dụng vì neo và ngày càng được sử dụng rộng rãi tại các đơn vị; về công nghệ tách phá gương, hầu hết được thực hiện bằng khoan nổ mìn, chỉ một khối lượng rất nhỏ các mét lò than được thi công bằng máy combai. Từ kết quả tổng hợp các khu vực đường lò có điều kiện thuận lợi áp dụng và các sơ đồ công nghệ cơ giới hóa đào lò đề xuất, giai đoạn 2020-2025 toàn TKV dự kiến có thể huy động 39 dây chuyền cơ giới hóa đào lò, trong đó đào lò đá là 24 dây chuyền và lò than là 15 dây chuyền.

Theo Tập đoàn TKV, Tập đoàn đã đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác lộ thiên đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 23,5% xuống 20% và trong khai thác lộ thiên từ 4,9% xuống 4,3%. Nhờ đó, năng suất lao động của Tập đoàn tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm, vượt mục tiêu về mức tăng năng suất lao động theo Chương trình hành động số 8 ngày 8/8/2016 của Đảng ủy TKV là 4 - 5%/năm.

Thời gian tới, TKV sẽ tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại, năng suất cao, an toàn, sử dụng ít nguyên nhiên vật liệu, phát thải thấp. Nghiên cứu hoàn thiện và lựa chọn công nghệ phù hợp để triển khai rộng rãi cơ giới hóa đồng bộ hoặc bán cơ giới hóa hợp lý trong tất cả các lĩnh vực khai thác than, khoáng sản, sản xuất điện, hóa chất mỏ, cơ khí chế tạo.

Cùng đó, nâng cao năng lực các đơn vị cơ khí chế tạo tại Tập đoàn để chế tạo mới các phụ tùng thiết bị, nội địa hóa một phần thiết bị nhập khẩu; trong đó, chú trọng các vật tư, thiết bị phục vụ sửa chữa, thay thế các thiết bị lò chợ cơ giới hóa nhằm chủ động về vật tư, thiết bị, giảm chi phí đầu tư; mục tiêu nội địa hóa đạt 50%. Tập đoàn cũng tiếp tục triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài “Phát triển áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác tại các mỏ hầm lò vùng than Quảng Ninh giai đoạn 2013-2015, lộ trình đến năm 2020” vào thực tế.

Năm 2020, dự kiến sản lượng khai thác than cơ giới hóa đồng bộ toàn Tập đoàn chiếm 16,8% cơ cấu sản lượng khai thác than hầm lò; mét lò chống neo chiếm 15,3% số mét lò đào mới toàn Tập đoàn.

Phấn đấu đến năm 2025, TKV sẽ ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa đồng bộ và bán cơ giới hóa vào các công đoạn sản xuất chính trong khai thác, chế biến than, khoáng sản; sản lượng khai thác than cơ giới hóa đồng bộ và mét lò chống bằng vì neo chiếm từ 20 - 25% cơ cấu sản lượng khai thác than hầm lò và tổng mét lò đào mới của Tập đoàn.

Đối với tự động hóa, TKV sẽ triển khai các hệ thống tự động hóa giám sát, điều khiển cục bộ tại các đơn vị sản xuất. Cùng đó, xây dựng các hệ thống giám sát điều khiển tập trung đồng bộ, tích hợp tại các đơn vị. Đến năm 2025, một số mỏ đạt mức tự động hóa cao, có thể điều khiển và giám sát từ xa tại phòng điều khiển tập trung; giám sát quá trình vận hành một số dây chuyền sản xuất chính mọi lúc, mọi nơi.

Hiện TKV đã có 10 trong số 13 đơn vị đầu tư hệ thống tự động hóa tuyến băng tải chính trong hầm lò ra ngoài mặt bằng. Nhờ áp dụng tự động hóa, tin học hóa trong sản xuất và chế biến than, TKV đã tiết giảm được hơn 900 lao động; năng suất lao động bình quân đạt 714 tấn than/người trong năm 2019, tăng 12% so năm 2018. Lợi nhuận kinh tế từ việc áp dụng tự động hóa, tin học hóa toàn tập đoàn ước đạt 260 tỷ đồng/năm.

Không chỉ dừng lại ở việc cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, hằng năm, TKV đã dành nguồn kinh phí gần 1.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Thời gian qua, TKV đã trồng cây phủ xanh hơn 1.000 ha bãi thải, lắp đặt 38 hệ thống quan trắc môi trường tự động theo dõi lượng bụi, khí phát thải; đầu tư xây dựng và vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ, công suất hơn 120 triệu m3/năm, bảo đảm toàn bộ nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn môi trường.