TKV: Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Để hạn chế ô nhiễm, mỗi năm TKV dành nguồn kinh phí khoảng 700 tỷ đồng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong quá trình sản xuất, mỗi năm các đơn vị sản xuất than thải ra môi trường khoảng 20 triệu m3 nước cần xử lý, hàng triệu m3 đất đá tại khai trường cùng hàng trăm ha thảm thực vật bị phá hủy...

Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ hoạt động khai thác than, thời gian qua, TKV đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường. Theo đó, mỗi năm TKV dành nguồn kinh phí khoảng 700 tỷ đồng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó 60-70% kinh phí dành cho các dự án sử dụng nguồn Quỹ môi trường tập trung, phần còn lại sử dụng cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án BVMT của các đơn vị thành viên. Tập đoàn đã hoàn thành nạo vét sông Mông Dương, suối Lép Mỹ, suối Vàng Danh và các tuyến thoát nước khác, đảm bảo tiêu thoát nước trong mùa mưa bão. Cùng với đó, TKV cũng triển khai thi công bổ sung đập hồ lắng đất đá đầu nguồn các suối thoát nước để hạn chế đất đá bồi lắng hạ lưu, ngăn ngừa ngập lụt mặt bằng sản xuất, khu dân cư.

Trạm xử lý nước thải của Công ty than Vàng Danh. Ảnh: Ngọc Linh (CTV)

Trạm xử lý nước thải của Công ty than Vàng Danh. Ảnh: Ngọc Linh (CTV)

Bám sát chỉ đạo của địa phương, các đơn vị trực tiếp sản xuất - kinh doanh than đã tích cực áp dụng các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, như: Phun tưới nước chống bụi trên các tuyến đường vận chuyển; chấm dứt vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; hiện đại hóa các cảng xuất than (Cửa Ông, Km6, Làng Khánh, Bến Cân...). Việc vận chuyển than ra cảng hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng băng tải và đường sắt, nhờ đó giảm thiểu ảnh hưởng đến các đô thị và khu dân cư. Từ đầu năm đến nay, TKV đã xây dựng thêm hệ thống cấp nước chống bụi khu vực bãi thải Nam Khe Tam, Đông Khe Sim và bãi thải Đông Cao Sơn.

Cùng với việc hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), các đơn vị sản xuất - kinh doanh than đã quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp BVMT trong quá trình khai thác, chế biến, kinh doanh than. Trong đó, công tác quan trắc môi trường và báo cáo định kỳ, gửi về Sở Tài nguyên & Môi trường được thực hiện nghiêm túc. TKV đã lắp đặt hệ thống quan trắc tại các khu vực có nguồn thải lớn như Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều; nâng cấp, cải tạo 4 hệ thống quan trắc môi trường tự động cho lò hơi của 4 tổ máy Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả.

Hệ thống đập khu vực đổ thải H10 Mông Dương khắc phục tình trạng sạt lở xuống khu dân cư

Hệ thống đập khu vực đổ thải H10 Mông Dương khắc phục tình trạng sạt lở xuống khu dân cư

Đến thời điểm này, Tập đoàn đã hoàn thành lắp đặt 35/35 trạm quan trắc tự động, kết nối và truyền dữ liệu môi trường về Sở Tài nguyên & Môi trường. Duy trì hoạt động 50 trạm xử lý nước thải, nhà máy xử lý chất thải nguy hại, đảm bảo thu gom trong sản xuất đạt quy chuẩn, quy định về môi trường.

Trước đây, các mỏ đều đổ thải thành bãi cao, sườn bãi thải không cắt tầng, độ dốc lớn, do đó trong mùa mưa lũ dễ gây nguy cơ sạt lở đất đá, còn ngày nắng thì bụi bẩn, gây ô nhiễm môi truờng khu vực dân cư. Để khắc phục điều này, các đơn vị ngành Than đã cơ bản thực hiện giải pháp cắt tầng giảm độ dốc, lu lèn đảm bảo an toàn cho bãi thải. Ổn định sườn bãi thải, trồng cây phủ xanh bằng các loại cây keo tai tượng, cỏ vertive cùng một số cây bản địa có khả năng chịu được nắng hạn và đất đá bãi thải.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị trong Tập đoàn đã trồng cây cải tạo phục hồi môi trường được 93ha trên tổng số 100ha bãi thải, bằng 93% kế hoạch năm 2018. Song song với đó, Tập đoàn cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai, tiến tới chấm dứt hoạt động của Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng…

Với những nỗ lực trên, TKV đang từng bước hướng đến mục tiêu trở thành ngành sản xuất bền vững, phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.