Tổ chức công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản ở tỉnh Thanh Hóa: Thực trạng và kiến nghị

LÊ THỊ LOAN - NGUYỄN THÙY LINH (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hồng Đức)

TÓM TẮT:

Ngày nay, các doanh nghiệp vì mong muốn có lợi nhuận cao mà quên đi những tác động của quá trình sản xuất, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên đến môi trường. Không quá nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp chế biến thủy sản ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng thực sự quan tâm đến thông tin do kế toán môi trường cung cấp nên thực tế chưa thực hiện tổ chức công tác kế toán môi trường. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đưa ra những lý luận chung về tổ chức công tác kế toán môi trường trong doanh nghiệp, thực trạng tổ chức công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện.

Từ khóa: Kế toán môi trường, tổ chức công tác kế toán môi trường, các doanh nghiệp chế biến thủy sản, tỉnh Thanh Hóa.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách cần phải được xã hội quan tâm. Mỗi một doanh nghiệp khi thực hiện quá trình sản xuất kinh doanh ít nhiều đều có tác động đến môi trường. Tại Thanh Hóa, thủy sản là một ngành có nhiều tiềm năng để phát triển, đem lại nguồn lợi kinh tế cao. Việc khai thác sử dụng tài nguyên dẫn đến cạn kiệt cùng với lượng chất thải xả ra môi trường trong quá trình chế biến gây ra những vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, sử dụng công cụ kế toán môi trường để nhận diện và đánh giá các đối tượng kế toán môi trường và tác động của chúng đến sự phát triển kinh tế tài chính của doanh nghiệp là việc làm vô cùng cần thiết. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp không chỉ thực hiện tổ chức công tác kế toán nói chung tại đơn vị, còn cần phải tổ chức công tác kế toán môi trường.

2. Phương pháp nghiên cứu

Trong bài viết này, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính bao gồm phương pháp thu thập thông tin và phương pháp phân tích, đánh giá.

Phương pháp thu thập thông tin bao gồm phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp và thu thập dữ liệu sơ cấp. Dữ liệu thứ cấp bao gồm các công trình liên quan đến vấn đề nghiên cứu thông qua việc thu thập tài liệu, giáo trình, các công trình nghiên cứu khoa học ở thư viện, trên mạng internet… Dữ liệu sơ cấp là dữ liệu thu thập được từ các phiếu điều tra, khảo sát về tổ chức công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa. Mẫu nghiên cứu gồm 8 doanh nghiệp chế biến thủy sản: Công ty CP Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải, Công ty TNHH Chế biến Hải sản Ba Làng, Công ty CP Nước mắm Thanh Hương, Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn, Công ty TNHH XNK Thủy sản Thanh Hóa, HTX Kinh doanh chế biến nông, hải sản Hải Tiến, Công ty TNHH Chế biến Hải sản Hòa Hải, DN TN Chế biến Hải sản Hải Sơn. Đây là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, có tổ chức công tác kế toán tại đơn vị.

Ngoài ra, tác giả còn thực hiện phỏng vấn kế toán tại các đơn vị khảo sát để có các thông tin chi tiết liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Từ những thông tin thu thập được, tác giả tiến hành phân tích, đánh giá để đưa ra giải pháp hoàn thiện.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng tổ chức chứng từ kế toán

Kết quả thu được từ việc tổng hợp phiếu điều tra, phỏng vấn tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa như sau:

- Về tổ chức xây dựng hệ thống và biểu mẫu chứng từ kế toán

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa đều vận dụng mẫu chứng từ theo quy định của Thông tư số 200/2014/TT - BTC (3/8 doanh nghiệp) và Thông tư số 133/2016/TT - BTC (5/8 doanh nghiệp).

- Về tổ chức lập và luân chuyển chứng từ

Đối với khâu lập chứng từ, để phản ánh các đối tượng của kế toán môi trường như tài sản môi trường, nợ phải trả môi trường, chi phí môi trường và thu nhập môi trường kế toán sử dụng các mẫu chứng từ phù hợp:

+ Để phản ánh tài sản môi trường như các trường hợp mua, trích khấu hao và bán hệ thống xử lý nước thải, thiết bị thu gom chất thải…, kế toán lập các chứng từ giống như phản ánh các đối tượng tài sản cố định nói chung tại doanh nghiệp như biên bản giao nhận tài sản cố định, bảng tính và trích khấu hao tài sản cố định, biên bản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định…(8/8 doanh nghiệp);

+ Để phản ánh nợ phải trả môi trường như phí bảo vệ môi trường, các khoản phải nộp do vi phạm luật bảo vệ môi trường…, các doanh nghiệp không tự lập chứng từ mà có nhiệm vụ tiếp nhận các loại chứng từ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ (công ty bảo vệ môi trường chẳng hạn) và các cơ quan chức năng liên quan như biên lai thu phí môi trường, biên bản phạt vi phạm luật bảo vệ môi trường (8/8 doanh nghiệp);

+ Để phản ánh các khoản chi phí môi trường như chi phí mua hóa chất để xử lý chất thải, chi phí trả lương cho nhân viên xử lý chất thải, nhân viên dọn vệ sinh nơi làm việc… kế toán sử dụng các chứng từ liên quan như hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, bảng thanh toán tiền lương làm cơ sở để ghi nhận vào các chi phí liên quan. Theo khảo sát 8/8 doanh nghiệp sử dụng mẫu chứng từ theo quy định của chế độ kế toán mà không thiết kế thêm chỉ tiêu nào phục vụ cho việc theo dõi chi tiết chi phí môi trường;

+ Để phản ánh các khoản thu nhập môi trường như các khoản thu bán được từ phế phẩm thu hồi từ vỏ hải sản thì kế toán tại các doanh nghiệp lập hóa đơn bán hàng hoặc lập phiếu thu.

Các loại chứng từ sau khi được lập hoặc được nhận từ các đơn vị liên quan được tổ chức luân chuyển đến các bộ phận kế toán có liên quan. Tại 8/8 doanh nghiệp tiến hành khảo sát chưa có doanh nghiệp nào phân công kế toán môi trường chuyên trách mà vẫn thực hiện luân chuyển chứng từ theo kế toán truyền thống lâu nay vẫn làm.

- Về tổ chức bảo quản và lưu trữ chứng từ

Việc bảo quản và lưu trữ chứng từ liên quan đến các đối tượng của kế toán môi trường vẫn được tổ chức như các loại chứng từ khác của doanh nghiệp.

3.2. Thực trạng tổ chức tài khoản kế toán

Qua kết quả thu được từ việc tổng hợp phiếu điều tra khảo sát, phỏng vấn tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa, việc tổ chức hệ thống hóa thông tin liên quan đến các đối tượng của kế toán môi trường, tất cả các doanh nghiệp đều không mở các tài khoản kế toán riêng mà theo dõi ngay trên hệ thống tài khoản kế toán đã xây dựng ban đầu. Cụ thể:

- Để phản ánh tài sản môi trường, kế toán tại các đơn vị vẫn chỉ sử dụng tài khoản 211 (3/8 doanh nghiệp) hoặc tài khoản 2111 (5/8 doanh nghiệp) và không mở tài khoản chi tiết để theo dõi riêng tài sản môi trường.

- Để phản ánh các khoản nợ phải trả về môi trường, tại các doanh nghiệp sử dụng 2 tài khoản 331 hoặc 338 và không mở tài khoản chi tiết để theo dõi riêng nợ phải trả về môi trường.

- Để phản ánh các khoản chi phí môi trường như chi phí tạo ra chất thải (phần chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào quá trình sản xuất nhưng không cấu tạo nên sản phẩm như chi phí của phần đầu, bộ xương, nội tạng, mang, vây bụng, bụng); chi phí khấu hao, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải; chi phí trả lương cho công nhân vệ sinh môi trường; các khoản phí, lệ phí phải nộp liên quan đến bảo vệ môi trường tùy theo từng loại chi phí mà sử dụng các tài khoản phù hợp như TK 621,TK 622, TK 627, TK 642 và TK 811 (3/8 doanh nghiệp) hoặc TK 154 và TK 6421 (5/8 doanh nghiệp). Cụ thể: Đối với chi phí khấu hao, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải, hiện nay tại một số doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn hơn so với các doanh nghiệp khác như Công ty CP TM Vận tải chế biến hải sản Long Hải, Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa... đã có đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ các chi phí khấu hao, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải và khí thải hiện đang được hạch toán vào chi phí sản xuất chung sau đó phân bổ cho từng loại sản phẩm. Còn các công ty có quy mô siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể... đều chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nên không có chi phí này trong tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Đối với chi phí trả lương cho công nhân vệ sinh môi trường, hiện nay tại một số doanh nghiệp tiến hành thuê ngoài nhân công để dọn vệ sinh môi trường toàn công ty. Chi phí về tiền lương trả cho số nhân công này được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp. Còn một số DNSN và hộ kinh doanh cá thể không tiến hành thuê ngoài nhân công mà công việc này được giao cho công nhân trực tiếp tham gia chế biến. Chi phí tiền lương được tính gộp chung vào chi phí nhân công trực tiếp. Đối với các khoản phí, lệ phí phải nộp liên quan đến môi trường tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa phát sinh bao gồm phí cấp thoát nước, phí xử lý rác thải, tại một số doanh nghiệp như Công ty CP Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải, Công ty TNHH Chế biến Hải sản Ba Làng, Công ty CP Nước mắm Thanh Hương, Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn, Công ty TNHH XNK Thủy sản Thanh Hóa… được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp còn tại một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Chế biến Hải sản Hòa Hải, DN TN Chế biến Hải sản Hải Sơn được hạch toán vào chi phí khác.

- Để phản ánh các khoản thu nhập về môi trường như phế liệu, phế phẩm bán ra ngoài thì các doanh nghiệp đều ghi nhận vào TK 711.

Nhìn chung các doanh nghiệp không mở tài khoản chi tiết cấp 2, cấp 3 để theo dõi riêng các khoản chi phí và thu nhập môi trường.

3.3. Thực trạng tổ chức hệ thống sổ kế toán

Qua kết quả thu được từ việc tổng hợp phiếu điều tra, phỏng vấn tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa, tùy theo nhu cầu quản lý các đối tượng kế toán mà mở sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào mở sổ chi tiết riêng để phản ánh các đối tượng kế toán môi trường.

3.4. Thực trạng tổ chức lập báo cáo tài chính

Qua kết quả thu được từ việc tổng hợp phiếu điều tra, phỏng vấn tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa, các chỉ tiêu liên quan đến kế toán môi trường chưa được trình bày riêng rẽ và thuyết minh độc lập. Các thông tin liên quan đến tài sản môi trường được ghi nhận vào Bảng cân đối kế toán và được trình bày trên chung trên chỉ tiêu “Tài sản cố định hữu hình”. Các thông tin liên quan đến nợ phải trả môi trường được ghi nhận vào chỉ tiêu “Phải trả người bán” (“Phải trả người bán ngắn hạn”, “Phải trả người bán dài hạn”) hoặc “ Phải trả khác” (“Phải trả khác ngắn hạn”, “Phải trả khác dài hạn”) trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Các thông tin liên quan đến chi phí môi trường được ghi nhận vào chỉ tiêu “Giá vốn hàng bán”, “Chi phí quản lý doanh nghiệp”, “Chi phí khác” trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Các thông tin liên quan đến thu nhập môi trường được ghi nhận vào chỉ tiêu “Thu nhập khác” trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

4. Một số kiến nghị

4.1. Về tổ chức chứng từ kế toán

Các chứng từ kế toán của các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa cần phải phản ánh rõ ràng, cụ thể các nội dung liên quan đến đối tượng kế toán môi trường nhằm giúp kế toán thu nhận thông tin về môi trường và sử dụng các tài khoản kế toán liên quan phù hợp (Mẫu số 01 - Biên bản giao nhận TSCĐ). Đặc biệt đối với các nghiệp vụ liên quan đến chi phí môi trường cần phải được ghi cụ thể để đơn vị nhận diện chính xác các loại chi phí môi trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần phân công kế toán môi trường chuyên trách đảm bảo tính tập trung và chuyên môn.

4.2. Về tổ chức tài khoản kế toán

Trên cơ sở danh mục hệ thống tài khoản kế toán theo Thông tư số 200/2014/TT - BTC hoặc Thông tư số 133/2016/TT - BTC, kế toán mở thêm các tài khoản kế toán chi tiết để phản ánh các đối tượng kế toán môi trường:

- Đối với tài sản môi trường: Kế toán cần mở chi tiết trên TK 211 hoặc TK 2111.

- Đối với nợ phải trả môi trường: Kế toán cần mở chi tiết trên TK 331 hoặc 338 để phản ánh riêng các khoản nợ phải trả về môi trường.

- Đối với các khoản chi phí môi trường: Kế toán cần mở thêm các tài khoản cấp 3, cấp 4 của các tài khoản 627, tài khoản 642, tài khoản 811 hoặc mở thêm tài khoản cấp 2 cho tài khoản 154, cấp 3 cho tài khoản 6422 để phản ánh chi phí môi trường trong doanh nghiệp theo các nội dung như chi phí tạo ra chất thải, chi phí xử lý và kiểm soát chất thải, chi phí nghiên cứu và phát triển môi trường… nhằm nhận diện và phân loại đúng chi phí phục vụ cho công tác kế toán quản trị chi phí môi trường trong doanh nghiệp.

- Đối với các khoản thu nhập môi trường: Kế toán cần mở tài khoản cấp 2 cho TK 711 để phản ánh các khoản thu nhập từ môi trường.

4.3. Về tổ chức hệ thống sổ kế toán

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa chưa chú trọng đến việc ghi chép các nghiệp vụ liên quan đến chi phí môi trường phục vụ cho công tác kế toán quản trị chi phí môi trường. Kế toán cần phải mở các sổ kế toán chi tiết chi phí theo nội dung của chi phí môi trường (chi phí tạo ra chất thải, chi phí xử lý và kiểm soát chất thải, chi phí phòng ngừa và quản lý môi trường, chi phí nghiên cứu và phát triển môi trường và chi phí môi trường khác) phục vụ cho công tác quản trị chi phí môi trường trong doanh nghiệp.

4.4. Về tổ chức lập báo cáo tài chính

Để phục vụ nhu cầu thông tin của các đối tượng quan tâm, các báo cáo tài chính cần phải có các thông tin liên quan đến kế toán môi trường.

- Đối với bảng cân đối kế toán: Trên chỉ tiêu liên quan đến “Tài sản cố định” cần chi tiết cho tài sản cố định môi trường, chỉ tiêu “Phải trả người bán ngắn hạn”,“Phải trả người bán dài hạn”, “Phải trả khác ngắn hạn”, “Phải trả khác dài hạn” cần chi tiết các khoản nợ phải trả môi trường.

- Đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: Trên chỉ tiêu liên quan đến “Chi phí quản lý doanh nghiệp”, “Chi phí khác” cần chi tiết các khoản chi phí môi trường. Trên chỉ tiêu liên quan đến “Thu nhập khác” cần chi tiết các khoản thu được từ môi trường.

- Đối với thuyết minh báo cáo tài chính:

+ Doanh nghiệp cần trình bày rõ các loại tài sản môi trường trong số các tài sản cố định tại doanh nghiệp bao gồm: Nguyên giá, khấu hao lũy kế và giá trị còn lại của tài sản cố định môi trường.

+ Doanh nghiệp cũng cần làm rõ các nghĩa vụ phải trả liên quan đến hoạt động môi trường, số tiền phải trả và thời gian phải trả.

+ Đối với các thông tin về thu nhập môi trường: Cần phải trình bày rõ các thông tin liên quan đến thu nhập môi trường trong phần thu nhập khác.

+ Đối với các thông tin về chi phí môi trường: Có thể trình bày cụ thể ở hai mục của thuyết minh báo cáo tài chính đó là phần thông tin khác và phần chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố. Trong mỗi phần, nếu có các thông tin liên quan đến chi phí môi trường, các doanh nghiệp cần phải trình bày rõ theo nội dung bao gồm: Chi phí tạo ra chất thải, chi phí xử lý và kiểm soát chất thải, chi phí phòng ngừa và quản lý môi trường, chi phí nghiên cứu và phát triển môi trường và chi phí môi trường khác.

5. KẾT LUẬN

Tổ chức tốt công tác kế toán là công việc vô cùng quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Bởi vì mục tiêu của tổ chức công tác kế toán là cung cấp được thông tin hữu ích cho các đối tượng sử dụng. Hiện nay, các đối tượng liên quan không chỉ quan tâm đến tình hình tài chính của doanh nghiệp mà còn quan tâm đến cả vấn đề môi trường, do đó tổ chức công tác kế toán môi trường từ khâu lập chứng từ đến khâu lập các báo cáo tài chính cần thiết phải thực hiện ở tất cả các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa. Với việc nghiên cứu thực trạng tổ chức công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp này cùng với việc hệ thống hóa các vấn đề lý luận liên quan hi vọng rằng những đề xuất của tác giả đưa ra sẽ là những gợi ý có ích để các doanh nghiệp vận dụng trong quá trình tổ chức công tác kế toán tại đơn vị mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Đức Hiếu, 2012, Giáo trình kế toán môi trường trong doanh nghiệp, NXB Giáo dục.

2. Lê Thị Loan, 2017, Kế toán quản trị môi trường - Định hướng vận dụng tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Hóa, Tạp chí Khoa học trường Đại học Hồng Đức, số tháng 02/2017.

3. Phạm Hoài Nam, 2016, Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính.

4. Bộ Tài chính, 2014, Thông tư số 200/2014/TT - BTC.

5. Bộ Tài chính, 2016, Thông tư số 133/2016/TT - BTC.

ORGANIZATION OF ENVIRONMENTAL ACCOUNTING

AT THE SEAFOOD PROCESSING ENTERPRISES IN THANH HOA:

SITUATION AND SUGGESTED SOLUTIONS

● LE THI LOAN - NGUYEN THUY LINH

Faculty of Economics and Business Administration

ABSTRACT:

Nowadays, in order to get high profit, businesses are willing to ignore the environmental impact of the production process, exploitation and use of natural resources. The companies in general and seafood processing enterprises in Thanh Hoa in particular are not really interested in the environmental accounting information, thus they have not carried out environmental accounting operation. In the article, the author provided general theories on the organization of environmental accounting, assessed the status of environmental accounting work at the seafood processing enterprises in Thanh Hoa and finally proposed useful solutions.

Keywords: Environmental accounting, organization of environmental accounting, seafood processing enterprises, Thanh Hoa.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây