Tổ chức hệ thống xử lý thông tin kế toán phục vụ quản trị chi phí: Nghiên cứu tại các doanh nghiệp xây lắp

ThS. HOÀNG THỊ HUYỀN (Khoa Kế toán – Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thông qua nghiên cứu tổ chức hệ thống xử lý thông tin kế toán tại các doanh nghiệp (DN) xây lắp có thể nhận thấy thông tin do kế toán cung cấp mới chỉ phục vụ cho kế toán tài chính, mà chưa nhằm cung cấp cho nhà quản trị phục vụ ra quyết định kinh doanh. Do vậy, các DN cần nghiên cứu và tổ chức áp dụng các phương tiện và phương pháp xử lý thông tin để cung cấp cho nhà quản trị DN. Vấn đề này được tác giả đề cập phân tích cụ thể trong bài viết dưới đây.

Từ khóa: Thông tin kế toán, doanh nghiệp xây lắp, quản trị chi phí.

1. Đặt vấn đề

Có rất nhiều công trình nghiên cứu về hệ thống thông tin kế toán và hệ thống thông tin kế toán quản trị (KTQT). Mỗi khái niệm dựưa trên cơ sở các quan điểm tiếp cận khác nhau, tuy nhiên các quan điểm đều thống nhất: Hệ thống thông tin kế toán là hệ thống gồm những người làm kế toán cùng với các chính sách, thủ tục, quy định… về tài chính, kế toán thực hiện việc thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng. Thông tin kế toán bao gồm các thông tin về huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính, thông tin về phân bổ và sử dụng các nguồn lực, thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về lưu chuyển tiền trong DN.

Hệ thống thông tin kế toán quản trị là kết quả của phân loại hệ thống thông tin kế toán theo đặc điểm, tính chất của thông tin cung cấp nhằm cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng bên trong DN với mục đích quản trị nội bộ DN. Tổ chức là sự sắp xếp, bố trí thành các bộ phận để cùng thực hiện một nhiệm vụ hoặc cùng một chức năng chung. Như vậy, Tổ chức hệ thống thông tin KTQT là quá trình sắp xếp, bố trí các nguồn lực để tiến hành thu thập, xử lý thông tin theo một trình tự nhất định để phân tích và cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng bên trong DN nhằm mục đích quản trị nội bộ DN. Tổ chức hệ thống xử lý thông tin kế toán là một nội dung trong quá trình cung cấp thông tin của hệ thống kế toán.

Nội dung bài viết nghiên cứu về Tổ chức hệ thống xử lý thông tin kế toán phục vụ quản trị chi phí bao gồm chủ thể xử lý thông tin, phương pháp xử lý thông tin, phương tiện kỹ thuật ứng dụng trong xử lý thông tin, phân loại chi phí và xử lý thông tin phục vụ lập dự toán, cung cấp thông tin thực hiện và kiểm soát chi phí.

2. Nhu cầu thông tin kế toán phục vụ quản trị chi phí

Các chức năng của nhà quản trị bao gồm: Lập kế hoạch, Tổ chức thực hiện, Kiểm soát và Ra quyết định. Để thực hiện các chức năng quản trị, đồng thời tăng cường quản trị chi phí, nhà quản trị cần có các thông tin cần thiết và phù hợp về chi phí. Các thông tin chi phí cần thiết để thực hiện các chức năng quản trị DN nhằm tăng cường quản trị chi phí như sau:

3. Đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây lắp ảnh hưởng đến tổ chức hệ thống xử lý thông tin kế toán phục vụ quản trị chi phí

Các doanh nghiệp xây lắp có những đặc điểm riêng biệt, khác hẳn với những ngành sản xuất khác. Chính sự khác biệt đó đã ảnh hưởng đến công tác kế toán chi phí hoạt động xây lắp trong các doanh nghiệp. Sự nhận thức đầy đủ các đặc điểm này thì việc giải quyết các vấn đề về tổ chức HTTT KTQT phục vụ quản trị chi phí mới có tính đúng đắn và khả thi cao.

Thứ nhất, đặc điểm về sản phẩm xây lắp

Sản phẩm xây lắp là các sản phẩm đơn chiếc, mỗi sản phẩm sau khi hoàn thành đều có một đặc điểm riêng biệt, không có sản phẩm nào giống nhau và các sản phẩm này hình thành nên tài sản cố định của các đơn vị khác. Sản phẩm xây lắp có quy mô lớn, chu kỳ sản xuất ra một sản phẩm thường kéo dài qua nhiều kỳ kế toán (một quý, một năm, hai năm,… năm năm và có thể lâu hơn). Ngoài ra, sản phẩm xây lắp có tính chất cố định tại nơi sản xuất, không thể nhập kho sau khi sản xuất thi công hoàn thành mà được tiêu thụ ngay theo giá bán đã được xác định từ trước khi sản xuất thi công (tính chất hàng hóa của sản phẩm xây lắp không được thể hiện rõ),

Việc thu nhận thông tin, xử lý thông tin, phân tích và cung cấp thông tin về chi phí cần chi tiết cho từng công trình, hạng mục công trình. Khi tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm xây lắp không xác định từng kỳ như các doanh nghiệp công nghiệp và tùy thuộc vào đặc điểm kỹ thuật của từng công trình, hạng mục công trình được thể hiện qua phương pháp lập dự toán và phương thức thanh toán giữa bên giao thầu và bên nhận thầu. Đối tượng tính giá thành có thể là sản phẩm xây lắp hoàn chỉnh cũng có thể là sản phẩm xây lắp theo từng giai đoạn hợp lý. Giá thành sản phẩm xây lắp rất phức tạp và thường xuyên thay đổi theo từng giai đoạn. Kế toán cần thu nhận và theo dõi thông tin chi tiết về các khoản chi phí phát sinh như chi phí điều động công nhân, điều động máy móc, chi phí nhà tạm…

Thứ hai, đặc điểm về quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm xây lắp

Do đăc điểm riêng biệt của ngành, nên quá trình sản xuất có những bước công việc đặc thù, bước đầu tiên trong mỗi công trình thường là công việc đấu thầu và nhận xây lắp. Trước khi nhận xây lắp thì các DN cần thu thập các thông tin phục vụ cho việc bóc tách bản vẽ, tính khối lượng và xác định mức giá dự thầu...

Thứ ba, đặc điểm về tổ chức hoạt động sản xuất xây lắp

Hoạt động sản xuất xây lắp thường diễn ra ngoài trời chịu nhiều ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên, việc thi công xây lắp mang tính thời vụ và có nhiều rủi ro bất ngờ dẫn đến thiệt hại như phá đi làm lại, ngừng sản xuất. Những khoản thiệt hại này cần phải được tổ chức theo dõi quản lý và hạch toán phù hợp với những nguyên nhân gây ra. Sản xuất xây lắp không thực hiện cố định tại một nơi mà luôn thay đổi, do địa điểm xây dựng công trình trải dài trên một không gian rộng lớn trên địa bàn nhiều vùng khác nhau, điều kiện địa lý thay đổi, thiết kế thay đổi nên phương thức tổ chức thi công và biện pháp thi công cũng phải luôn thay đổi cho phù hợp.

4. Nghiên cứu áp dụng tổ chức hệ thống xử lý thông tin kế toán phục vụ quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây lắp

Trong giai đoạn 2015-2017 số lượng DN ngành Xây dựng liên tục tăng mạnh, đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thể hiện, các DN ngành Xây dựng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đồng thời các DN xây dựng đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 4-5% tổng đóng góp của DN cả nước. Giá trị sản xuất xây dựng các năm 2015-2017 được thể hiện qua Bảng 2, như sau:

Năm 2015, giá trị sản xuất ngành Xây dựng tính theo giá hiện hành đạt khoảng 974,4 nghìn tỷ đồng (tăng 11,4% so với năm 2014; tăng 75,7% so với năm 2010); Tính theo giá so sánh 2010: đạt khoảng 777,5 nghìn tỷ đồng (tăng 11,2% so với năm 2014; tăng 40,2% so với năm 2010). Năm 2016, giá trị sản xuất ngành Xây dựng theo giá hiện hành đạt 1.089,3 nghìn tỷ đồng (tăng 11,8% so với năm 2015) và đạt 104% kế hoạch năm. Sự ấm lên của thị trường bất động sản là một trong những điểm sang hỗ trợ ngành Xây dựng phát triển trong năm 2016. Năm 2017, giá trị sản xuất ngành Xây dựng theo giá hiện hành đạt 1.184 nghìn tỷ đồng (tăng 8.7% so với năm 2016).

Có thể nhận thấy, số lượng DN trong ngành Xây dựng và giá trị sản xuất ngành Xây dựng theo giá hiện hành đều tăng lên trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một thực tế rất rõ đối với ngành Xây dựng là rất nhiều DN gặp khó khăn, dẫn đến phải tạm ngừng (bao gồm tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể). Như vậy, mặc dù số lượng DN tạm ngừng đã giảm, số lượng DN quay trở lại hoạt động có tăng, tuy nhiên số lượng DN tạm ngừng vẫn lớn hơn nhiều so với số lượng DN quay trở lại hoạt động. Điều đó cho thấy, mặc dù môi trường kinh doanh cải thiện đã ảnh hưởng lớn và tác động tích cực đến hoạt động của DN. Tuy nhiên, vẫn còn những nguyên nhân xuất phát từ bản thân DN cần phải xem xét để nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của mình; cần có thông tin phục vụ ra quyết định của nhà quản trị. KTQT là một công cụ quan trọng được sử dụng nhằm cung cấp thông tin cho các nhà quản lý trong việc điều hành sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu áp dụng tổ chức hệ thống xử lý thông tin kế toán tại các DN xây lắp, tác giả tập trung nghiên cứu tại các DN thuộc Bộ Xây dựng quản lý (có giá trị xây lắp theo Báo cáo tổng kết ngành Xây dựng năm 2017), bao gồm: các DN thuộc Tổng công ty (TCT) Sông Đà, TCT Lắp máy Việt Nam, TCT Xây dựng Hà Nội, TCT Viglacera, TCT Xây dựng số 1, TCT ĐTPT ĐT và KCN Việt Nam, TCT Phát triển Nhà và Đô thị, TCT Xây dựng và Phát triển hạ tầng, TCT CP Đầu tư phát triển Xây dựng, TCT Xây dựng Bạch Đằng, TCT ĐT Nước và MT VN, TCT CP Sông Hồng, TCT Cơ khí xây dựng.

Chủ thể xử lý thông tin tại các DN xây lắp được khảo sát bao gồm: Nhân viên phòng kế toán, Kế toán trưởng; Nhân viên, trưởng phòng các phòng ban nghiệp vụ khác trong DN và các đơn vị trực thuộc. Cán bộ kế toán tại các DN có trình độ chủ yếu là đại học; một số ít có trình độ sau đại học và cao đẳng. Hàng năm, hầu hết trong số này đã được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về kế toán khi có sự thay đổi, bổ sung chế độ kế toán thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Tuy nhiên, cũng có một số DN có các chi nhánh có quy mô nhỏ, đội ngũ người làm kế toán còn hạn chế về chuyên môn, chưa qua đào tạo đại học về kế toán tài chính.

Tổ chức phương tiện và phương pháp xử lý thông tin

Từ năm 2015, các DN xây lắp sử dụng hệ thống tài khoản kế toán ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014. Căn cứ vào đặc điểm sản xuất kinh doanh, tính chất, yêu cầu, trình độ quản lý và trình độ của cán bộ kế toán trong đơn vị, DN xác định các tài khoản cấp 1 và cấp 2 sử dụng cho kế toán tài chính. Một số DN còn chi tiết đến tài khoản cấp 3, cấp 4. Việc lựa chọn áp dụng các tài khoản kế toán là đầy đủ và hợp lý. Tuy nhiên, việc xây dựng các tài khoản chi tiết để theo dõi các đối tượng kế toán còn sơ sài và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong DN.

Phương tiện kỹ thuật trong xử lý thông tin

Các DN đều chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán. Hệ thống máy tính được trang bị đồng bộ, với các nhãn hiệu uy tín, tốc độ xử lý nhanh, định kỳ được thay mới để đảm bảo cho việc vận hành hệ thống được thuận tiện. Mỗi kế toán đều có một máy tính sử dụng riêng, các máy tính này được kết nối theo mạng nội bộ có thể kết nối và chia sẻ các tệp tin với nhau. Bên cạnh trang bị hệ thống máy tính, các DN xây lắp đều đầu tư mua sắm phần mềm kế toán trợ giúp cho công tác kế toán. Các phần mềm được sử dụng chủ yếu như Fast Accouting, Songda Accounting, Effect, Misa. Một số DN lớn còn đầu tư ứng dụng phần mềm quản trị doanh nghiệp hoặc phần mềm quản lý dự án xây dựng.

Phân loại chi phí

Theo khảo sát, các DN chỉ phân loại và hạch toán các khoản chi phí phát sinh theo yếu tố chi phí và theo từng loại sản phẩm. Công tác phân loại chi phí theo khoản mục giúp DN tập hợp chi phí và tính giá thành từng công trình được dễ dàng. Ngoài ra, một số DN thực hiện phân loại chi phí theo chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Chi phí trực tiếp như chi phí nguyên vật liệu (gạch, đá, sắt, thép, vôi, vữa...) được phản ánh trực tiếp vào chi phí sản xuất cho từng công trình. Chi phí gián tiếp như chi phí sản xuất chung được phân bổ theo các tiêu thức khác nhau. Một số ít DN khi khảo sát có phân loại chi phí theo định phí và biến phí. Tuy nhiên khi khảo sát trên tài liệu thì việc phân loại không thường xuyên mà chỉ dựa trên những ước tính không được thể hiện trên các bảng biểu hay giấy tờ của nhà quản trị DN.

Xử lý dữ liệu phục vụ việc lập dự toán

Trong các DN, việc lập dự toán được thực hiện bởi hai bộ phận: Bộ phận kinh tế kỹ thuật và bộ phận kế toán. Bộ phận kinh tế kỹ thuật lập dự toán căn cứ vào bản vẽ thiết kế, vào các quy định về chi phí đầu tư xây dựng và đơn giá áp dung… Để lập dự toán cho từng mục, hạng mục công trình, bộ phận kinh tế kỹ thuật cần căn cứ vào các cơ sở cho việc lập dự toán và định mức - đơn giá áp dụng. Dự toán được lập cho từng công trình, từng hạng mục công trình, từng công việc. Tại bộ phận kế toán, dự toán được lập dựa trên bảng tổng hợp giá trị dự toán do bộ phận kinh tế kỹ thuật lập, do vậy các khoản mục chi phí không được phân loại thành chi phí cố định, chi phí biến đổi và chi phí hỗn hợp.

Xử lý dữ liệu cung cấp thông tin thực hiện

Thông tin thực hiện chủ yếu được các DN thu thập từ hệ thống sổ sách KTTC, công tác xử lý thông tin chủ yếu thông qua phương pháp chứng từ, tài khoản kế toán và ghi sổ kế toán. Thông tin về chi phí thực hiện được xử lý bởi bộ phận kế toán và các bộ phận liên quan như bộ phận kinh doanh, dự án. Trong trường hợp DN áp dụng phần mềm quản trị toàn DN, còn có sự tham gia của các bộ phận khác theo từng nội dung liên quan.

Phương pháp xác định chi phí của DN xây lắp được khảo sát chủ yếu được xác định theo đơn đặt hàng (theo công việc). Do đặc thù của ngành Xây lắp là sản xuất sản phẩm đơn chiếc nên chủ yếu xác định chi phí theo đơn đặt hàng. Đối tượng hạch toán chi phí chủ yếu để phục vụ cho tính giá thành công trình, hạng mục công trình. Các đối tượng hạch toán chi phí phục vụ cho quản trị DN để đánh giá trách nhiệm kiểm soát và hiệu quả hoạt động của các loại dịch vụ, các bộ phận, trung tâm chi phí… chưa được các DN sử dụng.

Xử lý dữ liệu phục vụ kiểm soát

Để đưa ra các báo cáo kiểm soát, các DN chủ yếu xử lý dữ liệu dựa trên phương pháp so sánh, so sánh giữa số liệu trên sổ sách và số liệu thực tế, được đánh giá thông qua công cụ hỗ trợ là bảng tính Excel hoặc báo cáo kết xuất ra từ phần mềm kế toán.

Hiện nay, các DN chủ yếu kiểm soát thông qua phương pháp thống kê, phương pháp phân tích so sánh mà không kiểm soát thông qua các trung tâm trách nhiệm.

5. Một số kết luận về tổ chức hệ thống thông tin kế toán phục vụ quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây lắp

Thứ nhất, về chủ thể xử lý thông tin

DN xây lắp cần thực hiện tốt các nội dung sau: Xác định khối lượng công việc kế toán cần thực hiện của DN; xác định số lượng bộ phận kế toán của doanh nghiệp; xác định số lượng và chất lượng của đội ngũ người làm kế toán trong từng bộ phận hợp lý; tổ chức phân công nghiệm vụ của từng bộ phận kế toán một cách khoa học và hợp lý nhằm đảm bảo thu nhận, xử lý và phân tích và cung cấp thông tin phục vụ cho việc điều hành của nhà quản trị.

Thứ hai, về phương tiện xử lý thông tin

Các DN cần xác định các đối tượng kế toán và tổ chức mã hóa các đối tượng quản lý theo các đối tượng kế toán đã được xác định; Ứng dụng phương tiện kỹ thuật trong xử lý thông tin như nghiên cứu và áp dụng một trong số các phần mềm quản trị DN uy tín hiện nay như: phần mềm hoạch định nguồn nhân lực DN ERP, phần mềm quản trị DN nhỏ Crmviet.vn...

Thứ ba, về phân loại chi phí

Việc phân loại theo mục đích, công dụng của chi phí chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp các thông tin của nhà quản trị. Các DN nên sử dụng các cách phân loại chi phí hướng tới nhu cầu thông tin của nhà quản trị. Hiện tại, cần nghiên cứu phân loại chi phí theo mối quan hệ của chi phí với mức độ hoạt động. Theo đó, chi phí sản xuất được chia ra thành 3 loại: chi phí cố định, chi phí biến đổi và chi phí hỗn hợp. Chi phí biến đổi bao gồm: CPNVLTT (NVL chính, vật liệu phụ, nhiên liệu); CPNCTT (tiền lương, phụ cấp, làm thêm, trợ cấp, tiền thưởng); Chi phí sử dụng máy thi công (tiền lương, vật liệu). Chi phí cố định bao gồm: Các khoản bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN) của người lao động trực tiếp xây lắp; chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dụng cụ sản xuất, chi phí vật liệu sản xuất chung, văn phòng phẩm. Chi phí hỗn hợp bao gồm: Chi phí tiền lương, thưởng của các quản lý ở phân xưởng; chi phí điện nước, điện thoại, dịch vụ viễn thông ở công trường.

Đối với chi phí hỗn hợp, công ty nên áp dụng phương pháp cực đại - cực tiểu để tách chi phí biến đổi và chi phí cố định trong chi phí hỗn hợp. Đây là phương pháp đơn giản, dễ tính toán để tách chi phí hỗn hợp thành chi phí biến đổi và chi phí cố định trên cơ sở thống kê chi phí phát sinh ở các mức độ hoạt động.

Thứ tư, xử lý dữ liệu phục vụ lập dự toán chi phí

Để phù hợp với nhu cầu thông tin cho kiểm soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ phận, tác giả đề xuất các DN lập dự toán theo từng trung tâm trách nhiệm. Dự toán theo trung tâm trách nhiệm là cơ sở để so sánh với các báo cáo bộ phận lập theo trung tâm trách nhiệm phục vụ cho kiểm soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm này. Khi lập dự toán cần chú ý đến việc sử dụng định mức phù hợp và nên thực hiện quy trình tự lập dự toán từ dưới lên.

Công tác lập dự toán tại bộ phận kế toán cần phải có quy trình và thiết kế mẫu biểu riêng đối với công tác lập dự toán. Tài liệu dự toán do bộ phận kinh tế kỹ thuật được lập cần được kế toán sử dụng như dữ liệu đầu vào đối với quá trình lập dự toán. Các khoản chi phí cần được phân biệt phục vụ công tác quản trị, khoản chi phí đó là chi phí cố định hay chi phí biến đổi, có kiểm soát được hay không, là chi phí trực tiếp hay gián tiếp?

Thứ năm, về xử lý dữ liệu nhằm cung cấp thông tin thực hiện

Để cung cấp thông tin chi phí phát sinh, tác giả đề xuất kế toán DN cần mở các tài khoản chi tiết theo dõi chi phí như sau:

Đối với TK 621, TK 622: Trên cơ sở các tài khoản cấp 1 theo dõi chi phí xây lắp của KTTC là các TK 621, TK 622 tác giả đề xuất các cách chi tiết tài khoản như sau:

+ Tài khoản cấp 2: Chi tiết theo từng loại đối tượng tập hợp chi phí. Đối với TK 621, TK 622 có thể là các loại công trình như công trình giao thông, công trình dân dụng, công trình nhiệt điện, công trình nước, công trình thủy điện, công trình đường dây,…

+ Tài khoản cấp 3: Chi tiết theo từng đối tượng tập hợp chi phí trong từng loại đối tượng tập hợp chi phí. Đối với từng loại công trình được theo dõi trong tài khoản cấp 2, tài khoản cấp 3 được chi tiết theo từng công trình cụ thể.

Đối với TK 623, TK 627: TK cấp 2 được chi tiết theo hệ thống tài khoản KTTC; TK cấp 3: Chi tiết theo từng loại đối tượng tập hợp chi phí; TK cấp 4: Chi tiết theo từng đối tượng tập hợp chi phí; TK cấp 5: Chi tiết theo cách ứng xử của chi phí (biến phí và định phí); TK cấp 6: Chi tiết theo chi phí kiểm soát được và không kiểm soát được; TK cấp 7: Chi tiết theo chi phí định mức, chi phí thực tế và chênh lệch chi phí.

Thứ sáu, xử lý dữ liệu nhằm cung cấp thông tin phục vụ kiểm soát

Công tác xử lý thông tin phục vụ hoạt động kiểm soát tại các DN chủ yếu chú trọng công tác so sánh giữa số liệu thực tế và sổ sách kế toán mà chưa có sự đánh giá, so sánh giữa dự toán và thực tế để xác định nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng. Các DN chưa xây dựng hệ thống kế toán trách nhiệm để phục vụ cho công tác kiểm soát hoạt động của mình. Do vậy đối với công tác xử lý dữ liệu nhằm cung cấp thông tin kiểm soát, ngoài phương pháp phân tích và so sánh số liệu, thì các DN nên xây dựng hệ thống kế toán trách nhiệm phù hợp với đặc điểm của mỗi DN ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Marshall Romney, Paul Steibart (2006), Accounting Information, Systems Pearson, Prentice Hall.

2. Thái Phúc Huy (2012), Hệ thống thông tin kế toán Tập 1, Tập 2, Tập 3, NXB Phương Đông.

3. Hồ Mỹ Hạnh (2013), Tổ chức hệ thống thông tin KTQT chi phí trong các DN may Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Đại học Kinh tế quốc dân.

4. Trần Thị Dự (2013), Hoàn thiện kế toán chi phí với việc tăng cường quản trị chi phí trong các DN chế biến thức ăn chăn nuôi, Luận án tiến sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân.

ORGANIZING THE ACCOUNTING INFORMATION

PROCESSING SYSTEM FOR COST MANAGEMENT

RESEARCH IN CONSTRUCTION ENTERPRISES

● MA. HOANG THI HUYEN

Faculty of Accounting - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

By studying the organization of the accounting information processing system at the construction enterprises, it can be seen that the information provided by the accountants is only available for financial accounting, but not for the administrators. service to make business decisions. Therefore, enterprises need to study and organize the application of means and methods of information processing to provide for business managers.

Keywords: Accounting information, construction enterprises, cost management.