Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương tròn một tháng ra đời và “nằm vùng” nơi tâm dịch

Ngày 17/8/2021 - tròn một tháng, Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương “cắm chốt” nơi tâm dịch.

Ra đời ở bối cảnh chưa từng có trong lịch sử đất nước, những cán bộ, thành viên trong Tổ đã không quản gian khó, làm việc ngày đêm, để có những kiến nghị, đề xuất, tham mưu cho Bộ Công Thương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, quyết sách, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước: Luôn sát cánh cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, an toàn và hạnh phúc.

to cong tac
Cuộc họp khẩn do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì diễn ra vào chiều ngày 17/7/2021

Tổ Công tác đặc biệt ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt

Mùa thu năm 2021, lịch sử Việt Nam ghi dấu ấn không thể quên khi biến chủng Covid-19 có tên Delta hoành hành ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Lệnh giãn cách theo chỉ thị 16 này chưa kịp gỡ bỏ, nhiều địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp, kéo dài thời gian “ai ở đâu ngồi yên đó” để dồn sức chống dịch.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ với số các ca F0 tăng vọt từng ngày, nhiều địa phương áp dụng biện pháp nghiêm ngặt đến mức kéo cả xe, đổ cả đất, dựng hàng rào dây thép “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chuỗi cung ứng hàng hoá, lưu thông hơn lúc nào hết bỗng trở nên mong manh và đối mặt với nguy cơ có thể đứt gãy bất cứ lúc nào.

Cuộc họp khẩn do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì diễn ra vào chiều ngày 17/7/2021, cùng thời điểm xuất hiện thông tin người dân ở TP HCM đổ xô tới siêu thị, điểm mua sắm để tích trữ hàng hoá. Khi mà, các chợ đầu mối và chợ truyền thống của TP HCM cung cấp khoảng 70% nguồn hàng hoá không chỉ cho thành phố mà còn cho nhiều địa phương khác - xuất hiện các ca F0 và bắt đầu bị đóng cửa, phong toả. Gánh nặng nguồn cung đổ lên hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, nơi chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu hàng hoá thiết yếu của người dân.

Tại cuộc họp, câu hỏi lãnh đạo Bộ Công Thương đặt ra và yêu cầu phải có ngay câu trả lời là: Hành động cấp bách, cụ thể và thiết thực nhất mà Bộ có thể làm lúc này là gì để đáp ứng đủ nhu cầu hàng hoá, nhất là hàng hóa thiết yếu cũng như cung cấp đủ điện cho TP HCM và các tỉnh phía Nam?

Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm Trưởng ban. Cùng lúc, Tổ công tác tiền phương (nay là Tổ Công tác Đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương) ra đời do đồng chí Nguyễn Thành Nam – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường làm Tổ trưởng.

Tổ hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, với 5 nhiệm vụ cấp bách gồm: Nắm bắt sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam, nhất là các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đang áp dụng biện pháp giãn cách theo Công văn số 969/TTg-KGVG của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch tại một số địa phương; Kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong và ngoài các địa phương phía Nam, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dịch;

Thực hiện công tác điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác; Phối hợp cùng lực lượng chức năng tại các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng; Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; Tham mưu, đề xuất hướng xử lý để báo cáo Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam.

to cong tac

Ngay sau khi thành lập, các thành viên của Tổ đã họp, phân công nhiệm vụ, đồng thời có mặt trực chiến ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Tổ cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, những vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến tình hình cung ứng thực phẩm, hàng hóa cũng như công tác quản lý thị trường, giá cả hàng hóa những mặt hàng thiết yếu…

Những ngày “cắm chốt” tại khu vực phía Nam, Tổ Công tác đã đi khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cũng như công tác chống dịch các chợ trên địa bàn TP HCM tại các quận chính của Thành phố. Trên cơ sở nắm bắt thực tế, ghi nhận hiện trạng cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con tiểu thương, Tổ đã kịp thời đề xuất phương án kích hoạt hệ thống siêu thị, các điểm bán hàng lưu động, để đảm bảo không gián đoạn nguồn cung hàng hoá khi gần 200 chợ truyền thống cùng lúc phải ngưng hoạt động.

Trong thời gian này, Tổ cũng thường xuyên trao đổi với Sở Công Thương  19 tỉnh thành phía Nam, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam để nhân rộng mô hình tổ chức các hệ thống phân phối dã chiến (điểm bán hàng/xe bán hàng lưu động, “mang chợ ra phố”, bán hàng online, bán theo Combo, đi chợ hộ…) tại các địa phương trong bối cảnh đóng cửa chợ, các siêu thị, cửa hàng, kho hàng thường xuyên bị ca F0 xâm nhập phải đóng cửa khử trùng, truy vết gây gián đoạn dịch vụ cung ứng.

Tổ đã phối hợp chặt chẽ, gắn kết liên ngành và liên vùng (Tổ Công tác Đặc biệt của Chính phủ, Ban chỉ Đạo phòng Chống Covid-19 Trung ương, các Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội...) nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc.

to cong tac 1

Tháng của những đề xuất khẩn, quyết sách nhanh và những văn bản hoả tốc

Biến thể Delta đã cho thấy sức huỷ diệt chưa từng có của dịch Covid-19. Chưa bao giờ mục tiêu phủ sóng vaccine tới toàn dân lại thần tốc như vậy, khi mà sinh mạng con người đã được đặt lên trên vấn đề mưu sinh, khi mỗi ngày các tỉnh phía Nam ghi nhận con số các ca F0 lên tới hàng nghìn. Các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 16 nhưng ban hành những quy định khác nhau đã gây ra ách tắc, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận nguồn hàng thiết yếu.

Trên cơ sở đề xuất kiến nghị của Tổ Công tác đặc biệt phía Nam, chỉ trong ngày 27/7/2021, Bộ Công Thương đã liên tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn, giải quyết khó khăn trước mắt, đồng thời kiến nghị khẩn lên Chính phủ cho phép được áp dụng một giải pháp đồng bộ và lâu dài.

Văn bản số 4481 về danh mục hàng hoá thiết yếu được phép lưu thông được ban hành hoả tốc vào sáng ngày 27/7/2021 gửi tới các địa phương. Dư luận, người dân đánh giá sự vào cuộc của Bộ Công Thương là rất kịp thời, giải quyết ngay trước mắt những tranh cãi đang xuất hiện ở nhiều địa phương với câu hỏi: Thế nào mới là hàng hoá thiết yếu? Và tại sao bánh mì, rồi bỉm, tã của trẻ em… đã bị ách tắc tại các chốt kiểm tra, các cửa ngõ lưu thông và không vào được thành phố.

Thế nhưng, ngay cả khi có Danh mục hàng hoá thiết yếu rồi, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng xác định đây chỉ là “những việc cần làm ngay để giải quyết khó khăn trước mắt”  chứ chưa thể giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh trong quá trình lưu thông hàng hóa. Bởi, những gì người dân cần đều là thiết yếu cả, nếu mà kể hết, liệt kê đủ, có khi vài trăm trang giấy cũng vẫn thiếu. Do vậy, chiều tối cùng ngày (27/7), Bộ Công Thương có văn bản hoả tốc số 4482, đề nghị Chính phủ thay vì đưa ra Danh mục hàng hoá thiết yếu được lưu thông thì xây dựng Danh mục hàng hoá cấm lưu thông. Với kiến nghị này, Bộ Công Thương đã đưa vấn đề từ chỗ phức tạp về đơn giản hóa, để bất cứ địa phương nào khi thực thi nhiệm vụ cũng chỉ cần loại trừ hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, còn lại tất cả hàng hóa là thiết yếu, đều được lưu thông bình thường.

to cong tac 1

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ cũng đã rất quyết liệt khi chỉ hai ngày sau vào ngày 29/7/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn chính thức truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Từ 0 giờ ngày 30/7/2021: Xe chở hàng hoá phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất nhập khẩu có mã QR Code sẽ không bị kiểm tra. Đồng thời nhất quán quan điểm trừ các hàng hóa, dịch vụ cấm, còn lại tất cả các sản phẩm, hàng hóa khác đều được “tạo luồng xanh” di chuyển vào thành phố, tới các điểm nằm trong diện giãn cách xã hội… Điều kiện đi kèm là phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Khẩn thiết “cứu chuỗi cung ứng trước nguy cơ bị đứt gãy”

Chủng virus Corona của năm 2020 cho thấy chưa bao giờ nghiên cứu, điều chế vắc xin lại có một cuộc chạy đua thần tốc như vậy. Từ 11/2019 – thời điểm bắt đầu phát hiện vi rút đến 11/2020, các nhà khoa học ưu tú đã hoàn thành xong một chu trình nghiên cứu, điều chế, thử nghiệm, sản xuất. Đó là cuộc đua giành giật sự sống và bảo vệ tính mạng cho khoảng 7,5 tỷ người.

Tháng 7/2021, Delta – chủng biến thể mới lan nhanh ở các tỉnh phía Nam vào tháng 7 đã một lần nữa khẳng định sự huỷ diệt và sức tàn phá của nó. Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới bước vào cuộc đua mới cũng thần tốc không kém – làm cách nào để phủ sóng vaccine đến toàn dân.

Ngay từ những ngày đầu dịch, Tổ Công tác đặc biệt đã làm việc với các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe các ý kiến đề xuất, qua đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ các giải pháp cụ thể, trên quan điểm nhất quán: Trong mọi tình huống phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất, đứt gãy nguồn cung ứng.

to cong tac

Bộ Công Thương đã liên tiếp có những đề xuất “cần ưu tiên” tiêm vaccine cho hệ thống phân phối bán lẻ, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu… Ngày 30/7, Bộ Công Thương đã ký văn bản hoả tốc số 4580/BCT-CN đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, người lao động ngành vận tải và logistics nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Trước mắt cần ưu tiên cho đội ngũ tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và lao động trong các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu...

Bộ cũng đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương sớm cho hoạt động và duy trì trở lại phương thức giao nhận thương mại điện tử, trong đó có shipper. Bởi, việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa thương mại điện tử đã ảnh hưởng đến chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, khiến người dân phải đến các siêu thị, chợ truyền thống, ra đường gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Ngay từ đầu dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, trong cuộc họp của Chính phủ, cũng như trong chỉ đạo điều hành của mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhận định và nhấn mạnh rằng: Đợt dịch này diễn biến phức tạp và khó đảm bảo sẽ sớm kết thúc nên các giải pháp của Bộ Công Thương phải tính đến kịch bản xấu hoặc xấu hơn. Có như vậy, các quyết sách ban hành cũng như kế hoạch hành động mới đúng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Chính phủ giao.

Nhất quán quan điểm này nên khi Tổ công tác đặc biệt phía Nam đã hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã lập tức yêu cầu phải có ngay Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cho khu vực miền Bắc và miền Trung do đồng chí Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Trần Duy Đông làm tổ trưởng. Quyết định thành lập Tổ được ban hành chưa lâu thì tại Hà Nội dịch Covid-19 ghi nhận diễn biến xấu, tiếp đó là bùng phát ở Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh thành ở miền Trung. Tổ công tác đặc biệt khu vực miền Bắc, miền Trung đã kịp thời vào cuộc, nhanh chóng và hiệu quả tạo thành thế chân kiềng vững trắc với các kinh nghiệm đã có từ Tổ Công tác đặc biệt phía Nam đã thực hiện tốt các nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ giao phó.

to cong tac b

Trên tuyến đầu chống dịch…

Tròn một tháng nằm vùng, hoạt động trong tâm dịch, các cán bộ của Tổ công tác luôn trong tình trạng “lên dây cót tinh thần”, khi mỗi ngày trôi qua là một trận chiến. Không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc cũng như biện pháp phòng chống dịch bệnh, các thành viên trong Tổ cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với nhiều sáng kiến, ý tưởng, đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các giải pháp kịp thời.

Đó là ý tưởng đề xuất cơ chế đặc thù cho hai đơn vị vận tải chuyên nghiệp Viettel Post và VN Post lưu thông hàng hóa để kết nối với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ triển khai công tác vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; Tổ Công tác cũng vào cuộc kịp thời xử lý vụ việc người dân khu phố Bùi Văn Ba, Phường Tân Thuận Đông quận 7 gặp khó khăn khi mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu do khu phố bị phong tỏa. Tại cuộc họp trực tuyến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống Covid-19 vào chiều ngày 14/7/2021, Tổ công tác đã trình bày mô hình vận chuyển và phân phối hàng thiết yếu của Viettel Post; mô hình vận chuyển an toàn mùa dịch của tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang; đồng thời, đề xuất đưa quân đội tham gia hỗ trợ tạo luồng xanh an toàn cho vận tải mùa dịch (ăn ở cách ly do quân đội quản).

Trong những ngày TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổ Công tác đã liên hệ với nhiều đơn vị có liên quan để tìm nguồn giường gấp, giường tầng, giường đơn... cho Thành phố để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Qua các buổi làm việc tại các khu công nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, Tổ Công tác đã ghi nhận phản ánh hàng loạt vướng mắc của mô hình “3 tại chỗ”, qua đó đã có một số đề xuất kiến nghị như: Bổ sung người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên tiêm phòng; Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ; Đề nghị Bộ Y tế bổ sung các hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp…

Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ Y tế đã có Văn bản số 6565/BYT-MT ngày 12/8/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống Covid-19 tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị tự xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả trên hướng dẫn chung của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế và phù hợp tình hình dịch thực tế tại địa phương.

to cong tac

Kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu

Tổ công tác đã lập địa chỉ email của Tổ công tác: [email protected], số điện thoại đường dây nóng: 0976.695.965, cung cấp cho các Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, kết nối cung cầu hàng hóa; Cung cấp danh sách các đầu mối liên hệ cung ứng các mặt hàng nông sản tại các tỉnh thành phía Nam cho các hệ thống phân phối.

Tiếp nối “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021” ngày 6/8, Bộ Công Thương đã tổ chức các phiên giao thương trực tuyến giữa các nhà nhập khẩu nước ngoài và các nhà xuất khẩu trong nước trong ngày 09-10/8/2021. Công tác kết nối cung cầu các hệ thống phân phối các tỉnh phía Nam để hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Hệ thống Bách Hóa Xanh tiêu thụ 8.450 tấn hoa quả các loại (thanh long, dưa hấu, nhãn, chuối…); Aeon Việt Nam tiêu thụ thanh long 15 tấn/ngày; VN Post tiêu thụ 300 tấn nhãn, thực phẩm tươi sống: 100 tấn; Rau, củ, quả địa phương và các loại trái cây khác: gần 1.000 tấn;… Ngoài ra Vinmart, Viettel Post, VN Post cũng đang tích cực thu mua các mặt hàng nông sản tại các tỉnh phía Nam để phục vụ các chương trình bán hàng, chương trình hỗ trợ người dân khó khăn… Bên cạnh đó, Tổ công tác đang trao đổi với Vincommerce để xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện Tuần lễ nông sản- đặc sản miền Tây tại thị trường trong nước. Đồng thời, Tổ công tác liên tục kết nối các đơn vị mua hàng xuất khẩu đi các thị trường đối với các sản phẩm nông sản phía Nam như: xoài, sầu riêng, thanh long...

Công tác quản lý thị trường

Tổ Công tác đặc biệt chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường hoạt động chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý theo quy định, nhất là vật tư cho nông nghiệp, phân bón…; xử lý linh hoạt để vừa bảo đảm nguồn cung hàng hóa đồng thời vẫn thực hiện đúng các quy định pháp luật về quản lý thị trường. Vì vậy trong thời gian qua, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tại các tỉnh thành phía Nam tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Các Cục Quản lý thị trường đều công khai đường dây nóng của Đội trưởng, Lãnh đạo Cục/Văn phòng Cục Quản lý thị trường để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về thị trường hàng hóa và công tác phòng chống Covid-19. Cán bộ QLTT tại các địa phương tích cực tham gia các chốt trạm kiểm soát tại địa phương.

Đánh giá cao những kết quả bước đầu mà Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương đã đạt được trong một tháng qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý:  Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, do vậy, các Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tại 3 miền Bắc – Trung và Nam cần phát huy những kết quả đã đạt được để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Tổ Công tác cần bám sát diễn biến dịch bệnh, tình hình thực tiễn tại địa phương để có những đánh giá, đề xuất, tham mưu cho Bộ các biện pháp phù hợp và hiệu quả để Bộ Công Thương thực hiện tốt hơn nữa công việc mà Chính phủ cũng như các cấp có thẩm quyền giao.

Công việc tới đây còn nhiều khó khăn, các đồng chí trong Tổ Công tác cần cố gắng nhiều hơn nữa để làm tốt công việc được giao nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng chống dịch bệnh, an toàn cho bản thân cũng như an toàn cho các thành viên khác của Tổ Công tác trong mọi tình huống, hoàn cảnh”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Một số đề xuất, kiến nghị của Tổ Công tác đặc biệt trong thời gian qua

Sau khi làm việc với các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, khảo sát tình hình thực tế, Tổ Công tác đặc biệt đã có một số kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (Bộ Công Thương) có ý kiến chính thức gửi lên Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cụ thể:

(1) Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng siết chặt Chỉ thị 16/CT-TTg để các địa phương, Bộ ngành liên quan chủ động xây dựng kịch bản ứng phó cho phù hợp, hiệu quả.

(2) Đề nghị UBND TP HCM căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của từng chợ đầu mối để sớm mở những địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, trong mọi trường hợp vẫn phải bảo đảm các điều kiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

(3) Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện thống nhất các quy định về phòng chống dịch Covid-19 đối với các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu khi lưu thông qua địa bàn tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Văn bản số 5886/BYT-MT ngày 22 tháng 7 năm 2021 về việc vận chuyển hàng hóa, để tránh gây ách tắc trong khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

(4) Chính phủ, UBND các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tháo gỡ khó khăn về: Tài chính, lao động (thiếu nhân viên bán hàng, nhân viên logistic, lái xe); Ưu tiên tiêm phòng Covid-19 cho lao động tại các hệ thống phân phối.

(5) Chỉ đạo UBND các địa phương có chính sách ưu tiên tiêm vắc-xin cho những thành phần lao động bắt buộc phải tham gia trực tiếp trên hiện trường – trong chuỗi cung ứng lúa gạo nói riêng và lương thực nói chung như: Tài xế, tài công, người đi thu mua, nhân viên nhà máy, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên điều phối hiện trường.

(6) Kiến nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng và áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ Hè Thu giữa thời điểm dịch bệnh, cụ thể như: Mở rộng liên kết tiêu thụ, kết nối liên tỉnh hỗ trợ vận chuyển hàng hóa để hoạt động tiêu thụ lúa cho người dân được diễn ra thông suốt.

(7) Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và chỉ đạo khối Ngân hàng Thương mại hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn cho vay cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

(8) Kiến nghị UBND TP HCM có phương án từng bước cho phép các doanh nghiệp có người lao động đã được tiêm vắcxin tiếp tục tham gia sản xuất, giúp khôi phục chuỗi cung ứng và giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho những lao động đang thất nghiệp tạm thời.

(9) Kiến nghị Bộ Lao động & Thương binh xã hội xây dựng cơ chế để Doanh nghiệp được tăng giờ làm trong thời gian cắt giảm lao động (nhưng không vượt quá số giờ hàng năm theo Luật lao động).

(10) Chỉ đạo các địa phương có nhiều doanh nghiệp đang thu mua, kinh doanh, xuất khẩu gạo xem xét thành lập các điểm test nhanh tại chỗ để tăng tốc độ lưu thông hàng hóa; Có cơ chế cho lao động của nhà máy thu mua, sản xuất lúa gạo được phép di chuyển trong giờ giới nghiêm để tạo thuận lợi cho việc thu mua, sản xuất lúa gạo.

(11) Có văn bản đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện thống nhất chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong hoạt động phân phối hàng hóa thiết yếu, để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hệ thống phân phối hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người dân trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

(12) UBND các tỉnh, thành phố đang áp dụng giờ giới nghiêm, xem xét xây dựng phương án ưu tiên cho một số lao động trong ngành thực phẩm tươi sống (sơ chế, chế biến, vận chuyển) được phép lưu thông trên đường sau 18 giờ hàng ngày để kịp thời cung ứng các mặt hàng tươi sống cho người dân vào sáng hôm sau./.

 
 
Theo Moit.gov.vn