Lần đầu ngồi “ghế nóng”

Lần đầu tiên tổ chức sự kiện cho sinh viên là cuộc thi “Sinh viên – Nhận diện hàng Việt Nam 2016” tại Nhà hát Hòa Bình, tớ được sếp giao nhiệm vụ làm tổ trưởng trọng tài. Hehe, lý do sếp đưa ra là tớ đáp ứng các tiêu chuẩn cẩn thận, chững chạc (chắc tại già nhứt nhóm), quan trọng hơn là tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh nên không có nhiều người để hỗ trợ. Thế là tớ lên đường.

Nhóm chỉ có 4 chị em, thêm 2 anh của văn phòng đại diện, mà lại phải tổ chức từ A đến Z, không có sự trợ giúp của công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp nên đứa nào cũng xoắn. Hàng trăm đầu việc lặt vặt, khiến cho ngày nào cũng bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc sau 12h đêm.

Mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng cho chương trình lên sóng

Trước cái ngày 29/10 không thể nào quên, cả nhóm mới bàn đến công việc của trọng tài. Chưa bao giờ ngồi vào cái ghế nóng ấy, lại còn lên sóng truyền hình, nên tớ cũng thấy lo lo. Hình dung công việc của một trọng tài là như thế nào, lại là tổ trưởng, nếu làm không đúng thì gay go. Hic. Cứ hình dung mấy ông trọng tài trên sân bóng, bắt lơ mơ là cổ động viên la ó đuổi khỏi sân. Mình mà làm vớ vẩn, các em sinh viên phản đối thì Ban tổ chức mất mặt. Thế là bắt đầu nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu, giấy tờ để hôm sau mọi việc thật khớp. Chẳng ngờ thế mà vẫn rối như canh hẹ. Cho nên, sau cái ngày đặc biệt ấy, tớ đã rút ra được vài cái kinh nghiệm cho lần sau .

Chuẩn bị thật kỹ

Tất tần tật những gì liên quan cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Form mẫu phải thật chuẩn chỉ. Vì lúc chấm điểm cứ gọi là cuống nhé. Đến trường nào lại lục tung trường đó lên để điền điểm số của Ban giám khảo. Thế nên hãy sắp xếp vị trí thật khoa học để lúc công bố điểm cứ việc điền vào mà không cần phải tìm.

Giấy bút cũng rất quan trọng. Đến lúc cần tính toán mà không có giấy nháp thì thật phiền ơi là phiền. Lúc ấy ai cũng bận, sẽ chả cầu cứu được ai giúp đỡ cả. Vậy nên hãy tự mình cứu lấy mình.

Tất tần tật những gì liên quan cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng!

Riêng cái khoản điện thoại thì phải dành hẳn vài phút trước sự kiện để tập huấn cho cả tổ trọng tài sử dụng tính năng bấm giờ, chỉnh giờ về cho chuẩn trong cả tổ. Vì mỗi trường có một đại diện tham gia tổ trọng tài nên tổ sẽ chia nhóm, giám sát kiểu vòng tròn, trọng tài của trường này sẽ giám sát trọng tài của trường kia. Vậy là khỏi ai còn thắc mắc.

Tốt nhất liên tục chụp lại biên bản

Nói thật là trong cái không khí sôi sùng sục của cả nghìn sinh viên trong khán phòng, giờ lên sóng sát đến nơi rồi thì ai cũng xoắn, cũng hay quên. Tốt nhất, sau khi tổ trọng tài thống nhất nguyên tắc, bốc thăm chia bảng xong xuôi, ghi biên bản xong là lôi điện thoại ra choẹt một cái. Không có đến lúc bắt đầu, chả biết sau một hồi chỉ đạo điều hành đón khách, xếp chỗ, cái biên bản khi nãy rơi đâu mất, lại chả biết đằng nào mà lần.

Biên bản cần được "chụp choẹt" cẩn thận

Tiếp đến, thi xong vòng 1 chụp, xong vòng 2 lại chụp, cứ như vậy cho đến hết cuộc thi. Thế là yên tâm nhé, kết quả không nhầm lẫn vào đâu được. Vì cái này tớ đã có bài học rồi, kết thúc vòng nào lại mang kết quả lên cho MC thông báo, sau đó bạn MC dúi luôn vào chỗ nào tìm không ra, mất công lại phải ngồi làm lại từ đầu.

Nghiên cứu kịch bản, thuộc đáp án và quyết thật nhanh

Vì là truyền hình tại chỗ nên trọng tài phải nghiên cứu trước kịch bản, để xem lúc nào mình phải làm gì. Tỉ dụ sau bài hát này công bố luật thi, sau vòng thi nọ công bố điểm… Rồi trọng tài phải đọc trước đáp án. Đôi khi trong cuộc thi lại phát sinh một đáp án mà sinh viên sử dụng từ đồng nghĩa với đáp án đúng. Vậy thì tổ trọng tài phải bàn xem có được chấp nhận hay không. Nếu thống nhất chấp nhận thì chấm điểm. Trường hợp các bác trọng tài không thể thống nhất được, thì tổ trưởng sẽ quyết vài phương án an toàn, công bằng và đúng luật chơi nhất là đúng đáp án. Việc này chỉ được quyết và công bố trong vòng dưới 1 phút, nếu không, sân khấu sẽ bị những phút chết làm hỏng cả chương trình truyền hình.

Lúc công bố thì phải tròn vành, rõ chữ, to, rõ ràng, dứt khoát để cả trên sân khấu và khán giả đều nghe rõ, tránh nhầm lẫn mới gây được hiệu ứng cho cuộc thi.

Công bố kết quả thật TO - RÕ RÀNG nào

Và cuối cùng dù thế nào vẫn cần tổ thư ký

Vào lúc cao điểm qua 3 vòng thi, dù tổ trọng tài làm việc cật lực cũng không thể đáp ứng được thời gian vì truyền hình không thể chờ, MC cần có ngay kết quả để công bố trong bối cảnh hàng chục cái trống đang gõ, tiếng reo hò cổ vũ ngập cả khán phòng. Lúc ấy tha hồ rối nhé. Tớ toát cả mồ hôi. May mà Ban tổ chức kịp điều người đến trợ giúp, cộng trừ tính toán một hồi mới ra kết quả.

Cần lắm một tổ thư ký...kề bên

Cho nên, dù thế nào cũng phải có tổ thư ký trọng tài. Chuyên nghiệp như Truyền hình Việt Nam mà cuộc thi nào cũng phải có tổ thư ký, máy móc tối tân trợ giúp nữa là mình, cũng phải phấn đấu lên “pờ rồ” chứ nhỉ.

Đấy là những kỷ niệm rất đáng yêu của tớ khi lần đầu ngồi ghế nóng. Kết thúc đêm thi như mơ ấy, khi các trọng tài bắt tay cảm ơn nhau, tạm biệt và hẹn gặp lại tớ thấy rất vui. Rồi các đội lần lượt đến lĩnh thưởng, ríu rít chào các thầy cô, lúc đó cảm giác ngập tràn hạnh phúc. Lần đầu không tệ và chắc chắn tớ sẽ trở lại, lợi hại hơn trong những lần sau.