[Toạ đàm trực tuyến] Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Toạ đàm “Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Tạp chí Công Thương tổ chức sẽ phát trực tuyến trên nền tảng Tạp chí Công Thương điện tử và Fanpage Tự hào hàng Việt Nam vào 9h30 ngày 20/9/2023.
Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Toạ đàm “Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Tạp chí Công Thương tổ chức sẽ phát trực tuyến vào 9h30 ngày 20/9/2023

Thời gian qua, việc thực hiện các Chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao đời sống người dân. Sản xuất tại một số vùng có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc phát triển hoạt động hỗ trợ thu mua, quảng bá đã góp phần hình thành thị trường cho các sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thông qua các hoạt động “Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào phát triển sản xuất và tiêu thụ cho sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Những giải pháp này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất, đồng thời góp phần quan trọng vào hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, nhiều thương hiệu đặc sản của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hình thành.

Đã có những doanh nghiệp và người dân địa phương khai thác tốt lợi thế sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như bánh tam giác mạch Hà Giang, mận Bắc Hà (Lào Cai), miến dong Na Rì (Bắc Cạn), bún đỏ Đắk Lắk, cà phê chồn Gia Lai, trà shanam Tà Xùa (Sơn La)…  Nhiều đặc sản đã được mở đường đưa vào hệ thống phân phối có uy tín và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc....

Tuy nhiên, với những tiềm năng rất lớn của sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc kết nối phát triển thị trường trong thời gian qua mới chỉ đáp ứng được phần nào.

Do đó, phát triển thị trường cho sản phẩm hàng hoá của khu vực này cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, các ngành và các địa phương, doanh nghiệp để thêm nhiều hơn nữa sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng ở thị trường trong và ngoài nước.

Vấn đề này sẽ được chia sẻ dưới những góc nhìn đa dạng và sâu sắc hơn tại Tọa đàm hôm nay do Tạp chí Công Thương thực hiện. Tọa đàm với chủ đề “Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tham dự Toạ đàm có các vị khách mời:

- Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

- Ông Đào Đức Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng

- Ông Trần Hoàng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội

- Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn

Nội dung Toạ đàm sẽ tập trung chia sẻ về những vấn đề:

(i) Những lợi thế và nhu cầu phát triển thị trường cho sản phẩm hàng hoá của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(ii) Những khó khăn, vướng mắc trong việc kết nối, đưa hàng hoá sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào chuỗi cung ứng

(iii) Giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp tục kết nối đưa hàng hóa là lợi thế của các khu vực này tham gia vào chuỗi cung ứng.

Thông qua những góp ý, chia sẻ của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, Tọa đàm đề xuất giải pháp xây dựng những vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, làm cơ sở cho phát triển thị trường sản phẩm, hàng hóa tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Qua đó khẳng định vị thế các sản phẩm này trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

Streaming: Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt

https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn; Website Tạp chí Công Thương

http://tapchicongthuong.vn; và Kênh Youtube Tạp chí Công Thương

https://www.youtube.com/@tapchicongthuongofficial3584

Huyền My