Toàn cảnh công nghiệp quý I/2020: IIP ngành điện tử giữ mức tăng trưởng tốt

Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều chỉ số của ngành công nghiệp Việt Nam như PMI, IIP đều giảm đáng kể, trong khi tồn kho tăng cao. Ngành điện tử là điểm sáng trong bức tranh 3 tháng đầu năm.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm rưỡi qua. Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 2/2020 - mức giảm ở dưới 50 điểm đầu tiên trong hơn bốn năm qua.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2020 ước tính chỉ tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm khá sâu so với mức tăng 9,2% của 3 tháng đầu 2019. Trong đó, IIP quý I/2020 của công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,2% so với mức tăng 11,1% của Quý I/2019.

Ngoại trừ ngành điện tử có mức tăng trưởng IIP tương đối tốt, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực còn lại như dệt may, da - giày, sản xuất kim loại, sản xuất ô tô, các ngành công nghiệp thực phẩm, giấy, sản xuất đồ gỗ... đều có mức tăng trưởng thấp hơn khá nhiều hoặc thậm chí suy giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I/2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% so với quý I/2019 (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của quý I/2019).

Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 24,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 22,8%; dệt tăng 13,4%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 12,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,5%.

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 0,7%; sản xuất kim loại giảm 1%; sản xuất trang phục giảm 3,2%; sản xuất thiết bị điện giảm 4,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 6,6%; sản xuất đồ uống giảm 12,2%.

Quý I/2020 chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất đồ uống giảm 12,2%
Quý I/2020 chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất đồ uống giảm 12,2% (Ảnh: VNExpress)

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 3 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn khá nhiều so với chỉ số tồn kho cùng thời điểm 2019 (chỉ tăng 15,6% so với 3 tháng đầu 2018).

Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 4,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 9,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 39,4%.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 27,5%; dệt tăng 36,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 47,2%; sản xuất kim loại tăng 48,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 122,5%.

Bộ Công Thương đánh giá, trong quý I/2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cũng như tạo ra khó khăn mới về thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, khi những khó khăn ở giai đoạn đầu của dịch bệnh sẽ có thể không còn gay gắt nữa (khi Trung Quốc cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, các nhà máy sản xuất và cung ứng nhiều loại nguyên vật liệu được vận hành trở lại, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cơ bản trở lại bình thường...) thì khó khăn lớn hơn đã xuất hiện khi phạm vi dịch bệnh đã lan rộng ở quy mô toàn cầu.

Hầu như tất cả các bạn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều chịu tác động trực tiếp.

Do vậy khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ là rất lớn, cùng với đó là những vấn đề về sản xuất và người lao động.

Chỉ số tồn kho xe có động cơ tăng 122,5% trong quý I/2020
Chỉ số tồn kho xe có động cơ tăng 122,5% trong quý I/2020

Bộ Công Thương cho rằng “ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này là phải duy trì hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước qua giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19”.

Tổng thể, Bộ Công Thương đề xuất trong thời gian tới cần quyết liệt triển khai 3 giải pháp cơ bản để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Một là, đẩy mạnh công tác thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước.

Hai là, có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.

Ba là, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó, chủ yếu là thị trường xuất khẩu cho các ngành xuất khẩu chủ lực để giải quyết một phần năng lực sản xuất dư thừa trong nước nhằm duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Thy Thảo