Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

TCCT: Thưa ông, trong bối cảnh phức tạp của năm 2020 thì rõ ràng công tác phòng vệ thương mại (PVTM) đã được đánh giá là một điểm sáng trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Công Thương. Ông có thể điểm qua về bức tranh phòng vệ tại các thị trường quốc tế và trong nước năm vừa qua?

Cục trưởng Lê Triệu Dũng: Công tác PVTM năm 2020 diễn ra trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tạo ra khó khăn nhất định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành sản xuất. Việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết trong các FTA đưa mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt xuống rất thấp, nhiều dòng thuế ở mức 0%. Trong khi đó, tình hình thương mại khu vực và toàn cầu cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, kéo theo xu thế bảo hộ thương mại tại nhiều nước. 

Bối cảnh đó đã tác động trực tiếp tới các hoạt động về PVTM, khi nhiều nước điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, nhiều ngành sản xuất bị thiệt hại bởi hàng hóa nhập khẩu đã có đề nghị khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa nhập khẩu. Xu thế điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ gia tăng. 

Trong bối cảnh đó, công tác PVTM năm 2020 đã được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khía cạnh: hoàn thiện cơ sở pháp lý về PVTM, ban hành, triển khai hàng loạt các chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực PVTM; đẩy mạnh công tác thực thi nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về PVTM cho các doanh nghiệp, người dân, đặc biệt nội dung thông tin về PVTM đã được cụ thể hóa, chi tiết cho từng ngành hàng/ từng nhóm ngành hàng.

Ở thị trường nước ngoài, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005-2010 mới có 21 vụ việc thì con số này trong giai đoạn 2011-2015 là 52 và giai đoạn 2016-tháng 11/2020 là 100, bao gồm 50 vụ việc chống bán phá giá, 15 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh. 

Đặc biệt, một xu thế đang lo ngại là trong thời gian gần đây, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh đối với hàng hóa của Việt Nam cũng tăng lên do các nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu của ta sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ các nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM và không tạo thêm giá trị gia tăng đáng kể tại Việt Nam như thép, nhôm, thậm chí là tôm. 

Riêng trong năm 2020, số lượng vụ việc PVTM với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam gia tăng đột biến và đạt mức kỷ lục là 39 vụ việc so với 16 vụ của năm 2019. Các vụ việc này đã tác động đến lượng kim ngạch xuất khẩu không nhỏ và gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, mặt hàng, kể cả mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ... 

Ở chiều ngược lại, công tác điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu cũng tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần bảo vệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước. 

Đến nay, Bộ Công Thương đã điều tra 22 vụ việc PVTM với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm thanh định hình, ván gỗ, sợi, đường, v.v… Riêng trong năm 2020, ta đã khởi xướng điều tra hoặc áp dụng biện pháp PVTM với 8 vụ việc. 

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

TCCT: Với xu thế PVTM nổi lên mạnh mẽ như vậy, Bộ Công Thương đã triển khai những giải pháp nào để cảnh báo sớm cũng như ứng phó với các vụ việc, đồng thời sử dụng công cụ phòng vệ để bảo vệ sản xuất tại thị trường trong nước?

Cục trưởng Lê Triệu Dũng: Bộ Công Thương đã nỗ lực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đa dạng như: cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; trao đổi, phối hợp trực tiếp với doanh nghiệp để thống nhất phương án ứng phó.

Đồng thời, Bộ cũng trao đổi, tham vấn đưa ra quan điểm của ta về các khía cạnh pháp lý và kinh tế của vụ việc với Cơ quan điều tra của nước ngoài, đề nghị tuân thủ các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và xem xét khởi kiện các biện pháp PVTM của cơ quan điều tra nước ngoài nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO.

Nhờ đó, cho tới nay, Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực với 66 vụ việc, tỷ lệ cao hơn mức bình quân trên thế giới, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế thấp, kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản như tôm, cá tra, góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), v.v… 

Trong nhiều vụ việc, ta cũng thành công trong việc chứng minh các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường, từ đó mức thuế chống bán phá giá được giảm đáng kể. 

Với công tác bảo vệ sản xuất tại thị trường trong nước, các biện pháp PVTM của ta đã góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, ước tính chiếm khoảng 5,12% GDP của Việt Nam, giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất, bảo vệ công ăn việc làm của hơn 150.000 người lao động. 

Hiện nay, Bộ Công Thương đang điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng HFCS và điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Hai vụ việc này sẽ góp phần bảo vệ hoạt động của ngành mía đường Việt Nam nói chung và người nông dân trồng mía nói riêng.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

TCCT: Vậy ông dự báo thế nào về xu hướng PVTM trong năm 2021?Công tác PVTM sẽ cần được triển khai như thế nào và đâu là khuyến nghị mà ông đưa ra cho các doanh nghiệp?

Cục trưởng Lê Triệu Dũng: Năm 2021, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc sớm, tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế thế giới, khiến xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng. 

Bên cạnh đó, việc ta tiếp tục thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của ta có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu, nhưng cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, có thể xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp. 

Trong bối cảnh đó, công tác PVTM năm 2021 cần tập trung vào các định hướng và giải pháp lớn sau: 

Một là, tăng cường các biện pháp PVTM, xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM phù hợp với cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, đặc biệt là các lĩnh vực, ngành hàng dễ bị tổn thương, cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình thực hiện các Hiệp định FTA.

Hai là, đẩy mạnh các hoạt động chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ để bảo vệ uy tín, lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, thể chế cho công tác PVTM, đặc biệt là ban hành và triển khai Đề án nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.

Bốn là, nghiên cứu rà soát và tiếp tục hoàn thiện pháp luật PVTM của Việt Nam đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp.

Năm là, củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các Bộ, ngành trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội. Triển khai cơ chế chia sẻ dữ liệu hải quan và dữ liệu về PVTM kịp thời để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM.

Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức và thực tiễn xử lý PVTM của Việt Nam và thế giới cho cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành hàng thường xuyên bị nước ngoài điều tra PVTM như sắt thép, thủy sản, gỗ, hóa chất, v.v…

Các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động nâng cao năng lực về PVTM, coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu, của mình. Đồng thời cần theo dõi sát các thông tin cảnh báo sớm do Bộ Công Thương cung cấp để có ứng phó kịp thời. 

Với các kết quả và định hướng nêu trên, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin tưởng công tác PVTM năm 2021 sẽ tiếp tục đạt được kết quả nổi bật, góp phần vào thành công chung của nền kinh tế, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.

TCCT: Xin cảm ơn ông!