Toàn ngành Công Thương tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện số 6662/CĐ-BCT về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Mưa lũ gây thiệt hại nhiều nơi tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ
Mưa lũ gây thiệt hại nhiều nơi tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ

Công điện hỏa tốc gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ; các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Than - Khoáng sản Việt Nam, Hóa chất Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam; các chủ đập thủy điện và công trình khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.

Công điện nêu rõ, thực hiện Công điện số 898/CĐ-TTg ngày 28/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ chủ yếu.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố

Khẩn trương rà soát các khu vực bị chia cắt do mưa lũ và các khu vực có nguy cơ bị chia cắt, cô lập do ngập lụt để kịp thời có phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình trong vùng bị chia cắt, cô lập. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.

Tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn đối với công trình thủy điện, thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện thuộc địa bàn quản lý.

Chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn, nhất là thủy điện nhỏ thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Chỉ đạo các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn quản lý, nhất là các cơ sở tại khu vực gần bờ biển hoặc khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải có phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống khẩn cấp do mưa lũ gây ra.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Triển khai phương án ứng phó với tình hình mưa lũ có khả năng diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; bảo đảm an toàn công trình điện lực và an toàn khu vực hạ du các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý.

Tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị tự kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập và lưới điện truyền tải, phân phối đảm bảo cấp điện an toàn cho công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo điện cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, các thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa; công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du phù hợp với diễn biến của mưa lũ.

Theo dõi cập nhật tình hình các hồ thủy điện trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Các Tập đoàn khác trong ngành Công Thương

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tăng cường chỉ đạo các cơ sở khai thác than - khoáng sản thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn chủ động kiểm tra công tác an toàn phòng chống sụt lở đất, ngập lụt tại các mỏ; tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các hồ thải quặng đuôi để kịp thời xử lý các hư hỏng (nếu có).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chỉ đạo các đơn vị thành viên nằm trong khu vực ảnh hưởng của thiên tai đảm bảo an toàn không để xảy ra hư hỏng kho tàng, rò rỉ hóa chất ra môi trường xung quanh.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chỉ đạo kiểm tra các kho xăng dầu, các cửa hàng xăng dầu nằm trong khu vực ảnh hưởng bởi thiên tai đảm bảo an toàn cung cấp xăng dầu cho nhân dân.

Các Tập đoàn trong ngành Công Thương tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc phạm vi quản lý triển khai công tác ứng phó mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý các tình huống do mưa lũ gây ra, nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Các chủ đập thủy điện

Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường, vận hành đảm bảo an toàn công trình.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước… và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết (nếu có).

Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang (cương quyết không để người, vật tư, thiết bị ở khu vực nguy hiểm, có nguy cơ gây mất an toàn), đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cảnh báo, thông tin kịp thời cho người dân khu vực vùng hạ du khi triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp/

Chủ cơ sở khai thác khoáng sản

Tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng các sườn dốc, xung quanh và phía sau các công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc, các mỏ và các bãi thải… để phát hiện nguy cơ dễ gây sạt lở đất, không đảm bảo an toàn để có biện pháp xử lý kịp thời.

Kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng tham gia ứng phó với mưa lớn kéo dài, ngập úng.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 14h ngày 27/9 đến 14h ngày 28/9) tại khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa to, có nơi mưa rất to như: Mường Do 1 167,4 mm, Mường Thải 148,8 mm (Sơn La); Thanh Lương 218 mm, Ban Hàng Đồi 216,4 mm (Hòa Bình); Tả Giàng Phình 145,8 mm, Bảo Hà 1 140,2 mm (Lào Cai); Tà Si Láng 221 mm (Yên Bái); Vĩnh Yên 136,4 mm, Phúc Yên 131 mm (Vĩnh Phúc); Đông Cửu 1 193,2 mm, Xuân Sơn 182,6 mm (Phú Thọ); Yên Lãng 95 mm (Thái Nguyên); Lương Mông 208,2 mm, Phong Cốc 128,2 mm (Quảng Ninh); Yên Cát 168,2 mm, Yên Mỹ 160,6 mm (Thanh Hóa); Khe Bố 116 mm, Cam Lâm 106,4 mm (Nghệ An); ...

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Cảnh báo, trong 06 giờ tới, tại khu vực các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 100mm; khu vực các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.

Thy Thảo