Toan tính của Ả-rập Xê-út trong việc trì hoãn công bố giá bán dầu mới

Ả-rập Xê-út lần đầu tiên trì hoãn công bố giá bán dầu thô tháng tiếp theo có thể cho thấy Ả-rập Xê-út đang sẵn sàng cho một thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác mới.

Động thái lạ

Lần đầu tiên trong lịch sử, Ả-rập Xê-út đã trì hoãn việc công bố giá bán dầu thô cho tháng kế tiếp. Dấu hiệu này cho thấy Ả-rập Xê-út đang chờ đợi thoả thuận cắt giảm sản lượng mới có thể được vạch ra trong tuần này, trước khi tung ra các hành động tiếp theo trong cuộc chiến giá dầu giữa nước này và Nga.

Theo thông lệ, tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Ả-rập Xê-út Saudi Aramco sẽ công bố giá bán dầu thô chính thức (OSP) cho tháng kế tiếp vào ngày 5 tháng trước. Tuy nhiên, Saudi Aramco cho biết giá bán dầu thô tháng 5/2020 sẽ được công bố vào ngày 10/4 tới đây, chậm hơn 5 ngày so với thông lệ. Việc trì hoãn công bố giá OSP tháng 5/2020 cùng lúc với việc Ả-rập Xê-út và Nga trì hoãn cuộc họp bàn thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác sang ngày 9/4 tới đây.

Mức giá OSP của Ả-rập Xê-út vốn được dùng làm giá tham chiếu để các quốc gia khai thác dầu thô lớn trong khu vực như Iran, Kuwait và Iraq xác định giá bán dầu thô. Việc chậm công bố giá OSP của Ả-rập Xê-út sẽ ảnh hưởng đến mức giá bán của khoảng 12 triệu thùng dầu thô/ngày chuyển giao cho thị trường Châu Á trong tháng 5/2020.

Tập đoàn khai thác dầu thô Saudi Aramco
 Việc trì hoãn công bố giá bán dầu tháng 5/2020 của Saudi Aramco có thể cho thấy Ả-rập Xê-út sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác (Ảnh: aa.com.tr)

Vào đầu tháng 3/2020, Ả-rập Xê-út đã chủ động kích hoạt cuộc chiến giá dầu giữa nước này và Nga thông qua việc hạ giá bán dầu thô tháng 4/2020 từ 6 – 8 USD/thùng – mức giảm giá mạnh nhất của nước này trong vòng 20 năm trở lại đây. Điều này ngay lập tức đã gây sốc cho thị trường dầu mỏ và khiến giá dầu thô “bốc hơi” 30% chỉ trong 1 ngày.

Cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga vốn đã kéo dài hơn 1 tháng là giọt nước làm tràn ly trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng dầu thô giảm mạnh kỷ lục; cú sốc kép cung – cầu khiến giá dầu thô sụp đổ từ mức 65 USD/thùng hồi đầu năm xuống còn khoảng 30 USD/thùng như hiện nay.

Kỳ vọng thị trường dầu mỏ sẽ được giải cứu bắt đầu nhen nhóm vào cuối tuần trước khi liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo cho biết đang xem xét thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lên tới 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Việc trì hoãn công bố giá OSP tháng 5/2020 cho thấy nước này cũng đã sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác tháng 5/2020 nếu đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác đạt được.

Toán tính của Ả-rập Xê-út

Khác với những lần cắt giảm trước chỉ có khối OPEC+ đơn phương cắt giảm để bình ổn thị trường dầu mỏ, lần này khối OPEC+ thể hiện rõ mong muốn các quốc gia khai thác dầu thô lớn khác ngoài liên minh như Hoa Kỳ, Canada, Brazil và Na Uy cũng cần tham gia cắt giảm sản lượng khai thác, đặc biệt là Hoa Kỳ - quốc gia có sản lượng khai thác lớn nhất hiện nay.

Ả-rập Xê-út không muốn tiếp tục nhận “trách nhiệm lớn” bình ổn thị trường dầu mỏ bằng việc tự cắt giảm sản lượng khai thác của mình để nâng đỡ giá dầu thô; trong khi các quốc gia ngoài liên minh, không phải cắt giảm sản lượng khai thác mà vẫn được hưởng lợi khi giá dầu thô tăng lên.

Bất chấp sức ép liên tục tăng từ phía Hoa Kỳ trong thời gian qua, Ả-rập Xê-út vẫn chưa có bất kỳ cam kết sẽ “nghe lời” Hoa Kỳ trong việc cắt giảm sản lượng khai thác, ngược lại sản lượng khai thác của nước này đã đạt mức cao kỷ lục 12 triệu thùng/ngày vào đầu tháng 4/2020.

Việc Ả-rập Xê-út trì hoãn cuộc họp với Nga không phải để kéo dài cuộc chiến giá dầu thô mà nhằm có thêm thời gian để thuyết phục được nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia ngoài liên minh OPEC+ cùng tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác mới.

Trong cuộc chiến giá dầu thô lần này, Ả-rập Xê-út đang là bên chịu áp lực lớn nhất nếu theo đuổi cuộc chiến giá dầu lâu dài do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động xuất khẩu dầu so với Nga và Hoa Kỳ.

Xem thêm tại: Đồng tiền mất giá mạnh giúp Nga có lợi thế lớn trong cuộc chiến giá dầu thô.

Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ngành dầu thô đóng góp hơn 40% tổng GDP của Ả-rập Xê-út, gần 70% tổng thu ngân sách và khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Thâm hụt ngân sách của Ả-rập Xê-út đang ở mức cao và nước này cần giữ giá dầu tối thiểu ở mức khoảng 80 USD/thùng, cao hơn rất nhiều so với Nga và Hoa Kỳ để cân bằng ngân sách.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Ả-rập Xê-út hiện vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau khi giá dầu thô sụp đổ cách đây 6 năm. Theo đánh giá của tập đoàn ngân hàng Abu Dhabi Commercial Bank, với mức giá dầu thô Brent tại mức 35 USD/thùng thì mức thâm hụt của Ả-rập Xê-út trong năm 2020 có thể lên tới 15% tổng GDP. Các đối tác mua dầu thô lớn nhất của Ả-rập Xê-út như Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang giảm tốc độ mua dầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Do đó, hơn ai hết vào lúc này, Ả-rập Xê-út cần giá dầu thô tăng trở lại càng sớm càng tốt thông qua việc đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác với Nga. Ả-rập Xê-út muốn buộc Nga và nếu có thể, một số quốc gia khai thác dầu thô ngoài liên minh OPEC+ cùng tham gia bình ổn thị trường.

Có thể thấy trong cuộc chiến giá dầu lần này, Ả-rập Xê-út đang chủ ý kích hoạt cuộc chiến để gây áp lực nhất thời đối với Nga và một số quốc gia nhằm buộc các đối thủ phải thỏa hiệp chứ không phải là định hướng chiến lược lâu dài. Nếu đó đúng là động thái tuyên chiến thì cũng chỉ là tuyên chiến để rồi không phải tiến hành một cuộc chiến thật sự. 

Quang Đặng