Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt mức kỳ vọng

Theo Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADOU) vừa được công bố, các chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên mức 6,5% cho năm 2015,

Trong khi các nền kinh tế đang phát triển của châu Á đều bị hạ mức dự báo tăng trưởng trong báo cáo lần này, thì trường hợp của Việt Nam được các chuyên gia ADB đánh giá là “nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh hơn mong đợi”.

Ba động lực chính cho tăng trưởng kinh tế

Ông Aaron Batten - chuyên gia kinh tế của ADB cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2015 nhờ vào 3 động lực chính: đầu tư nước ngoài, chi tiêu tiêu dùng tăng và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2015, làm tăng sản xuất và xuất khẩu. Mức chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn làm tăng thương mại bán lẻ trong khi đó tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu. Các chính sách tiền tệ, tài khóa đều được hỗ trợ tăng trưởng. Đồng thời, tăng trưởng cũng được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại và nới lỏng hoạt động trên các thị trường chứng khoán và bất động sản.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2010, đạt 6,3%. Theo các chuyên gia ADB, đóng góp gần một nửa vào kết quả tăng trưởng này là nhờ mức tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp đạt 9,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng trưởng khởi sắc gần 10% nhờ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cường sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu, ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại với mức tăng 8,2%... Tăng trưởng của khu vực dịch vụ được giữ nguyên ở mức 5,9% trong 6 tháng đầu năm. Khu vực bán buôn và bán lẻ đều tăng trưởng cao hơn.

Trong lĩnh vực thương mại, báo cáo cho biết, sau nhiều năm có thặng dư đáng kể, cán cân vãng lai năm nay đã chịu áp lực do nhập khẩu tăng mạnh. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm nay ước tăng đến 16,7% trong khi xuất khẩu hàng hóa tăng 9,3%. Nguyên nhân là do cầu nhập khẩu mạnh, đầu tư vốn trong khu vực FDI và tiêu dùng trong nước gia tăng đã tác động mạnh hơn lên cán cân thương mại so với việc giá cả hàng hóa nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của ADB, xuất khẩu vẫn tăng trưởng với tốc độ tích cực, chủ yếu là nhờ khối lượng xuất khẩu hàng hóa chế tạo tăng gần 25%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng điện tử, may mặc, giày dép…

Sau một vài năm gặp nhiều thách thức, khu vực tài chính đã cho thấy các tín hiệu tích cực. Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu chính thức đề ra trong năm 2015. Chính sách của Chính phủ cũng thuận lợi hơn nhờ giá cả hàng hóa thế giới giảm, giúp kiềm chế tốc độ tăng giá, tăng mức thu nhập khả dụng và giảm chi phí hoạt động kinh doanh.

Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc

Các chuyên gia ADB đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng tốc trên cơ sở tiêu dùng cá nhân, sản xuất định hướng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục tăng.

Theo đó, tiêu dùng cá nhân sẽ được cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp tăng lên. Sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn. Dẫn chứng của báo cáo chỉ ra rằng, có tới 70% vốn FDI cam kết mới từ năm 2011 đến nay tập trung vào mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn FDI tăng 8,5 tỷ USD, và giá trị xuất khẩu trung bình tháng của các doanh nghiệp FDI tăng mạnh, từ gần 3 tỷ USD vào đầu năm 2010 lên tới 10 tỷ USD vào tháng 8/2015. Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI cũng cho thấy, sản xuất mở rộng trong 24 tháng liên tiếp tính đến tháng 8/2015. Triển vọng thương mại và đầu tư khả quan hơn nhờ nới lỏng quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và bất động sản của Việt Nam cũng như việc ký kết các Hiệp định thương mại.

ADB dự báo lạm phát sẽ tăng lên trong năm 2016 do cầu trong nước tăng cao, tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền. Đánh giá về ảnh hưởng của dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong thời gian tới, theo ông Aaron Batten, Việt Nam sẽ không bị rủi ro nhiều bởi những biến động của FED, do những động thái của họ sẽ có tác động trực tiếp tới dòng vốn đầu tư gián tiếp ngắn hạn và thị trường tài chính, trong khi thị trường Việt Nam chưa phát triển mạnh ở lĩnh vực này. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm tới các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như thúc đẩy xuất khẩu.

Theo ADB, trong thời gian tới, thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam sẽ thấp hơn so với mức dự báo đầu năm, dự báo giảm xuống 0,5% GDP trong năm nay và giảm xuống 1,0% trong năm 2016. Tuy nhiên, trong trung hạn, các chuyên gia ADB dự báo thặng dự cán cân vãng lai sẽ tăng do nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ đi vào sản xuất và tăng cường xuất khẩu.

Về những thách thức trong thời gian tới, các chuyên gia ADB cho rằng, Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức kinh tế vĩ mô đang gia tăng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam, có thể sẽ dẫn tới triển vọng thương mại ảm đạm hơn, trong khi giá cả hàng hóa sẽ vẫn ở mức thấp sẽ làm giảm kinh ngạch xuất khẩu đối với những mặt hàng mũi nhọn như dầu lửa và nông nghiệp.

Theo ông Sidgwick - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, "để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế”.


Lệ Nhung