Tội phạm có tổ chức và phòng ngừa tội phạm có tổ chức

TS. NGUYỄN VĂN NGHIỆP (Khoa Luật - Trường Đại học Đà Lạt)

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng, sự gia tăng tội phạm ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của xã hội. Trong sự gia tăng của tình hình tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức đang ngày có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Việc đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức và ngăn chặn tình hình tội phạm này là hết sức cần thiết. Trong phạm vi bài viết, tác giả muốn nghiên cứu làm rõ một số vấn đề cơ bản của tình hình tội phạm có tổ chức ở Việt Nam và tình hình tội phạm có tổ chức ở một số nước trên thế giới. Qua đó, làm cơ sở để nghiên cứu và tìm ra một số biện pháp nhằm ngăn chặn, tiến tới giảm và sâu xa hơn là loại bỏ tình hình tội phạm này ở Việt Nam.

Từ khóa: Tội phạm có tổ chức, phòng ngừa tội phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm.

I. Tình hình tội phạm có tổ chức trên thế giới và Việt Nam

1. Khái niệm tội phạm có tổ chức

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 thì tình hình tội phạm có tổ chức diến ra hết sức phức tạp không chỉ ở Nga mà còn cả những nước SNG, vì thế Quốc hội Liên bang Nga đã thông qua Luật Đấu tranh chống tội phạm có tổ chức. Tại Điều 2 Luật này quy định về tội phạm có tổ chức như sau: “tội phạm có tổ chức là hoạt động nguy hiểm cho xã hội, do tổ chức tội phạm (băng, nhóm tội phạm có tổ chức) gây ra vì động cơ mục đích vụ lợi”. Còn tại Điều 36 Bộ luật Hình sự (BLHS) Liên bang Nga quy định: “tội phạm được thừa nhận do cộng đồng tội phạm thực hiện nếu như nó được thực hiện bởi nhóm có tổ chức thống nhất được thành lập để thực hiện những tội phạm nghiêm trọng hoặc những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Khái niệm trên được coi là dấu hiệu hoạt động nguy hiểm và được thực hiện bởi một nhóm “có tổ chức” thống nhất thực hiện là tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, khái niệm chưa đưa ra được số lượng thành viên hay mức độ tổ chức tội phạm. Ở Pháp, đề cập đến tổ chức tội phạm với tên gọi Hiệp hội những kẻ gian và quy định trách nhiệm hình sự của những người tham gia tổ chức đó. Như vậy, việc quy định Hiệp hội những kẻ gian để chỉ tội phạm có tổ chức, mà chưa nói hết được những đặc trưng, cũng như cấu trúc phức tạp của tội phạm có tổ chức. Còn theo quan điểm của các luật gia Mỹ thì “tội phạm có tổ chức là hoạt động phạm tội của các tổ chức chính quy, rất phát triển và hướng mọi nỗ lực để đạt mục tiêu lợi nhuận thông qua những phương tiện bất hợp pháp”. Theo quan điểm ở Mỹ, đồng nhất tội phạm có tổ chức với Mafia hay Lacosa Nostra, những năm gần đây, các nhà tội phạm học ở Mỹ đã xem xét lại khái niệm này đã đưa thêm vào phạm trù tội phạm có tổ chức cả những tội phạm có tổ chức người Ấn Độ, Côlombia, đặc biệt là tội phạm có tổ chức Mỹ - Italia.

Trong pháp luật Cộng hòa liên bang Đức đã phân biệt rất rõ vai trò của người thực hành đối với đồng phạm khác và các hành vi chỉ dẫn, lôi kéo, thúc đẩy người khác phạm tội cũng là đồng phạm, đã xác định: “tội phạm có tổ chức là những băng nhóm phạm pháp, là hoạt động phi pháp của ít nhất từ hai người trở lên hoạt động trong một khoảng thời gian được chuẩn bị theo chương trình với mục đích thu lợi, tăng thêm quyền lực hoặc những hành động ảnh hưởng quan trọng trong toàn bộ nhóm tội phạm với nhau” thường xuất hiện các dấu hiệu: hoạt động kinh doanh; gắn liền với ảnh hưởng chính trị; ngôn luận, hành pháp...

Từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới từ đại hội VI của Đảng (năm 1986) đến nay, tình hình kinh tế, xã hội có những bước phát triển mới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và đang tiến mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm trở lại đây, cùng với sự xuất hiện của thuật ngữ “tội phạm có tổ chức” trên một số phương tiện thông tin đại chúng, sự hoạt động của những băng nhóm tội phạm có tổ chức ở nước ta diễn ra hết sức phức tạp và rất nghiêm trọng, ví dụ như: vụ án Năm Cam, Minh Sâm, Hai Chi, Khánh “Trắng”... đã tác động phần nào đến cách nghĩ của các nhà nghiên cứu pháp luật nói chung và các nhà tội phạm học nói riêng, bởi đó là sự xuất hiện của một hình thức tội phạm mới. Khi chúng ta ban hành BLHS năm 1999, BLHS năm 2015, chúng ta vẫn chưa đề cập đến tội phạm có tổ chức, mà chỉ đến thuật ngữ “phạm tội có tổ chức” một dạng đồng phạm được quy định tại khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015 và xem phạm tội có tổ chức là một hình thức tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015[3].

2. Tình hình tội phạm có tổ chức ở một số nước trên thế giới

Cùng với sự phát triển như vũ bão về kinh tế - xã hội trong những năm qua, tội phạm có tổ chức cũng phát triển với một tỷ lệ tương ứng và nó gây tác hại to lớn cho các quốc gia có tội phạm có tổ chức phát triển mạnh. Sự phát triển nhanh về quy mô, cơ cấu tổ chức, tinh vi xảo quyệt trong việc thực hiện hành vi và cũng có sự xuất hiện của những xu thế mới trong hoạt động của tội phạm có tổ chức cho phù hợp với tình hình xã hội. Các nhóm tội phạm có tổ chức năng động hơn, đa dạng hơn, về phạm vi hoạt động, sử dụng những công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội. Với sự xuất hiện của hàng nghìn tổ chức tội phạm... bên cạnh các tổ chức tội phạm đã xuất hiện từ lâu như: Mafia Italia, Yakuza... thì những tổ chức tội phạm mới được hình thành ngày càng nhiều, như: Jamaica - Anh Yadies; Anbanian Mafia; Israeli Mafia, Mexican Mafia...

Mỹ được coi là quê hương của gangster, nhiều người cho rằng chúng là sản phẩm của văn hóa Mỹ, ngoài ra còn có các tổ chức tội phạm khác đã vượt qua khỏi biên giới quốc gia và có quan hệ với nhiều tội phạm có tổ chức ở các nước khác, đặc biệt là Mafia Italia, Mexico... Tội phạm có tổ chức đã gây ra những hậu quả to lớn cho xã hội Mỹ. Theo FBI (cảnh sát Liên bang Mỹ), ở Mỹ có khoảng 1.800 người, có thu nhập trên 200.000 USD/năm, còn các “cha đỡ đầu” có khoảng 40 người, có thu nhập “khủng” như các nhà triệu phú, khoảng 250.000 người, với tổng thu nhập bằng hoạt động bất hợp pháp lên đến 15 tỷ USD.

Mexico là một quốc gia thuộc Bắc Mỹ, có đường biên giới với Mỹ. Mexico nổi tiếng với những tập đoàn ma túy khổng lồ của thế giới, những đường dây buôn lậu ma túy từ Mexico sang Mỹ với quy mô lớn... Tội phạm có tổ chức ở quốc gia này đã thâm nhập vào hệ thống chính quyền, ngân hàng... tạo thành những trung tâm rửa tiền lớn của thế giới. Các nguồn tiền bất hợp pháp từ buôn lậu ma túy được tập trung vào hệ thống rửa tiền quy mô và rất tinh vi, qua mặt được các cơ quan chức năng.

Colombia nằm ở khu vực Mỹ La Tinh, nơi tập trung các tập đoàn ma túy, nơi sản xuất cung cấp ma túy chủ yếu cho Mỹ. Tội phạm có tổ chức ở đây phát triển từ những băng, nhóm buôn bán nhỏ, sau khi có cơ sở, chúng tiếp tục mở rộng quy mô không chỉ ở Colombia mà còn sang các nước láng giềng, tội phạm có tổ chức được trang bị vũ khí hiện đại, sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt. Với quan tâm của chính phủ Colombia và được sự hậu thuẫn của Mỹ, đã có những chiến dịch truy quét lớn, tuy nhiên việc phòng chống các tập đoàn tội phạm này cũng chưa đạt kết quả như mong đợi.

Italia được xem là quê hương của Mafia, nhưng cũng khó có thể biết chắc chắn nguồn gốc của thuật ngữ Mafia hình thành từ bao giờ. Các nhà nghiên cứu tội phạm học trên thế giới cũng đưa ra nhiều cách nhìn nhận khác nhau về Mafia, tuy nhiên khi nhắc đến thuật ngữ này, chúng ta thường hay nghĩ đến những tội phạm có tổ chức ở mức độ cao và tội ác mà chúng gây ra. Hoạt động của Mafia đã xuất hiện từ lâu và đã gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước này, theo ước tính thì thu nhập của các tập đoàn này lên đến 75 tỷ USD mỗi năm và còn chưa kể đến những tội ác mà chúng gây ra.

Ở một số nước và vùng lãnh thổ châu Á, các băng, nhóm tội phạm có tổ chức ở đây phát triển rầm rộ trong thời gian qua với lịch sử lâu đời như: “Hội tam hoàng”, “Trúc liên bang” (United Bamboo), Tai Huen Chai..., nhất là Hội tam hoàng có lịch sử tồn tại trên 300 năm từ thời nhà Thanh và cho đến nay vẫn tồn tại và phát triển mạnh không chỉ ở châu Á, mà còn lan rộng ra các nước trên thế giới nhất là Mỹ, Canada. Các băng, nhóm này thường hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mại dâm, bảo kê nhà hàng, đâm thuê, chém mướn... ở các vùng lãnh thổ của Trung Quốc, như Hồng Kông có khoảng 50 - 60 băng tội phạm có tổ chức với hàng trăm thành viên, đối với nhóm “14K” thì có trên 3.000 thành viên đã không chỉ gây ra tội ác mà chúng còn có thể gây ảnh hưởng tới chính quyền của vùng này thông qua các cuộc tài trợ bầu cử.

Tại Nga và các nước Đông Âu, sau khi Liên Xô tan rã, tình hình chính trị rối ren là cơ hội cho tội phạm có tổ chức ở các quốc gia này hoạt động mạnh mẽ trong việc buôn lậu hàng hóa, ma túy buôn bán người, tổ chức các đường dây bất hợp pháp... So với Mafia Italia hay Mỹ thì quy mô của tội phạm có tổ chức ở các nước này còn khá khiêm tốn.

3. Tội phạm có tổ chức ở Việt Nam

Trong thời gian qua, cùng với diễn biến của tội phạm có tổ chức trên thế giới thì ở Việt Nam tình hình tội phạm có tổ chức cũng có những diễn biến phức tạp, theo hướng xấu đi. Chính vì vậy, việc tìm hiểu tình hình tội phạm có tổ chức ở nước ta để có biện pháp phòng ngừa thích hợp là rất cần thiết. Ở Việt Nam, tội phạm có tổ chức tuy xuất hiện muộn hơn và quy mô nhỏ hơn, nhưng xu thế phát triển của loại hình tội phạm này cũng đang đặt ra những thách thức, nhất là trong việc dự báo, thống kê, phát hiện loại hình tội phạm này.

Theo TS. Nguyễn Phong Hòa, hoạt động của tội phạm có tổ chức ở Việt Nam xuất hiện từ thời Pháp thuộc và phát triển bùng nổ ở miền Nam Việt Nam vào thời Mỹ Ngụy[5]. Thời kỳ này, các nhóm tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen” mang màu sắc của “Hội tam hoàng”, băng “14K”. Phạm vi hoạt động của các băng, nhóm tội phạm có tổ chức chủ yếu tập trung ở các khu vực có tài sản, nơi tập trung đông quân đội và các căn cứ hậu cần của Mỹ...

Trong những năm sau giải phóng đến 1986, chúng ta thấy rằng, tội phạm có tổ chức tăng nhanh cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng và có xu hướng tăng, thể hiện ở tính chất xuyên Bắc - Nam, xuyên quốc gia. Ở các tỉnh phía Bắc xuất hiện các tổ chức tội phạm như các băng, nhóm cướp ngân hàng, đâm thuê chém mướn. Một số băng, nhóm đã bị phát hiện và xử lý như: Phúc Bồ, Khánh “trắng” ở Hà Nội; băng Dung Hà ở Hải Phòng; băng Năm Cam ở thành phố Hồ Chí Minh, trùm xã hội đen Minh Sâm ở Bắc Ninh mới bị bắt, hay băng nhóm Hai Chi ở Bình Thuận...

Ngoài miền Bắc, cơ quan điều tra đã triệt phá băng nhóm xã hội đen do Minh Sâm cầm đầu. Thủ đoạn hoạt động của băng nhóm này hết sức tinh vi. Theo bản án sơ thẩm, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2012, đến tháng 5/2014, tại xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Ngọc Minh đã tiến hành xây dựng và thành lập chợ Phù Khê Đông (chợ Đồng Bèo) và chợ Phù Khê Thượng, theo dự án được phê duyệt của UBND tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, Minh “sâm” xây dựng và thành lập chợ Tiến Bào.

Sau khi các chợ này đi vào hoạt động, Minh không làm văn bản, tờ trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nội quy, quy chế hoạt động và mức thu phí của chợ, mà Minh tự ý thành lập “Ban quản lý Chợ Đồng Bèo” và tự đề ra qui định nộp các phí “bến bãi”, “công nông”.

Đồng thời, Minh “sâm” phân công cụ thể trách nhiệm từng nhân viên của Ban quản lý chợ, bắt buộc các xe gỗ đi vào khu vực các chợ hoặc đi vào đường Nguyễn Văn Cừ, xã Phù Khê, phải vào Ban Quản lý Chợ Đồng Bèo hạ gỗ, nộp phí theo quy định của Minh.

Vụ án Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (còn gọi là Đại án Phạm Công Danh) là vụ Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịchTập đoàn Thiên Thanh, bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới rút tiền trái phép của Ngân hàng Xây dựng dùng để trả nợ nhận chuyển nhượng VNCB, trả nợ thay cho Tập đoàn Thiên Thanh và trả tiền hoa hồng cho những người huy động vốn, dẫn đến mất khả năng thu hồi, gây thất thoát 9.000 tỷ đồng.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng xảy ra tại VietinBank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam. Đây là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất tại Việt Nam trong lịch sử hiện đại, với 23 bị cáo và 47 luật sư bảo vệ cho bị cáo cũng như nguyên cáo. Nếu xét về số tiền thiệt hại, tuy không bằng Vụ án EPCO - Minh Phụng, nhưng mức độ thiệt hại thực tế thì lại là lớn nhất trừ trước đến nay (nguy cơ mất trắng 3.300 tỷ đồng). Thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2007 đến thời điểm khởi tố (tháng 9/2011). Tổng số tiền các đối tượng đã huy động trong vụ án này lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

So với thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, cơ quan chức năng triệt phá được hai băng đảng tội phạm có tổ chức nguy hiểm do Dương Văn Khánh tức Khánh “trắng” và Nguyễn Thị Phúc (Phúc Bồ). Băng Khánh “trắng” hoạt động từ năm 1991 - 1996 mới bị phát hiện, hoạt động của băng này được núp dưới danh nghĩa nghiệp đoàn bốc xếp, nhưng thực chất là tiến hành các hoạt động bảo kê, đâm thuê, chém mướn... Để che mắt các cơ quan chức năng, Dương Văn Khánh còn tích cực thực hiện các hoạt động từ thiện. Năm 1997, Khánh “trắng” bị lĩnh án tử hình với bốn tội danh.

Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc - Nguyên Trưởng ban chuyên án vụ bắt Khánh “trắng” cho rằng, vụ Khánh “trắng” vẫn là cái mốc quan trọng đánh giá sự tiến hóa nguy hiểm của tội phạm hình sự ở Việt Nam, từ chỗ hoạt động theo kiểu các ổ, nhóm riêng lẻ, bắt đầu liên kết với nhau thành những băng, nhóm tội phạm quy mô lớn, có tổ chức chặt chẽ với các hoạt động bảo kê, móc nối theo kiểu “xã hội đen”, đâm thuê chém mướn và đòi nợ thuê.

II. Một số nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm có tổ chức

1. Mỗi quốc gia dù theo chế độ chính trị nào, thì vai trò của giai cấp thống trị được thể hiện rõ trong đời sống xã hội của quốc gia đó, thông qua các chủ trương, chính sách, thông qua chính đảng của giai cấp mình. Một quốc gia có hệ thống chính trị vững mạnh, có đảng cầm quyền sáng suốt và thái độ đấu tranh phòng ngừa tội phạm có tổ chức thì có lẽ sẽ không có cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của tội phạm có tổ chức. Thực tế cho thấy rằng, sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, tình hình tội phạm có tổ chức ở quốc gia này phát triển nhanh bởi bất ổn định về chính trị, tranh giành quyền lực hay ở các quốc gia Nam Á luôn bất ổn vì các cuộc xung đột vũ trang thì tội phạm có tổ chức trong lĩnh vực buôn bán ma túy, vũ khí ở đấy như “diều gặp gió”, nhưng sự phản ứng của chính quyền còn yếu ớt, dường như là bất lực.

2. Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm có tổ chức trong thời gian qua, việc điều tra và xử lý các nhóm tội phạm có tổ chức còn gặp nhiều khó khăn, đây cũng được coi là nguyên nhân cho sự tồn tại của tội phạm có tổ chức. Một phần do sự lạc hậu về kiến thức kinh nghiệm, trang bị cho các cơ quan thực thi pháp luật, nhất là đối với lực lượng công an. Toàn cầu hóa đã làm cho nhiều loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xuất hiện ở nước ta trong một số lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, viễn thông… mà có liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức, nhưng các cơ quan pháp luật thì còn chậm nắm tình hình. Hoạt động của tội phạm có tổ chức ngày càng phức tạp, tuy nhiên lực lượng phòng ngừa lại chưa được chuyên nghiệp, chưa có lực lượng chuyên trách, sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật còn chưa tốt, thiếu đồng bộ.

3. Hệ thống pháp luật cần thiết cho những yêu cầu của cơ chế quản lý mới chưa được xây dựng kịp thời, thiếu đồng bộ, trong khi đó, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm có tổ chức nói riêng luôn lợi dụng những kẻ hở trong các quy định của pháp luật. Tội phạm có tổ chức ngày càng có nhiều thay đổi để thích ứng, thế nhưng pháp luật nước ta dường như vẫn chưa đổi mới kịp với công tác phong chống tội phạm. BLHS vẫn chưa phân biệt được các khái niệm “tội phạm có tổ chức”, “tổ chức tội phạm”, “phạm tội có tổ chức”. BLHS nhiều lần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, chỉ xem xét các quy định về “phạm tội có tổ chức” như là một hình thức định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

4. Tội phạm có tổ chức từ lúc xuất hiện cho đến nay đã có nhiều biến đổi, phạm vi hoạt động ngày càng rộng mở, tính chất xuyên quốc gia ngày càng rõ rệt. Hiện nay, thế giới đã và đang xuất hiện xu hướng sáp nhập các băng, nhóm, thành lập nhiều tổ chức, hội nhánh hoặc chân rết ở nước ngoài, hình thành các tập đoàn tội phạm xuyên quốc gia, thao túng mọi mặt đời sống trên thế giới. Trong xu hướng đó, các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động ở nước ngoài đangchuyển hướng sang hoạt động tại Việt Nam, kết hợp nhóm tội phạm có tổ chức ở trong nước để hoạt động.

III. Một số biện pháp nhằm ngăn chặn tình hình tội phạm có tổ chức ở Việt Nam

Tình hình tội phạm có tổ chức ở Việt Nam cũng trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Sự phát triển của loại tội phạm này có thể đe dọa đến sự ổn định, phát triển, an ninh của Quốc gia, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn về tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ cho việc đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Tác giả mạnh dạn đưa ra một số giải pháp như sau:

1. Hiến Pháp 2013 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam[1], Đảng luôn coi vấn đề phòng ngừa tình hình tội phạm là vấn đề quan trọng trong hoạt động của các tổ chức Đảng. Vậy, phải xây dựng Đảng thực sự vững mạnh, tăng cường sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, với tư cách là một chủ thể của hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm, Đảng phải luôn chú trọng phòng ngừa tình hình tội phạm một cách có hệ thống, toàn diện, phải thường xuyên kiểm tra hoạt động của các tổ chức Đảng trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Đảng thường xuyên rèn luyện, giáo dục các đảng viên trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, nhằm ngăn chặn những cán bộ, đảng viên thái hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm có tổ chức. Cần có sự chỉ đạo, phối hợp hơn nữa giữa Đảng đối với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để có những giải pháp thích hợp trong việc giáo dục thanh thiếu niên và các đối tượng khác, tham gia vào những hoạt động có ích, nhằm tránh tham gia vào các nhóm tội phạm có tổ chức. Các Nghị quyết của Đảng phải được cụ thể hóa thông qua các chủ trương, chính sách, chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với tội phạm có tổ chức.

2. Hệ thống pháp luật cần được quan tâm đúng mức, tránh kẽ hở cho tội phạm có tổ chức lợi dụng để phát triển. Cơ sở pháp luật cho cuộc đấu tranh với tội phạm có tổ chức cần được hoàn thiện trên tất cả các phương diện pháp lý, nhưng trực tiếp hơn cả là pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.

BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) hay BLHS năm 2015 cũng chỉ mới quy định về “phạm tội có tổ chức”,[2] nhưng quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa tội phạm có tổ chức, vì vậy cần quy định về tội phạm có tổ chức trong BLHS. Sự thành lập những người tham gia băng nhóm tội phạm có tổ chức mà chưa cần có hoạt động phạm tội cụ thể đã đe dọa gây nguy hại cho trật tự, an toàn của cộng đồng, cho nên việc đấu tranh triệt để chống tội phạm có tổ chức cần phải bắt đầu ngay khi tổ chức đó mới được hình thành. Vì thế, BLHS nên có thêm quy định coi những hành vi thành lập, tham gia hoặc hỗ trợ có mục đích thực hiện tội phạm là tội phạm.

3. Trong thời gian vừa qua, hợp tác quốc tế đấu tranh, phòng ngừa tội phạm có tổ chức đã đạt được một số kết quả. Việt Nam chính thức tham gia vào Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) năm 1991, Hiệp hội Cảnh sát các nước (ASEANPOL). Thế nhưng, do quá trình toàn cầu hóa đã dẫn đến sự hoạt động của tội phạm có tổ chức thêm phức tạp và có xu hướng xuyên quốc gia. Vì vậy, cần tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm có tổ chức. Thực tế cho thấy, sự hợp tác chặt chẽ giữa Cảnh sát các nước sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng phát hiện, xử lý thông tin về tội phạm và phối hợp đấu tranh với tội phạm có tổ chức, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia[4].

Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản pháp luật về các vấn đề có liên quan đến hợp tác quốc tế đấu tranh, phòng ngừa tội phạm có tổ chức, một số luật như: luật về dẫn độ tội phạm, luật chống tội phạm rửa tiền, luật về chuyển giao phạm nhân quốc tế… Hiện nay, chúng ta mới kí kết một số Hiệp định về phòng, chống tội phạm có tổ chức với một số nước như: Đức, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hunggari. Vì thế, cần chủ động đàm phán với các nước trong khu vực, cũng như các nước khác để sớm kí kết với họ hiệp định về tương trợ tư pháp và nghị định thư về phòng chống tội phạm có tổ chức.

Cần tăng cường phối hợp hỗ trợ lẫn nhau về điều kiện vật chất và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ để tăng khả năng của ngành Cảnh sát các nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm ở quốc gia mình. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả đấu tranh với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, cần chú trọng hơn nữa đến một số vấn đề khác như trao đổi thông tin, phối hợp qua mạng lưới sĩ quan liên lạc và đào tạo các sĩ quan chuyên về đấu tranh, phòng ngừa tội phạm có tổ chức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm 2013, (2013), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Luật hình sự năm 2015, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, (2004), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Nguyễn Phong Hòa, (2005), “Bàn về khái niệm tội phạm có tổ chức và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”.

ORGANIZED CRIME AND MEASURES TO PREVENT ORGANIZED CRIME

PhD. NGUYEN VAN NGHIEP

Faculty of Law, Da Lat University

ABSTRACT:

In recent years, crime has increased and adversely affected the development of society. In the rise of crime in general, organized crime has risen considerably. As a result, it is essential to fight against the organized crime in particular and prevent the crime in general. Within the scope of the article, the author studies some basic issues of the organized crime in Vietnam and the organized crime in some countries around the world to propose some measures to prevent to come to reduce and eliminate this kind of crime in Vietnam.

Keywords: Organized crime, crime prevention, fight against crime.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.