Tổng Công ty Dầu Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 giảm 52%, đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá

Với giả định giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 ở mức 50.000 tỷ đồng, giảm 52% so với năm 2022.

Trong năm nay, với giả định giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV OIL, mã chứng khoán OIL – sàn: Upcom) đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất là 50.000 tỷ đồng (giảm 52% so với thực hiện năm 2022) và lợi nhuận sau thuế đạt 480 tỷ đồng (giảm 34% so với thực hiện năm 2022).

Tổng Công ty Dầu Việt Nam nhấn mạnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế năm 2023 tiếp tục có nhiều biến động. Trong nước, dự báo tăng trưởng GDP sụt giảm mạnh và lạm phát gia tăng đáng kể so với thực hiện năm 2022. Trong kịch bản lạc quan, dự báo tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt ở mức 6,83%, tỷ lệ lạm phát 3,69%, tăng trưởng xuất khẩu ở mức 8,43%. Đồng thời, nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu trong nước có thể giảm đáng kể khi cả hai nhà máy đều có kế hoạch ngưng vận hành để bảo dưỡng tổng thể định kỳ trong năm. Do đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam đã lên kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng như trên.

Bên cạnh đó, giá dầu thô thế giới sẽ chịu sự chi phối phức tạp từ nhiều yếu tố. Trong đó, nhiều nền kinh tế lớn đối mặt rủi ro suy thoái cao, nhu cầu toàn cầu sụt giảm, lạm phát tiếp tục neo cao, lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; đồng thời, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc sớm. Theo đánh giá của một số tổ chức uy tín trên thế giới giá dầu thô Brent năm 2023 có thể dao động trong khoảng 85 - 100 USD/thùng.

Diễn biến giá cổ phiếu Tổng Công ty Dầu Việt Nam
Diễn biến giá cổ phiếu OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam từ đầu năm 2022 đến nay (Nguồn: FireAnt)

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/4, cổ phiếu OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam tăng 1,11%, đạt 9.100 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất đạt hơn 550.000 cổ phiếu. Tổng Công ty Dầu Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 27/4 tới đây tại trụ sở công ty ở Hà Nội theo hình thức Đại hội trực tuyến.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam cho biết trong năm nay sẽ tập trung thực hiện tái cấu trúc, thúc đẩy công tác quyết toán cổ phần hoá doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai các chương trình PVOIL Easy, PVOIL B2B và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để tạo lợi thế cạnh tranh trên các kênh phân phối; và đẩy mạnh triển khai các hoạt động kinh doanh phi xăng dầu (non-oil) tại các cửa hàng xăng dầu. Trong năm 2023, Tổng Công ty Dầu Việt Nam sẽ xây dựng mới và cải tạo 58 cửa hàng xăng dầu trên cả nước với tổng giá trị 326 tỷ đồng, tăng 180% so với số thực hiện năm 2022.

Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của Tổng Công ty Dầu Việt Nam đạt 104.833 tỷ đồng, hoàn thành 233% kế hoạch và tăng trưởng 80% so với cùng kỳ, thiết lập mức cao lịch sử chủ yếu nhờ sản lượng tiêu thụ tăng cao, giá xăng dầu và giá dầu thô đều cao so với kế hoạch. Doanh thu của Tổng Công ty đến từ hai lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu (chiếm 67%) và kinh doanh dầu thô quốc tế (chiếm 33%).

Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 723 tỷ đồng và công ty mẹ thu về 555 tỷ đồng. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Tổng Công ty Dầu Việt Nam đề xuất trả cổ tức năm 2022 là 2% vốn điều lệ. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của doanh nghiệp là âm 186 tỷ đồng. Do đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam cần tích lũy lợi nhuận để thỏa mãn một trong các điều kiện cổ phiếu OIL được niêm yết trên sàn HOSE, đó là “không có lỗ lũy kế” trên báo cáo tài chính và đảm bảo quyền lợi cổ đông.

Duy Quang