Tổng công ty VEAM đặt mục tiêu lợi nhuận 5,7 nghìn tỷ năm 2023

Ngày 20/6, tại Hà Nội, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận sau thuế công ty mẹ khoảng 5,7 nghìn tỷ đồng. Chi trả cổ tức 2022 tỷ lệ 37,3%.

Doanh thu tài chính và lợi nhuận sau thuế vượt lần lượt 11%, 25%

Năm 2022, trong những tháng đầu năm, công ty mẹ cũng như các công ty có vốn góp của Tổng công ty VEAM gặp nhiều khó khăn trong hoạt động SXKD do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên thị trường những tháng cuối năm đã khởi sắc trở lại nhờ chính sách kích cầu của Chính phủ trong giai đoạn bình thường mới của dịch Covid 19.

So với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua, công ty mẹ đã thực hiện vượt lần lượt 11%, 25% về doanh thu tài chính (5.918 ngàn tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế (5.623,9 ngàn tỷ đồng).

Các hoạt động đầu tư tài chính tiếp tục được Tổng công ty VEAM thực hiện tốt thông qua việc tối ưu dòng tiền (nhằm tối đa hóa lợi nhuận) cũng như quản lý vốn chặt chẽ (thông qua người đại diện vốn) tại các công ty có vốn góp VEAM.

Tình hình tiêu thụ xe tại VM (chỉ tính tiêu thụ xe sản xuất mới) không đạt như kỳ vọng nên doanh thu sản xuất chỉ đạt 91% kế hoạch. Việc tiêu thụ xe Changan và máy kéo ISEKI vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn cùng với các hoạt động kinh doanh vật tư còn hạn chế dẫn đến kết quả kinh doanh thương mại đạt khá thấp so với mục tiêu đề ra.

Tổng công ty VEAM
Ông Phan Phạm Hà - Tổng Giám đốc VEAM phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên VEAM 2023

Một số đơn vị thành viên của Tổng công ty VEAM như VF, DISOCO, FUTU1, FOMECO... cũng đã nhận được thêm nhiều đơn hàng từ các khách hàng cũ và mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Đây là cơ hội lớn để Tổng công ty VEAM mở rộng thị trường cũng như dải sản phẩm của mình, tham gia sâu hơn nữa trong những chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Nhờ đó “Ngoại trừ ô tô, các sản phẩm còn lại đều tăng trưởng từ 13% đến 29% so với năm 2021” Ông Phan Phạm Hà – Tổng Giám đốc VEAM cho biết.

Mảng sản phẩm phụ trợ tiếp tục ổn định và có sự tăng trưởng cao, đặc biệt là phụ tùng xe máy (chiếm tỷ trọng khoảng 40% doanh thu SXCN) tăng 37% so với cùng kỳ và vượt 32% kế hoạch. Phụ tùng máy động lực và phụ tùng ô tô cũng tăng lần lượt 10%, 26% so với năm 2021 và đều vượt mục tiêu kế hoạch đầu năm.

Hoạt động xuất khẩu đóng góp không nhỏ vào doanh thu chung năm 2022 của Tổng công ty VEAM. Tổng kim ngạch xuất khẩu của VEAM năm 2022 đạt 49 triệu USD, tăng 15% so với năm 2021 và vượt 14% kế hoạch năm... Một số đơn vị của VEAM có giá trị xuất khẩu lớn như FOMECO (21,9 triệu USD); SVEAM (8,8 triệu USD); DISOCO (8,3 triệu USD); VF (4,4 triệu USD); FUTU 1 (3,3 triệu USD).

Tuy nhiên so với năm 2021, ngoại trừ các hoạt động sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trở lại, các chỉ tiêu chính thực hiện của công ty mẹ đều sụt giảm từ 5-11% (Doanh thu thương mại, dịch vụ giảm 57% song doanh thu bán hàng tính chung vẫn bằng 89% năm 2021).

Với kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022, dự kiến cổ tức năm 2022 sẽ được chia bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện 37,3% tương đương 3.734 đồng/cổ phiếu sau khi có ý kiến của chủ sở hữu là Bộ Công Thương.

Mục tiêu kế hoạch của Công ty mẹ năm 2023

Năm 2023, cơ bản dịch COVID-19 đã được kiểm soát, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng giúp tạo tiền đề cho nhiều doanh nghiệp mở rộng khách hàng và sản phẩm. Nhiều Công ty có vốn góp của VEAM đã tận dụng cơ hội này để tìm kiếm thêm các đối tác cũng như sản phẩm mới, đặc biệt các đơn vị hoạt động tronh lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang có rất nhiều cơ hội tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Tổng công ty VEAM
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Đại hội đồng VEAM 2023

Tuy nhiên sự tác động của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine khiến lạm phát kéo dài, sự phân mảnh địa chính trị dẫn đến việc lưu chuyển nguồn vốn, di chuyển của người lao động và thanh toán quốc tế giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn, có thể cản trở chuỗi lưu thông toàn cầu. Hơn nữa, tại Tổng công ty VEAM, một số vướng mắc vẫn còn tồn tại của giai đoạn trước vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp liên tục sụt giảm, kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan…

Tổng công ty VEAM
Ngoài các mục tiêu tài chính, VEAM xác định trong năm 2023 tiếp tục tìm giải pháp về pháp lý, thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn kho

Do đó, VEAM đặt kế hoạch kinh doanh 2023 của công ty mẹ khá thận trọng. Năm 2023, VEAM đặt mục tiêu đạt tăng trưởng mạnh về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ khoảng 1.187 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện năm trước đó (trong đó doanh thu sản xuất công nghiệp 1.105 tỷ đồng. Doanh thu thương mại, dịch vụ cũng được xây dựng mục tiêu tăng 61%, gần 82 tỷ đồng). Doanh thu tài chính gần 6.580 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2022 song VEAM xây dựng kế hoạch lợi nhuận sau thuế 5.694 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 1% so với thực hiện năm 2022 do dự kiến trích lập một số khoản dự phòng trong năm 2023 (chưa được thực hiện trong năm 2022 và các năm trước đây).

Đối với các công ty con, công ty liên kết (không bao gồm các công ty liên doanh) chỉ tiêu chung dự kiến với giá trị sản xuất công nghiệp gần 3.528 tỷ đồng; tổng doanh thu bán hàng 4.518 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế gần 242 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Hải VEAM
Ông Nguyễn Khắc Hải - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty VEAM: Sẽ rà soát và điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2023 bám sát với thực tế và đúng với năng lực của từng đơn vị.

Tổng công ty VEAM đang tiếp tục xem xét đánh giá, chỉ đạo các đơn vị 100% vốn VEAM, Người đại diện tại các công ty có vốn góp của VEAM thực hiện rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2023 bám sát với thực tế và đúng với năng lực của từng đơn vị cũng như định hướng của VEAM.

Ngoài các mục tiêu tài chính, VEAM xác định trong năm 2023 tiếp tục tìm giải pháp về pháp lý, thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn kho lâu năm tại Nhà máy ô tô VEAM (VM) cũng như xe Changan và máy kéo ISEKI, đồng thời tìm kiếm đối tác chiến lược và nghiên cứu thị trường để sản xuất các dòng xe tải mới tiêu chuẩn Euro5 và khai thác công nghiệp phụ trợ để tận dụng trang thiết bị nhà xưởng…

Về kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn, trước đó, VEAM đặt mục tiêu đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) từ năm 2018, tuy nhiên đến nay, VEAM chưa công bố phương án niêm yết cổ phiếu cụ thể trong ĐHĐCĐ thường niêm 2023 do chưa đủ điều kiện niêm yết theo quy định.

Về thời gian trả cổ tức, ông Nguyễn Khắc Hải – Chủ tịch HĐQT VEAM cho biết Tổng Công ty luôn thực hiện chi trả cổ tức đầy đủ kịp thời sau theo quy định của pháp luật khi có ý kiến của chủ sở hữu là Bộ Công Thương.

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên VEAM 2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh “VEAM cần tập trung giải quyết các tồn tại vướng mắc chính như thu hồi công nợ, phương án giải quyết hàng tồn kho tại Nhà máy Ô tô VEAM, phương án kinh doanh xe Changan và máy kéo,... Tái cơ cấu lại các đơn vị của VEAM để phù hợp hơn, mang lại hiệu quả hơn. Đồng thời nâng cao đời sống cho người lao động”.

Hưng Nguyên