Tổng kiểm tra các "điểm nóng" hàng lậu, hàng giả trên toàn quốc

Hàng loạt địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc 20 tỉnh, thành phố trên cả nước vừa được Tổng cục quản lý thị trường công khai và lên kế hoạch đấu tranh, xử lý dứt điểm.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa ký Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020, (chi tiết xem tại đây).

Đây có lẽ là cuộc kiểm tra được trông đợi, được dự đoán có quy mô chưa từng thấy. Kế hoạch được triển khai từ tháng 12/2019 đến hết tháng 12/2020.

Theo đó, Tổng cục QLTT đã công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Riêng tại Hà Nội, các địa bàn nổi cộm gồm: chợ Đồng Xuân, các tuyến phố Hàng Bài, phố Huế, Bà Triệu, Tràng Thi, Hàng Khay, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Buồm, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Khoai, Hàng Gai, Hàng Bông, Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm); các chợ, trung tâm thương mại tại Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm); xã Sơn Hà (Phú Xuyên); xã Tam Hiệp (Phúc Thọ); xã La Phù ( Hoài Đức).

Các mặt hàng nằm trong diện đấu tranh, kiểm tra, xử lý là mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các địa bàn nổi cộm theo danh sách trên. 

quản lý thị trường
Tổng Cục QLTT ra quân tổng kiểm tra các "điểm nóng" hàng lậu, hàng giả trên toàn quốc

Mục tiêu cụ thể được Tổng cục QLTT đề ra là đến hết tháng 3/2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm; 100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm... tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn. 

Đến hết tháng 6/2020: 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;  70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.

Đặc biệt,đến hết tháng 12/2020: 90% đến 100%số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm. 

Từ đầu năm 2019 đến nay , lực lượng QLTT đã kiểm tra 141.000 vụ, xử lý trên 82.000 vụ, thu nộp ngân sách 430 tỷ đồng. Riêng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 10 tháng năm 2019, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý trên 6.500 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.

Trong đó, điển hình như vụ quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu tại TP.HCM (khu vực chợ Bến Thành, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Square), TP. Hà Nội (khu vực chợ Ninh Hiệp-Gia Lâm, khu vực huyện Phú Xuyên), TP. Hải Phòng (kho hàng hóa tại quận Hải An); Vụ sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Kiểm tra đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu của Thụy Sỹ tại Đà Nẵng, Khánh Hòa; vụ việc điện thoại di động giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng tại TP. Hà Nội…

Hạ Vũ