Tổng quan kỹ thuật ương ấu trùng cua biển (Scylla) ở các giai đoạn zoea

ĐOÀN XUÂN DIỆP (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Trong sản xuất giống nhân tạo cua biển (Scylla), kỹ thuật ương ấu trùng ở các giai đoạn zoea là rất quan trọng và được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất, nhằm tạo ra nguồn ấu trùng đầu tiên đủ số lượng và chất lượng phục vụ cho các giai đoạn ương, nuôi tiếp theo. Bài viết này tổng quan về kỹ thuật ương ấu trùng cua biển ở các giai đoạn zoea và các khuyến nghị về nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn.

Từ khóa: cua biển, Scylla, ấu trùng, kỹ thuật ương.

1. Đặt vấn đề

Cua biển (Scylla) là đối tượng thủy sản có giá trị như một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng (15 - 25% protein, 1% chất béo, 2 - 3% khoáng chất) và được tiêu thụ cao trên thế giới (Huq et al., 2015). Bốn loài thuộc giống Scylla được nuôi thương mại phổ biến gồm: S. olivacea, S. paramamosain, S. serrata và S. tranquebarica (Trần Ngọc Hải, 2017). Ngày nay, nghề nuôi cua biển ngày càng phát triển dẫn đến việc khai thác quá mức nguồn lợi con giống cua biển ngoài tự nhiên. Từ đó, việc nghiên cứu phát triển kỹ thuật sản xuất nhân tạo giống cua biển được các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất quan tâm, trong đó khâu ương ấu trùng ở các giai đoạn zoea là rất quan trọng, đòi hỏi phải đảm bảo các điều kiện về phương tiện và môi trường ương nuôi, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc, để tạo ra nguồn con giống cua biển với số lượng lớn nhằm cung cấp cho các giai đoạn ương nuôi tiếp theo. Bài viết này tập trung trình bày tổng quan về kỹ thuật ương ấu trùng cua biển ở các giai đoạn zoea (zoea1 - zoea5) và các khuyến nghị nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn.

2. Tổng quan kỹ thuật ương ấu trùng cua biển (Scylla) ở các giai đoạn zoea

2.1. Thiết bị ương

Thiết bị ương ấu trùng cua biển có thể là các loại bể xi măng, sợi thủy tinh, nhựa, composite (Trần Ngọc Hải, 2017). Bể ương thường có thể tích từ 0,5 m3 - 200 m3 (Dat, 1999; Quinitio et al., 2001; Trần Ngọc Hải và Lê Quốc Việt, 2017). Màu sắc bể có ảnh hưởng đến khả năng bắt mồi và tỷ lệ sống của ấu trùng cua biển. Thường các bể có màu tối (nâu hoặc đen) sẽ làm tăng khả năng bắt mồi và tiêu hóa thức ăn của ấu trùng, giúp ấu trùng lột xác đồng đều, thời gian biến thái nhanh và cải thiện tỷ lệ sống của ấu trùng (Rabbani & Zeng, 2005).

2.2. Chuẩn bị nước dùng trong ương ấu trùng cua biển giai đoạn zoea

Chất lượng nước có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả ương ấu trùng cua biển. Nước dùng để ương ấu trùng phải được xử lý đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản (Trần Ngọc Hải 2017). Một số quy trình xử lý nước trước khi cấp vào bể ương ấu trùng thường được áp dụng đó là: nước được xử lý bằng chlorine bột với nồng độ 30 ppm, sục khí liên tục ít nhất 24 giờ, sau đó kiểm tra và trung hòa hàm lượng Clo tự do bằng Thiosulfat natri (Na2S2O3) trước khi bơm vào bể ương qua túi lọc (vải lọc có kích thước lỗ 1 µm) (Mann et al., 1999); nước được xử lý bằng ozon (Baylon & Failaman, 1999) hoặc nước được lọc qua than hoạt tính và xử lý bằng tia UV (Dat, 1999). Nước nên được cấp vào bể ương và sục khí liên tục 1 ngày trước khi thả ương ấu trùng, đồng thời, tảo cũng được cấp vào bể ương ngay sau khi nước được cấp vào bể (Mann et al., 1999).

2.3. Kiểm soát một số yếu tố môi trường quan trọng

Nhiệt độ: từ 25 - 300C là thích hợp để ương ấu trùng cua biển ở các giai đoạn zoea; từ 29 - 300C sẽ rút ngắn thời gian lột xác và biến thái của ấu trùng (Dat, 1999); trên 320C sẽ làm giảm tỷ lệ sống của ấu trùng sau mỗi lần lột xác (Qiao et al., 2010); trên 350C sẽ làm cho ấu trùng zoea chết hoàn toàn, không thể biến thái được sang giai đoạn megalop (Hamasaki, 2003).

- Độ mặn: từ 30 - 35‰ là thích hợp để ương ấu trùng cua Scylla từ giai đoạn zoea1 - zoea4 (Quinitio et al., 2001). Độ mặn 25‰ sẽ hạn chế được các loại nấm gây bệnh trên ấu trùng zoea của loài S. tranquebarica (Davis et al., 2003). Chỉ số biến thái từ zoea5 sang megalop được cải thiện đáng kể khi giảm độ mặn ở giai đoạn zoea5 từ 30‰ xuống 25‰ đối với loài S. paramamosain; từ 25‰ xuống 20‰ đối với loài S. tranquebarica; và từ 30‰ xuống 20‰ đối với loài S. olivacea (Quinitio et al., 2001). Việc giảm độ mặn không cải thiện chỉ được số biến thái từ zoea5 sang megalop ở loài S. serrata (Davis et al., 2003).

- Ánh sáng: ấu trùng cua biển giai đoạn zoea1 - zoea2 có tính hướng quang mạnh nên cần duy trì ánh sáng đầy đủ để ấu trùng không bị lắng xuống đáy bể ương. Khả năng bắt mồi và tiêu hóa thức ăn của ấu trùng zoea tăng khi bể ương được chiếu sáng từ 1000 - 6000 lux. Khi cường độ ánh sáng dưới 1000 lux sẽ làm giảm tỷ lệ sống của ấu trùng (Qiao et al., 2010). Bể ương ấu trùng giai đoạn từ zoea3 - megalop cần được duy trì cường độ ánh sáng từ 1800 - 4000 lux (Mann et al., 1999). Mặc dù nhu cầu ánh sáng của ấu trùng zoea là khá cao nhưng ấu trùng vẫn cần có thời gian che tối. Thời gian bể ương không được chiếu sáng từ 12 - 18 giờ vẫn không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của ấu trùng zoea (Nghia et al., 2001). Nghiên cứu của Hai (1997) cho thấy, chu kỳ chiếu sáng 12 - 24 giờ/ngày và cường độ chiếu sáng từ 4.500 lux - 50.000 lux (dưới mái che trong suốt) cho kết quả biến thái và tỷ lệ sống của ấu trùng là cao nhất. Khi che tối hoàn toàn 24 giờ trong suốt thời gian ương thì ấu trùng zoea1 không chuyển được sang zoea2 và chết hoàn toàn sau 7 ngày. Phương pháp sử dụng mái che bằng tole tối hoàn toàn, đồng thời dùng ánh ánh sáng đèn pha trên mỗi bể ương cũng được áp dụng. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ làm tăng chi phí sản xuất.

2.4. Chuẩn bị ấu trùng để thả ương và mật độ ương

Ấu trùng mới nở khỏe mạnh, hướng quang tốt (di chuyển hướng lên mặt nước) được dùng để thả ương. Trước khi bố trí vào bể ương, ấu trùng được tắm qua formol (nồng độ 200 µL/L) hoặc nước biển sạch để loại bỏ các loại mầm bệnh bám trên ấu trùng (Mann et al., 1999).

Mật độ thả ương tùy thuộc vào phương pháp ương được chọn lựa. (i) Phương pháp ương một giai đoạn (từ zoea1 - cua1) thì mật độ thả ương khoảng 100 - 150 cá thể zoea1/L; (ii) Phương pháp ương hai giai đoạn: Giai đoạn đầu (từ zoea1 - zoea5) với mật độ thả ương từ 200 - 3000 cá thể zoea1/L, và Giai đoạn 2 (từ zoea5 - cua1) với mật độ thả ương từ 80 - 90 cá thể zoea5/L; (iii) Phương pháp ưng ba giai đoạn: Giai đoạn đầu (zoea1 - zoea4) với mật độ thả ương từ 200 - 300 cá thể zoea1/L, Giai đoạn 2 (zoea4 - megalop) với mật độ 100 -150 cá thể zoea4/L, và Giai đoạn 3 (megalop - cua1) với mật độ thả ương từ 25 - 50 cá thể megalop/L (Trần Ngọc Hải, 2017).

2.5. Thức ăn và giàu hóa thức ăn

Thức ăn là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với ấu trùng cua biển giai đoạn zoea, có ảnh hưởng quyết định đến tỷ lệ sống của ấu trùng trong quá trình ương. Thức ăn có thể được cung cấp ngay sau khi zoea1 được bố trí vào bể ương, vì enzym protease trong ấu trùng có khả năng tiêu hóa tốt thức ăn khi ấu trùng mới nở (Li et al., 1999). Ấu trùng zoea1 bắt thức ăn tảo thụ động khi chúng bơi lội trong cột nước. Các giống tảo Tetraselmis, Skeletonema, Chlorella, Nannochloropsis, Chaetoceros Isochrysis thường được thêm vào bể trong suốt thời gian ương với mật độ từ 5x104 - 5x105 tế bào/mL (Quinitio et al., 2001). Tuy nhiên, nếu thức ăn chỉ đơn thuần là tảo mà không kết hợp với phiêu sinh động vật thì ấu trùng zoea1 không thể lột xác chuyển sang zoea2. Thức ăn dùng cho ấu trùng zoea1 có hiệu quả cao là luân trùng được làm giàu hóa bằng tảo. Hai loài tảo Nannochloropsis oculataIsochrysis galbana rất giàu HUFA nên thường được sử dụng để giàu hóa luân trùng (Brachionus sp) làm thức ăn cho ấu trùng cua biển ở giai đoạn zoea1 - zoea2) (mật độ cho ăn 10 - 20 con/mL nước ương) (Davis et al., 2004). Để ấu trùng zoea5 biến thái tốt sang megalop thì thức ăn là Artemia bung dù hoặc Artemia ở giai đoạn Intar II được giàu hóa HUFA phải được cung cấp cho ấu trùng từ giai đoạn zoea3, với mật độ cho ăn 0,5 - 10 con/mL (Mann et al., 1999), và mật độ cho ăn có thể lên đến 20 con/mL (Nghia et al., 2001). Tỷ lệ sống của ấu trùng zoea được cải thiện tốt khi sử dụng thức ăn kết hợp giữa luân trùng và Artemia được làm giàu hóa trong suốt thời gian ương ở mô hình ương nước xanh (Hassan et al., 2011).  

Các loại thức ăn tươi sống khác cũng đã được sử dụng trong ương ấu trùng cua biển. Ấu trùng nhuyễn thể ở giai đoạn veliger (kích thước 50 - 55 µm) là thức ăn tốt cho giai đoạn zoea1 của loài S. tranquebarica (Maheswarudu et al., 2007). Các loài phiêu sinh động vật có giá trị dinh dưỡng cao hơn luân trùng và Artemia (như Acartia tsuensis Pseudodiaptomus sp) cũng được sử dụng làm thức ăn cho ấu trùng cua biển (Toledo et al., 1998). Tuy nhiên, luân trùng và Artemia là hai loại thức ăn tươi sống được sử dụng phổ biến trong ương ấu trùng cua biển, vì chúng dễ dàng được làm giàu hóa để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho đối tượng ương (Trần Ngọc Hải, 1997).

Các kỹ thuật làm giàu hóa thức ăn tươi sống bằng acid béo thiết yếu (HUFA) được chiết xuất từ tảo và nấm men đã giúp cải thiện tỷ lệ sống của ấu trùng cua biển (Davis et al., 2004). Tỷ lệ sống của ấu trùng cua S. serrata được cải thiện đáng kể khi được cho ăn bởi thức ăn là luân trùng được làm giàu hóa để gia tăng tổng hàm lượng acid béo Σ(n-3) HUFA từ 3 - 5 mg/g đến 7,6 - 8 mg/g (Suprayudi et al., 2002).

Tuy nhiên, liều lượng HUFA dùng để làm giàu hóa thức ăn tươi sống cho ấu trùng cua biển cũng tùy thuộc vào loài và giai đoạn ấu trùng được ương. Để cải thiện chỉ số biến thái từ zoea5 qua megalop thì giai đoạn zoea1 - zoea2 cần cho ấu trùng Scylla sp. ăn luân trùng có hàm lượng n-3 HUFA là 0,8% (với 0,33% EPA và 0,13% DHA). Các giai đoạn tiếp theo ấu trùng cần được cho ăn Artemia có hàm lượng EPA từ 1 - 2,3% và n-3 HUFA từ 1,1 - 2,4% (Qiao et al., 2010). Việc sử dụng thức ăn hoàn toàn bằng Artemia bung dù cho ấu trùng cua giai đoạn zoea1 - zoea2, thức ăn Artemia mới nở cho ấu trùng cua từ giai đoạn zoea3 và thức ăn Artemia được làm giàu hóa cho ấu trùng cua từ giai đoạn zoea5 - megalop, kết hợp bổ sung thức ăn nhân tạo cho ấu trùng cua từ giai đoạn zoea3 là biện pháp đơn giản và mang lại hiệu quả cao được áp dụng ở hầu hết các trại sản xuất giống cua biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trần Ngọc Hải và Lê Quốc Việt, 2017).

Ở các giai đoạn zoea, ấu trùng cua biển có khả năng sử dụng tốt thức ăn công nghiệp dành cho ấu trùng tôm (như: Pripark 150). Kích cỡ hạt thức ăn công nghiệp tùy thuộc vào từng giai đoạn của ấu trùng. Ấu trùng zoea1, zoea3, zoea5 và megalop thích hợp với thức ăn có kích thước <150, 150 - 250, 250 - 400 và 400 - 600 µm (tương ứng) (Genodepa et al., 2004). Tuy nhiên, thức ăn công nghiệp không phải là thức ăn thay thế cho thức ăn tươi sống mà chỉ là thức ăn bổ sung trong quá trình ương ấu trùng cua biển (Quinitio et al., 2001).

2.6. Chế độ thay nước, cấp nước và loại bỏ chất thải

Với quy trình ương nước trong hở, nước được thay từ 50% - 85% thể tích nước bể ương/ngày hoặc thông qua hệ thống tuần hoàn (Nghia et al., 2001). Trong mô hình nước xanh, sau 3 ngày nuôi nước sạch được cấp thêm vào bể ương từ 10 - 20% cho giai đoạn zoea2 - zoea3, từ 40 - 50% cho giai đoạn zoea4 - megalop (Mann et al., 1999; Quinitio et al., 2001). Phương pháp thay nước bằng hình thức chảy tràn từ zoea4 - megalop cũng đã được áp dụng. Bể ương ấu trùng cua S. serrata được cấp nước xanh khoảng 20- 25% thể tích bể ở giai đoạn zoea1, sau đó nước biển được cấp đầy bể ở giai đoạn zoea2 - zoea3 (Hamasaki et al., 2002). Các chất thải từ ấu trùng, xác ấu trùng chết và thức ăn thừa được loại bỏ hàng ngày bằng cách siphon đáy (Quinitio et al., 2001) hoặc lắp màng lọc sinh học vào bể trong thời gian ương (Williams et al., 1999).

4. Kết luận và khuyến nghị

Cua biển được coi là đối tượng nuôi tiềm năng đối với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (Trần Ngọc Hải, 2017). Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất nhân tạo giống cua biển để phục vụ cho nghề nuôi, trong đó kỹ thuật ương ấu trùng cua biển ở các giai đoạn zoea là đặc biệt quan trọng và đã được các nhà chuyên môn quan tâm nghiên cứu về các điều kiện phương tiện nuôi, môi trường nước, thức ăn, mật độ và chế độ chăm sóc,… Tuy nhiên, tỷ lệ sống của ấu trùng ương từ zoea1 - zoea5 còn thấp, đạt cao nhất 43,7 ±3,22% trong quy trình ương sử dụng ozon được báo cáo bởi Nguyễn Việt Bắc (2021). Vấn đề này dẫn đến sự hạn chế nguồn ấu trùng zoea5 để cung cấp cho nhu cầu ương, nuôi ở các giai đoạn tiếp theo và làm tăng giá thành con giống cua biển. Các nghiên cứu nhằm tạo nguồn thức ăn phù hợp với tập tính bắt mồi, đáp ứng nhu cầu về các thành phần dinh dưỡng thiết yếu của ấu trùng; chiến lược cho ăn; sử dụng chế phẩm sinh học trong cải thiện chất lượng nước ương; nghiên cứu các chất chiết xuất từ ​​vi khuẩn, từ probiotic và các chất thay thế khác cho thuốc kháng sinh sử dụng trong các trại sản xuất giống cua biển cần được tiếp tục quan tâm, nhằm tối ưu hóa yếu tố kỹ thuật trong sản xuất nhân tạo giống cua biển, đặc biệt là nâng cao chất lượng và tỷ lệ sống trong quá trình ương ấu trùng ở các giai đoạn zoea.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Baylon, J. C. and Failaman, A. N. (1999). Larval rearing of mud crab Scylla serrata in the Philippines. In: Keenan, C.P. and Blackshaw, A.W (Editors), 1999. Mud crab Aquaculture and Biology. ACIAR proceedings No. 78. Watson Ferguson and Company, Brisbane, Australia: 141-146.
  2. Dat, H. D. (1999). Preliminary studies on rearing of the larvae of the mud crab (Scylla paramamosain) in South Vietnam. In: Keenan, C.P. and Blackshaw, A.W (Editors), Mud crab Aquaculture and Biology. ACIAR proceedings No. 78. Watson Ferguson and Company, Brisbane, Australia: 147-152.
  3. Davis, J. A., Churchill, G. J., Hecht, T. and Sorgeloos, P. (2004). Spawning characteristics of the South African Mud crab Scylla serrata (Forskål) in Captivity. Journal of the World Aquaculture Society, 35, 121 - 133.
  4. Davis, J. A., Van Blerk, L. L., Kirby, R. and Hecht, T. (2003). Genetic variation of the mud crab Scylla serrata (Forskål, 1775) (Crustacea: Portunidae) in South African estuaries. African Zoology, 38, 343-350.
  5. Hai, T. N., 1997., Studies on some aspects of reproduction of mud crab (Scylla serrata). Master of Science Thesis, University Putra Malaysia. 182p.
  6. Hamasaki, K. (2003). Effects of temperature on the egg incubation period, survival and development period of the larvae of the mud crab Scylla serrata (Forsskål) (Brachyura: Portunidae) reared in the laboratory. Aquaculture, 219, 561-572.
  7. Hamasaki, K., Suprayudi, M. K. and Takeuchi, T. (2002). Mass mortality during metamorphosis to megalops in the seed production of mudcrab Scylla serrata (Crustacea, Decapoda, Portunidae). Fisheries Science, 68(6), 122-1231.
  8. Hassan. A., Hai, T. N., Anil, C. and Sukumaran, M. (2011). Preliminary Study on the Feeding Regime of Laboratory Reared Mud Crab Larva, Scylla serrata (Forsskal, 1775). World Applied Sciences Journal, 14(11), 1651-1654.
  9. Huq, K. A., Rahaman, S. B. and Hasanuzzaman, A. F. M. (2015). Mud Crab Culture as an Adaptive Measure for the Climatically Stressed Coastal Fisher - Folks of Bangladesh. In Environmental Management and Governance (pp. 175-198). Springer International Publishing.
  10. Li, S., Zeng, C., Tang, H., Li, F., Wang, G., Cheng, Y. and Lin, Q. (1999). Investigations into the reproductive and larval culture biology of the mud crab, Scylla paramamosain: a research overview. In: Keenan, C.P. and Blackshaw, A.W (Editors), 1999. Mud crab Aquaculture and Biology. ACIAR proceedings No. 78. Watson Ferguson and Company, Brisbane, Australia: 121 -124.
  11. Maheswarudu, G., Josileen, J., Nair, K. R. M., Arputharaj, M. R., Ramakrishnan, A., Vairamani, A., Mohan, S. and Palinichamy, S. (2007). Larval rearing of mud crab, Scylla tranquebarica (Fabricius, 1798) and feeding requirements of its Zoea1. Journal of the Marine Biological Association of India, 49, 41-46.
  12. Mann, D., Asakawa, T. and Pizzutto, M. (1999). Development of a hatchery system for larvae of the mud crab Scylla serrata at the Bribie Island Aquaculture Research Center. In: Keenan, C.P. and A.W. Blackshaw (Editors), 1999. Mud crab Aquaculture and Biology. ACIAR proceedings No. 78. Watson Ferguson and Company, Brisbane, Australia: 153-158.
  13. Nghia, T. T., Wille, M. and Sorgeloos, P. (2001). Overview of larval rearing techniques for mud crab (Scylla paramamosain) with special attention to the nutritional aspects in the Mekong Delta, Vietnam. Page 13 in Book of Abstracts: 2001 Workshop on Mud Crab Rearing, Ecology and Fisheries. Institute for Marine Aquaculture, Can Tho University, Vietnam, 8th - 10th January 2001.
  14. Nguyễn Việt Bắc (2021). Nghiên cứu sử dụng ozon trong sản xuất giống cua biển (scylla paramamosain estampador, 1949). Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Cần Thơ, 143 trang.
  15. Qiao, Z., Wang, J., Yu, Z. and Ma, L. (2010). The novel hatchery facilities based on main effect factors of seedling rearing of mud crab (Scylla spp.) in China. Journal of Life Science, 4, 36-42.
  16. Quinitio, E. T., Parado-Estepa, F. D., Millamena, O. M., Rodríguez, E. and Borlongan, E. (2001). Seed production of mud crab Scylla serrata juveniles. Asian Fisheries Science, 14, 161-174.
  17. Rabbani, A. G. and Zeng, C. (2005). Effects of tank colour on larval survival and development of mud crab Scylla serrata (Forskål). Aquaculture Research, 36, 1112-1119.
  18. Toledo, J. D., Quinitio, E. T. and Pedajas, S. A. (1998). Feeding performance of early mud crab Scylla serrata larvae reared on mixed zooplankton. Page 61 in Extended Abstracts: International forum on the culture of portunid crabs, Boracay, The Philippines, 1-4 December 1998.
  19. Trần Ngọc Hải (2017). Nguyên lý và kỹ thuật nuôi cua biển. Hà Nội: Nhà xuất bản Nông nghiệp.
  20. Trần Ngọc Hải và Lê Quốc Việt (2017). Đánh giá khả năng thay thế Artemia bằng thức ăn nhân tạo trong ương ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain). Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 49(B), 122-127.
  21. Williams, G. R., Wood, J., Dallison, B., Shelley, C. C. and Kuo, C.M., 1999. Mud crab (Scylla serrata) megalope larvae exhibit high survival rates on Artemia based diets. In: Keenan, C.P. and A.W. Blackshaw (Editors), 1999. Mud crab Aquaculture and Biology. ACIAR proceedings No. 78. Watson Ferguson and Company, Brisbane, Australia: 131-140.

 

AN OVERVIEW ABOUT THE REARING TECHNIQUES AT ZOEA STAGES OF MUD CRAB (SCYLLA) LARVAE

DOAN XUAN DIEP

Van Lang University

ABSTRACT:

In the artificial hatchery of mud crab (Scylla), larval rearing techniques at zoea stages are very important and are of interest to researchers and producers in order to create the first, sufficient and high-quality source of larvae for the next rearing stages. This paper provides an overview of the rearing techniques at zoea stages of mud crab larvae. The paper also makes some recommendations for practical application and further researches on this topic.

Keywords: mud crab, Scylla, larva, rearing technique.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 20, tháng 8 năm 2021]