Tổng quan nghiên cứu về ảnh hưởng của công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với rủi ro doanh nghiệp

Đề tài Tổng quan nghiên cứu về ảnh hưởng của công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với rủi ro doanh nghiệp do Nguyễn Thị Quỳnh Nga* - Trịnh Thị Vân Anh - Đào Hồng Hạnh - Trần Thị Tuyết Nhung (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) thực hiện.

TÓM TẮT:

Các vấn đề về công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và rủi ro doanh nghiệp đã được nghiên cứu và thảo luận rộng rãi nhưng 2 vấn đề này ít khi được nghiên cứu cùng với nhau. Bài báo nghiên cứu mối quan hệ giữa 2 vấn đề này, từ đó, đưa ra khuyến nghị hướng nghiên cứu tương lai.

Từ khóa: trách nhiệm xã hội, công bố thông tin, rủi ro doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (tiếng Anh: Corporate social responsibility, viết tắt: CSR) ngày càng được các nhà đầu tư, khách hàng, cơ quan quản lý và các bên liên quan quan tâm. Cùng với các thông tin liên quan đến quản trị hoạt động kinh doanh và tài chính doanh nghiệp thì những thông tin về các hoạt động hướng đến xã hội, môi trường cũng trở thành những vấn đề đòi hỏi các doanh nghiệp phải minh bạch và công khai để đánh giá hiệu quả và CSR trong hoạt động của mình. Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về vấn đề này, thực hiện báo cáo về CSR đã trở thành một xu hướng công bố thông tin của các doanh nghiệp đang được khuyến khích thực hiện trên toàn thế giới.

Việc công bố thông tin CSR của các doanh nghiệp đang ở mức độ như thế nào và mối quan hệ của việc công bố thông tin CSR với rủi ro của các doanh nghiệp là thế nào có rất ít nghiên cứu đề cập tới vấn đề này. Chính vì những lý do trên, việc nghiên cứu ảnh hưởng của công bố thông tin CSR của doanh nghiệp đối với rủi ro doanh nghiệp là thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

2. Trách nhiệm xã hội và lợi ích đối với doanh nghiệp

Trên thế giới, đối với các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, CSR không còn là vấn đề xa lạ. Các doanh nghiệp nếu thực hiện tốt CSR của mình sẽ đạt được một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những bộ Quy tắc ứng xử. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, những người tiêu dùng, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu ngày càng quan tâm nhiều hơn tới ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với quyền của người lao động, môi trường và phúc lợi cộng đồng. Những doanh nghiệp không thực hiện CSR có thể sẽ không còn cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế. Thực tế trên thế giới chỉ ra rằng, doanh nghiệp nào thực hiện tốt CSR thì lợi ích của họ không những không giảm mà còn tăng thêm. Những lợi ích mà doanh nghiệp thu được khi thực hiện CSR bao gồm:

Thứ nhất, thực hiện CSR góp phần giảm chi phí và tăng năng suất. Một doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất nhờ đầu tư, lắp đặt các thiết bị mới. Chi phí sản xuất và năng suất lao động phụ thuộc chặt chẽ vào hệ thống quản lý nhân sự. Một hệ thống quản lý nhân sự hiệu quả cũng giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và tăng năng suất lao động đáng kể. Chế độ lương, thưởng hợp lý, môi trường lao động sạch sẽ và an toàn, các cơ hội đào tạo, chế độ bảo hiểm y tế và giáo dục đều góp phần giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc, bỏ việc, do đó giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.

Thứ hai, thực hiện CSR góp phần tăng doanh thu. Mỗi doanh nghiệp đều đứng trên địa bàn nhất định. Do đó, việc đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương có thể tạo ra một nguồn lao động tốt hơn, nguồn cung ứng rẻ và đáng tin cậy hơn, nhờ đó làm tăng doanh thu.

Thứ ba, thực hiện CSR góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của công ty. CSR có thể giúp doanh nghiệp tăng giá trị thương hiệu và uy tín. Đến lượt nó, uy tín giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, hấp dẫn các đối tác, nhà đầu tư và người lao động.

Thứ tư, thực hiện CSR góp phần thu hút nguồn lao động giỏi. Nguồn lao động giỏi, có năng lực là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Có một thực tế là, ở các nước đang phát triển, nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao không nhiều. Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp là làm thế nào thu hút, giữ chân họ và phát huy hết khả năng của họ trong hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc thu hút và giữ được nhân viên có chuyên môn tốt là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, những doanh nghiệp trả lương thỏa đáng và công bằng, tạo cho nhân viên cơ hội đào tạo, có chế độ bảo hiểm y tế và môi trường làm việc sạch sẽ có khả năng thu hút và giữ được nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Thứ năm, CSR mang lại cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích trong thời buổi hội nhập hiện nay. Đầu tiên là việc doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận những thành tựu mới nhất trong khoa học công nghệ và ứng dụng những thành tựu đó vào doanh nghiệp của mình giúp nâng cao năng suất. Bên cạnh đó là việc các doanh nghiệp có cơ hội mang sản phẩm của mình đến nhiều nơi trên thế giới. Hơn thế nữa, khi các doanh nghiệp phát triển, đồng nghĩa với việc kinh tế phát triển và đời sống nhân dân được cải thiện.

Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt ra thách thức, rủi ro đối với các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ phía đối tác, khách hàng nước ngoài về CSR. Bởi vì, các đối tác nước ngoài rất coi trọng CSR. Do đó, khi lựa chọn đối tác làm ăn, nhất là các đối tác ở các nước đang phát triển, nơi mà hệ thống pháp luật bảo vệ người lao động, người tiêu dùng… còn nhiều lỗ hổng; các quyền cơ bản của người lao động còn bị xâm phạm; thì CSR là bắt buộc. Cụ thể, nếu doanh nghiệp không đưa ra được các bằng chứng hay các chứng chỉ, chứng nhận chứng minh việc thực hiện tốt trách nhiệm của họ đối với người lao động, môi trường…, thì các đối tác nước ngoài sẽ không làm ăn với doanh nghiệp. Qua đó, ta thấy được tầm quan trọng của CSR trong việc giúp làm giảm các rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải.

3. Trách nhiệm xã hội và rủi ro doanh nghiệp

Gần đây, giới nghiên cứu và doanh nghiệp cùng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến thông tin phi tài chính, đặc biệt là thông tin về CSR. Các doanh nghiệp đã nhận ra xu hướng này và tích hợp các chương trình CSR vào hoạt động kinh doanh của mình, cùng với việc công bố báo cáo hàng năm về các hoạt động xã hội của doanh nghiệp. Việc công bố thông tin này được xem là một cách hiệu quả để giúp giảm rủi ro (Klein và Dawar, 2004). Rủi ro tổng thể mà doanh nghiệp đối mặt, vốn là hậu quả của các yếu tố bên trong và bên ngoài, ảnh hưởng đến lợi nhuận (Jo và Na, 2012). Trong môi trường kinh doanh toàn cầu khó đoán định và tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, mọi doanh nghiệp đều quan tâm đến việc làm thế nào để có thể giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. Do đó, nếu công bố thông tin CSR được xem là có ích, nó có thể trở thành một phần quan trọng trong chiến lược quản trị rủi ro của doanh nghiệp.

Hàng loạt thảm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 càng làm nổi bật tầm quan trọng của các hoạt động CSR. Điều này là do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Khi thực hiện và công bố thông tin CSR, doanh nghiệp có thể cải thiện khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài. Các bên liên quan bao như chính phủ, người sử dụng thông tin báo cáo tài chính, khách hàng, nhân viên và nhà cung cấp cũng nêu lên sự mong đợi của họ đối với các chương trình CSR của doanh nghiệp (Burlea-Schiopoiu và Mihai, 2019). Để đáp ứng những kỳ vọng này, các doanh nghiệp được khuyến khích cung cấp thông tin chi tiết hơn về hoạt động CSR của họ.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp quan ngại khi tăng đầu tư vào CSR vì điều này có thể dẫn đến tình hình tài chính của họ tồi tệ hơn khi chuyển hướng nguồn lực khỏi hoạt động kinh doanh cốt lõi (McGuire và Cộng sự, 1988). Dựa trên nghiên cứu trước đó (Nguyễn và Nguyễn, 2015), các nhà đầu tư có thể gán mức độ rủi ro cao hơn cho các công ty có chỉ số CSR cao hơn. Điều này có thể dẫn đến chi phí vốn cao hơn hoặc xếp hạng tín dụng thấp hơn cho các công ty đó. Ngoài ra, các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy rằng các công ty tập trung vào CSR định hướng tới quá nhiều bên liên quan khác nhau có thể dễ bị ảnh hưởng hơn trước các cú sốc kinh tế. Nói cách khác, việc tập trung vào các bên liên quan có thể làm tăng mức rủi ro của doanh nghiệp. Ngoài ra, các hoạt động CSR có thể làm giảm tài nguyên của doanh nghiệp, làm giảm tính cạnh tranh và tăng độ nhạy cảm với các cú sốc bên ngoài (Barnea và Rubin, 2010).

Lý thuyết nguồn lực (Barney, 1996) cho rằng đầu tư vào CSR có thể dẫn đến việc lãng phí các nguồn lực quan trọng của công ty, vốn có thể được sử dụng cho các mục đích khác, chẳng hạn như phát triển các dòng sản phẩm mới hoặc nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển. Ví dụ, quan tâm quá mức đến các vấn đề môi trường có thể làm tăng chi phí và khiến doanh nghiệp gặp bất lợi trong cạnh tranh. Ngoài ra, giả thuyết “đầu tư một cách quá mức” cho rằng các quản lý cố ý đầu tư quá mức vào các hoạt động CSR với chi phí của các cổ đông bên ngoài nhằm nâng cao danh tiếng của họ với tư cách là nhà quản lý có trách nhiệm. Việc đầu tư quá mức này có thể làm giảm giá trị của doanh nghiệp và tăng rủi ro thông qua ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của nó. Hiệu ứng đầu tư quá mức cũng ngụ ý rằng việc công bố thông tin CSR có thể có tác động thuận chiều đến rủi ro của doanh nghiệp. Nghiên cứu trước đây (Nguyễn và Nguyễn, 2015) ủng hộ quan điểm của lý thuyết nguồn lực rằng công bố thông tin CSR làm tăng rủi ro.

Mặt khác, việc triển khai chiến lược CSR được tin rằng có thể cải thiện danh tiếng của công ty, tăng giá trị của nó và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn. Các doanh nghiệp có lợi ích rất lớn từ việc công bố thông tin CSR, đặc biệt là khi nó tập trung vào lợi ích của các bên liên quan. Trong thực tế, việc công bố thông tin CSR mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Khi các doanh nghiệp thực hiện và công bố thông tin CSR, họ có thể bảo vệ lợi ích của các bên liên quan và bản thân cũng được hưởng lợi từ chi phí tài chính thấp hơn khi tham gia các hoạt động có CSR (Reverte, 2011). Một nghiên cứu khác (Boutin-Dufresne và Savaria, 2004) cho thấy khi một công ty thực hiện nhiều hoạt động CSR hơn, nó trở nên ít rủi ro hơn.

Lý thuyết bên liên quan (Burlea-Schiopoiu và Mihai, 2019) cho rằng công bố thông tin CSR hướng đến lợi ích của các bên liên quan. Các doanh nghiệp không quan tâm đến lợi ích của các bên liên quan có nhiều khả năng phải đối mặt với chi phí cao hơn trong tương lai (McGuire và cộng sự, 1988). Ngược lại, các công ty ưu tiên CSR có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách giảm thiểu tác động của các sự kiện bất lợi. Hơn nữa, các doanh nghiệp công bố thông tin CSR sẽ trở nên minh bạch hơn, điều này có thể giảm thông tin bất cân xứng giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư, giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Các nhà quản lý có đạo đức tận dụng CSR để cải thiện tính minh bạch thông tin, chiến lược và cuối cùng là giảm rủi ro tổng thể của doanh nghiệp (Jizi và Cộng sự, 2016; Boubaker và Cộng sự, 2020).

Mặt khác, (Benlemlih và cộng sự, 2016) cho rằng công bố thông tin CSR có mối liên hệ ngược chiều với rủi ro doanh nghiệp. Mặc dù công bố thông tin về môi trường và xã hội không ảnh hưởng đến rủi ro hệ thống của một doanh nghiệp, chúng có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến rủi ro tổng thể và rủi ro không hệ thống của doanh nghiệp. Cùng quan điểm trên, (Lee và Faff, 2009) chỉ ra rằng công bố thông tin CSR có mối quan hệ ngược chiều với rủi ro không hệ thống và thuận chiều với rủi ro hệ thống. Hơn nữa, danh tiếng của doanh nghiệp có thể gián tiếp khiến tác động ngược chiều của công bố thông tin CSR đối với rủi ro doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn. Do đó, công bố thông tin CSR có thể được coi là một khoản đầu tư hợp lý cho danh tiếng của một doanh nghiệp. Danh tiếng ảnh hưởng đến hành vi các bên liên quan, tạo ra một nhận thức tích cực về công ty từ phía các bên liên quan. Nhận thức của nhân viên về hoạt động của doanh nghiệp làm tăng tính bền vững và ổn định của doanh nghiệp trong dài hạn. Do đó, công bố thông tin CSR có thể giúp giảm rủi ro của một doanh nghiệp thông qua khả năng xây dựng danh tiếng của nó.

Một nghiên cứu khác (Rehman và cộng sự, 2020) hỗ trợ lập luận này bằng cách chỉ ra tác động ngược chiều của công bố thông tin CSR đối với rủi ro doanh nghiệp có thể do lòng trung thành của khách hàng. Điều này là do khách hàng có xu hướng thể hiện sự ủng hộ đối với các doanh nghiệp có đạo đức trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động CSR ít chịu tác động hơn của suy thoái kinh tế vì họ có nhiều bên liên quan hỗ trợ hơn (Albuquerque và Cộng sự, 2019).

4. Đánh giá và nhận định

Qua xem xét tổng quan tình hình nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy:

Đầu tiên, tồn tại một sự thiếu rõ ràng trong khung lý thuyết đối với mối liên hệ giữa công bố thông tin CSR và rủi ro doanh nghiệp. Các nghiên cứu trước đó chủ yếu tập trung vào mối liên hệ này ở các nước phát triển, chẳng hạn như Mỹ, Anh và châu Âu với những kết quả không nhất quán, cần có thêm các nghiên cứu nhằm đánh giá lại mối quan hệ này ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Thứ hai, mặc dù CSR nhận được sự chú ý ở các nước đang phát triển trong giai đoạn gần đây, thực tiễn và cách thức tổ chức ở mỗi quốc gia là khác nhau, khiến cho các kết luận được rút ra từ nghiên cứu thực hiện ở nước này có thể không áp dụng được cho các quốc gia khác.

Thứ ba, CSR đã trở thành một cầu nối quan trọng giữa kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu về ảnh hưởng của công bố thông tin CSR đối với rủi ro doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Albuquerque R., Koskinen Y., Zhang C. (2019). Corporate Social Responsibility and Firm Risk: Theory and Empirical Evidence. Management Science, 65, 4451-4469.
  2. Barnea A., Rubin A. (2010). Corporate Social Responsibility as a Conflict between Shareholders. Journal of Business Ethics, 97, 71-86.
  3. Barney J.B. (1996). Resource-Based Theory of the Firm. Organization Science, 7, 469.
  4. Benlemlih M., Shaukat A., Qiu Y., Trojanowski G. (2016). Environmental and Social Disclosures and Firm Risk. Journal of Business Ethics, 152, 613-626.
  5. Boubaker S., Cellier A., Manita R., Saeed A. (2020). Does corporate social responsibility reduce financial distress risk? Economic Modelling, 91, 835-851.
  6. Boutin-Dufresne F., Savaria P. (2004). Corporate Social Responsibility and Financial Risk. Journal of Investing Spring, 13, 57-66.
  7. Burlea-Schiopoiu A., Mihai L.S. (2019). An Integrated Framework on the Sustainability of SMEs. Sustainability, 11(21), 6026.
  8. Jizi M.I., Salama A.,; Dixon, R.; Stratling, R. (2014). Corporate governance and corporate social responsibility disclosure: Evidence from the US banking sector. Journal of Business Ethics, 125, 601-615.
  9. Klein J., Dawar N. (2004). Corporate social responsibility and consumers’ attributions and brand evaluations in a product-harm crisis. International Journal of Research in Marketing, 21, 203–217.
  10. Lee D.D., Faff R.W. (2009). Corporate Sustainability Performance and Idiosyncratic Risk: A Global Perspective. Financial Review, 44, 213-237.
  11. Liu, M.; Lu, W. (2021). Corporate social responsibility, firm performance, and firm risk: The role of firm reputation. Asia-Pacific Journal of Accounting and Economics, 28, 525-545.
  12. McGuire J.B., Sundgren A., Schneeweis T. (1988). Corporate social responsibility and firm financial performance. Academy of Management Journal, 31, 854-872.
  13. Nguyen P., Nguyen A. (2015). The effect of corporate social responsibility on firm risk. Social Responsibility Journal, 11, 324-339.
  14. Rehman Z., Khan A., Rahman A. (2020). Corporate social responsibility’s influence on firm risk and firm performance: The mediating role of firm reputation. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 27, 2991-3005.
  15. Reverte, C. (2011). The Impact of Better Corporate Social Responsibility Disclosure on the Cost of Equity Capital. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 19, 253–272.
  16. Jo, Na (2012). Does CSR Reduce Firm Risk? Evidence from Controversial Industry Sectors. Journal of Business Ethics, 110(4). DOI:10.1007/s10551-012-1492-2.

A literature review about the impact of corporate social responsibility disclosure on firm risk

NGUYEN THI QUYNH NGA

 TRINH THI VAN ANH 
DAO HONG HANH

TRAN THI TUYET NHUNG

Vietnam Maritime University

ABSTRACT:

The issues of corporate social responsibilities disclosure and firm risk has been extensively researched and discussed, but these two issues are rarely studied together. This literature review explores the relationship between these two issues. Based on the literature review’s findings, some recommendations are made for future studies.

Keywords: social responsibility, information disclosure, corporate risk.  

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023]