TÓM TẮT:

Quyết định số 1269/QĐ- BTC ngày 22/4/2004 phê duyệt kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính đến năm 2010, Kho bạc Nhà nước được giao là đơn vị chủ trì xây dựng và triển khai dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin Kho bạc Nhà nước, mà nội dung cụ thể là: Xây dựng hệ thống thông tin xử lý tập trung và tích hợp đầy đủ với hệ thống thông tin của đề án cải cách tài chính công, phục vụ quản lý tự động các loại quỹ quốc gia, thực hiện kế toán Chính phủ, quản lý chi, cung cấp các dịch vụ trực tuyến, thực hiện thanh toán trực tiếp cho các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ.

Từ khóa: Hệ thống thông tin, quản lý, Ngân sách nhà nước, kho bạc.

I. Tổng quan về hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS)

TABMIS là hệ thống thông tin quản lý ngân sách - kho bạc tích hợp, hệ thống kế toán máy tính, thực hiện ghi chép, xử lý và quản lý dữ liệu tập trung, có khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thực hiện ngân sách ở các cấp, các bộ, ngành và các đơn vị sử dụng ngân sách, phục vụ công tác quản lý, điều hành ngân sách của các cơ quan quản lý, cơ quan tài chính các cấp. TABMIS tạo thành một quy trình liên kết chặt chẽ trong việc nhập dữ liệu, xử lý thông tin và quản lý thông tin giữa các cơ quan theo phân công trong hệ thống, giúp các cơ quan, đơn vị tham gia hệ thống thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về quản lý, điều hành, kế toán, báo cáo và quyết toán ngân sách. Toàn bộ dữ liệu về thu chi ngân sách trong hệ thống TABMIS được các cơ quan khác nhau đưa vào một đầu mối duy nhất, nhưng lại được chia sẻ chung theo vai trò của mỗi cơ quan. Chức năng cụ thể của hệ thống này như sau:

Thứ nhất, hạch toán, theo dõi và quản lý toàn bộ dữ liệu phân bổ dự toán, thu, chi ngân sách các cấp chi tiết theo mục lục ngân sách, địa bàn, đơn vị và tính chất các khoản thu chi, trên cơ sở hướng dần tới kế toán dồn tích. Từ các số liệu được hạch toán và lưu giữ trong hệ thống, các cơ quan tham gia hệ thống có thể kết xuất các báo cáo, thông tin về ngân sách theo các mẫu biểu có sẵn trong hệ thống TABMIS.

Thứ hai, hệ thống TABMIS được tổ chức dưới hình thức một hệ thống thông tin tích hợp, có kết nối, giao diện với các chương trình ứng dụng khác, như quản lý nợ, cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung của ngành Tài chính, hệ thống quản lý thu thuế... Với các khả năng này, TABMIS có khả năng tích hợp giữa tất cả các cơ quan tài chính - Kho bạc Nhà nước - cơ quan thu - các bộ ngành Trung ương.

Thứ ba, TABMIS được xây dựng với giải pháp công nghệ: hệ thống thông tin tập trung, thông suốt từ Trung ương đến quận huyện, cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc, thông qua hạ tầng truyền thông ngành Tài chính từ Trung ương đến quận huyện, sử dụng phần mềm ứng dụng chuẩn ORACLE đã được chỉnh sửa để đáp ứng một số yêu cầu quản lý đặc thù của Việt Nam.

Trong tương lai, khi triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án TABMIS, hệ thống sẽ được hướng tới mở rộng kết nối đến các bộ, ngành chủ quản và hướng tới đến các đơn vị sử dụng ngân sách thành quy trình thực hiện ngân sách khép kín, hiện đại, đồng thời phát triển các giao diện với các chương trình ứng dụng khác, như: Hệ thống quản lý nhân sự và tiền lương, Hệ thống lập ngân sách… nhằm tạo nên hệ thống thông tin quản lý tài chính tích hợp.

Dự án TABMIS được thực hiện hướng tới mục tiêu chung là: hiện đại hóa công tác quản lý tài chính ngân sách nhà nước, từ khâu lập dự toán, thực hiện ngân sách, báo cáo ngân sách và tăng cường trách nhiệm giải trình ngân sách; chuẩn hóa các quy trình ngân sách và kho bạc, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện đổi mới phương thức cung cấp thông tin về ngân sách và kho bạc một cách kịp thời, chính xác, nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công; hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng ngân sách; đảm bảo an ninh tài chính trong quá trình phát triển và hội nhập quốc gia. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 212/2009/TT-BTC ngày 6/11/2009 về việc hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và nghiệp vụ kho bạc (TABMIS), nay đã được thay thế bởi Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Theo đó, hệ thống kế toán áp dụng cho TABMIS có 12 phân đoạn với 43 ký tự: mã quỹ, mã tài khoản kế toán, mã nội dung kinh tế, mã cấp ngân sách, mã đơn vị có quan hệ với ngân sách, mã địa bàn hành chính, mã chương và cấp quản lý, mã ngành kinh tế, mã chương trình mục tiêu, mã Kho bạc Nhà nước (KBNN), mã nguồn chi ngân sách nhà nước (NSNN) và một phân đoạn dự phòng.

II. Thực tiễn triển khai TABMIS tại các đơn vị

1. Quá trình triển khai TABMIS tại các đơn vị

Thứ nhất, để đánh giá sự đáp ứng của hệ thống trong vận hành thực tế, Bộ Tài chính đã quyết định cho triển khai thí điểm hệ thống TABMIS tại các cơ quan tài chính và KBNN ở 03 địa bàn: Thành phố Hải Phòng, tỉnh Hà Nam, cơ quan Bộ Tài chính và KBNN. Đến nay, tại các địa bàn thí điểm, cơ quan tài chính và KBNN từ tỉnh đến huyện đã làm chủ được vai trò, công việc của mình và sử dụng hệ thống cho các công việc thường xuyên hàng ngày một cách tương đối thành thạo, đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Thứ hai, trong năm 2009, hệ thống TABMIS triển khai đến các cơ quan tài chính và KBNN tại 6 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên (đợt 1 - tháng 10/2009) và Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (đợt 2 - tháng 11/2009).

Thứ ba, từ năm 2010 đến hết tháng 9/2012, Bộ Tài chính cùng nhà thầu đã thực hiện triển khai diện rộng 13 đợt, hoàn thành việc triển khai và toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã vận hành hệ thống TABMIS. Việc triển khai diện rộng được thực hiện theo phương án cuốn chiếu cùng với việc đào tạo người sử dụng cuối của các tỉnh cho từng đợt triển khai.

2. Những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng TABMIS tại các đơn vị

2.1. Thuận lợi

Thứ nhất, trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhiều dự án hiện đại hóa ngành, đặc biệt là về công nghệ thông tin, đồng thời đang tiến hành nhiều cải cách, nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính công, KBNN cũng đã triển khai nhiều dự án hiện đại hóa, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của KBNN, do vậy cán bộ, công chức của ngành Tài chính nói chung và hệ thống KBNN nói riêng đã được đào tạo nâng cao năng lực về quản lý và tin học, đồng thời có được nhận thức tốt về công tác hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

Thứ hai, dự án rơi vào thời điểm Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiến hành công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa ngành nên rất phù hợp với xu hướng chung. Bộ Tài chính được sự hỗ trợ rất tích cực từ ngân hàng thế giới có nhiều kinh nghiệm triển khai ở các nước khác nhau với thể chế chính trị, tổ chức hành chính khác nhau nhất là các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.

Thứ ba, sự hợp tác với các chuyên gia trên thế giới đã đưa ra nhiều khuyến nghị rất hữu ích cho quá trình triển khai một hệ thống thông tin tài chính, ngân sách phù hợp với điều kiện nước ta; đồng thời, cũng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế trong quản lý tài chính công.

2.2. Khó khăn

Một là, về yếu tố con người, đòi hỏi cần phải thay đổi lề lối, thói quen làm việc vốn đã ăn sâu vào ý thức của đội ngũ cán bộ tại các đơn vị. Việc thay đổi quy trình nghiệp vụ sẽ tác động tới cơ cấu nguồn lực. Để khắc phục, cần phải tiến hành đào tạo chuyển đổi nhận thức và kỹ năng phù hợp cho các đối tượng khác nhau: cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản trị hệ thống, cán bộ kế toán, nghiệp vụ, cán bộ khai thác hệ thống, đồng thời có kế hoạch đào tạo chuyển đổi cho phù hợp với việc vận hành hệ thống TABMIS.

Hai là, về quy trình nghiệp vụ, tổ chức và thể chế: Trước khi thực hiện TABMIS, đang tồn tại nhiều hệ thống kế toán khác nhau trong việc ghi chép, phản ánh tình hình thu - chi đòi hỏi chuẩn mực kế toán phải có tính cải cách, tiến tới tương đối phù hợp với chuẩn mực kế toán công quốc tế; Việc triển khai TABMIS đòi hỏi phải có một bộ phận kế toán đủ mạnh để thực hiện kế toán thống nhất toàn Chính phủ; Trên 600 tài khoản của KBNN tại các ngân hàng phải luôn có số dư dương, làm phân tán quỹ tiền tệ do KBNN nắm giữ; Quy trình giám sát chi hiện hành chủ yếu dựa trên nền tảng giám sát thủ công và trên chứng từ giấy; TABMIS đòi hỏi đơn vị sử dụng ngân sách phải khai báo với kho bạc những khoản dự chi chắc chắn, điều này là rất khó đối với các đơn vị sử dụng NSNN hiện nay.

Ba là, về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin: Hạ tầng truyền thông hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu của hệ thống TABMIS , khó khăn trong việc bố trí địa điểm đặt trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dự phòng thảm họa cho hệ thống TABMIS.

2.3. Cơ hội và thách thức khi áp dụng TABMIS tại các đơn vị

Dự án TABMIS là một bước đi cụ thể nhằm thực hiện Chương trình hiện đại hóa ngành Tài chính và cải cách tài chính công, nhắm tới mục tiêu quan trọng nhất là hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước, tăng cường trách nhiệm ngân sách, nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công, đảm bảo an ninh tài chính và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế trong quá trình phát triển của Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý ngân sách nhà nước, cải thiện tính minh bạch của nền tài chính công.

Cơ hội về mặt công nghệ: TABMIS sẽ khắc phục những nhược điểm của các hệ thống thông tin hiện tại của Bộ Tài chính để trở thành công cụ đắc lực cho việc điều hành và quản lý ngân sách nhà nước, là cơ hội để toàn ngành tài chính hiện đại hóa một cách tổng thể đồng bộ công tác quản lý ngân sách.

Cơ hội cải thiện chất lượng thông tin tài chính: TABMIS được thiết kế, xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất, là nguồn cung cấp thông tin tài chính đảm bảo tính duy nhất với độ chính xác cao, là nguồn thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc triển khai và vận hành hệ thống TABMIS sẽ làm tăng khả năng tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tăng khả năng hội nhập trong lĩnh vực tài chính công, tạo sự tin tưởng đối với các tổ chức quốc tế trong việc xem xét, đánh giá tín nhiệm đối với Việt Nam.

Lợi ích đối với cơ quan tài chính: TABMIS quản lý dự toán ở tất cả các cấp ngân sách, hỗ trợ việc phân bổ dự toán ngân sách, cập nhật dự toán, giải ngân các khoản dự trữ ngân sách và lập dự toán cho các năm ngân sách tiếp theo; cơ quan tài chính thực hiện khai thác báo cáo thu chi ngân sách trực tiếp trên hệ thống, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý ngân sách nhà nước.

Lợi ích đối với hệ thống KBNN: TABMIS thực hiện kế toán trên một cấu trúc mã tài khoản duy nhất, kế toán đầy đủ, chính xác, kịp thời các nghiệp vụ phát sinh, hỗ trợ lập báo cáo thu, chi, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị theo nhiều tiêu thức, đảm bảo sự đồng bộ về dữ liệu thu, chi ngân sách giữa KBNN và các cơ quan tài chính, thuế, hải quan; cung cấp thông tin nhanh, chính xác về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, đảm bảo khả năng thanh toán tại mọi thời điểm.

III. Kết luận:

Việc triển khai thành công dự án TABMIS sẽ tạo được bước đột phá trong ngành Tài chính. Đối với các bộ, ngành chủ quản và đơn vị sử dụng NSNN: TABMIS hỗ trợ việc phân bổ NSNN, tiến tới thống nhất kế toán nhà nước, nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn lực tài chính nhà nước và thống nhất số liệu giữa cơ quan tài chính, KBNN với các bộ, ngành và đơn vị sử dụng NSNN. Bài viết đã hệ thống hóa những vấn đề chung về hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, từ đó phân tích những điểm thuận lợi cũng như khó khăn khi áp dụng TABMIS tại các đơn vị, đồng thời nhìn nhận những cơ hội cho các đơn vị khi áp dụngTABMIS.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc.

2. Công văn số 388/KBNN-KTNN V/v hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc.

3. Quyết định số 161/QĐ-KBNN, ngày 19/02/2013 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước về việc ban hành một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS.

OVERVIEW OF THE TREASURY AND BUDGET

MANAGEMENT INFORMATION SYSTEM (TABMIS)

Ma. TANG THI BICH QUYEN

Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

According to the Decision No.1269/QD-BTC dated April 22, 2004 on approving the plan of implementing information technology into financial sector of Vietam until 2010, the Vietanm state treasury is assigned to manage the development and implementation of the master plan of modernizing its information system. The main point of this master plan is to develope a centralized processing information system which could be fully integrated into the information system of the public finance reform project. This processing information system is also developed to automatic manage national funds, conduct accounting activities for the government, provide online services and make online payment for suppliers of goods and services.

Key words: Information system, management, the State budget, treasury.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây